Dân căng lều phản đối công ty xả thải

Người dân căng lều trước công ty Pacific Crystal để phản đối việc xả thải không đúng qui trình.

RFA, 03-08-2017

Người dân tại xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương kể từ ngày 12/3/2017 cho đến nay tiến hành dựng lều phản đối Công ty Pacific Crystal. Lý do vì mức độ ô nhiễm môi trường mà công ty này gây nên khiến người dân không chịu nổi.

Bà Bùi Thị Sim cho biết, do một số người dân trong xã đánh bắt cá khu vực quanh công ty Pacific Crystal nhưng không bán được, không ăn được, và không khí có mùi hôi thối.

“Vài người ở khu xóm này mới đi tìm hiểu thì họ thấy là công ty này xả thải ra. Khi công ty nhuộm màu vải gì thì nước xả ra màu đó. Khi nước chảy ra những mương tiêu nước của khu công nghiệp thì khi cho rau xuống, rau chín như rau luộc, nghĩa là khi cho chân tay xuống là sẽ bỏng vì nước nóng như  nước sôi trong lò ra.”

Ông Bùi Văn Hải – nguyên bí thư đảng uỷ xã Lai Vu nói thêm về nỗi thống khổ của người dân.

“Ngày nào tôi cũng đi thể dục ở đấy, nước từ nhà máy chảy ra vừa nóng, vừa bốc khói, vừa tràn ra, phải nói là rất kinh khủng. Nước tràn lên cả đường nhựa của công ty nhưng (chính quyền) Hải Dương cũng phớt lờ không có ý kiến gì cả.

Nhà máy này thải ra một loại khí đợc kinh khủng. Nó vừa chua vừa tanh. Cứ đến 4, 5 giờ chiều là nó phát tán ra, nhà nào cũng phải đóng cửa hết.”

Ngày nào tôi cũng đi thể dục ở đấy, nước từ nhà máy chảy ra vừa nóng, vừa bốc khói, vừa tràn ra, phải nói là rất kinh khủng.
– Ông Bùi Văn Hải

Ngoài ảnh hưởng về mặt môi trường sống, nguồn phát thải của công ty Pacific Crystal còn ảnh hưởng đến sản xuất của người dân:

“Chăn nuôi con lợn, con gà thì lắm bệnh, hoa quả thì không d8a65u, nuôi ong thì ong chết.”

Ông Bùi Duy Lương bày tỏ quan ngại về số lượng chất thải mà công ty Pacific Crystal thải ra môi trường, gây ảnh hưởng đến người dân:\

“Giai đoạn thứ nhất, 67.000 tấn, giai đoạn hai thì 200.000 tấn chất thải, giai đoạn ba thì 600.000 tấn chất thải. Ngoài ra còn hàng trăm nghìn tấn than, hàng chục nghìn tấn dầu DU. Số chất thải đó hại cho dân và đất biết chừng nào.”

Theo ông Bùi Văn Hải, tác động môi trường từ nguồn chất thải này ra môi trường, không chỉ ảnh hưởng đến xã Lai Vu, mà còn các xã, huyện lân cận, cùng chung hệ thống sông, khói thải bay theo chiều gió và nước mưa không thể sử dụng.

“Riêng cái nhà máy này xả thải, theo báo chí thì tôi thấy là nếu nó làm hết công suất thì không những Lai Vu, mà từ sông này chảy xuống sông kia thì biết bao nhiêu là chất độc.”

Trên thực tế, theo ông Hải và ông Lương cho biết, đã có 3 người tử vong sau khi xuống hồ chưa nước của công ty Pacific Crystal:

“Nó biết là rất độc hại, nhưng nó cử 3 thanh niên xuống dọn hố gas đấy thì 3 người chết hết. Vô nhân tính ở cái chỗ đó.”

Công ty này đã bị các cơ quan hữu trách xử phạt vi phạm hành chính vì lỗi xả thải ra môi trường hai lần,

“Dân tộc Việt Nam ta có câu “nước đổ đầu vịt. Lần đầu bị phạt 670 triệu đồng, lần thứ hai Bộ Tài Nguyên Môi Trường về phạt 240 triệu đồng nữa mà nó có kinh (sợ) đâu.”

