Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền từ ngày 14 đến ngày 20/12/2015: Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị bắt với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước

Defenders’ Weekly  | 20-12-2015

Defenders-weekly

Ngày 16/12, một ngày sau khi Việt Nam và Liên hiêp Châu Âu (EU) tiến hành Đối thoại Nhân quyền vòng 5 tại Hà Nội, cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) bắt luật sư nhân quyền, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Đài, cáo buộc ông tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Ông Đài, người bị giam giữ 4 năm trong tù và 4 năm quản chế tại gia, có thể phải đối mặt với án tù mới từ 3 năm đến 12 năm.

Cùng bị bắt với ông là cô Lê Thu Hà, thành viên của Hội Anh em Dân chủ, một hội chủ trương đấu tranh bất bạo động cho một thể chế đa nguyên và tôn trọng quyền con người.

Ngay sau khi ông Đài bị bắt giữ, EU và nhiều tổ chức nhân quyền như Ân xá Quốc tế, Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch), Người Bảo vệ Quyền Dân sự (Civil Rights Defenders- Thụy Điển) cùng nhiều chính trị gia ở Mỹ và Australia đã yêu cầu Chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện cũng như xóa bỏ các cáo buộc chống lại ông.

Ngày 16/12, Người Bảo vệ Quyền Dân sự ra thông cáo báo chí nói rằng trong nửa năm cuối của 2015 có nhiều vụ tấn công nhằm vào người bảo vệ nhân quyền, dân oan và gia đình của họ ở khắp Việt Nam. Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Stockholm kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt những vụ tấn công tương tự và đưa những kẻ thủ ác ra trước công lý như cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền.

Ngày 14/12, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã kết tội Nguyễn Việt Dũng, người sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng hòa Việt Nam và bị bắt ngày 12/4 ngay sau khi tham dự một cuộc tuần hành ôn hòa về môi trường ở trung tâm Hà Nội, tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 của Bộ luật Hình sự, với bản án 15 tháng tù giam. Phiên tòa bị coi là không công bằng vì không theo các chuẩn mực xét xử công minh của quốc tế.

Nhạc sỹ Việt Khang, người đã bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước với mức án 4 năm tù giam, đã được trả tự do hôm 14/4. Cùng hôm đó, chính quyền Hồ Chí Minh cũng trả tự do cho cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Phương Uyên, người bị bắt trước đó một ngày ở quán café.

Và nhiều tin quan trọng khác.

============== 13/12============

Việt Nam: Hãy thôi “hứa suông” trong cuộc đối thoại nhân quyền với EU

Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) phát biểu rằng Liên minh Châu Âu (EU) cần gây sức ép để đạt được những tiến bộ cụ thể và có thể đo lường được về nhân quyền trong cuộc đối thoại song phương sắp tới với Việt Nam. Những cải cách thiết yếu gồm có việc chấm dứt các phiên tòa và bản án mang động cơ chính trị, phóng thích tù nhân chính trị, bảo đảm quyền tự do lập hội và quyền của người lao động, và tự do tôn giáo. Kết quả của cuộc đối thoại tại Hà Nội vào ngày 15 tháng Mười hai cần được công bố công khai.

“EU cần sử dụng cơ hội này để tuyên bố rõ ràng với Việt Nam rằng quan hệ thương mại thân thiện sẽ đi đôi với đòi hỏi gia tăng về nhân quyền,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “EU cần kiên định yêu cầu Việt Nam chấp thuận các điểm mốc tiến bộ rõ ràng và có thể kiểm chứng được, nếu không Việt Nam sẽ chỉ đưa ra những lời hứa suông.”

Trong bản khuyến nghị với EU  trước cuộc đối thoại, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đề nghị EU gây sức ép để Việt Nam phóng thích ngay lập tức toàn bộ tù nhân chính trị và chấm dứt việc hạn chế các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tôn giáo; thực hiện các biện pháp để chấm dứt việc tấn công những người phê bình chính quyền, đồng thời ngăn chặn vấn nạn công an bạo hành.

Trong tháng Mười Một, Đại tướng Công an Trần Đại Quang công khai thừa nhận rằng trong ba năm gần đây, chính quyền đã “tiếp nhận, bắt giữ, xử lý… 2.680 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia” và ghi nhận rằng trong cùng thời gian, các “đối tượng chống đối” đã thành lập trái phép hơn 60 tổ chức nhân quyền và dân chủ.

Dù trong năm 2015 chính quyền Việt Nam đã giảm số lượng các vụ xử và kết án chính trị nhằm giành thuận lợi trong thời gian thương lượng với Hoa Kỳ về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương cũng như với EU về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU, nhưng vẫn có ít nhất 130 tù nhân chính trị đang bị giam cầm ở quốc gia này.

Có những người lên tiếng phê bình chính quyền một cách ôn hòa đang bị giam giữ không cần xét xử, như trường hợp các blogger Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Anh Ba Sàm), Nguyễn Thị Minh Thúy, và Nguyễn Đình Ngọc (bút danh Nguyễn Ngọc Già) bị bắt trong năm 2014 vì có các phát ngôn ủng hộ dân chủ, và vẫn đang bị tạm giam. Những nhà hoạt động bị bắt trong năm 2015 gồm có Nguyễn Viết Dũng, Đinh Tất Thắng, Trần Anh Kim và Nguyễn Hữu Quốc Duy.

