Đấu tranh vì lương tâm: Phương pháp của Gandhi (5)

mahatma_gandhi

Đánh giá theo tiêu chuẩn đấu tranh vì lương tâm của Gandhi, cuộc đấu tranh chống các Dự luật Rowlatt là một thất bại. Nó bị biến dạng khi bạo động nổ ra. Các lực lượng khác nhau đã vào cuộc nhưng Gandhi và các chiến hữu đã không thể kiểm soát được. Khuyết điểm của chiến dịch với những hậu quả vừa kể sẽ được phân tích tại đây. Phải chăng cuộc đấu tranh chống các Dự luật Rowlatt đã bác bỏ niềm tin của Gandhi về hiệu quả của đấu tranh vì lương tâm? Hoặc chiến dịch này mới chỉ là duragraha (bất bạo động quyết liệt) chứ chưa phải là satyagraha (đấu tranh vì lương tâm)?

Pro & Contra | 2/3/2014

Joan V. Bondurant

Phan Trinh dịch

Xem kì 1, kì 2, kì 3, kì 4

4. ĐẤU TRANH TOÀN QUỐC CHỐNG LUẬT ROWLATT [i]

Ngày tháng, thời gian kéo dài, địa điểm:

(1) Từ 1/3 đến 18/4/1919.

(2) Kéo dài bảy tuần.

(3) Đây là cuộc đấu tranh vì lương tâm đầu tiên có quy mô toàn quốc được tiến hành tại Ấn Độ. Kế hoạch hành động xuất phát từ Ahmedabad; ban chỉ huy được thành lập tại Bombay. Nơi đấu tranh mạnh nhất là tại Tỉnh Bombay [một trong ba vùng lãnh thổ của nước Ấn thuộc Anh thời thực dân] và tại Bắc Ấn, với Thành phố Madras và Calcutta là những trung tâm đấu tranh quan trọng.

Mục tiêu:

(1) Bối cảnh:

(a) Điều khoản trong các Đạo luật và Dự luật Rowlatt: Theo lời đề nghị của Ủy ban Chống Bạo loạn dưới quyền Ngài Sidney Rowlatt năm 1918, các luật lệ được soạn thảo để gia tăng quyền lực cho chính quyền trong việc kiểm soát tội ác, kể cả trấn áp bạo loạn. Điều được gọi là Đạo luật Rowlatt (Đạo luật Số XI năm 1919 của Chính quyền Ấn Độ) “được soạn thảo để cho phép xét xử nhanh chóng những vụ gây rối bằng một phiên toà nghiêm khắc, với ba thẩm phán Tòa Thượng thẩm, và không cho bị cáo quyền kháng án.” Đạo luật cũng cho chính quyền thêm quyền lực để giam giữ ngăn ngừa – tức bắt bớ và giam giữ những người bị tình nghi là mối đe dọa cho trật tự công cộng – và quyền triệu tập người bị tình nghi hoạt động phá hoại vì lý do an ninh, quyền buộc họ phải ở một nơi nhất định, hoặc phải từ bỏ một số hành vi cụ thể. Ngoài ra, luật còn cho phép giam giữ không gián đoạn những thành phần được cho là “nguy hiểm”.

Một Dự luật thứ hai, với “dự định thay đổi hẳn luật hình sự thông thường áp dụng trên lãnh thổ”, chưa từng được đệ trình trước Hội đồng Lập pháp Ấn Độ, bao gồm các điều khoản như: “… những ai lưu giữ tài liệu có mục đích gây rối với ý định xuất bản hay phố biến chúng … có thể bị trừng trị bằng các bản án tù giam.”

(b) Lập luận của Chính quyền: Người bảo vệ Đạo luật và Dự luật Rowlatt nhấn mạnh đến những quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn. Theo đúng thủ tục, luật chỉ có hiệu lực khi vị Toàn quyền kết luận rằng ở một nơi nào đó trên phần đất của Nước Ấn thuộc Anh, những vụ gây rối có tính cách mạnh đang diễn ra tràn lan. Một ủy ban điều tra có thực quyền sẽ được thành lập để xem xét các dữ liệu dựa trên đó chính quyền đưa ra lệnh trấn áp hay bắt bớ. Ủy ban điều tra sẽ gồm một nhân viên tư pháp và một người Ấn không là viên chức chính quyền.

(c) Lập luận của phe đối lập: Đối với người Ấn, những điều khoản trong Đạo luật và Dự luật Rowlatt là “không công bằng, phá hoại nguyên tắc về tự do và công lý, hủy diệt những quyền cơ bản của cá nhân con người mà trên đó sự an toàn của đất nước và nhà nước Ấn Độ được xây dựng.” Luật cũng ẩn chứa bên trong sự phủ định những lời hứa các lãnh tụ nước Anh đưa ra trong thời chiến, đồng thời khẳng định mối hoài nghi rằng nước Anh có ý đồ ngăn cản Ấn Độ tiến tới độc lập. Nó cũng “xâm phạm đến quyền lợi thông thường của những công dân tự do,” bao gồm việc: bãi bỏ các phiên tòa có bồi thẩm đoàn và quyền kháng án trong trường hợp xét xử tội nổi loạn; cho phép xử kín; cho dùng những chứng cớ không qua kiểm tra chéo; tiếp tục cho Hành pháp quyền hạn chế tự do cá nhân và kiềm chế tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp. Quần chúng khắp nơi tỏ ra hết sức bất mãn với các Đạo luật và Dự luật này.

