Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 10, từ ngày 05 đến 11/3/2018: Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang lại bị câu lưu, lần thứ 2 trong vòng 2 tuần

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 11/3/2018

Lực lượng an ninh Việt Nam lại bắt giữ nhà hoạt động Phạm Đoan Trang vào chiều ngày 08/3, thẩm vấn chị nhiều giờ trước khi trả tự do cho chị vào đêm khuya cùng ngày. Đây là lần câu lưu thứ hai trong vòng nửa tháng mà chính quyền Việt Nam đã áp dụng đối với một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay, người vừa ra mắt cuốn “Chính trị bình dân” mà chính quyền cộng sản không thích.

Sau khi bị bắt giữ lần thứ nhất vào ngày 24/02 và bị theo dõi sát sao, Đoan Trang đã phải bí mật dời khỏi căn hộ của mẹ cô tại Khu chung cư Lê Đức Thọ ở Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, an ninh đã tìm ra nơi ở mới để khống chế cô.

Hai vụ bắt giữ liên tiếp có thể là một phần trong kế hoạch khủng bố tinh thần Đoan Trang và chuẩn bị dư luận xã hội nhằm bắt giữ cô và vu cho một tội danh nào đó, trong một tương lai gần.

Hiện tại, Đoan Trang vẫn bị theo dõi chặt chẽ bởi lực lượng an ninh.

Lực lượng an ninh thành phố Hà Nội đang gia tăng sách nhiễu đối với blogger Nguyễn Tường Thuỵ, phó chủ tich Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ngày 08/3, an ninh trong quần áo dân sự đã ngăn cản ông ra khỏi nhà để đi đến cuộc gặp với bà Cynthia Veliko, trưởng đại diện Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Cao uỷ Liên Hợp quốc về Nhân quyền tại Hà Nội khi bà có chuyến làm việc tại Việt Nam. An ninh tiếp tục canh gác ông trong những ngày còn lại trong tuần.

Chính quyền Việt Nam đã đưa nhà hoạt động Trần Thị Nga, người đã bị kết án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” đến trại giam Đắc Trung thuộc tỉnh Đăk Lak, cách Hà Nam nơi gia đình chị đang sinh sống khoảng 1.200 km. Việc thuyên chuyển này gây khó khăn cho việc thăm nuôi, nhất là chị còn hai con nhỏ đang học tiểu học.

Tháng trước, Việt Nam cũng đưa nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đi thụ án tại Trại giam 5 thuộc tỉnh Thanh Hoá, cách thành phố Nha Trang khoảng 900 km, nơi mẹ già của cô phải chăm sóc hai con nhỏ của cô cùng người cụ đã hơn 90 tuổi.

Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã phạt cựu tù nhân lương tâm Trần Vũ Anh Bình mức phạt hành chính 2,5 triệu đồng vì anh vi phạm lệnh quản chế trong dịp tết Nguyên đán khi đi ra ngoài địa phương để chúc tết bạn bè và người thân.

Ba nhà hoạt động thuộc tổ chức Chấn hưng Nước Việt Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc đã kháng cáo bản án sơ thẩm của Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội sau khi toà án này kết án họ với tổng mức án 20,5 năm tù giam và 13 năm quản chế cho tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Hội Cựu tù Nhân lương tâm Việt Nam vừa công bố Báo cáo Nhân quyền Việt Nam 2017, nhấn mạnh năm vừa qua là năm mà giới bất đồng chính kiến bị đàn áp nặng nề với việc bắt giữ ít nhất 43 người hoạt động và xét xử hàng chục người với mức án nặng nề cho nhiều tội danh mơ hồ trong phần An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, nhiều nhà hoạt động bị sách nhiễu, đàn áp bằng các hình thức như bắt cóc, tra tấn, cướp đoạt tài sản, bao vây kinh tế, cấm đi lại trong nước và ngoài nước…

Và một số tin quan trọng khác

===== 05/3 =====

Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị chuyển trại vào Đak Lak

Chính quyền Việt Nam đã chuyển nhà hoạt động Trần Thị Nga vào thụ án tại trại giam Đắc Trung thuộc tỉnh Đak Lak, khoảng 1,200 km từ thành phố Phủ Lý, nơi gia đình cô đang sinh sống.