Dường như có sự thay đổi chiến thuật từ bắt giữ sang đe dọa và hành hung, biểu hiện rõ qua các vụ tấn công nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền và các blogger ngày càng trầm trọng hơn trong năm 2015. Tháng nào cũng có tin các nhà vận động dân chủ bị nhân viên mặc thường phục hoặc công an tấn công. Không một ai liên quan trong các vụ tấn công này bị truy cứu trách nhiệm. Tháng Mười một năm 2015, công an tỉnh Đồng Nai câu lưu và hành hung nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động Đỗ Thị Minh Hạnh vì đã giúp đỡ công nhân Công ty Yupoong thực thi quyền của họ. Ít nhất 45 nhà hoạt động nhân quyền và blogger khác đã bị côn đồ tấn công tại nhiều thời điểm khác nhau. Trong số đó có thể kể Mục sư Tin lành Mennonite Nguyễn Hồng Quang, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy, J.B Nguyễn Hữu Vinh, Trần Thị Nga, Nguyễn Chí Tuyến, Trịnh Anh Tuấn, Đinh Quang Tuyến, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Chu Mạnh Sơn, Đinh Thị Phương Thảo, Tạ Trí Hải và Trần Minh Nhật.

Gần đây nhất, vào ngày mồng 6 tháng Mười hai năm 2015, một nhóm các nhà hoạt động nhân quyền trong đó có cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Đài, Lý Quang Sơn, Vũ Đức Minh và một người tên Thắng, bị một đám khoảng 20 người đàn ông mặc thường phục và đeo khẩu trang tấn công và đánh đập ở tỉnh Nghệ An. Trước khi việc đó xảy ra, trong cùng ngày hôm đó Nguyễn Văn Đài vừa có cuộc nói chuyện về hiến pháp và các quyền con người cơ bản trước một cử tọa chừng 70 người tại nhà của cựu tù nhân chính trị Trần Hữu Đức ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cuộc nói chuyện là một trong hàng loạt sự kiện các nhà hoạt động Việt Nam tổ chức để kỷ niệm Ngày Nhân quyền.

“EU cần nói với chính quyền Việt Nam rằng mình sẽ không bị mắc lừa trước thủ thuật đánh tráo các cuộc bắt bớ vì lý do chính trị bằng các vụ đánh đập cũng vì lý do chính trị,” ông Adams nói. “Việt Nam cần hiểu rằng dùng đến bạo lực kiểu này sẽ chỉ làm cho chính quyền giống côn đồ trước con mắt của thế giới mà thôi.”

HRW: Việt Nam: Hãy thôi “hứa suông” trong cuộc đối thoại nhân quyền với EU

————————

Toà án Tây Ninh trả hồ sơ để điều tra lai vụ án dân oan Nguyễn Văn Thông

Vào sáng ngày 16 tháng 12 năm 2015, tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử dân oan Nguyễn Văn Thông (sinh năm 1965), trú tại xã Phước Thạnh, Gò Dầu, Tây Ninh về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, theo khoản 2, Điều 258 Bộ luật hình sự.

Anh Nguyễn Văn Thông bị Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu xét xử sơ thẩm phạt 3 năm 6 tháng tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Phiên tòa sơ thẩm diễn ra nhanh chóng, không có nhân chứng, không có luật sư, không có gia đình vợ con tham gia. Sau phiên tòa sơ thẩm anh Nguyễn Văn Thông đã viết đơn kháng cáo kêu oan, vì cho rằng mình vô tội và bị kết án oan.

Trong phiên toà xét xử phúc thẩm hôm nay, hai vị Luật sư Võ An Đôn và luật sư Nguyễn Khả Thành đã bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho anh Nguyễn Văn Thông.

Được biết, anh Nguyễn Văn thông đã nhiều lần ra Hà Nội khiếu kiện về dự án khu công nghiệp Phước Đông – Bời Lời do đền bù không thoả đáng và giải quyết các vấn đền liên quan.

Theo Báo Giáo  Dục Việt Nam, trong một bài viết liên quan có tựa đề “Khu liên hợp Phước Đông-Bời Lời: Vì sao dân không đồng tình với dự án?” có đoạn viết: “Khi thu hồi dự án, có khoảng gần 600 hộ dân với khoảng 3,000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Chủ đầu tư từng “hứa” với lãnh đạo tỉnh và người dân là sẽ thu hút khoảng 100,000 lao động đến làm việc và giải quyết thêm khoảng 10,000 người ngoài hàng rào hoạt động các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người lao động. Dự báo khi Khu Liên hợp lấp đầy, toàn khu vực sẽ có khoảng 140.000 người ở và làm việc. Tuy nhiên, đến nay Khu Liên hợp Phước Đông – Bời Lời mới giải quyết được 2 nghìn công việc(chiếm 2%). Câu hỏi lớn đặt ra là, 98% số lao động bị thu hồi sạch “tư liệu sản xuất” thì họ đang làm gì để kiếm kế sinh nhai?”

Tuy nhiên, trong một lần đi gởi đơn thư tố cáo ở Mặt trận Tổ quốc, trên đường về anh Thông cùng bà con Tây Ninh đã bị công an Hà Nội bắt lên xe đưa về trụ sở tại Quang Trung. Anh Thông đã bị công an đánh sụn đốt sống thắt lưng L1 tại đây.

Và sau đó, vào ngày 30/02/2015, công tỉnh Tây Ninh bắt cóc anh Nguyễn Văn Thông lúc đang ở trên đường. Sau đó, khởi tố, bắt giam theo điều 258 về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm an ninh quốc gia.”

Tuy nhiên, trong phiên toà phúc thẩm sáng 16/12, anh Nguyễn Văn Thông và các vị luật sư bào chữa đã chỉ ra những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình tiền hành tố tụng theo bộ luật tố tụng hình sự.

Chính vì vậy, đến 10 giờ 30 phút cùng ngày, chủ toạ phiên toà đã tuyên huỷ án sơ thẩm, trả lại hồ sơ điều tra lại từ đầu.

SBTN: Toà án Tây Ninh trả hồ sơ để điều tra lai vụ án dân oan Nguyễn Văn Thông

============== 14/12==========

Nhạc sĩ Việt Khang đã được tự do

Vào lúc 14 giờ 35 chiều ngày 14 tháng 12 năm 2015, nhạc sĩ Việt Khang đã được nhà cầm quyền CSVN trả tự do sau 4 năm tù giam ở trại giam Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai vì đã sáng tác hai bài hát “Anh là ai” và “Việt Nam Tôi Đâu”.