(2) Mục tiêu ngắn hạn của cuộc đấu tranh vì lương tâm: Hủy bỏ Đạo luật thứ nhất đã được ban hành, được mô tả như “luật để đối phó với tội phạm có tính gây rối và cách mạng”, và ngăn chặn việc thông qua Dự luật thứ hai.

(3) Mục tiêu dài hạn: Thông qua cuộc vận động tranh thủ quần chúng và nâng cao ý thức chính trị, phong trào là một phần của cuộc đấu tranh rộng lớn và không ngừng giành lại độc lập quốc gia.

Người tham gia và lãnh đạo đấu tranh vì lương tâm:

(1) Gandhi: Gandhi khởi xướng phong trào cùng các đồng sự từ cộng đoàn Ahmedabad.

(2) Lớp lãnh đạo thứ hai: Thành viên cộng đoàn của Gandhi tại Ahmedabad và lãnh tụ từ các phong trào quốc gia giành độc lập toàn Ấn Độ.

(3) Số người tham gia: Toàn bộ các chương trình hành động của cuộc đấu tranh được cho là thu hút “hàng triệu” người tham gia trên cả nước Ấn Độ. Quần chúng ở miền Nam ủng hộ phong trào mạnh mẽ bất ngờ. Tại Thành phố Bombay, số tình nguyện viên đặc biệt (thành viên đấu tranh tích cực) được ghi nhận là 600 người.

(4) Tính cách người tham gia: Một báo cáo chính thức của người Anh ghi nhận “có sự liên thông huynh đệ” giữa tín đồ Ấn Độ giáo và Hồi giáo, cả trong hàng ngũ những người đẳng cấp thấp. Phụ nữ và trẻ em cũng tham gia vào những hình thức đấu tranh trực diện.

Người tham gia và lãnh đạo hàng ngũ đối phương:

(1) Viên chức chính quyền Ấn Độ.

(2) Cảnh sát Ấn Độ dưới quyền chỉ huy của sĩ quan Anh.

Tổ chức và hoạt động hỗ trợ:

(1) Hội Đấu tranh vì Lương tâm được thành lập tại Bombay như tổng hành dinh của phong trào.

(2) Chọn luật để bất tuân: Theo sau quyết định bất tuân dân sự, Ủy ban Đấu tranh vì Lương tâm đã được bổ nhiệm để chọn lọc các đạo luật phù hợp làm mục tiêu của bất tuân dân sự.

(3) Các Ủy ban Địa phương được thành lập tại các vùng miền khác của Ấn Độ để hướng dẫn người dân về nguyên tắc và kỹ thuật đấu tranh vì lương tâm.

(4) Các hình thức hoạt động hỗ trợ được đưa vào sinh hoạt của Hội Đấu tranh vì Lương tâm.

Chuẩn bị trước khi hành động:

(1) Cam kết Đấu tranh vì Lương tâm: Việc phổ biến rộng rãi cam kết dưới đây không chỉ góp phần quảng bá mục tiêu phong trào, mà còn nhấn mạnh đến nguyên tắc phải giữ gìn sự thật và bất bạo động:

Ý thức và nhận định rằng Dự luật có tên là Dự luật Số 1 năm 1919 về Sửa đổi Luật Hình sự Ấn Độ, và Dự luật Số 2 năm 1919 về Quyền hạn Khẩn cấp trong Thi hành Luật Hình sự là không công bằng, là đi ngược lại nguyên tắc về tự do và công lý, hủy diệt những quyền cơ bản của cá nhân con người mà trên đó sự an toàn của cả đất nước Ấn Độ và của nhà nước được xây dựng, chúng tôi long trọng khẳng định rằng: Trong trường hợp những Dự luật này trở thành đạo luật, và cho đến khi chúng bị hủy bỏ, chúng tôi sẽ từ chối chấp hành những đạo luật này, và những luật lệ khác mà ủy ban đấu tranh sau này thấy là cần chống lại, đồng thời chúng tôi cũng khẳng định rằng trong cuộc đấu tranh này, chúng tôi sẽ một lòng đề cao sự thật và sẽ không thực hiện hành vi bạo động nào đối với sự sống, đối với con người, và đối với tài sản các loại.

(2) Thảo luận về những vấn đề chung tại các cuộc mít tinh đông đảo quần chúng và ký tên vào cam kết.

