Sao lại bịt miệng báo chí?

Báo chí đưa tin trên cơ sở ghi nhận 100% sự thật, bất chấp những sự thật ấy gây ra các khốn khó gì cho cơ quan công quyền, miễn là thông tin đó không vi phạm pháp luật. Ở đây, các khiếu kiện của người dân được căn cứ trên cơ sở quy định của luật pháp, nên khó thể nói chuyện đưa tin này sẽ gây khó khăn trong giải quyết từ cơ quan chức năng. Ngoại trừ sức ép công luận buộc cơ quan công quyền phải giải quyết minh bạch khiếu nại. Thực tế, các khiếu kiện kéo dài đều có lỗi từ phía cơ quan thụ lý cấp địa phương. Để người dân đùm túm kéo về thủ đô tạo sự nhếch nhác cho thành phố, cũng là lỗi của chính quyền khi nơi đây chưa thực hiện đúng những gì quy định trong luật tiếp dân, cụ thể là Nghị định 64/2014/NĐ-CP hướng dẫn luật tiếp công dân.
Ảnh: Sợ rằng khi chính quyền và doanh nghiệp (tập đoàn Nam Cường) với sự bảo kê của lực lượng công an đến để đàn áp thì họ sẽ không kiềm chế nổi bức xúc, có thể gây ra án mạng thì lại phải đi tù như anh Đoàn Văn Vươn. Thế nên bảy công dân Dương Nội (thành viên đoàn bà Dương Thị Khuê đại diện) chọn giải pháp xin đi tù trước cho nhẹ tội.

Ảnh: Sợ rằng khi chính quyền và doanh nghiệp (tập đoàn Nam Cường) với sự bảo kê của lực lượng công an đến để đàn áp thì họ sẽ không kiềm chế nổi bức xúc, có thể gây ra án mạng thì lại phải đi tù như anh Đoàn Văn Vươn. Thế nên bảy công dân Dương Nội (thành viên đoàn bà Dương Thị Khuê đại diện) chọn giải pháp xin đi tù trước cho nhẹ tội.

Minh Tâm, VNTB | Cập nhật 18/09/2014

Dự kiến, 8g ngày 19-9-2014 tại Tòa án Nhân dân quận Hà Đông, (số 2 Nguyễn Trãi, Hà Nội) diễn ra phiên tòa dành cho chị Cấn Thị Thêu, người bị bắt giữ ngày 25-04-2014 và truy tố với tội danh “Chống người thi hành công vụ” khi đang phản đối lực lượng cưỡng chế, mà bà con Dương Nội cho là trái pháp luật.

Liệu đây có phải là vụ án “nhạy cảm chính trị” như lời của phó chủ tịch TP. Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh muốn đề cập tại một văn bản nội bộ vừa được ban hành?

Nếu báo chí đưa tin sai, xin mời hầu tòa!

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh vừa ký một văn bản mang số 167/KH-UBND, cho biết thực hiện theo yêu cầu của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

Theo đó, “chỉ đạo các cơ quan báo đài trực thuộc thành phố trong việc đưa tin chính xác, kịp thời, khắc phục tình trạng đưa tin sai lệch, gây khó khăn cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố và tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, xong trong tháng 10 năm 2014”.

Báo chí đưa tin trên cơ sở ghi nhận 100% sự thật, bất chấp những sự thật ấy gây ra các khốn khó gì cho cơ quan công quyền, miễn là thông tin đó không vi phạm pháp luật. Ở đây, các khiếu kiện của người dân được căn cứ trên cơ sở quy định của luật pháp, nên khó thể nói chuyện đưa tin này sẽ gây khó khăn trong giải quyết từ cơ quan chức năng. Ngoại trừ sức ép công luận buộc cơ quan công quyền phải giải quyết minh bạch khiếu nại.

Thực tế, các khiếu kiện kéo dài đều có lỗi từ phía cơ quan thụ lý cấp địa phương. Để người dân đùm túm kéo về thủ đô tạo sự nhếch nhác cho thành phố, cũng là lỗi của chính quyền khi nơi đây chưa thực hiện đúng những gì quy định trong luật tiếp dân, cụ thể là Nghị định 64/2014/NĐ-CP hướng dẫn luật tiếp công dân.