Nhạc sĩ Việt Khang đã được anh em, người thân, ban bè nồng nhiệt chào đón lúc được tự do. Theo ghi nhận của phóng viên SBTN, Có khoảng 35 người mến mộ nhạc sĩ Việt Khang đã từ Sài Gòn xuống như:  Fb Đỗ Tửng, Trần Bang, Nguyễn Hữu Tình,… đã tới Tp Mỹ Tho, Tiền Giang để chào đón lúc anh được tự do.

Bà Chung Thị Thu Vân, mẹ của Việt Khang chia sẻ cảm xúc: “Cô không thể kiềm chế được cảm xúc khi thấy Việt Khang được tự do. Khi ấy, cô khóc cũng như cười vì nước mắt luôn chảy ra. Thực sự là cô rất vui và chưa lúc nào được vui như lúc này.”

Lúc được tự do, nhạc sĩ Việt Khang đã gửi lời cám ơn đến bạn bè gần xa, anh em, người thân đã luôn đồng hành với anh trong những năm tháng lao tù và ngay chính lúc này.

Facebooker Việt Quân chia sẻ cảm xúc lúc nhìn thấy Việt Khang được tự do: “Tôi rất vui khi nhìn thấy anh ấy được tự do. Nhìn thấy anh ấy được khoẻ mạnh, tràn đầy nghị lực sống là chúng tôi rất vui. Cầu chúc anh luôn vững mạnh trên con đường tiếp tục dấn thân đấu tranh cho dân chủ – nhân quyền.”

Sau một chuyến hành trình dài gần 200km từ trại giam Z30A, Xuân Lộc, Đồng Nai về Tp Mỹ Tho, Tiền Giang phải ngồi trên ô-tô nên lúc về đến nhà, nhạc sĩ Việt Khang đã thấm mệt nên đang nghỉ ngơi.

Nhạc sĩ Việt Khang tên thật là Võ Minh Trí, sinh năm 1978 tại Tp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Anh từng tham gia biểu tình chống Trung Cộng xâm lược biển đảo Việt Nam năm 2011 và đó là nguồn cảm hứng để anh sáng tác hai ca khúc “Anh là ai” và “Việt Nam Tôi Đâu”.

Nhạc sĩ Việt Khang bị bắt vào tháng 9/2011 và được trả tự do. Nhưng sau 2 tháng, anh lại tiếp tục bị bắt giam và bị nhà cầm quyền CSVN kết tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” và tuyên phạt 4 năm tù giam, 2 năm quản chế tại địa phương.

SBTN: Nhạc sĩ Việt Khang đã được tự do

———————-

Xét xử Nguyễn Viết Dũng: Một phiên tòa áp đặt

Sáng nay ngày 14/12/2015, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm mở phiên tòa sơ thẩm vụ án Nguyễn Viết Dũng, phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Tòa án chỉ triệu tập duy nhất một mình bị cáo Nguyễn Viết Dũng đến tham gia phiên tòa, không triệu tập bất kỳ người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nào đến dự phiên tòa để làm sang tỏ vụ án. Điều này hoàn toàn không đúng với qui định của pháp luật.

Tại phiên tòa bị cáo Nguyễn Viết Dũng yêu cầu hoãn phiên tòa vì sức khỏe yếu không thể tham gia phiên tòa được. Cả 4 luật sư đều đề nghị thay đổi Chủ tọa phiên tòa và yêu cầu triệu tập người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người bị hại nhưng không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Riêng bị cáo Nguyễn Viết Dũng vì sức khỏe yếu từ đầu đến cuối chỉ ngồi im lặng nhắm mắt, không trả lời bất kỳ một câu hỏi nào của Hội đồng xét xử. Điều đặc biệt là khi đứng trước tòa bị cáo Nguyễn Viết Dũng vẫn mặc áo có gắn lá cờ vàng ba sọc đỏ trước ngực bên túi áo trái.

Đến phần tranh luận Chủ tọa phiên tòa liên tục ngắc lời bào chữa của các luật sư, không cho tranh luận, cả 04 luật sư đều bị Chủ tọa nhiều lần cảnh cáo vì nội dung tranh luận không theo ý chí chủ quan của Chủ tọa phiên tòa. Sau ba lần bị cảnh cáo, Chủ tọa phiên tòa đã đuổi luật sư Lê Văn Luân ra khỏi phòng xử án, tất cả các luật sư còn lại thấy quyền bào chữa của mình không được bảo đảm nên đồng loạt đứng dậy bỏ ra về.

Sau khi chúng tôi bỏ về, thì được bố mẹ Nguyễn Viết Dũng cho biết, Dũng bị Tòa án quận Hoàn Kiếm tuyên xử 15 tháng tù giam.

Nếu Nguyễn Viết Dũng có kháng cáo, thì tất cả bốn luật sư của chúng tôi tiếp tục tham gia bào chữa cho Dũng ở phiên tòa cấp phúc thẩm.

Ls Võ An Đôn: Không có người làm chứng và người bị hại trong phiên tòa Nguyễn Viết Dũng

Phiên tòa kỳ lạ: Ls Võ An Đôn

================ 15/12==============

Ít nhất bốn nạn nhân chết trong đồn công an trong vòng một tháng

Chưa đầy 1 tháng (từ ngày 20/11) đến nay đã ghi nhận ít nhất 4 vụ nạn nhân chết sau khi bị tạm giam, tạm giữ tại các trụ sở công an, theo thông tin từ các tờ báo trong nước.

Tất cả các vụ việc trên, phía công an đều thông báo nạn nhân chết là do phát bệnh mặc dù trên thi thể nạn nhân đầy các thương tích, dấu vết của tra tấn, nhục hình.

