Hội thảo “tự do hiệp hội-công đoàn”: Tín hiệu mới cho công đoàn độc lập

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam – một cơ quan từ quá nhiều năm qua bị xem là cấp trung gian với “nguồn thu nhập” từ việc cắt xén 2% trên tổng quỹ lương của doanh nghiệp, nhưng lại không giải quyết cho bất cứ cuộc đình công nào của công nhân, đã trở nên một hiện tượng xói mòn quyền tự do của người lao động.
Đỗ Thị Minh Hạnh đọc văn bản tuyên cáo công khai của Phong trào Lao Động Việt tại buổi họp mặt của các tổ chức xã hội dân sự độc lập hôm 5/8/2014

Đỗ Thị Minh Hạnh đọc văn bản tuyên cáo công khai của Phong trào Lao Động Việt tại buổi họp mặt của các tổ chức xã hội dân sự độc lập hôm 5/8/2014

Viết Lê Quân
Ijavn | 31/8/2014

Cuối tháng 8/2014, tức chỉ ít ngày sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Manuel Barroso, một sự kiện có vẻ khá “bất ngờ” là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo “Việc làm, quan hệ lao động và hoạt động công đoàn khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA)” tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ấn tượng lớn nhất của cuộc hội thảo trên là sự đề cập “Hai hiệp định này có nhiều nội dung mang tính phi thương mại như quyền của người lao động, các tổ chức xã hội dân sự, tiêu chuẩn lao động, tự do hiệp hội-công đoàn…., đặt ra yêu cầu các nước tham gia phải thực thi các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc theo tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế”.

Trong một lần hiếm hoi từ những năm 2007, sau khi Việt Nam tái quan hệ với Hoa Kỳ và được chấp nhận vào Tổ chức thương mại thế giới, chủ đề “tự do hiệp hội – công đoàn” mới được nêu ra.

Chỉ có điều, cuộc hội thảo trên khó có thể được xem là bất ngờ, đơn giản là do quy trình tổ chức những hội thảo quy mô như thế ở Việt Nam phải được chuẩn bị ít nhất 7 – 10 ngày.

Có nghĩa là trước chuyến đi của ông Baroso, phía Việt Nam đã bắt được vài “tín hiệu” và cực chẳng đã phải tổ chức hội thảo để “hòa nhập quốc tế”.

“Làm vì”

Tuy cách dùng từ ngữ, theo quan niệm của phía Việt Nam hoặc cũng có thể do dịch thuật, không được “chuẩn” lắm so với những khái niệm của phía châu Âu, nhưng không thể nói khác hơn là vấn đề tự do hiệp hội và tư do công đoàn chính là “tự do lập hội” và “công đoàn độc lập” đối với Việt Nam, trong đó tự do lập hội được ghi nhận ngay trong hiến pháp của quốc gia này từ năm 1992 nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy bóng dáng của bất kỳ dự luật nào triển khai hiến pháp.

Còn vào thời điểm này, cuộc hội thảo do Tổng liên đoàn lao động VN không phải từ trên trời rơi xuống. Cũng không phải ngẫu nhiên mà tại hội thảo này, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết vấn đề tự do hiệp hội – công đoàn cũng là những hiệp định đòi hỏi các quốc gia khi tham gia phải có những điều chỉnh lớn về chính sách, pháp luật lao động-công đoàn.
Một lần nữa tính từ năm 2007, “cửa” cho xã hội dân sự lại hé mở. Những định chế về “tự do nghiệp đoàn” lại một lần nữa được đưa ra hội thảo.

Thế nhưng câu hỏi mang tính thách đố là nếu trước đây hoạt động hội thảo chỉ được các cơ quan đảng và chính quyền chỉ đạo thực hiện để “làm vì” mà rốt cuộc chẳng sinh đẻ ra bất cứ giải pháp nào triển khai, thì thời gian tới liệu có chứng nghiệm một ráng khả quan nào cho xã hội dân sự và nghiệp đoàn lao động độc lập?

Xu thế không đảo ngược

Vào cuối quý 2/2014, một trong những tù nhân chính trị khởi xướng phong trào công đoàn độc lập ở Việt Nam là Đỗ Thị Minh Hạnh đột ngột nhận lệnh trả tự do trước thời hạn thụ án. Cũng vào thời điểm này, vấn đề công đoàn độc lập được các tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam nêu ra như một sự cấp thiết. Đó cũng là bối cảnh mà hơn 200 nghị sĩ quốc hội Mỹ yêu cầu Nhà nước Việt Nam phải thiết kế ngay định chế cho công đoàn độc lập và thả Đỗ thị Minh Hạnh, nếu không sẽ chẳng thể có TPP.

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam – một cơ quan từ quá nhiều năm qua bị xem là cấp trung gian với “nguồn thu nhập” từ việc cắt xén 2% trên tổng quỹ lương của doanh nghiệp, nhưng lại không giải quyết cho bất cứ cuộc đình công nào của công nhân, đã trở nên một hiện tượng xói mòn quyền tự do của người lao động.
Tại cuộc hội thảo do cơ quan này tổ chức vào cuối tháng 8/2014, vẫn diễn ra hiện tượng không lạ là “các đại biểu cho rằng việc để người lao động tự do tham gia và thành lập các hội đoàn sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong quản lý, thậm chí có thể phát sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhóm hội, hội do chỉ tập trung cho lợi ích của nhóm mà gây ảnh hưởng đến lợi ích của tập thể”.

Nhưng một hiện tượng khác càng không đáng bị bất ngờ: xu thế công đoàn độc lập thay thế dần cho tổ chức công đoàn nhà nước vừa bảo thủ vừa thực dụng là không thể đảo ngược. Một trong những tín hiệu đầu tiên vừa xuất hiện là chỉ hai tháng sau khi ra tù, Đỗ Thị Minh Hạnh đã công khai hóa Lao động Việt – một tổ chức từ trước tới nay vẫn bị cấm đoán do tính thực chất bảo vệ quyền lợi người lao động của nó.

Viết Lê Quân