Ngày 05/5, ông Phan Văn Phong, là bố của hai con của cô, đã đến Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam để thăm và cung cấp một số đồ thiết yếu thì được trại giam báo rằng cô đã bị chuyển đi.

Việc đưa cô giam giữ tại một nơi xa gia đình sẽ gây khó khăn cho việc thăm nuôi, nhất là trong điều kiện hai con của cô Phan Văn Tài mới lên 6 và Phan Văn Phú mới lên 8 tuổi và đang đi học.

Đây là một hình thức trừng phạt của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những người đấu tranh kiên định, không thừa nhận cáo buộc và bản án mà họ bị ghép.

Tháng trước, nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng bị đưa đi thụ án tại Trại giam 5 thuộc tỉnh Thanh Hoá, cách thành phố Nha Trang khoảng 900 km, là nơi mẹ của cô đang phải chăm sóc bà ngoại 90 tuổi và hai con của cô đang ở độ tuổi học sinh.

===== 06/3 =====

Cựu tù nhân lương tâm Trần Vũ Anh Bình bị phạt tiền

Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã triệu tập cựu tù nhân lương tâm nhạc sỹ Trần Vũ Anh Bình lên trụ sở Uỷ ban Nhân dân phường và ra quyết định phạt hành chính 2,5 triệu đồng vì đã vi phạm lệnh quản chế.

Nhạc sỹ Bình cho biết trong dịp tết Nguyên Đán, khi anh đang đi ra khỏi địa phương để đi chúc tết người thân và bạn bè thì bị lực lượng công an chặn và buộc anh quay về.

Trần Vũ Anh Bình từng bị kết án 6 năm tù giam và bốn năm quản chế trong cùng vụ án “tuyên truyền chống nhà nước” với nhạc sỹ Việt Khang, người đã đi sống lưu vong tại Hoa kỳ gần đây. Anh mãn hạn tù vào tháng 5 năm 2017.

===== 07/3 =====

Ba nhà hoạt động của Chấn hưng Nước Việt kháng án

Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc đã nộp đơn kháng án bản án đã tuyên bởi Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội vào ngày 31/1.

Trong một phiên toà chớp nhoáng chỉ kéo dài một ngày mà không tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về trình tự phiên toà công bằng, Toà án trên đã tuyên phạt ba nhà hoạt động của tổ chức Chấn hưng Nước Việt với tổng cộng 20,5 năm tù giam và 13 năm quản chế vì tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Ông Thuận và ông Điển bị bắt vào đầu tháng 3 năm 2017 còn nhà hoạt động trẻ Phúc bị bắt vào đầu tháng 7. Họ bị cáo buộc sản xuất và phát tán nhiều video clip mang nội dung “độc hại.”

Từ cuối năm 2016 đến trước khi bị bắt, nhóm đã thực hiện nhiều chương trình livestreams trên Facebook tố cáo lãnh đạo Việt Nam về nhiều chủ chương và chính sách sai lầm đưa dân tộc vào lầm than. Những chương trình của nhóm thu hút hàng triệu lượt xem.

===== 08/3 =====

Nhà báo Đoan Trang lại bị câu lưu lần thứ hai trong vòng 2 tuần

Chiều 08/3, lực lượng an ninh đã bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang, một trong những người bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất hiện nay ở Việt Nam sau khi cô ra mắt cuốn Chính trị bình dân.