Chưa có một ai phải đứng ra chịu trách nhiệm về những vụ việc để người chết trong đồn công an này.

Những nạn nhân là Trịnh Xuân Quyền, 16 tuổi và Lê Văn Hải, 22 tuổi ở Dak Nông, Đoàn Thái Sơn, 32 tuổi ở Dak Lak và Đỗ Hoài Linh ở Bình Phước.

Ít nhất bốn nạn nhân chết trong đồn công an trong vòng một tháng

Thêm một thanh niên chết sau khi bị công an lấy lời khai

==============16/12==========

Gia tăng bạo lực nhằm vào người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam: CRD

Civil Rights Defenders, Stockholm: Trong nửa năm cuối của năm 2015 chứng kiến ​​một sự gia tăng đáng báo động về số lượng các cuộc tấn công bạo lực và đe dọa nhằm vào những người bảo vệ nhân quyền, dân oan, và các thành viên trong gia đình của họ ở Việt Nam. Tổ chức Bảo vệ Quyền Dân sự (Civil Rights Defenders- CRD) kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt những cuộc tấn công như vậy và đưa thủ phạm ra trước công lý, phù hợp với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam.

Từ tháng 6 tới giữa tháng 12, có 22 vụ tấn công trên toàn quốc được ghi lại với ít nhất 42 nạn nhân. Đây là một sự gia tăng so với năm tháng trước đó, với 14 vụ hành hung đối với 27 người. Nhiều vụ tấn công trong số đó được thực hiện vào ban ngày bởi cảnh sát hoặc nhân viên mặc thường phục. Trong một số trường hợp, người trong gia đình của người bảo vệ nhân quyền và tư gia của họ là mục tiêu tấn công. Trong vụ việc mới nhất ngày 06/12, một nhóm khoảng 20 người đàn ông đeo mặt nạ tấn công luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và ba nhà hoạt động khác và cướp đồ của họ tại tỉnh Nghệ An, sau khi luật sư Đài trình bày quyền con người trong một hội thảo bao gồm những người hoạt động xã hội và người dân địa phương. Một số người đàn ông không rõ danh tính cũng tấn công căn hộ của ông ở Hà Nội trong tháng Giêng năm nay.

“Những vi phạm trắng trợn quyền an toàn cá nhân gây hại đến vị thế của Việt Nam với tư cách là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và một quốc gia đã tham gia hàng loạt công ước nhân quyền,”  bà Marie Manson, Giám đốc Chương trình Người Bảo vệ Nhân quyền trong Nguy hiểm của CRD nói. Việt Nam đã bỏ phiếu trắng cho Dự thảo Nghị quyết về việc Công nhận và Bảo vệ Người Bảo vệ Nhân quyền tại phiên họp thứ 3 của Đại hội đồng LHQ. Nghị quyết này sẽ được đưa ra bỏ phiếu lần 2 và cũng là lần cuối cùng tại New York vào ngày 17/12.

Việt Nam vẫn không tiến hành điều tra minh bạch và toàn diện các vụ tấn công trắng trợn nói trên. Ngày 03/11, một nhóm đàn ông tấn công và làm bị thương nặng hai luật sư nhân quyền Trần Thu Nam và Lê Văn Luận ở Hà Nội sau khi các luật sư gặp gỡ với khách hàng của họ trong một trường hợp tử vong tại trại giam của cảnh sát. Các luật sư cho biết họ nhận ra một cảnh sát thường phục trong số những kẻ tấn công. Một tuần sau đó, công an Hà Nội thông báo họ đã tiến hành một cuộc điều tra vụ tấn công, bác bỏ có sự tham gia của cảnh sát, và cho biết cuộc tấn công có nguyên nhân là tranh cãi trong quá trình tham gia giao thông giữa những kẻ tấn công và hai luật sư.

Có ít nhất 28 người hoạt động nhân quyền và người tham gia khiếu kiện được cho là bị bắt giữ tùy tiện và bị thẩm vấn bởi cảnh sát trong cùng kỳ, trong đó có blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được trao giải thưởng Người Bảo vệ Quyền Dân sự năm 2015 của CRD. Cô Quỳnh, người bị cấm xuất cảnh cũng như tự do đi lại trong nước, không được phép tham dự lễ trao giải. Cô cũng đã bị tấn công và bị thương bởi cảnh sát vào tháng 7 trong một cuộc hội họp ôn hòa.

“Các chính phủ quan tâm cần phải cho Việt Nam thấy rằng người bảo vệ nhân quyền xứng đáng được công nhận và được bảo vệ, không bị đá và đấm, vì những công việc chính đáng và quan trọng của họ,” bà Marie Manson kêu gọi.

Bối cảnh

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Công ước chống tra tấn và tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục hoặc trừng phạt (CAT). Điều 9 của ICCPR đảm bảo quyền an toàn con người. Điều 7 của ICCPR và CAT bảo đảm quyền không bị tra tấn hoặc đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục. Do đó Việt Nam có một nghĩa vụ tích cực để ngăn chặn, điều tra và bắt những kẻ vi phạm các quyền này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Khi hồ sơ nhân quyền của Việt Nam được xem xét lại bởi các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc vào năm 2014 trong kỳ kiểm điểm phổ quát định kỳ (UPR), Việt Nam đã đồng ý thực hiện nhiều kiến ​​nghị về quyền con người, kể cả việc đảm bảo một môi trường “thuận lợi”, “thân thiện” và “an toàn” cho người bảo vệ nhân quyền và các tổ chức dân sự. Trong một tuyên bố kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết rằng Việt Nam “kiên định theo đuổi chính sách bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền cơ bản và tự do cho mỗi công dân.”

