“Vụ Bùi Hằng”: “Tuyên truyền chống Nhà nước” hay “Đàn áp Phật giáo Hòa Hảo”?

Bên cạnh nhiều vi phạm tố tụng trong triệu tập nhân chứng ở phiên sơ thẩm, thì kháng nghị cần thiết ở phiên xét xử phúc thẩm sắp tới, là cần bổ sung tình tiết vì sao tổ tuần tra lại cố tình vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ?

bui hang 8Nguyễn Cao
Ijavn | 2/9/2014

Phiên xét xử hình sự sơ thẩm hôm 26-08-2014 của Tòa án tỉnh Đồng Tháp về vụ án “hai xe – ba hàng” (sau đây gọi tắt là Nhóm Bùi Hằng), phần tang vật là những băng rôn “Đả đảo Cộng sản” với lý do đả đảo là “đàn áp Phật giáo Hòa Hảo” đã không được cả viện kiểm sát lẫn chủ tọa phiên tòa đề cập.

Liệu có phải tòa đã “ưu ái” bỏ qua tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” của Nhóm Bùi Hằng, hay ngại ngần làm rõ chuyện “đàn áp Phật giáo Hòa Hảo”?

Đảng không phải là Nhà nước!

Trước đây, trong vụ án Nguyễn Phương Uyên, luật sư bào chữa đã nêu quan điểm cho rằng hành vi chống Đảng cộng sản VN của bị cáo không phải là “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Lý do: Đảng không phải là Nhà nước.

Tuy nhiên, viện dẫn vào Điều 88 Bộ Luật Hình sự (BLHS), Tòa tuyên Nguyễn Phương Uyên mức án 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo và 52 tháng thử thách.

Quan điểm dành cho kháng nghị tội danh theo Điều 88 BLHS đối với Nhóm Bùi Hằng, là các giáo trình chính trị chính thống của Việt Nam đều khẳng định Hệ thống chính trị tại Việt Nam gồm Đảng cộng sản Việt Nam, các cơ quan, tổ chức Nhà nước, các thành viên của Ủy ban mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.

Như vậy, hành vi “tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, chính là chống phá một tổ chức trong Hệ thống chính trị Việt Nam.

Ở cấp xét xử phúc thẩm, hoặc có thể là cả giám đốc thẩm, nếu vẫn không kháng nghị tội danh theo Điều 88 BLHS đối với Nhóm Bùi Hằng, có thể thấy rằng đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, “nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” (Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tập 5, trang 60).

Việc công khai phản đối Đảng bằng những lý do cụ thể như nội dung băng rôn ở vụ án Nhóm Bùi Hằng mà không bị cáo buộc tội danh nào về hành vi này, cho thấy cơ quan tố tụng tỉnh Đồng Tháp đã “tuân thủ Hiến định”.

Liệu đây có được coi là một tiền lệ tốt cho chuyện quyền tự do ngôn luận đã được tôn trọng?

Bị cáo hay bị hại?

Tuy nhiên, mức án tuyên – trường hợp là xét xử đúng người, đúng tội – vẫn cho thấy có sự khiên cưỡng. Thậm chí, có quyền hoài nghi đây là mức án của răn đe chuyện dám có băng rôn “Đả đảo Cộng sản” của những công dân này.

Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06-11-2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng điều 60 của BLHS về án treo, cho thấy mức án treo (trường hợp đúng người, đúng tội) ở vụ án “hai xe-ba hàng” là hợp lý.

Tình tiết ở phiên xét xử sơ thẩm cho thấy không có bất kỳ chứng cứ nào được đưa ra cho cáo buộc “chạy dàn hàng ngang ba xe”. Với việc tổ tuần tra giao thông yêu cầu dừng xe khi không có vi phạm, tất yếu sẽ dẫn tới phản ứng của người dân đang lưu thông.

Hiệu ứng đám đông tụ tập tìm hiểu vụ việc, dẫn đến rối loạn trật tự công cộng, thì đây trước tiên là lỗi của tổ tuần tra.

Ngay sau đó, Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã có thông báo tạm giữ người, về hành vi “tụ tập đông người trên đường giao thông, gây cản trở giao thông nghiêm trọng, phạm vào điều 245 BLHS nước CHXHCN Việt Nam”.

Chủ thể gây cản trở giao thông ở đây, như đã nói, là tổ tuần tra giao thông của Công an huyện Lấp Vò. Nguyên nhân dẫn đến gây rối như cáo buộc, xuất phát từ hành vi cố tình vi phạm pháp luật của tổ tuần tra giao thông, khi dừng phương tiện mà không có lý do phù hợp luật định.

Bên cạnh nhiều vi phạm tố tụng trong triệu tập nhân chứng ở phiên sơ thẩm, thì kháng nghị cần thiết ở phiên xét xử phúc thẩm sắp tới, là cần bổ sung tình tiết vì sao tổ tuần tra lại cố tình vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ?

Công luận có quyền nghi vấn: Vì sao cả một đám đông công an, an ninh chặn xe, khám xét người đi đường một cách phi lý, khi không một ai vi phạm luật lệ giao thông?.

Một số đông những kẻ “hiếu kỳ” đến hỗ trợ, làm nhân chứng, cãi vã, xô đẩy, tạo ra một tình huống lộn xộn giữa đường, gây mất trật tư giao thông. Lỗi này đúng ra là do công an gây ra, chứ không phải là của những nạn nhân, những người sử dụng phương tiện giao thông đi lại bình thường.

Đã đến lúc tòa án cần nhân danh công lý để xét xử vụ án, để trả lời đây có phải là phiên tòa “gián tiếp” xử về những “tang vật” là các băng rôn “Đả đảo…”, như đã được nêu với mô tả rất chi tiết tại Kết luận Điều tra số 14/KLĐT-PC44 của Công an tỉnh Đồng Tháp, đề ngày ký 02-07-2014.

Nguyễn Cao