(3) Thanh luyện: Sự tham gia của đại chúng được đánh dấu bằng một ngày “khiêm cung và cầu nguyện”. Mỗi người tham gia đấu tranh được yêu cầu thực hiện 24 giờ chay tịnh như một hình thức tuân thủ kỷ luật để chuẩn bị cho mình dấn thân vào cuộc bất tuân dân sự. Ký tên vào Cam kết Đấu tranh vì Lương tâm cũng là một điều mọi người tham gia bất tuân dân sự cần làm. Những ai không ký cam kết và không chay tịnh trong 24 giờ sẽ không tham gia bất tuân dân sự, nhưng vẫn có thể áp dụng hình thức bất hợp tác với chính quyền bằng những cách khác. Họ cũng có thể có lời cam kết khác như sẽ “đề cao sự thật bằng mọi giá và sẽ không bạo động.”

(4) Công tác chuẩn bị theo nhận xét của một viên chức chính quyền: Phía đối lập công nhận rằng Gandhi đã “công khai lên án mọi hình thức sử dụng bạo lực” và rằng “không điều gì, trong thái độ hay tuyên bố, của Gandhi có thể dùng để biện minh cho việc chính quyền đưa ra những biện pháp chống lại ông trước khi chiến dịch thực sự bắt đầu.”

(5) Phê phán các Dự luật Rowlatt ngay tại Hội đồng Lập pháp: Những thành viên độc lập thuộc Hội đồng Lập pháp Ấn Độ kịch liệt chống đối các Dự luật Rowlatt. Một nguồn tin chính thức từ chính quyền ghi nhận rằng sự chống đối này, cùng với việc phổ biến Cam kết Đấu tranh vì Lương tâm đã “đặt nền móng cho một cuộc vận động lớn lao chưa từng có trong nhiều năm vừa qua.”

Những hành động mở đầu:

(1) Kiến nghị gửi Toàn quyền: Trong quá trình thông qua Dự luật Rowlatt thứ nhất, Gandhi đã khuyến cáo vị Toàn quyền (bằng thư riêng hoặc thư chung) đừng phê duyệt Dự luật. Gandhi cảnh báo nếu Dự luật được thông qua và trở thành Đạo luật, thì ông sẽ không còn con đường nào khác hơn là dùng biện pháp mạnh toàn diện.

(2) Kế hoạch bất tuân dân sự: Người tham gia đấu tranh cam kết sẽ bất tuân Đạo luật Rowlatt nếu được áp dụng trong trường hợp của họ. Kế hoạch cũng đặt phong trào trên một nền tảng rộng lớn hơn bằng cách chọn những luật lệ khác nữa để bất tuân cùng lúc. Quyết định này cho thấy phong trào có tác dụng như một phần của cuộc đấu tranh vì độc lập và khiến một số lãnh tụ quốc gia bất bình. Motilal Nehru, người chống lại quyết định, nhưng sau này (trong diễn văn gửi Đại hội Đảng Quốc đại năm 1919) lại cho thấy ông tin vào tiềm năng cách mạng lớn lao của đấu tranh vì lương tâm.

(3) Quảng bá rộng rãi: Trong suốt tháng 3/1919, báo chí ngập tràn bài viết về các cuộc biểu tình phản đối, các bài báo và kiến nghị chống lại luật Rowlatt.

Hành động:

(1) Bãi thị: Các cửa hàng trên toàn quốc đồng loạt đóng cửa. Ngày tổng bãi thị, dự kiến vào ngày 30/3, sau đổi thành ngày 6/4. Bãi thị vẫn bắt đầu ở Delhi vào ngày 30/3 vì lãnh đạo phong trào tại đây chưa nhận được thông báo hoãn. Bãi thị ở những nơi khác diễn ra vào ngày 6/4 và gần như tất cả mọi địa phương đều tham gia.

(2) Biểu tình: Biểu tình tuần hành đã diễn ra trên đường phố các thành phố chính. Người tham gia ban đầu giữ rất nghiêm nguyên tắc bất bạo động.

(3) Bất tuân một số luật chọn lọc: Ủy ban đấu tranh quyết định chọn những luật nào mà sự bất tuân sẽ dẫn đến bất tuân toàn diện của quần chúng:

(a) Làm muối từ nước biển để bất tuân luật đóng thuế muối.

(b) Bán sách vở bị cấm lưu hành: Sách vở bị cấm được bán công khai (có thể dễ dàng tìm ra người bán). Tổ chức đọc trích đoạn những tác phẩm bị cấm trước công chúng. Dự định bán sách vở này được Ban Chỉ huy Đấu tranh vì Lương tâm loan báo. Nếu không đủ bản in để bán thì viết tay các bản khác để bán. Sách được chọn để phổ biến là các cuốn: Hind Swaraj (độc lập nước nhà) của Gandhi; Bản tiếng Gujarati tác phẩm Unto this Last (cả người cuối cùng này) của Ruskin, do Gandhi dịch (đặt tên là Sarvodaya); Câu chuyện Đấu tranh vì lương tâm, một bài diễn giải tác phẩm Defence and Death of Socrates (biện giải và cái chết của Socrates). Tất cả những cuốn sách này đều bị chính quyền cấm đoán.

