Ngư dân Việt ‘đi xuất khẩu lao động’ sau sự cố Formosa


Lao động Việt Nam ở Đài Loan biểu tình phản đối công ty Formosa/Đài Loan về thảm họa cá chết miền Trung (Courtesy Photo)
Lao động Việt Nam ở Đài Loan biểu tình phản đối công ty Formosa/Đài Loan về thảm họa cá chết miền Trung
VOA, ngày 14/8/2017

Loan tin này hôm 14/8, Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho biết rằng 3 thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của Việt Nam tính cho tới tháng Tám này gồm có Đài Loan, với gần 33,900 lao động, thứ hai là Nhật Bản, với hơn 27,700 người và Hàn Quốc, khoảng 3,200 người.

Theo Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội, các thị trường khác gồm có Ảrập Xêút: hơn 2000 người; Malaysia: 740 người đa số là lao động nữ, và Algeria, 386 người, ngoài ra còn một số nước khác, với số lao động không đáng kể.

Riêng trong tháng 7 năm 2017, có tất cả 11,525 người đi làm việc ở nước ngoài, theo số liệu trên cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam.

Xinhua, cơ quan thông tấn của nhà nước Trung Quốc, nói rằng trong thời gian tới đây, sẽ có thêm nhiều lao động nước ngoài được gửi đến các thị trường lao động mới cũng như truyền thống, gồm có Thái Lan, Úc, Đức và Nhật Bản.

Tháng trước, báo Lao động trích thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết rằng từ ngày 1.6.2016 đến ngày 31.5.2017, gần 18.000 lao động ở 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, những nơi bị thiệt hại vì sự cố môi trường biển năm 2016) đã được đi làm việc ở nước ngoài.

Ngư dân của các tỉnh này từng nói với VOA Việt Ngữ rằng thảm họa môi trường, do công ty Formosa của Đài Loan gây ra, đã khiến cuộc sống của họ “gặp nhiều khó khăn”.