Chính quyền Việt Nam: nhũn với quốc tế, rắn với dân

machsongMachsong | 30/8/2014

 

Sau khi toà phúc thẩm y án tù và tăng đôi số tiền phạt đối với Ls. Lê Quốc Quân, chị Dương Hà, vợ anh Cù Huy Hà Vũ, nhắn qua Skype cho tôi, tỏ ý lo rằng đây là dấu hiệu chính quyền Việt Nam đang cứng rắn hơn và có thể sẽ không trả tự do cho anh Vũ như đã hứa hẹn với Hoa Kỳ từ nhiều tháng trước. 

Tôi nhắn lại: “Hai chuyện khác nhau. Hoàn toàn không ảnh hưởng đến trường hợp của anh Vũ.”

Trong thâm tâm, tôi nghĩ việc y án đối với Lê Quốc Quân báo hiệu anh Vũ sắp ra khỏi tù.

Hai bản mặt 

Chính quyền Việt Nam đang ở trong thế phải cầu cạnh một số quyền lợi từ quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, nên muốn tỏ vẻ “biết điều”: Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng mối quan tâm của quý vị. Cùng lúc, với dân, nhất là thành phần đấu tranh nhân quyền và dân chủ, họ phải tỏ ra “cứng rắn” để giữ thế độc tôn: Chế độ không lùi bước trước áp lực quốc tế; chớ tưởng bở mà làm mạnh. Mỗi hành động “biết điều” với quốc tế đều phải được cân bằng bởi một thể hiện “cứng rắn” để dằn mặt dân trong nước.

Một hồ sơ có công dụng “dằn mặt” nếu hội đủ 2 yếu tố: (1) Đang được các thành phần trong nước lên tiếng yểm trợ mạnh mẽ; (2) Có sự vận động ầm ĩ ở hải ngoại nhưng chưa có hậu thuẫn quốc tế, nên không đe doạ đến các quyền lợi mà chính quyền đang mưu cầu từ quốc tế.

Đối nội, hồ sơ như vậy có tác dụng đánh phủ đầu các thành phần tranh đấu, chứng tỏ rằng họ càng làm mạnh thì càng phản tác dụng, và đừng trông chờ gì vào sự can thiệp quốc tế vì chính quyền Việt Nam bất chấp. Đối ngoại, chính quyền không lo phản ứng bất lợi của quốc tế vì hồ sơ không là điều kiện để đổi lấy quyền lợi; quốc tế cùng lắm sẽ phản đối suông, và tâm lý bất lợi nếu có sẽ được giải toả khi chính quyền trả tự do cho số hồ sơ đang được quốc tế quan tâm.

Hồ sơ của Lê Quốc Quân nằm đúng vào trường hợp này: Ở trong nước có nhiều buổi thắp nến cầu nguyện, nhiều đợt biểu tình đòi trả tự do và đông người ở các nơi kéo về dự phiên toà; ở ngoài thì Mẹ đi lặn lội đến nhiều quốc gia cầu cứu cho con trong nhiều tháng trời, nhưng hồ sơ chưa được quan tâm đáng kể bởi chính giới quốc tế (thậm chí, lúc ấy chưa có một dân biểu nào “đỡ đầu”) và không gắn liền với bất kỳ quyền lợi nào mà chế độ đang cầu cạnh từ quốc tế. Đó là hồ sơ lý tưởng để chính quyền dùng vào mục đích “dằn mặt” dân.

Kế hoá giải

Tháng 7 năm 2013, BPSOS đề ra chiến dịch Đòi Tự Do Cho Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam. Chúng tôi vận động để gắn liền việc trả tự do vô điều kiện cho tất cả TNLT với việc cho Việt Nam tham gia TPP. Đó là về chiến lược.

Về chiến thuật, chúng tôi lập 3 danh sách:

(1) Danh sách 1 gồm khoảng 20 TNLT ở mức ưu tiên tối cao và gắn liền với các quyền lợi mà Việt Nam đang cầu cạnh từ Hoa Kỳ.

(2) Danh sách 2 gồm khoảng 200 TNLT đã được quốc tế phối kiểm.

(3) Danh sách 3 gồm khoảng 200 TNLT có tên nhưng chưa được quốc tế phối kiểm và công nhận.

Chúng tôi giữ Danh sách 1 tương đối ngắn để tập trung được sự chú ý và can thiệp của quốc tế. Danh sách này gồm những TNLT tiêu biểu như Ts. Cù Huy Hà Vũ, Blogger Điếu Cày, Blogger Tạ Phong Tần, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Tiến Trung, Lm. Nguyễn Văn Lý, Ms. Dương Kim Khải, Ông Nguyễn Văn Lía (PGHH), Trần Huỳnh Duy Thức, Ls. Lê Quốc Quân…

Chúng tôi vận động quốc tế, thật mạnh nhưng thật im ắng, cho Danh Sách 1. Và rồi cứ mỗi TNLT trong đó được tự do thì chúng tôi lại đôn người từ Danh Sách 2 lên. Chẳng hạn, sau khi Đỗ Thị Minh Hạnh được tự do thì chúng tôi đôn Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương thay thế; khi Nguyễn Tiến Trung tự do thì Ms. Nguyễn Công Chính thế chỗ. Như thế Danh Sách 1 lúc nào cũng có khoảng 20 TNLT ở mức ưu tiên tối cao.

Tương tự, khi một TNLT trong Danh Sách 3 được quốc tế phối kiểm và công nhận thì chúng tôi đưa vào Danh Sách 2.