(c) Xuất bản và lưu hành tờ báo không đăng ký: Gandhi xuất bản tờ báo có tên Satyagrahi (người đấu tranh vì lương tâm). Tờ báo phổ biến những hướng dẫn về cách ứng xử khi bị bắt vào tù, cách phản ứng khi bị phạt, bị tước đoạt tài sản, và khuyên mọi người không lẩn trốn, cũng không chống đối tự vệ. Tờ báo bán được nhiều tiền và số tiền được chuyển vào quỹ chung để hỗ trợ cuộc đấu tranh bất tuân dân sự.

(4) Bạo động nổ ra: Đáp lại sự trả thù bạo động của cảnh sát, và sau đó là chống lại các vụ bắt giữ hàng ngũ lãnh đạo, bạo động đã xảy ra tại nhiều nơi sau ngày tổng biểu tình đầu tiên. Người ta ghi nhận những vụ ném đá xảy ra ở Delhi, một số tòa nhà ở các nơi khác bị đốt cháy, đường dây điện tín bị cắt, và có cả những viên chức người Anh lẫn người Ấn bị giết.

(5) Gandhi tạm ngưng phong trào và bắt đầu “tuyệt thực sám hối” trong ba ngày.

(6) Gandhi khuyến cáo người đấu tranh: Khi nhận thấy cuộc đấu tranh không bám sát tinh thần bất bạo động đúng nghĩa, Gandhi đã kêu gọi những chiến hữu đấu tranh vì lương tâm nên tuyệt thực và “thú nhận” sai phạm của mình. Ông viết: “Tôi tin rằng người muốn lãnh đạo quần chúng tham gia đấu tranh vì lương tâm phải là người có khả năng giữ được quần chúng trong phạm vi bất bạo động mình được giao phó.”

Phản ứng của đối phương:

(1) Quyết tâm thông qua các Dự luật Rowlatt: Dự luật thứ nhất được áp đặt lên Ủy ban Tuyển chọn với đa số chính thức. Tại đây, để xoa dịu công chúng, Dự luật được điều chỉnh để chỉ có hiệu lực trong ba năm.

(2) Đàn áp bạo động: Có báo cáo cho biết cảnh sát đã nổ súng từ ngày đầu tiên của bãi thị và biểu tình, bắt đầu diễn ra từ ngày 30/3 tại Delhi. Cảnh sát tấn công người biểu tình bằng gậy bọc sắt mỗi lần cuộc đấu tranh vì lương tâm bước vào giai đoạn quyết định.

(3) Phản ứng với việc bán sách cấm: Để tình hình bớt phức tạp hơn, chính quyền đã ngừng bắt người vi phạm lệnh cấm bán sách. Chính quyền biện minh cho việc ngừng bắt rằng người vi phạm chưa bán cuốn sách cấm nào, hoặc sách họ bán là ấn bản mới, không bị lệnh cấm chi phối.

(4) Bắt Gandhi: Khi Gandhi tìm cách rời Bombay đến Punjab, chính quyền gửi ông thông báo cấm đến Punjab. Ông bất tuân, tiếp tục đến Punjab, bị bắt và được cảnh sát áp giải về Bombay.

(5) Thiết quân luật được ban hành tại Ahmedabad, Lahore và Amritsar. Cũng từ lệnh thiết quân luật này, ban hành theo lệnh của Tướng Dyer, mà vụ thảm sát tai tiếng Jallianwala Bagh tại Amritsar đã diễn ra. Cảnh sát, dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan Anh, đã bắn vào đám đông tụ tập trong một khu vực không lối thoát, làm chết hàng trăm người tay không vũ khí. Giai đoạn này cũng xảy ra những vụ trừng phạt đầy tính sỉ nhục, như đánh đòn nạn nhân giữa nơi công cộng, hoặc “lệnh bò lê”, bắt người Ấn phải bò lê bằng bụng trên đoạn đường mà một phụ nữ người Anh trước đó đã bị tấn công.

Kết quả:

(1) Kết quả tức thời: Mục tiêu của chiến dịch đã không đạt được lập tức (và chiến dịch bị hủy bỏ trước khi đến giai đoạn chung cuộc). Tuy nhiên, Dự luật Rowlatt thứ hai đã không được đưa ra Hội đồng Lập pháp nữa, và Đạo luật Rowlatt, vốn là nguyên nhân dẫn đến cuộc đấu tranh, đã không hề được chính quyền đem ra sử dụng.

