Tiếng nói chống cho thuê đất 99 năm trong giới văn nghệ sĩ chính thống

Hội Sinh viên Nhân quyền, ngày 07/6/2018

 

Hiện nay, phong trào chống Trung Quốc, chống dự luật Đặc khu Kinh tế mới đang thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân. Tiếng nói của giới văn nghệ sĩ, giới giải trí chính thống chính là một trong những lý do làm nên thành công đó.

Người đầu tiên lên tiếng trong giới này có lẽ là nhà thơ, nhà báo Lưu Trọng Văn. Từ ngày 26/05, khi hầu hết dư luận còn đang thờ ơ với chủ đề này, nhà báo Văn đã viết một bài kêu gọi “cải tổ ngay thể chế , Hiến pháp, luật pháp theo mô hình các nước văn minh”, nhằm giúp Việt Nam có đủ sức mạnh kinh tế, quân sự để chống quân xâm lược [1]. Điều này không đáng ngạc nhiên: trong những năm gần đây, nhà báo Văn đã ký nhiều kiến nghị kêu gọi bảo vệ chủ quyền biển đảo, kêu gọi thực thi nhân quyền… của giới nhân sĩ, trí thức Việt Nam.

Hưởng ứng lời kêu gọi của anh trai mình, từ ngày 01/06, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng lên tiếng phản đối chính sách cho thuê đất 99 năm trong dự luật Đặc khu Kinh tế mới [2]. Tiếng nói của ông Ninh có ảnh hưởng không nhỏ đến làng điện ảnh, giải trí ở Việt Nam. Chẳng hạn, ngày 03/06, MC Phan Anh đã đăng lại ý kiến của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, đồng thời kêu gọi cộng đồng mạng đổi avatar để phản đối [3]. Lời kêu gọi của Phan Anh đã khiến nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong làng giải trí, như diễn viên Thái Hòa và ca sĩ Mỹ Lệ, cùng nhập cuộc. Từ đó, đông đảo cư dân mạng đã chú ý đến vấn đề này, và không còn e dè khi lên tiếng.

Song song với nhà báo Lưu Trọng Ninh, nhà phê bình văn học Trần Đình Sử cũng lên tiếng từ khá sớm. Ông Sử đã viết status phản đối dự luật 99 từ ngày 30/5, khi phần lớn dư luận chống Trung Quốc còn đang xoay quanh vụ áo lưỡi bò, chứ chưa quan tâm đến chuyện dự luật [4]. Status của ông Sử được share lại bởi nhiều người trong giới sáng tác và nghiên cứu văn học, cả lề trái lẫn lề phải. Khi quan điểm chống Trung Quốc đã lan truyền thành phong trào, ngay cả hai gương mặt quyền lực trong Hội Nhà văn, là Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa, cũng lên tiếng.

Trong các nhà văn quân đội, người lên tiếng mạnh mẽ nhất có lẽ là Tạ Duy Anh. Trong một bài được nhiều người đăng lại, ông Anh viết rằng vì các đại biểu Quốc hội “quá sốt sắng” với luật Đặc khu, ông tin rằng trong chuyện này “có điều khuất tất”. Cuối bài, ông Anh cũng thẳng thắn cảnh báo rằng các đại biểu Quốc hội nên tránh trở thành các “tội đồ của dân tộc” như “Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống” [5].

Phong trào lên tiếng của giới văn nghệ sĩ, giới giải trí chính thống là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, trong phong trào này vẫn tồn tại không ít hạn chế. Chẳng hạn, bài viết của nhà thơ, nhà báo Lưu Trọng Văn có đoạn:

“Ra ngay bộ luật “Đoàn kết Dân tộc“ dựa trên duy nhất Lợi ích Dân tộc. Xử bắn, tống giam tất cả những kẻ chia rẽ Dân tộc, làm suy yếu Dân tộc bởi lợi ich nhóm và chính kiến nhóm của mình.

Chỉ có Đoàn kết toàn Dân tộc mới có sức mạnh. Và sức mạnh Lòng Dân là Sức mạnh duy nhất Bảo vệ Tổ quốc”.

Nếu không tính đến tấm lòng sốt sắng của nhà báo Văn, ta dễ phê bình rằng đoạn này đi ngược lại lý tưởng nhân quyền, ngược lại thể chế , Hiến pháp, luật pháp theo mô hình các nước văn minh.

Nhưng bất kể những hạn chế này, làn sóng trào lên tiếng của giới văn nghệ sĩ, giới giải trí chính thống là một điều đáng mừng, cho thấy xã hội Việt Nam sắp có thay đổi một lần nữa.