Ngoài các cuộc tấn công bạo lực, nhiều người bảo vệ nhân quyền và bất đồng chính kiến vẫn còn ở trong tù sau khi bị kết án trong phiên xét xử không công bằng với những điều luật mơ hồ của Bộ luật Hình sự. Nhiều nhà hoạt động và  blogger đang bị tạm giam chờ xét xử, trong đó có blogger Nguyễn Hữu Vinh (Anh BaSam) và trợ lý của ông Nguyễn Thị Minh Thúy, cựu tù nhân lương tâm Trần Anh Kim, và blogger Nguyễn Đình Ngọc (Nguyễn Ngọc Già).

Những điều luật nghiêm khắc thường bị lạm dụng để truy tố các nhà hoạt động vẫn được giữ lại trong Bộ luật Hình sự sửa đổi gần đây, được thông qua vào cuối tháng mười một và có hiệu lực từ ngày 01 tháng bảy năm 2016. Quốc hội đang xem xét một dự thảo luật về hội đó có nhiều quy định rất hạn chế và can thiệp không phù hợp với các nghĩa vụ của Việt Nam để bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do lập hội.

Gia tăng bạo lực nhằm vào người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam: CRD

———————–

Luật sư Nguyễn Văn Đài bị Bộ Công an khởi tố và bắt giam lần thứ hai

Vào chiều ngày 15 tháng 12 năm 2015, luật sư Nguyễn Văn Đài bị cơ quan an ninh điều tra thuộc Bộ Công An ra quyết định khởi tố, bắt giam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 88 bộ Luật Hình Sự.

Quyết định khởi tố và bắt tạm giam Luật sư Đài được phê chuẩn vào ngày 15/12/2015 và vào sáng ngày 16/12/2015, an ninh điều tra đã tiến hành bắt tạm giam và khám xét nơi ở của luật sư Nguyễn Văn Đài tại phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Tp Hà Nội.

Nhiều nguồn tin cho biết Luật sư Đài đã được đưa tới trại tạm giam B14 thuộc Bộ Công an. Theo lời của vợ Luật sư Đài, thời hạn tạm giam bước đầu là 4 tháng. Tuy nhiên, thông tin trên truyền thông quốc doanh đưa ra không tiết lộ Luật sư Đài đã tuyên truyền điều gì, như thế nào, viết bài gì, tuyên truyền đến ai, … Các thông tin về việc bắt giam Luật sư Đài đều rất mù mờ.

Mới đây, Luật sư Nguyễn Văn Đài đã có buổi nói chuyện về quyền con người tại Nam Đàn, Nghệ An, nhân dịp Ngày Quốc tế Nhân quyền. Sự kiện đó đã dẫn đến việc Luật sư Đài và ba thanh niên đi cùng bị mật vụ giả danh côn đồ chặn đường, hành hung và cướp đoạt nhiều tài sản, giấy tờ tùy thân.

Trước đó, vào năm 2007, Luật sư Nguyễn Văn Đài đã từng bị cơ quan công an bắt giam và kết án 5 năm tù giam cùng Luật sư Lê Thị Công Nhân, 4 năm tù giam. Sau đó, trong phiên phúc thẩm, Tòa đã giảm án xuống 4 năm tù giam đối với Luật sư Đài và 3 năm đối với Luật sư Công Nhân.

Luật sư Nguyễn Văn Đài mãn hạn tù vào ngày 06/03/2011. Sau khi ra tù, anh tiếp tục hoạt động mạnh mẽ cho dân chủ – nhân quyền trong nước, kêu gọi đa nguyên đa đảng tại Việt Nam.

Sự việc bắt Luật sư Đài diễn ra trong bối cảnh đảng cộng sản đang họp Hội nghị Trung ương lần thứ 13 để bàn về vấn đề nhân sự khóa tới một cách căng thẳng. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) còn chưa ráo mực, chưa được các quốc hội 12 nước thành viên phê chuẩn. Đây có thể xem là hành động thách thức đối với EU, Hoa Kỳ, và cả phong trào đấu tranh dân chủ trong nước.

Luật sư Nguyễn Văn Đài bị Bộ Công an khởi tố và bắt giam lần thứ hai

Nguyễn Văn Đài bị bắt vì hành vi tuyên truyền chống Nhà nước

———————

Liên Hiệp Châu Âu gặp gỡ những nhà hoạt động dân chủ tại Hà Nội

Theo tin từ nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Chí Tuyên, vào sáng 16 tháng 12, phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu (EU) do Tiến sỹ Christian Behrmann làm trưởng đoàn đã có buổi tiếp xúc và làm việc cùng với một số nhà hoạt động dân chủ nhân quyền tại trụ sở của (EU) tại Hà Nội.

EU cho biết về cuộc đối thoại nhân quyền giữa phái EU với phía Chính phủ CSVN, cũng như trao đổi với các nhà hoạt động một số thông tin về vấn đề dân chủ nhân quyền, cải cách lập pháp và tư pháp ở Việt Nam, quyền biểu đạt, quyền lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, cùng một số vấn đề mà phái đoàn đã đối thoại với phía chính phủ Việt Nam trong ngày hôm trước.

Phái đoàn Việt Nam cũng đưa một số nhận xét tích cực về phía nhà cầm quyền CSVN như sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự như giảm các án tử hình và cho phép ghi âm, ghi hình trong quá trình tiến hành điều tra, thẩm vấn. Tuy nhiên ông Nguyễn Chí Tuyên nêu ra những mặt tích cực trong việc sửa đổi hai bộ luật thì ít, mà mặt tiêu cực thì nhiều. Đặc biệt đối với những người hoạt động dân chủ nhân quyền,  dám cất lên tiếng nói về chính sách cũng như các vấn đề xã hội.

Ông Tuyên cho rằng những người cộng sản là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn từ mơ hồ trong các điều luật nhằm chụp mũ để bỏ tù bất kỳ ai mà họ cho rằng có khả năng thách thức và đe dọa đến lợi ích và quyền lực của họ. Bất kỳ ai cũng có thể bị vào tù vì những điều luật với câu chữ mơ hồ mà họ đặt ra. Ngay việc đi phổ biến về quyền con người cho dân chúng được biết cũng bị quy tội chống lại họ.