(2) Gandhi xem xét lại các điều kiện tiên quyết khi đấu tranh vì lương tâm: Vì thất bại trong vụ đấu tranh chống các Dự luật Rowlatt, và vì không thể dự đoán phản ứng của quần chúng, Gandhi đã phải ta thán rằng đây là “một sai lầm, lớn như Hy Mã Lạp Sơn.” Khi hay tin bạo động nổ ra, ông hiểu rằng quần chúng chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng để đấu tranh vì lương tâm. Ông viết: “Tôi nhận ra rằng trước khi quần chúng có thể tham gia bất tuân dân sự, họ phải hiểu được việc mình làm sẽ dẫn đến hiệu quả và hậu quả nào”. Ông khẳng định rằng trước khi ông lại có thể lãnh đạo một phong trào như thế, “cần phải thành lập một nhóm những người tự nguyện nòng cốt có dày dạn kinh nghiệm, với lương tâm thanh thản, và hiểu biết thấu đáo những đòi hỏi của đấu tranh vì lương tâm. Những người nòng cốt này sẽ truyền đạt lại cho quần chúng và bằng cách giám sát ngày đêm, giữ quần chúng theo đường lối đúng đắn.”

(3) Tổ chức lực lượng đấu tranh vì lương tâm nòng cốt: Vời việc thành lập Hội Đấu tranh vì Lương tâm, Gandhi đã quy được được một lực lượng nòng cốt những tình nguyện viên, và đã bắt đầu công tác hướng dẫn quần chúng về ý nghĩa và cách thực hành đấu tranh vì lương tâm.

(4) Hợp tác với chính quyền: Với niềm tin rằng “trước khi bạn trở nên người thích hợp để thực hành bất tuân dân sự, bạn phải là người sẵn lòng tuân thủ và tuân thủ một cách nghiêm túc luật lệ nhà nước,” Gandhi loan báo rằng người đấu tranh vì lương tâm phải “không ngừng” giúp đỡ nhà cầm quyền “bằng tất cả mọi cách mà ta có thể, với tư cách là những người đấu tranh vì lương tâm” để “vãn hổi trật tự và khống chế tình trạng vô pháp luật.” Ông nói họ phải “không sợ hãi loan truyền nguyên tắc Satya [sự thật] và Ahimsa [bất bạo động / tình thương], chỉ khi đó, và cũng chỉ khi nào làm được như thế, chúng ta mới có thể tiến hành đấu tranh vì lương tâm với quy mô lớn.”

***

ĐÚC KẾT CHIẾN DỊCH ROWLATT:

Đánh giá theo tiêu chuẩn đấu tranh vì lương tâm của Gandhi, cuộc đấu tranh chống các Dự luật Rowlatt là một thất bại. Nó bị biến dạng khi bạo động nổ ra. Các lực lượng khác nhau đã vào cuộc nhưng Gandhi và các chiến hữu đã không thể kiểm soát được. Khuyết điểm của chiến dịch với những hậu quả vừa kể sẽ được phân tích tại đây. Phải chăng cuộc đấu tranh chống các Dự luật Rowlatt đã bác bỏ niềm tin của Gandhi về hiệu quả của đấu tranh vì lương tâm? Hoặc chiến dịch này mới chỉ là duragraha (bất bạo động quyết liệt) chứ chưa phải là satyagraha (đấu tranh vì lương tâm)?

Phân tích những diễn biến của chiến dịch cho thấy phần lớn các bước cần có của một cuộc đấu tranh vì lương tâm đúng nghĩa đã diễn ra, và hầu hết các quy tắc liên quan đã được áp dụng. Tôi tin rằng có thể gọi chiến dịch này là một cuộc đấu tranh vì lương tâm theo đúng nghĩa của Gandhi.

Mục tiêu tiên quyết là loại bỏ một luật lệ được cho là không công bằng. “Sự thật”, hay quyền lợi chính đáng, của chiến dịch là hủy bỏ những luật lệ được cho là sẽ vi phạm quyền dân sự của con người, và – với những người Ấn Độ có ý thức chính trị – Dự luật này còn biểu tượng cho tình trạng bất công lớn hơn, đó là tình trạng đất nước Ấn Độ bị người Anh kìm kẹp.

Những kế hoạch hành động chống lại chính quyền cũng tuân thủ những nguyên tắc bất bạo động. Việc bất tuân đã diễn ra trong lặng lẽ nhưng kiên định, và các luật lệ được chọn để bất tuân cũng được chọn lọc kỹ lưỡng để bảo đảm việc bất tuân có thể diễn ra dễ dàng nhất, và ít đánh đố khiến cảnh sát phải trấn áp bằng bạo động nhất. Mỗi lần bị cảnh sát trấn áp, phe đấu tranh cũng đều kêu gọi phương pháp tự khổ, thay vì đánh trả.

Cách ứng xử của những người đấu tranh tích cực được diễn giải trên tờ Satyagrahis, được bán ra bất chấp lệnh buộc mọi ấn phẩm phải đăng ký. Cuộc đấu tranh vì lương tâm cũng được bắt đầu bằng những khóa chay tịnh, nhằm thúc đẩy sự đoàn kết của những người đấu tranh và giúp mọi người thêm cương quyết nhưng vẫn giữ được sự khách quan.