MVI_9038.MOV-400.jpg
Điểm đổ nước thải của nhà máy. RFA photo

Chính vì công ty Pacific Crystal tiếp tục xả thải, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, và chính quyền không có biện pháp giải quyết hữu hiệu, nên người dân dựng lều, chặn không cho công ty này hoạt động. Sau đó, vào ngày 24/5/2017, chính quyền tỉnh Hải Dương, huyện Kim Thành và xã Lai Vu có tổ chức đối thoại với người dân.

Tuy nhiên, cuộc đối thoại này không đạt kết quả như sự mong đợi của người dân. Ông Hải cho biết,

“Ý kiến của tỉnh là Bộ tài Nguyên Môi trường không nắm một tí gì, dân thì người ta biết. Ông Chủ tịch tỉnh về họp thì bảo một số người dân gây khó khăn. Đây là chuyện của toàn dân, toàn xã hội.”

Cho đến nay, tuy dù người dân chịu thiệt hại về sản xuất, ảnh hưởng về sức khoẻ, môi trường sống, nhưng chính quyền các cấp chưa đưa ra bất cứ sự hỗ trợ nào.

“Nếu thế thì người dân đã tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng. Formosa bị phạt 500 triệu đô la thì nó chia cho dân. Đây phạt hai lần cả tỷ mà dân không có gì.”

Để nhân dân giảm bớt bức xúc và có những biểu hiện thế này thế khác, hiện nay từ tỉnh, huyện đang họp bàn giải quyết chỗ nhân dân bức xúc.
– Ộng Bùi Đỗ Đạt

RFA đã liên hệ với ông Bùi Đỗ Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Lai Vu và được ông xác nhận tình trạng người dân căng lều chặn công nhân tới nhà máy làm việc và nói rằng hiện cơ quan chức năng đang cố gắng giải quyết vấn đề:

“Để nhân dân giảm bớt bức xúc và có những biểu hiện thế này thế khác, hiện nay từ tỉnh, huyện đang họp bàn giải quyết chỗ nhân dân bức xúc như hiện nay.”

Về vấn đề bồi thường, Phó Chủ tịch xã Lai Vu chia sẻ những khó khăn như sau:

“Thực ra mà nói thì đền bù phải có cụ thể về ông A, ông B, tài sản nọ kia. Nhưng đây nó lại là môi trường nước chung ở khu vực đó hoặc nó thải ra ngoài sông thôi chứ bây giờ không có chủ thể bị thiệt hại do ô nhiễm nên người ta không thể căn cứ vào đâu để bồi thường được. Người ta chỉ xử lý tội gây ô nhiễm môi trường với các cơ quan chức năng thôi chứ địa phương không có thẩm quyền xử lý đó.”

Kể từ khi người dân dựng lều, chặn không cho nhà máy dệt Pacific Crystal sản xuất, tuy dù vẫn còn hiện tượng cá chết do chất độc lắng đọng trong nước, nhưng môi trường không khí trong khoảng 3 tháng nay có cải thiện như nhận định sau:

“Từ khi mà công ty dừng hoạt động thì na năm nay rất được mùa, quả rất sai, ong không chết nữa, dân thì tối đi ngủ không phải đóng kín cửa nữa.”

“Không có khói thải thì không khí trong lành rồi.”

Những người dân Lai Vu mà chúng tôi tiếp xúc đều nhớ đến câu phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng, “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng người dân”, họ quyết tâm đấu tranh chống “tội phạm môi trường”, để bảo vệ môi trường sống cho thế hệ tương lai.

“Dù nó sản xuất có lợi cho tỉnh bao nhiêu cũng không bằng dân ở đây  chết ung thư tới đời con đời cháu, nên chúng tôi kiến nghị là tới đây nếu cần thiết chúng tôi sẽ gửi văn bản lên trung ương đề nghị tấy chay nhà máy này.”

Số liệu từ Bộ Y Tế và Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn, công bố hồi tháng 6 cho thấy mỗi năm tại Việt Nam có 9.000 người chết vì nguồn nước bẩn và điều kiện vệ sinh kém, và 100,000 người mắc bệnh ung thư do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.