Như vậy, nếu báo chí có những bài viết phân tích cụ thể về “oan án” của người dân, ở đây nếu tình tiết sai sự thật, mang tích kích động tâm lý người dân, thì hoàn toàn xử lý phóng viên cùng cả tờ báo đó bằng luật báo chí. Đưa ra những khái niệm định tính từ cơ quan hành chính, như kiểu đưa tin sai lệch, gây khó khăn, cần tạo sự đồng thuận như yêu cầu của 167/KH-UBND là một hình thức cấm đoán quyền tự do báo chí.

Mặt khác, thực tế cho thấy phần lớn các vụ khiếu nại của người dân rất ít được báo chí đưa tin, từ báo in đến báo điện tử. Người ta chỉ có thể tìm thấy phần nào diện mạo của “dân oan” từ các trang blog, diễn đàn xã hội trên mạng internet.

Lệnh cho công an sẵn sàng trấn áp

Trong văn bản 167/KH-UBND, chỉ thị “Đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến tôn giáo hoặc nhạy cảm về chính trị, lãnh đạo các cấp, ban, ngành cần xem xét kỹ, đầy đủ, thận trọng để có biện pháp giải quyết phù hợp, không để các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị lợi dụng; đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với các trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để có hành vi gây rối, xúc phạm, chống người thi hành công vụ hoặc tiếp tay cho các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị chống phá Đảng và Nhà nước”.

Thế nào là “nhạy cảm chính trị”, là “thế lực thù địch”? Phiên tòa với lời kêu gọi khẩn thiết từ người dân Dương Nội, là “tất cả cộng đồng công dân trong và ngoài nước, những người yêu công lý, yêu sự thật, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, các nhân sỹ trí thức, bà con dân oan trong cả nước, các tổ chức nhân quyền quốc tế hãy hướng về phiên toà ngày 19-9-2014, đây là động lực duy nhất để đảm bảo công lý cho chị Cấn Thị Thêu và bà con Dương Nội”, liệu sẽ được xem là vụ án “nhạy cảm chính trị”, là “thù địch” mà báo chí được lệnh không nên đưa tin?.

Tính răn đe thể hiện rõ, khi ở văn bản 167/KH-UBND, phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh, bật đèn xanh: “Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan chỉ đạo xử lý các đối tượng có hành động quá khích, chống người thi hành công vụ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân liên quan đến khiếu kiện; chỉ đạo các đơn vị thuộc Công an thành phố làm tốt công tác nắm tình hình, theo dõi, phân loại xử lý theo quy định pháp luật các đối tượng khiếu kiện chây ỳ cố tình lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động tập trung khiếu kiện đông người, phức tạp, gây mất trật tự công cộng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức thực hiện nghiêm phương án bảo đảm an ninh, trật tự tại các trụ sở cơ quan của trung ương và thành phố, trụ sở tiếp công dân trên địa bàn thành phố và nhà riêng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố”.

Chỉ đưa tin khi được lệnh của lãnh đạo

Khả năng các báo có trụ sở tại Hà Nội sẽ không có bất kỳ tin, bài nào về những vụ khiếu kiện của người dân đang chầu chực tại chốn công quyền đất thủ đô.

Văn bản 167/KH-UBND, khoản II.6, quy định các báo, đài, cơ quan có liên quan chỉ được tổ chức công khai kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả rà soát, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng khi nhận được chỉ đạo cho phép của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Lệnh cấm đoán ở đây của phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh đã đi ngược lại với ý kiến của thường trực bộ chính trị Lê Hồng Anh. Tại chỉ thị số 35/CT-TW, cũng về nội dung “tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, ông Lê Hồng Anh yêu cầu: “các đoàn thể nhân dân cần làm tốt vai trò đại diện quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, đoàn viên, kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi có tranh chấp. Giải thích, thuyết phục công dân chấp hành các quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận, quyết định xử lý đã được xác định là đúng chính sách, pháp luật. Đẩy mạnh công tác hòa giải, đối thoại, vận động, thuyết phục công dân chấm dứt khiếu nại, tố cáo không đúng, giảm thiểu các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở”.

Chỉ được quyền công khai khi được lệnh của lãnh đạo như yêu cầu của ông Vũ Hồng Khanh, thì chuyện giám sát, đối thoại sẽ thực hiện từ đâu, lúc nào và căn cứ từ những sự thật nào “được – không được phép”?