Những quy tắc cơ bản khi tiến hành đấu tranh vì lương tâm cũng được tuân thủ trong chiến dịch này:

(1) Thái độ tự túc được thể hiện rõ nét trong cách tổ chức của những người đấu tranh. Tài chính hỗ trợ phong trào có được nhờ việc bán báo và sách vở.

(2) Trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh, thế chủ động luôn nằm trong tay người đấu tranh vì lương tâm. Khi bạo động xảy ra, họ bị quá tải với nhiệm vụ kiểm soát quần chúng hỗn độn nên thế chủ động lọt vào tay đối phương, và đối phương đã dùng những biện pháp đàn áp khốc liệt, mở đường cho những bạo động khác tiếp diễn.

(3) Quảng bá chắc chắn là một phần không thể thiếu của chiến dịch. Báo chí tường thuật chi tiết vụ chống các Dự luật Rowlatt và có bài viết hàng ngày. Cộng đoàn những người đấu tranh vì lương tâm cũng phổ biến những bản tin và hướng dẫn dành cho thành viên tham gia chiến dịch.

(4) Yêu sách về những quyền dân sự cơ bản được nêu lên rõ ràng.

(5) Việc tiến hành bất tuân dân sự chỉ được thực hiện sau khi có những nỗ lực giải quyết xung đột trong danh dự. Gandhi đã viết thư cho chính quyền, yêu cầu họ bãi bỏ Đạo luật gây tranh cãi. Những thành viên không chính thức của Hội đồng Lập pháp cũng tìm cách bác bỏ Dự luật. Chính quyền được biết trước ý định của những người đấu tranh vì lương tâm và mọi bước sẽ diễn ra trong phong trào có tổ chức này.

(6) Đạo đức và kỷ luật trong hàng ngũ những người đấu tranh đã không đủ mạnh để ngăn cản quần chúng bạo động. Kết quả của chiến dịch cho thấy cần có ý thức mạnh mẽ hơn về những yếu kém nội bộ và phải chuẩn bị chu đáo hơn để mọi người đấu tranh vì lương tâm hiểu rõ trách nhiệm của mình.

(7) Trong giai đoạn đầu, đã có những nỗ lực kiến tạo bầu không khí thuận lợi để đối thoại, cho phép hợp tác tối đa với chính quyền trong việc kiềm chế các “tội phạm có tính hỗn loạn vô chính phủ” mà không phải dùng đến luật Rowlatt đang gây tranh cãi. Trong giai đoạn cuối, Gandhi đã đến gặp giới chức chính quyền và cuối cùng được phép lên tiếng với đám đông biểu tình tại Ahmedabad, nơi ông tuyên bố chấm dứt chiến dịch.

(8) Không lúc nào có dấu hiệu cho thấy những người đấu tranh vì lương tâm từ bỏ mục tiêu cốt lõi của mình (rút lại Đạo luật đã ban hành và hủy bỏ Dự luật thứ hai).

(9) Chiến dịch được chấm dứt trước khi đạt được thỏa thuận.

Một lần nữa, việc phân tích những bước mà người đấu tranh tiến hành để chống luật Rowlatt cho thấy chiến dịch là một cuộc đấu tranh vì lương tâm theo đúng tinh thần Gandhi:

(1) Họ đã cố gắng thương lượng bất cứ khi nào có thể.

(2) Việc chuẩn bị cho người đấu tranh đã được thực hiện thông qua việc chay tịnh để thanh tẩy tư tưởng và việc hướng dẫn các thao tác đấu tranh bất bạo động. Tuy nhiên, xét theo kết quả, có thể nói giai đoạn chuẩn bị này đáng lẽ cần được kéo dài hơn, cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Cũng nên chú ý là tuyệt thực, chay tịnh chỉ được dùng như một hình thức kỷ luật tự giác và sau đó được Gandhi thực hiện như một hành vi sám hối vì bạo động đã xảy ra, nhưng tuyệt thực đã không hề được dùng trong chiến dịch như một biện pháp để gây áp lực với đối phương.

(3) Việc quảng bá được tiến hành đầy đủ và rộng khắp trên cả nước.

(4) Tối hậu thư, dưới hình thức lời cam kết đấu tranh vì lương tâm, rất rạch ròi dứt khoát, và cũng rạch ròi không kém nội dung bản tuyên bố của Gandhi gửi cho vị Toàn quyền.

(5) Tẩy chay kinh tế không giữ vai trò đáng kể trong chiến dịch; các cuộc bãi thị mở đầu chiến dịch có chỉ có vai trò như một hình thức biểu dương lực lượng mang nhiều tính biểu tượng hơn kết quả thực tế.

(6) Bất hợp tác không phải là hoạt động chủ yếu trong chiến dịch này. Tuy nhiên, bất hợp tác đã được các cá nhân thực hiện. (Bản thân nhà thơ Rabindranath Tagore cũng trả lại tước hiệu hiệp sĩ để bày tỏ thái độ bất hợp tác, dưới tác động của cuộc đấu tranh vì lương tâm này.)

