TPP – Tù nhân lương tâm: “Đặc cách” mới “Đặc xá”?

Chính xác hơn, nếu đến tháng 11 năm nay mà Hà Nội không “hoàn tất TPP”, Quốc hội Hoa Kỳ sẽ bắt đầu cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, tiến tới chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, và đương nhiên sẽ chẳng còn mấy khuôn mặt nghị sĩ lưu tâm đến việc “đặc cách” cho Việt Nam vào TPP hay được mua vũ khí sát thương.

tu-nhan

Viết Lê Quân
Ijavn | 5/9/2014

Trái ngược với tin đồn và niềm hy vọng của không ít người trong giới hoạt động dân chủ ở Việt Nam, dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua và cho đến cả hiện thời vẫn chưa nhận ra bóng dáng một tù nhân chính trị nào được Nhà nước “đặc xá” khỏi bốn bức tường kín mít trại giam.

Chưa đạt TPP?

Không có tù nhân chính trị được đặc xá 2/9 năm nay?” – Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cũng phải đặt câu hỏi này. Mọi năm, trước ngày 2/9, truyền thông nhà nước thường công bố tổng số tù nhân được Chủ tịch nước ký lệnh ân xá.

Tuy nhiên năm nay, dù đã qua ngày Quốc khánh lần thứ 69, nhưng nhà nước vẫn chưa loan báo số liệu chính thức về những người được phóng thích trên cả nước, chỉ thấy ghi nhận lác đác thống kê ở vài tỉnh thành.

VOA cũng truyền tải lời tự thuật của ông Đoàn Viết Hoạt, học hàm giáo sư và cũng là một người được xem là nhà bất đồng chính kiến có tiếng của Việt Nam. Ông Đoàn Viết Hoạt được vinh danh Giải thưởng Nhân quyền Robert F. Kennedy 1995, từng bị Hà Nội tuyên án tù 20 năm vì các hoạt động cổ xúy dân chủ, cho rằng sở dĩ chưa có tù nhân chính trị được phóng thích trong đợt ân xá 2/9 lần này là do Việt Nam chưa đạt được những điều mong muốn trong các cuộc thương lượng TPP:

“TPP tới nay vẫn chưa hoàn tất các cuộc đàm phán và có nhiều điều kiện Việt Nam chưa đạt được. Đấy là lý do chính vì sao đợt 2/9 này chưa có tù nhân lương tâm nào quan trọng được nhắc đến là thả và cũng không có một công bố gì.”

Nhận định của ông Hoạt đang tỏ ra có cơ sở và còn phần nào chắc chắn. Ít nhất đã có một tù nhân lương tâm nổi bật là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải được xác định nằm trong diện đặc xá 2/9 vừa qua. Hiện tượng ông Hải được gọi điện thoại về nhà trong 5 phút, với khá nhiều thông tin “đặc biệt nhạy cảm” mà không bị cán bộ quản giáo cắt cúp lần nào, cũng cho thấy triển vọng ông ra tù trước thời gian thụ án đến hàng chục năm không còn là điều mộng tưởng.

Tuy thế như dân gian thời đại, ở Việt Nam không biết đâu mà lường, nhất là trong chính trị và nền “ngoại giao con tin”. Hà Nội trước nay vốn bị chỉ trích về việc dùng tù nhân lương tâm để mặc cả, đổi chác quyền lợi trong các cuộc thương lượng gia nhập sân chơi quốc tế. Giáo sư Hoạt, người được phóng thích dịp 2/9/1998, lên án việc này:

“Năm 1998 nhà nước có đợt đặc xá đặc biệt cho 8 tù nhân lương tâm được quốc tế quan tâm. Đó là đợt đầu tiên thả tù nhân lương tâm đông như vậy vì lúc đó quan trọng nhất là có thể nối lại được quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Việt Nam đáp ứng áp lực của Hoa Kỳ, thả 8 tù nhân lương tâm trong đó có tôi, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, và Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Từ đợt đó tới nay, nhà nước Việt Nam vẫn luôn luôn sử dụng tù nhân lương tâm, những người được thế giới quan tâm, để trao đổi trong các quan hệ quốc tế. Chúng tôi hết sức phản đối hình thức coi tù nhân lương tâm là con tin để trao đổi.”.

Hai phương án

Rất có thể một lần nữa, mối quan hệ “hai đảng anh em” với Hoa Kỳ lại được Hà Nội đặt lên bàn cân. Tin tức có vẻ gần gũi nhất với bàn cân này là “Từ ngày 1 -10/9, tại Hà Nội sẽ diễn ra phiên đàm phán cấp Trưởng đoàn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”.

Theo đó, hai phương án tình thế có thể xuất hiện:

1. Nếu đàm phán TPP “thành công tốt đẹp” theo cách Nhà nước Việt Nam được Hoa Kỳ và các nước chủ chốt trong TPP xét “đặc cách” vào hiệp định này, dù còn lâu Việt Nam mới thỏa mãn được những điều kiện quan yếu về “quy chế kinh tế thị trường”, chuyển đổi nguồn nguyên liệu nhập khẩu hay sở hữu trí tuệ…, sẽ có một loạt tù nhân lương tâm được trả tự do trong những ngày tới. Thời điểm trả tự do như thế có lẽ không cần “nhân dịp” quốc khánh 2/9 nữa.

Được biết đã có một danh sách khoảng 20 tù nhân chính trị nổi bật được phía Mỹ chuyển cho Hà Nội, yêu cầu “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện”.

2. Nếu TPP vẫn tiếp tục bế tắc như hai chục vòng đàm phán trước, không có gì bảo đảm là Hà Nội sẽ thả người, cho dù thời gian và cơ hội để lọt vào TPP chỉ còn rất ít trong nửa cuối năm 2014.

Chính xác hơn, nếu đến tháng 11 năm nay mà Hà Nội không “hoàn tất TPP”, Quốc hội Hoa Kỳ sẽ bắt đầu cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, tiến tới chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, và đương nhiên sẽ chẳng còn mấy khuôn mặt nghị sĩ lưu tâm đến việc “đặc cách” cho Việt Nam vào TPP hay được mua vũ khí sát thương.