Trang bị an ninh đưa về đồn khi cô đang ở một căn phòng ở phố Tôn Thất Tùng mà một người bạn đã thuê cho cô ở kể từ khi cô bí mật rời căn hộ của mẹ đẻ, nơi bị an ninh theo dõi chặt chẽ.

Trong quá trình câu lưu từ chiều đến đêm, Trang bị tra hỏi về nhiều hoạt động mà cô đã thực hiện nhằm cổ suý dân chủ và nhân quyền.

Gần nửa đêm, an ninh đã đưa cô về phòng trọ nhưng tiếp tục canh giữ gắt gao.

Người bạn đã thuê phòng cho cô, cũng bị an ninh câu lưu từ chiều đến đêm ngày 09/3.

Đây là vụ câu lưu thứ hai đối với Đoan Trang trong vòng 2 tuần gần đây. Việc câu lưu này có thể nhằm khủng bố tinh thần cô và chuẩn bị dư luận xã hội nhằm bắt cô trong một ngày không xa.

——————–

Blogger Nguyễn Tường Thuỵ bị ngăn chặn

Lực lượng an ninh thành phố Hà Nội đã đưa nhiều công an, mật vụ và dân phòng đến chốt gần nhà riêng của blogger Nguyễn Tường Thuỵ, phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam trong phần lớn thời gian của tuần qua.

Ngày 08/3, ông Thuỵ định đi ra khỏi nhà để đến Kim Mã, nơi ông được mời để gặp bà Cynthia Veliko, trưởng đại diện Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Cao uỷ Liên Hợp quốc về Nhân quyền tại Hà Nội khi bà có chuyến làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, an ninh không cho ông đi và còn cắt điện và Internet.

An ninh tiếp tục canh gác ông trong những ngày còn lại trong tuần.

Tuần trước, vợ chồng người anh của ông đến từ Dak Lak thăm gia đình ông, cũng bị chặn ngoài cổng bởi lực lượng an ninh.

——————–

Vợ ba nhà hoạt động đang bị giam cầm không được gặp đại diện Cao uỷ Liên Hợp quốc

Ngày 08/3, nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của bà Cynthia Veliko, trưởng văn phòng Cao uỷ Liên Hợp quốc về Nhân quyền ở khu vực Đông Nam Á, vợ của năm nhà hoạt động đang bị bắt giam Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn và Nguyễn Bắc Truyển được mời đến gặp bà tại trụ sở của UN tại Hà Nội.

Tuy nhiên, an ninh Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn năm bà vợ đến dự buổi gặp mà mục tiêu là tìm hiểu về tình trạng của năm nhà hoạt động nhân quyền thuộc tổ chức Hội Anh em Dân chủ.

Chỉ có hai người là cô Nguyễn Thị Lành vợ mục sư Tôn và Nguyễn Kim Phượng vợ của luật sư nhân quyền Nguyễn Bắc Truyền đến được cuộc gặp còn ba bà vợ còn lại thì bị an ninh và mật vụ ngăn chặn.

Cô Trang, vợ của kỹ sư Trội, bị an ninh ép lên xe và đưa về trại giam B14 để gặp chồng.

===== 09/3 ====

Báo cáo Vi phạm Nhân quyền Việt Nam 2017: Hội Cựu tù nhân Lương tâm

Với con số chính thức người đấu tranh nhân quyền dân chủ bị bắt, không ít hơn 43, năm 2017 là năm tội tệ nhất của giới bất đồng chính kiến Việt Nam.

Các nhóm dư luận viên, cuồng đảng, và phần lớn, là an ninh giả dạng dân thường đã thực hiện hàng loạt cuộc đánh đập người bất đồng chính kiến và quần chúng phản kháng. Mức độ trở nên nghiêm trọng khi bạo lực xảy ra giữa ban ngày và với sự chứng kiến của lực lượng mặc sắc phục công quyền.

