Cưỡng chế đất, cơ sở tôn giáo và hệ lụy

An ninh và côn đồ đến đập phá thánh giá tại Đan viện Thiên An.

RFA, 30-06-2017

Vụ việc Đan viện Thiên An trong thời gian qua liên tục bị lực lượng chức năng địa phương theo dõi, sách nhiễu thậm chí ra tay hành hung những tu sĩ tại đó do xung đột đất đai giữa tu viện Công giáo này với chính quyền Thừa Thiên-Huế.

Đây có phải chỉ là một vụ việc đơn lẻ? Và nếu tình trạng phổ biến sẽ dẫn đến hệ lụy gì?

Cơ sở tôn giáo bị trưng thu

49 héc-ta đất rừng thông thuộc sở hữu của Đan viện Thiên An, được Ty Điền địa Thừa Thiên-Huế chứng nhận từ năm 1959, bị chính quyền Thừa Thiên-Huế trưng thu hồi năm 1998 để xây khu du lịch mà không bồi hoàn một đồng nào cho Đan viện Thiên An.

Quá trình khiếu nại, kiện tụng từ địa phương đến trung ương trong suốt thời gian dài của các vị tu sĩ ở Đan viện Thiên An về 49 héc-ta đất rừng thông vừa nêu không được giải quyết.

Nếu gọi là một di tích lịch sử hay di tích về văn hóa thì phải được tôn trọng. Không phải chính quyền tôn trọng mà tất cả người dân cũng phải tôn trọng.
– TS. Sử học Nguyễn Nhã

Không những vậy, hồi đầu tháng 5 năm 2017, các vị tu sĩ còn bị chính quyền và những cơ quan truyền thông bôi nhọ với cáo buộc “có những phần tử xấu trong Đan viện Thiên An tàn phá rừng thông đặc dụng trên 60 năm tuổi”. Đơn thư yêu cầu giải quyết thông tin không đúng sự thật của Đan viện Thiên An được chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế hứa sẽ làm việc trong tháng 8 tới đây.

Tuy nhiên, trong hai ngày liên tiếp 28-29/6 vừa qua, một lực lượng đông đảo khoảng 100 công an, an ninh và côn đồ đến đập phá thánh giá cũng như hành hung các tu sĩ. Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi, người phát ngôn của Đan viện Thiên An cho RFA biết vụ việc xảy ra là do Đan viện quyết tâm bảo vệ 107 héc-ta tổng thể đất đai còn lại của Đan viện trước những dấu hiệu cho thấy chính quyền địa phương rắp tâm chiếm đoạt và bán cho các công ty Đài Loan.

Không chỉ Đan viện Thiên An mà nhiều cơ sở tôn giáo khác nhau từ Bắc vô Nam đều buộc phải ký vào các văn bản hiến tặng hoặc cho mượn đất đai và tài sản vật chất bởi sức ép của chính quyền Cộng sản sau năm 1975. Chúng tôi có thể trưng dẫn trường hợp điển hình như khu đất Tòa Khâm sứ cũ bị trưng dụng để xây dựng công viên hồi năm 2008, Nhà dòng nữ tu ở Vĩnh Long, thuộc Dòng thánh Phao Lồ bị tịch thu hơn 30 năm và đến năm 2008 nhà dòng bị mua bán để làm khu du lịch. Hay hai trường hợp mới nhất có thể kể đến gồm Chùa Liên Trì, ở quận 2, Sài Gòn bị cưỡng chế san bằng hồi đầu tháng 9 năm nay và tu viện Dòng Mến Thánh giá, giáo xứ Thủ Thiêm, được thành lập trên 177 năm, đứng trước nguy cơ bị giải tỏa và di dời do đề án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận mặc dù Chính phủ Việt Nam chủ trương hạn chế trưng dụng đất đai của các cơ sở tôn giáo, trong đó có Công giáo. Và đối với những cơ sở Công giáo đã hiến tặng cho chính quyền với mục đích được sử dụng vào từ thiện hay công ích xã hội mà nhận thấy việc sử dụng không còn theo như yêu cầu ban đầu thì các cơ sở này có nhu cầu cần dùng sẽ được chính quyền có thể xem xét trả lại. Thế nhưng, hầu hết các trường hợp xin xét duyệt được trả lại của các cơ sở tôn giáo đều không được chấp thuận.

