Chính quyền thủ đô “giành ăn” với công an Hà Nội?

Thông tin ông cựu giám đốc sở công an Hà Nội nói rằng, Hà Nội chuẩn bị bán thông tin cá nhân mà chính quyền thành phố Hà Nội thu thập trong dân chúng thủ đô, cho thấy dường như ngân quỹ của bộ máy hành chính Hà Nội đã cạn kiệt nên tìm mọi cách vơ vét nguồn thu.

Thảo Vy, Việt Nam Thời báo, ngày 04/7/2018

Viettel đã chi tiền để thu thập dữ liệu về dân cư?

Trung tuần tháng 11-2017, Bộ Công an có tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhật ký phóng viên cho biết, tại hội nghị này, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, nói rằng sau một thời gian triển khai thí điểm, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã có đủ điều kiện cần thiết để triển khai. Ngoài hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Công an phối hợp với các đơn vị liên quan đã xây dựng xong trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trung tâm dữ liệu dân cư tại Hà Nội và TP.HCM.

Tướng Vương cho biết Chính phủ cũng đã xác định cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án ngân sách nhà nước, là tài sản nhà nước giao cho Bộ Công an quản lý. “Tại sao lại giao cho công an? Bởi vì công an có đầy đủ nguồn lực từ trung ương đến địa phương, đến tận xã phường. Và công an sẵn có dữ liệu quản lý bằng giấy rồi, từ căn cước công dân, giấy thông hành”, Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, nói thêm rằng giao cho cơ quan công an quản lý không có nghĩa là của công an, mà sẽ dùng chung cho các bộ ngành.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất thí điểm việc chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư có thu phí

Trên cơ sở nguồn dữ liệu thu thập đó từ ngành công an, Thiếu tướng Công an Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhìn nhận nếu Hà Nội thực hiện việc bán dữ liệu dân cư (ông Chung dùng từ chia sẽ) cho một số lĩnh vực như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác, thì dự ước số tiền thu về hàng năm cho ngân sách Hà Nội phải trên 300 tỉ đồng.

Tại TP.HCM, từ 18-4-2018, sở công an triển khai thu thập thông tin theo đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tại hội nghị triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tập huấn công tác phục vụ triển khai thu thập thông tin dân cư TP.HCM hôm 28-3-2018, Trung tướng Lê Đông Phong, giám đốc sở công an cho biết, hiện nay TP.HCM là đô thị đặc biệt, quy mô dân số hiện có hơn 2,5 triệu hộ với hơn 10 triệu nhân khẩu. Trong đó có hơn 1,5 triệu hộ với gần 6,3 triệu nhân khẩu thường trú, có 980.418 hộ với 3,4 triệu người tạm trú. Ngoài ra mỗi ngày có khoảng 0,5 triệu lượt người lưu trú.

Theo nội dung một Quyết định do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 26 tháng 11 năm 2015, thì dự án “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” có tổng mức đầu tư (sau thuế) là 3.367 tỷ đồng do Tập đoàn Viễn thông Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng ứng vốn thực hiện dự án [tải Quyết định này tại http://bit.ly/2KHcj0u].

Ai được quyền ‘bán’?

“Theo Luật phí và lệ phí tới đây thì Bộ Công an sẽ quản lý dữ liệu này và tiến hành thu phí. Còn căn cứ vào Luật tổ chức chính quyền địa phương thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm quản lý dân cư trên địa bàn và được phép ban hành giá dịch vụ”. Chủ tịch TP. Hà Nội – Nguyễn Đức Chung trả lời báo chí như vậy trong một phỏng vấn vào chiều 2-7-2018.

Phát biểu này của ông Nguyễn Đức Chung có lẽ từ niềm tin là dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính về “Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” sẽ được Bộ trưởng Bộ Tài chính sớm ký ban hành.

Tuy nhiên nếu căn cứ vào Nghị định số 137/2015/NĐ-CP, thì thẩm quyền chia sẻ/ ‘bán’ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thuộc Bộ Công an chứ không phải cơ quan hành chính dân sự là UBND TP như lời của ông Nguyễn Đức Chung.

“1. Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền cho phép khai thác thông tin về công dân cư trú tại địa phương. 2. Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có thẩm quyền cho phép khai thác các thông tin về công dân trên phạm vi toàn quốc”. (Nghị định số 137/2015/NĐ-CP, Điều 9. Thẩm quyền cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư)

Ngoài ra, Điều 11. Sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP, yêu cầu (1). Việc sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của công dân. (2). Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội chỉ được sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc giải quyết thủ tục hành chính.

Như vậy, nếu theo đúng quy định của pháp luật, thì không thể có như lời tuyên bố chắc nịch về con số trên 300 tỉ đồng thu về mà ông Nguyễn Đức Chung cho rằng chính quyền Hà Nội có thể giành quyền từ tay bộ công an, để bán các thông tin cá nhân này cho ngân hàng, công chứng và… một số lĩnh vực khác (!?).

Trong trường hợp chính phủ chấp nhận đề nghị trao quyền ‘bán dữ liệu dân cư’ cho chủ tịch TP. Hà Nội, thì vào tháng 4-2019, với việc tổng điều tra dân số và nhà ở trên toàn quốc theo Quyết định 772/QĐ-TTg do thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 26-6-2018, cho thấy có đến 10 nội dung mà ông Nguyễn Đức Chung có thể chào bán rất đắt hàng: Thông tin chung về dân số; Tình trạng di cư; Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; Tình trạng khuyết tật; Tình trạng hôn nhân; Mức độ sinh, chết và phát triển dân số; Tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; Tình hình lao động – việc làm; Thực trạng về nhà ở; Điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.