Được biết Luật sư Nguyễn Văn Đài vừa bị bắt tạm giam cũng là khách mời của phái đoàn Liên minh châu Âu ngay trong buổi sáng 16 tháng 12.

SBTN: Liên Hiệp Châu Âu gặp gỡ những nhà hoạt động dân chủ tại Hà Nội

————————-

Khởi tố vụ giáo dân xứ Đồng Yên chặn dường quốc lộ 1A

Trong một thông tin mới đây, nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố đối với giáo dân xứ Đồng Yên thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Vào chiều ngày 14/12/2015, ông Đại tá Đặng Hoài Sơn, Trưởng Công an thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã có quyết định khởi tố vụ án liên quan đến giáo dân xứ Đông Yên chặn ngang quốc lộ 1A làm ách tắc giao thông hơn 1 ngày.

Như SBTN đã đưa tin, vào sáng ngày 11/12/2015, hàng trăm người dân xứ Đông Yên đã ra chặn đứng ngang đường quốc lộ 1A, đoạn ngã ba Đèo Con giáp ranh giữa Kỳ Nam và xã Kỳ Phương. Nhiều người đã mang banner có biểu ngữ: “Yêu cầu công an Hà Tĩnh trả tự do cho dân” và sắp đá bỏ hai bên đường.

Được biết, nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do công an tỉnh Hà Tĩnh đã bắt giam đối với ông Hoàng Thiết và ông Nguyễn Xuân Phương, đều là thành viên đội an ninh của giáo xứ Đồng Yên. Cả hai người bị bắt vì tội “Chống người thi hành công vụ” vì liên quan đến ngày 05/10/2015, khi có 4 người mặc thường phục, đi xe biển xanh, không có đại diện nhà cầm quyền địa phương, vào nhà ông Nguyễn Xuân Toàn, muốn bắt ông Thành (em ông Toàn), thì người dân kéo đến ồ ạt, vây 4 người này lại để bảo vệ ông Thành và gia đình, họ không cho 4 người này về nhưng đối đãi rất tử tế.

Hiện tại, nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa bắt giam hay khởi tố đối với đối tượng nào.

Tuy nhiên, một người dân Đông Yên cho biết: “Hiện tại công an đang cho người theo dõi đối với bà con Đông Yên. Họ nói là sẽ tiếp tục điều tra và bắt giam những người liên quan đến vụ việc hôm 11/12 vừa qua. Họ đang tiến hành điều tra đối với những người mà trong đoạn video họ quay được.”

Ông Đại tá Đặng Hoài Sơn khẳng định: “Vụ việc đang trong quá trình điều tra, chúng tôi sẽ làm rõ những đối tượng liên quan để xử lý nghiêm trước pháp luật”.

SBTN: Khởi tố vụ giáo dân xứ Đồng Yên chặn dường quốc lộ 1A

==========17/12===========

Hành động khẩn cấp: Luật sư nhân quyền bị bắt, đang gặp nguy hiểm

Luật sư nhân quyền Việt Nam Nguyễn Văn Đài đã bị bắt ngày 16/12 về cáo buộc “Tuyên truyền” chống lại nhà nước. Ông đang bị tạm giam chờ điều tra và có nguy cơ bị tra tấn và nhiều hình thức ngược đãi khác.

Ông Nguyễn Văn Đài đã bị bắt vào sáng ngày 16/12 khi ông đang trên đường đi gặp phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) tại Hà Nội trong dịp đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam diễn ra vào ngày 15/12. Nhân viên an ninh đã khám xét nhà ông Nguyễn Văn Đài và tịch thu nhiều đồ đạc cá nhân, bao gồm máy tính, điện thoại và tài liệu. Ông được đưa tới trại giam B-14 ở Hà Nội, nơi ông sẽ bị tạm giam bốn tháng chờ điều tra theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự về cáo buộc “tuyên truyền” chống nhà nước. Bốn tháng thời hạn tạm giam có thể được gia hạn. Nếu bị xét xử và kết án theo Điều 88, ông Nguyễn Văn Đài có thể đối mặt giữa ba và 12 năm tù.

Nguyễn Văn Đài là một luật sư nhân quyền và cựu tù nhân lương tâm nổi tiếng cả ở Việt Nam và quốc tế. Ông đã thành lập Ủy ban Nhân quyền Việt Nam vào năm 2006 – nay gọi là Trung tâm Nhân quyền Việt Nam – và là một trong những người ký tên vào bản kiến ​​nghị trực tuyến với tựa đề “Tự do và Dân chủ cho Việt Nam” thu hút được sự ủng hộ của hàng ngàn người. Tháng 3/2007, ông Nguyễn Văn Đài đã bị bắt sau khi tổ chức các cuộc hội thảo và thảo luận về luật nhân quyền cho sinh viên đại học. Sau đó ông bị kết án bốn năm tù giam theo Điều 88. Sau khi được trả tự do tháng 3/2011, ông tiếp tục vận động cho nhân quyền và vào tháng 4/2013, ông thành lập Hội Anh em Dân chủ, một nhóm ủng hộ và thảo luận dân chủ trực tuyến.

Ông Nguyễn Văn Đài đang có nguy cơ bị tra tấn và nhiều hình thức ngược đãi khác trong khi bị giam giữ. Người bảo vệ nhân quyền khi bị cáo buộc tội hinh sự thường chịu đối xử tàn bạo trong quá trình giam giữ trước xét xử.