(7) Bất tuân dân sự là đặc tính của chiến dịch. Ngoài Đạo luật và Dự luật chiến dịch chọn để chống đối, việc chọn các đạo luật khác để bất tuân cũng là đặc điểm của chiến dịch. Bất tuân luật xuất bản và phát hành cũng được thực hiện chặt chẽ và khéo léo.

(8) Chiến dịch đã không mở rộng đến mức có thể thay thế các chức năng của chính quyền, mặc dù ở Bombay, cộng đoàn đấu tranh vì lương tâm dường như đã tạm thời thay mặt chính quyền và tranh thủ được sự trung thành của quần chúng.

Như vậy, có thể nói chiến dịch chống lại luật Rowlatt có đủ các thành tố tạo nên một cuộc đấu tranh vì lương tâm đúng nghĩa. Nhưng tại sao chiến dịch lại dẫn đến hỗn loạn sâu rộng và tan vỡ, mở đường cho bạo động khiến chiến dịch phải chấm dứt?

Nguyên nhân chính khiến chiến dịch thất bại và không giữ được tính bất bạo động nằm ở việc quần chúng tham gia đã không được chuẩn bị tinh thần đúng mức, nhất là khối quần chúng mở rộng, ở vòng ngoài chiến dịch. Những nguyên tắc kỷ luật, vốn được một số những nhân vật trung tâm của chiến dịch hiểu và tuân thủ, đã không được truyền đạt đến một số lượng đủ lớn những người tình nguyện để đảm bảo họ tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc đấu tranh vì lương tâm.

Công tác lãnh đạo đã không được mở rộng kịp thời để kiểm soát được số lượng khổng lồ quần chúng bất ngờ được kích hoạt và tham gia. Như sau này Gandhi tường trình trước Uỷ ban Hunter – uỷ ban điều tra vụ bạo động – tuyệt đại đa số quần chúng Ấn Độ từ trước đến nay hầu như là một quần chúng hoàn toàn bất động. Các lãnh tụ Ấn Độ chưa bao giờ thu hút được quần chúng tham gia vào các hoạt động chính trị. Họ hoàn toàn không có nguyên tắc, cũng không có kỷ luật. Chiến dịch Rowlatt lần đầu tiên đánh thức được tiềm lực đã ngủ quên rất lâu trong lòng đại chúng. Ông Motilal Nehru đã mô tả sự thay đổi mà cuộc đấu tranh bất bạo động mang lại như sau:

“Một lực lượng mới bỗng dưng xuất hiện trong sinh hoạt chính trị của chúng ta, một lực lượng với tiềm năng khổng lồ. Quần chúng tại Ấn Độ bỗng dưng thức tỉnh và thông điệp của đấu tranh vì lương tâm đã len lỏi vào từng căn nhà dù nhỏ đến đâu, dù xa xôi đến đâu. Một số chúng ta không đồng ý với những từ ngữ được dùng trong Cam kết Đấu tranh vì Lương tâm, nhiều người cũng cho rằng thời cơ chưa chín muồi để bất tuân dân sự. Nhưng ít ai, tôi tin như thế, lại có thể không đồng ý với những điểm cốt lõi của đường lối này. Và đó là, theo suy nghĩ của tôi, sự thật, không sợ hãi, và bất bạo động.” [ii]

Sai lầm “lớn như Hy Mã Lạp Sơn” của Gandhi, như chữ ông dùng, là do ông không thể dự đoán lời kêu gọi của mình được quần chúng hưởng ứng mãnh liệt đến mức nào. Ông lý giải: “Họ thấy mình có một sức mạnh mới, nhưng lại không biết sức mạnh đó là gì và phải dùng nó ra sao.” Trong khi một nhóm những người đấu tranh vì lương tâm hàng đầu hiểu rõ tính chất và hệ quả của hành vi bất bạo động, quần chúng lại gần như không được hướng dẫn về ý nghĩa đấu tranh vì lương tâm.

Riêng với Gandi, vì đã tạo được uy tín như một lãnh tụ xã hội, ông có thể kiểm soát được sức mạnh quần chúng nói trên tại mỗi nơi ông đích thân có mặt và điều động đấu tranh. Nhưng ở những nơi khác, kết quả đấu tranh cho thấy rất cần phải có một lứa lãnh đạo thứ cấp có đủ sức mạnh và chiều sâu.

Nơi nào chính quyền ngăn cấm Gandhi đặt chân tới thì ở nơi đó nguyên lý đấu tranh vì lương tâm lại càng khó duy trì hơn. Thực vậy, Gandhi đã không có dịp trực tiếp tiếp xúc hay kêu gọi quần chúng tại những nơi như Delhi hoặc Punjab. Khi Gandhi bị bắt, những người vốn không hiểu nhiều và cũng không có kinh nghiệm về những kỹ thuật khắt khe của bất bạo động đã trở về dùng cách bộc lộ giận dữ của mình bằng bạo động – vốn là cách quen thuộc để giải toả căng thẳng tức thời. Khi các lãnh tụ bất bạo động bị bắt – hoặc khi có tin đồn sai là họ đã bị bắt – phản ứng chung sẽ nghiêng về bạo động để đòi lại tự do cho họ. Đó là điều đã xảy ra tại Ahmedabad, nơi Anasuya Sarabhai (người tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh vì lương tâm năm 1918 của công nhân dệt may) được cho là đã bị bắt. Lúc đó cũng xảy ra tình trạng lãnh đạo thiếu người thay thế, và thiếu kỷ luật xuyên suốt.