Với phương cách này, chính quyền Việt Nam không thể chỉ trả tự do cho một ít hồ sơ đang được quốc tế quan tâm, vì tất cả TNLT đều sẽ tuần tự được đưa vào Danh Sách 1. Nếu muốn thoát áp lực quốc tế, chính quyền không những phải trả tự do cho tất cả TNLT mà không bắt giam thêm.

Im lặng là vàng

Giới lãnh đạo Việt Nam độc tài và có thể độc ác nhưng đủ thông minh để toan tính lợi hại. Nếu lợi ít mà hại nhiều thì họ không làm. Do đó, khi thực hiện chiến dịch Đòi Tự Do Cho TNLT Việt Nam, chúng tôi giảm công dụng “dằn mặt” và đồng thời tăng tổn hại nếu chính quyền không trả tự do cho TNLT, mà ưu tiên là những người trong Danh Sách 1. Chẳng hạn, khi chị Dương Hà sang Mỹ tháng 7 năm ngoái, chúng tôi sắp xếp để chị gặp nhiều dân biểu và thượng nghị sĩ, giới chức Bộ Ngoại Giao, và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế nhưng hoàn toàn kín tiếng. Tôi căn dặn chị Hà tránh mọi phát biểu hay gây tiếng ồn khi về nước. Sự im ắng ở cả ngoài và trong nước làm cho hồ sơ không có tác dụng “dằn mặt”. Không những vậy, dùng nó để “dằn mặt” có thể phản tác dụng hoàn toàn vì sự tổn hại không thể giấu giếm: Hoa Kỳ cho biết là nếu không trả tự do sớm cho anh Vũ thì sẽ ảnh hưởng đến việc thảo luận hợp tác nguyên tử lực giữa 2 quốc gia.

Trường hợp Đỗ Thị Minh Hạnh thì khác. Chúng tôi cần vận động công khai để tranh thủ sự yểm trợ của các công đoàn Hoa Kỳ cho hồ sơ, mà kết quả là nó đã được gắn chặt với triển vọng TPP cho Việt Nam. Để giảm công dụng “dằn mặt”, chúng tôi căn dặn thân nhân tuyệt đối im ắng ở trong nước. Đồng thời giúp cho chính quyền Việt Nam hiểu rằng nếu dùng hồ sơ này vào mục đích “dằn mặt” thì sẽ tự gây tổn hải khôn lường: trên 150 dân biểu Hoa Kỳ chính thức lên tíếng chống TPP cho Việt Nam vì vi phạm quyền lao động và bắt giam những người tranh đấu cho quyền lao động mà Đỗ Thị Minh Hạnh là điển hình và nổi bật nhất.

Cùng thời gian Mẹ của Đỗ Thị Minh Hạnh vận động cho con gái Hoa Kỳ, thân nhân của 3 TNLT khác cũng đến Hoa Kỳ và rồi đi nhiều quốc gia khác để vận động. Chuyến đi này của họ đã được đưa tin rất nhiều về trong nước bởi giới blogger. Điều này đã giúp hồ sơ Đỗ Thị Minh Hạnh bị “chìm” đi ở trong nước, nghĩa là giảm công dụng “dằn mặt”.

Các hồ sơ của 3 TNLT này (Ls. Lê Quốc Quân, Trần Huỳnh Duy Thức và Đinh Nguyên Kha) vừa thật nổi ở trong nước vừa không được cài vào quyền lợi nào mà Việt Nam đang cầu cạnh quốc tế cho nên trở thành lý tưởng cho chính quyền Việt Nam dùng để thị uy với dân.

Thấy vậy, chúng tôi quyết định tạm thời án binh bất động về hồ sơ Lê Quốc Quân và Trần Huỳnh Duy Thức dù họ ở trong Danh Sách 1. Khi tình hình tạm lắng, chúng tôi bắt đầu vận động trở lại, mà khởi đầu là vận động được 2 dân biểu Hoa Kỳ “đỡ đầu” cho 2 hồ sơ này.

Kết luận

Theo phân tích như trên, án tù rất nặng vừa mới đây cho Bà Bùi Thị Minh Hằng cũng là đòn của chính quyền “dằn mặt” dân. Hồ sơ này hội đủ cả 2 tiêu chuẩn cho công dụng “dằn mặt”. Còn Ông Nguyễn Văn Minh và Cô Nguyễn Thị Thuý Quỳnh bị kéo theo vì cùng vụ án. Tuần rồi, tôi có bàn với văn phòng DB Christopher Smith, Chủ Tịch tiểu ban về nhân quyền ở Hạ Viện Hoa Kỳ, là nên chuyển trọng tâm: thay vì tập trung vào Bà Hằng thì nên đôn trường hợp của Ông Minh lên đầu vì nó gắn liền với vấn đề tự do tôn giáo: cả gia đình theo Phật Giáo Hoà Hảo và nay cả 3 người đàn ông trong nhà đều là TNLT. Tự do tôn giáo đang là mũi nhọn quốc tế vận có thể đưa Việt Nam vào danh sách CPC và chặn đứng TPP. Nhưng phải chờ sự xôn xao ở trong nước lắng xuống thì mới có thể bắt đầu đẩy mạnh ở ngoài này.

Và cũng theo nhận định của tôi, án tù dành cho 3 người này báo hiệu đợt trả tự do sắp đến cho một số TNLT. Nó nằm trong kế cân bằng giữa “biết điều” với thế giới bên ngoài và “dằn mặt” dân ở trong nước. Biết kế của đối phương rồi thì chúng ta cũng biết mình phải làm gì, cách nào và khi nào.