Hãy viết ngay lập tức bằng tiếng Anh, tiếng Việt hoặc ngôn ngữ của bạn:

 Yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do Nguyễn Văn Đài ngay lập tức và vô điều kiệnvì ông là một tù nhân lương tâm bị giam giữ chỉ vì đã thực thi quyền tự do phát biểu và cho các hoạt động thúc đẩy nhân quyền;

 Yêu cầu chính quyền Việt Nam đảm bảo rằng ông sẽ không bị tra tấn và ngược đãi trong trại giam;

 Yêu cầu chính phủ Việt Nam đối xử với ông ấy phù hợp với các quy tắc, tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp Quốc trong đối xử với tù nhân và để đảm bảo rằng ông được tiếp cận với luật sư, bác sĩ và thân nhân.

Xin gửi thư trước ngày 28/01/2016 tới

Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Trần Đại Quang

Bộ Công an

44 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

Liên hệ qua mạng:

http://www.mps.gov.vn/web/guest/contact_english

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh

Bộ Ngoại giao

1 Tôn Thất Đạm, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam

Fax: + 844 3823 1872

Email: bc.mfa@mofa.gov.vn

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường,

Bộ Tư pháp

60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam

Fax: + 844 627 3959

Email: botuphap@moj.gov.vn

Hãy gửi bản sao cho các cơ quan đại diện ngoại giao tại quốc gia của bạn. Xin vui lòng chèn địa chỉ các cơ quan ngoại giao dưới đây:

Tên Địa chỉ 1 Địa chỉ 2 Địa chỉ 3 Fax địa chỉ số Fax Email Email

Vui lòng kiểm tra với văn phòng khu vực của bạn nếu kiến nghị được gửi sau ngày trên.

Thông tin bổ sung

Ông Nguyễn Văn Đài bị bắt mười ngày sau khi ông và ba đồng nghiệp bị hành hung dã man bởi 20 người đàn ông mặc thường phục sau khi bốn người tham gia một hội thảo nhỏ về nhân quyền. Cuộc tấn công này là mới nhất trong một loạt các vụ tấn công bạo lực nhằm vào người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam trong 18 tháng qua đã bị phản đối bởi Liên Hợp quốc và nhiều chính phủ, tổ chức nhân quyền khác.

(Xem thêm bài Chấm dứt làn sóng tấn công tàn bạo chống lại người bảo vệ nhân quyền https://www.amnesty.org/en/latest/news/2015/12/viet-nam-end-wave-of-brutal-attacksagainst-human-rights-defenders/

và Việc bắt giữ luật sư nhân quyền đã chỉ rõ cam kết giả tạo của Việt Nam về nhân quyền https://www.amnesty.org/en/latest/news/2015/12/viet-nam-arrest-of-human-rights-lawyer-highlights-spurious-commitment-tohuman-rights/)

Việt Nam là một quốc gia thành viên Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị. Công ước này bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa. Tuy nhiên, những quyền này bị hạn chế nghiêm trọng trong pháp luật và thực tiễn tại Việt Nam.

Nhiều điều luật mơ hồ trong phần an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự của Việt Nam năm 1999 thường được sử dụng để kết tội các quan điểm bất đồng hoặc hoạt động ôn hòa . Những người có nguy cơ bao gồm những người ủng hộ thay đổi chính trị ôn hòa, chỉ trích chính sách của chính phủ, hoặc kêu gọi tôn trọng nhân quyền. Điều 258 (Lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và/hoặc công dân), thường được sử dụng để giam giữ, truy tố và bỏ tù những người bất đồng chính kiến vì các hoạt động ôn hòa của họ, bao gồm các blogger, người hoạt động trong lĩnh vực quyền lao động và đất đai, các nhà hoạt động chính trị, tín đồ tôn giáo, người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động công bằng xã hội, và thậm chí cả nhạc sĩ.

Điều kiện trong nhà tù ở Việt Nam thì rất khắc nghiệt, với thức ăn tồi tệ và thiếu chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu được quy định trong các tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp Quốc và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Tù nhân lương tâm thường bị biệt giam như một hình phạt hoặc trong sự cô lập trong thời gian dài. Họ cũng phải chịu sự ngược đãi, bị đánh đập bởi các tù nhân khác mà không có sự bảo vệ của cai ngục. Một số tù nhân lương tâm bị thường xuyên di chuyển giữa các cơ sở giam giữ, cơ quan chức năng thường không thông báo cho gia đình của họ được. Nhiều tù nhân lương tâm đã tuyệt thực để phản đối việc bị đối xử tồi tệ và điều kiện sống ngặt nghèo trong nhà tù.

Ân xá Quốc tế: Hành động khẩn cấp: Luật sư nhân quyền bị bắt, đang gặp nguy hiểm

Amnesty International- VIET NAM: HUMAN RIGHTS LAWYER ARRESTED, AT RISK: NGUYỄN VĂN ĐÀI

————————-

Phái đoàn EU ‘thất vọng’ về chính quyền VN

Phái đoàn Liên hiệp Châu Âu tại Việt Nam nói họ “đặc biệt thất vọng” trước việc luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị bắt giữ.

Trong thông cáo phát đi ngày thứ Năm 17/12, ông Bruno Angelet, trưởng phái đoàn Liên hiệp Châu Âu (EU) tại Việt Nam nói EU và các đại sứ của các nước trong khối “bày tỏ quan ngại sâu sắc với cuộc bắt giữ ông Nguyễn Văn Đài hôm qua”.

Ngày 16/12/2015, Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt luật sư Nguyễn Văn Đài sau khi ra quyết định khởi tố ông về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Phái đoàn EU nói việc bắt giữ ông Đài “đặc biệt gây thất vọng”.

Thông cáo cho biết ông Andrus Ansip, phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu, đã nêu vụ bắt giữ luật sư Đài trong phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu ngày 16/12 tại Strasbourg, Pháp.

Trước đó trong phiên đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam ngày 15/12, phái đoàn Châu Âu cho biết họ đã “nhắc lại những quan ngại sâu sắc về việc gây phiền nhiễu, bắt và giam giữ những nhà bảo vệ và hoạt động nhân quyền”.