Điều vừa kể cũng cho thấy bạo động không là hệ quả của bất tuân dân sự, vì ở đâu bạo động lên đến đỉnh điểm – chẳng hạn như ở Punjab – thì ở đó không hề có bất tuân dân sự, và ngược lại, đấu tranh vì lương tâm qua hình thức bất tuân dân sự chỉ phát triển mạnh mẽ ở những vùng đất Ấn Độ nơi bạo động hầu như không hề nổ ra. (Motilal Nehru, thoạt đầu chống đối phương pháp đấu tranh của Gandhi, vào cuối năm đó khi đưa ra nhận định về chiến dịch, cũng đã phải công nhận điều quan trọng vừa kể. [iii])

Dĩ nhiên, đã có nhiều cảm tình viên và thành viên chiến dịch chống luật Rowlatt không hề có ý định tuân theo những chỉ dẫn về bất bạo động. Điều này có lẽ cần được tiên đoán trong bất kỳ cuộc đấu tranh vì lương tâm nào có quy mô toàn quốc. Những chứng cớ trình ra trước Uỷ ban Điều tra Hunter cho thấy bạo động xảy ra tại Ahmedabad đã diễn ra một cách “có tổ chức”.

Kế hoạch đấu tranh vì lương tâm tại đây đã không tính tới việc hoá giải những bạo động có tổ chức trong hàng ngũ những người tự cho là thành viên chiến dịch. Chiến lược bất bạo động trong một cuộc đấu tranh quy mô lớn như thế cần phải tính tới những động thái chiến thuật theo nhiều hướng khác nhau. Nhóm lãnh đạo đấu tranh vì lương tâm đã thất bại trong việc tiên đoán mức độ bạo động có thể sẽ diễn ra và trong việc chuẩn bị phương án hoá giải bằng bất bạo động.

Nói tóm lại, cuộc đấu tranh vì lương tâm chống luật Rowlatt biến tướng thành bạo động là hậu quả của việc quần chúng bị lèo lái chệch hướng trước khi được chuẩn bị đầy đủ để vào cuộc. Đó là sự thất bại trong việc truyền đạt ý nghĩa, nguyên tắc và hệ quả sẽ có của phương pháp đấu tranh tối hậu này cho số lượng lớn quần chúng tham gia, và cũng là thất bại trong việc lên kế hoạch hoá giải bằng bất bạo động những anh em đã đi chệch hướng nhúng tay vào bạo động.

Và như thế, thất bại của cuộc đấu tranh chống luật Rowlatt không phải là chứng cớ cho thấy đấu tranh vì lương tâm kém hiệu quả, mà là thất bại của những người lên kế hoạch và tiến hành chiến dịch, vì họ đã không hướng dẫn cặn kẽ cho người tham gia về phương pháp đấu tranh này, và cũng không biết áp dụng chính phương pháp này để hoá giải những người trong hàng ngũ khi họ đi chệch hướng.

(Còn tiếp)

Nguồn: Joan Bondurant, Conquest of Violence – the Gandhian Philosophy of Conflict, Nhà Xuất bản Đại học Princeton, Mỹ, phát hành năm 1952, bản hiệu đính năm 1988, từ trang 15 đến trang 104

Bản tiếng Việt © 2014 Phan Trinh & pro&contra

[i] Dữ liệu cho phần này được lấy từ các nguồn sau: Andrews, sđd; N. K. Bose, Studies in Gandhism; Winston S. Churchill, India: Speeches and an Introduction (London: Thornton Butterworth, 1931); Congress Presidential Addresses from the Silver to the Golden Jubilee: Full Text of the Presidential Addresses from 1911 to 1934 (Madras: Natesan Second Series, 1934); Ngài John Cumming, hiệu đính, Political India, 1832-1932, A Co-operative Survey of a Century (London: Humphrey Milford, 1932); Diwakar, sđd; Gandhi, An Autobiography or The Story of My Experiments with Truth; India in 1919: A Report Prepared for Presentation to Parliament in Accordance with the Requirements of the 26th Section of the Government of India Act, của L. F. Rushbrook Williams (Calcutta: Home Department, Government of India, 1920); Nehru, An Autobiography; Báo Young India, 1919-1922, Vols. I, II (Madras: S. Ganesan, 1922); Sitaramayya, sđd.

[ii] Congress Presidential Addresses, tr. 432.

[iii] Như trên, tr. 433.