19424403_1397197467066340_264498422109060923_n.jpg
Một Đan sĩ Đan viện Thiên An bất tỉnh sau khi bị côn đồ tấn công. Tin Mừng Cho Người Nghèo

Trả lời câu hỏi của RFA về khía cạnh lịch sử, văn hóa thì những di tích tôn giáo như nhà thờ, chùa chiền, đền miếu nên được bảo tồn và gìn giữ hay không, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã cho biết quan điểm của ông:

“Về nguyên tắc thì tất cả những gì liên quan đến di tích lịch sử văn hóa là không nên đụng tới. Bởi vì nếu đụng tới thì có hệ lụy không hay. Theo tôi, nếu gọi là một di tích lịch sử hay di tích về văn hóa thì phải được tôn trọng. Không phải chính quyền tôn trọng mà tất cả người dân cũng phải tôn trọng. Một quốc gia biết tôn trọng văn hóa lịch sử của mình thì tự nhiên đất nước đó sẽ phát triển. Bởi vì nếu tự hào với lịch sử văn hóa của mình thì mình sẽ có động lực để làm cho đất nước mình phát triển. Còn không biết khai thác và sử dụng thì theo tôi cuối cùng sẽ không hay.”

Hậu quả ra sao?

Mặc dù việc trưng dụng đất đai và tài sản tôn giáo tại Việt Nam trong suốt hơn 4 thập niên qua được chính quyền giải thích phục vụ cho nhu cầu xây dựng và phát triển quốc gia, nhưng hiệu quả từ việc làm này cho đến nay vẫn chưa có một thống kê chính thức nào được công bố. Ngược lại, một trong những hậu quả nghiêm trọng như Tiến sĩ Nguyễn Nhã đề cập đến “hệ lụy không hay” là sự xung đột giữa chính quyền với tôn giáo trong vấn đề tranh chấp đất đai. Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng nhận định:

Việc đụng tới một cơ sở đất đai tôn giáo như Đan viện Thiên An thì rõ ràng có thể nói là một tình huống mà chính quyền đã hành xử cực kỳ thiếu ngôn ngoan.
– TS. Kinh tế Phạm Chí Dũng

“Qua việc đụng tới đất đai của tôn giáo, đặc biệt đụng tới đất đai của các cơ sở Công giáo thì điều đó không phải là chỉ ảnh hưởng đến niềm tin hay lòng tin của giáo dân đối với Chính phủ, chế độ hay đảng cầm quyền mà còn khuấy động cả một cuộc xung đột giữa Công giáo và Cộng sản mà đã từng xảy ra trong quá khứ. Đây mới là nguy cơ rất ghê gớm. Cho nên việc đụng tới một cơ sở đất đai tôn giáo như Đan viện Thiên An thì rõ ràng có thể nói là một tình huống mà chính quyền đã hành xử cực kỳ thiếu ngôn ngoan.”

Chúng tôi cũng tìm hiểu về ích lợi kinh tế, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đưa ra một ví dụ, diện tích đất 600 m2 của Chùa Liên Trì, vừa bị cưỡng chế, theo giá thị trường hiện tại có thể thu về 60 tỷ đồng. Theo suy luận của một nhà kinh tế, ông Phạm Chí Dũng cho rằng số tiền này là không lớn đối với chính quyền và hiệu quả kinh tế mang lại cho quốc gia từ diện tích đất đai của Chùa Liên Trì trong tương lai như thế nào thì chưa ai biết. Nhưng rõ ràng, thực tế cho thấy chính quyền quận 2 cưỡng chế đất đai Chùa Liên Trì sai luật theo Luật Đất đai 2013 cũng như vi phạm Luật Tố tụng Hành chính 2010.

Qua tìm hiểu và tiếp xúc với một số cơ sở tôn giáo ở Việt Nam bị trưng thu đất đai, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận sự phân hóa ngày càng lớn giữa chính quyền với tôn giáo trong tranh chấp đất đai đến mức các tổ chức nhân quyền thế giới lên tiếng cáo buộc Hà Nội không quan tâm gì về tâm linh, tín ngưỡng của người dân, thậm chí đàn áp tôn giáo qua việc cưỡng chế đất đai thờ tự và tu tập.