Chính quyền đảng trị gia tăng giám sát các hoạt động đi lại của người bất đồng chính kiến. Bất kỳ sự kiện nào, bao gồm những ngày lễ, tưởng niệm trong nước hay quốc tế, các chuyến viếng thăm của các quan chức nước ngoài…nơi ở của người đấu tranh đều bị canh gác, cấm đi ra ngoài. Các cuộc gặp gỡ của những người bảo vệ nhân quyền hầu hết đều bị cản phá.

Báo cáo vi phạm nhân quyền năm nay được thu thập dữ liệu qua mạng lưới hội viên Hội Cựu tù nhân Lương tâm (HCTNLT), các nhà hoạt động và trực tiếp từ các nạn nhân. Báo cáo chỉ thống kê các trường hợp nghiêm trọng và đã kiểm chứng nên chắc còn nhiều trường hợp không được biết đến và không thể liệt kê.

HCTNLT Việt Nam kêu gọi nhà cầm quyền VN hãy tôn trọng các quyền căn bản trong Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà VN đã cam kết. Trong đó, bao gồm những quyền về tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội, tự do đi lại và tụ họp ôn hòa.

HCTNLT kêu gọi các nước đối tác thương mại với VN, cần đặt vấn đề nhân quyền trong trao đổi thương mại, yêu cầu VN thừa nhận các tổ chức xã hội dân sự độc lập và tạo điều kiện cho tiếng nói phản biện xã hội được cất lên một cách tự do.

Xem chi tiết tại đây: Báo cáo vi phạm nhân quyền Việt Nam 2017

===== 11/3 =====

Nghệ An trả thù người biểu tình chống Formosa

Chính quyền Nghệ An bắt đầu chiến dịch đàn áp giáo dân xứ Phú Yên sau khi linh mục sở tại Đặng Hữu Nam bị thuyên chuyển khỏi địa phương.

Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Nghệ An vừa gửi giấy triệu tập cho ít nhất ba nạn nhân Formosa với cáo buộc gọi là “gây rối trật tự công cộng”. Hành động xảy ra chỉ mấy ngày sau khi linh mục Đặng Hữu Nam rời nhiệm sở giáo xứ Phú Yên thuyên chuyển sang giáo xứ mới.

Công an tỉnh Nghệ An đã yêu cầu bà Bùi Thị Nhiệm, bà Sâm, ông Cao Sỹ Hoán người làng Tân An tức thuộc giáo xứ Phú Yên, có mặt tại Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu trong ngày 09/03/2018 để “làm việc” vì có liên quan đến sự kiện người dân tụ tập tại UBND xã An Hòa ngày 03/10/2016.

Trong ngày 03/10/2016, hơn 500 người dân giáo xứ Phú Yên và vùng phụ cận đã đến UBND xã An Hòa để yêu cầu nhà cầm quyền xác nhận cho linh mục Đặng Hữu Nam là người đại diện pháp lý cho họ trong vụ kiện chống lại Formosa. Nhà cầm quyền xã An Hòa đã cố tình gây cản trở, đùn đẩy trách nhiệm và không chịu xác nhận cho người dân để họ thực hiện các thủ tục pháp lý.

Từ hai năm qua người dân làng Tân An, giáo xứ Phú Yên đã bị là đối tượng tấn công sách nhiễu của nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An. Trong tất cả các sự kiện người dân luôn nêu cao tình thần hòa bình và tôn trọng pháp luật. Tuy nhiên, giới cầm quyền lại luôn tìm cách để chia rẽ, hãm hại và tấn công người dân nơi đây.

Sự việc này làm người ta có thể quy rằng nhà cầm quyền Nghệ An đang có hành vi trả thù những người dân giáo xứ Phú Yên và tìm mọi cách để bảo vệ Formosa.

Cho đến nay người dân nơi đây vẫn chưa một ai nhận được tiền bồi thường và nghề nghiệp vẫn chưa hồi phục như trước.

===================

Quý vị có thể xem Bản tin Anh ngữ tại đây