Trong thông tin được phái đoàn này đưa ra, họ đã nhắc đến những nhà hoạt động như ông Nguyễn Hữu Vinh (blogger Anhbasam), bà Nguyễn Thị Minh Thúy, ông Đặng Xuân Diệu, ông Ngô Hào và bà Bùi Thị Minh Hằng đang bị giam giữ.

‘Bàng hoàng’

Trong khi đó, Đặc ủy nhân quyền của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, ông Christoph Strässer cũng đã lên tiếng: “Tôi bàng hoàng khi biết tin ông luật sư Nguyễn Văn Đài, một người bảo vệ nhân quyền và một blogger, đã bị bắt giữ hôm nay tại Việt Nam.”

Trong một tuyên bố trên kênh chính thức của Đại sứ quán Đức, ông Strässer đề nghị: “Tôi yêu cầu các cơ quan chính quyền Việt Nam từ bỏ những buộc tội đối với ông Nguyễn Văn Đài và trao trả tự do cho ông ấy ngay lập tức”.

Nói về cuộc bắt giữ, ông Phil Robertson- phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch – nói với BBC Tiếng Việt: “Vấn đề là Việt Nam biết đối thoại nhân quyền diễn ra mỗi năm một lần. Họ có thể nói bất cứ gì họ muốn trong hội nghị, và ngay sau hội nghị họ quay trở lại với những chiến thuật hung hãn để đàn áp các sự việc như chúng ta thấy hôm nay.”

Trước đó, ngày 6/12, ông Nguyễn Văn Đài cáo buộc đã bị tấn công và gây thương tích khi ông có một cuộc gặp nhằm phổ biến kiến thức về nhân quyền tại Nghệ An.

Ông Nguyễn Văn Đài là một trong số tám nhà đối kháng Việt Nam được một tổ chức nhân quyền của Hoa Kỳ trao tặng giải thưởng hồi tháng 2/2007.

Năm 2007, ông bị bắt và kết án bốn năm tù giam và bốn năm quản chế tại địa phương theo điều 88 Bộ Luật Hình sự. Ông ra tù năm 2011.

BBC: Phái đoàn EU ‘thất vọng’ về chính quyền Việt Nam

———————-

Thông điệp của Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và các Đại sứ của các Quốc gia Thành viên EU tại Việt Nam về việc bắt giữ Luật sư Nguyễn Văn Đài

Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu và các Đại sứ của các Quốc gia Thành viên EU tại Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với việc bắt giữ ngày hôm qua đối ông Nguyễn Văn Đài, luật sư kiêm nhà hoạt động nhân quyền. Vào ngày 15 tháng 12 năm 2015, Cơ quan Anh ninh Điều tra của Bộ Công an đã quyết định khởi tố ông Nguyễn Văn Đài về hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 88, Bộ Luật Hình sự. Tòa án Nhân Dân Tối cao đã phê chuẩn quyết định này. Có thông tin rằng ông Nguyễn Văn Đài bị hành hung vào tuần trước sau khi tham dự một buổi hội thảo về nhân quyền tại tỉnh Nghệ An.

Quyết định bắt và khởi tố ông Nguyễn Văn Đài đặc biệt gây thất vọng bởi vì nó diễn ra vào đúng ngày Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam thường niên được tổ chức tại Hà Nội và ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Bruc-xen và tại đây Việt Nam và EU đã chính thức công bố kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do song phương. Hơn nữa, Nghị viện châu Âu ngày hôm nay sẽ bỏ phiếu để phê chuẩn Hiệp định Hợp tác và Đối tác giữa EU và Việt Nam. Ông Andrus Ansip, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu ngày hôm qua đã nêu việc bắt giữ ông Nguyễn Văn Đài trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu.

Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu và các Đại sứ của các Quốc gia Thành viên EU nhắc lại quyền cơ bản của tất cả mọi người là được quyền có ý kiến và bày tỏ ý kiến một cách hòa bình theo Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một thành viên.

Các Đại sứ nhắc lại những lời kêu gọi trước đây đối với Việt Nam trong việc thả tự do những người ủng hộ nhân quyền một cách hòa bình tại Việt Nam.

Liên minh châu Âu cũng bày tỏ sự sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong những vấn đề này và những vấn đề pháp quyền và nhân quyền khác.

EU: Thông điệp của Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và các Đại sứ của các Quốc gia Thành viên EU tại Việt Nam về việc bắt giữ Luật sư Nguyễn Văn Đài

Message from Ambassador Bruno Angelet, Head of Delegation of the European Union to Vietnam and the Ambassadors of the EU Member States in Vietnam on the arrest of lawyer Nguyen Van Dai (17/12/2015)

————————–

Đặc ủy nhân quyền Strässer tuyên bố về việc bắt giam nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Văn Đài ở Việt Nam

Đặc ủy của chính quyền Liên Bang về Chính Sách Nhân Quyền và Trợ Giúp Nhân Đạo, Christoph Strässer đã lên tiếng về việc bắt giam nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Văn Đài:

Tôi đã bị sốc khi được tin nhà bảo vệ Nhân Quyền, Luật sư và Blogger Nguyễn Văn Đài đã bị bắt giam hôm nay ở Việt Nam. Tôi nhận biết ông là một người đối thoại nhiệt thành khi gặp hồi tháng sáu ở Hà Nội, một người dấn thân cho tự do ý kiến ở đất nước ông.

Hoàn cảnh của ông đã là đề tài của cuộc đối thoại nhân quyền giữa Liên minh Âu châu và Việt Nam ngay trong ngày trước khi ông bị bắt. Tôi đòi hỏi nhà chức trách Việt Nam hãy hủy bỏ các cáo buộc đối với ông Nguyễn Văn Đài và trả lại tự do ngay cho ông ta.

Việt Nam đang theo đuổi một quá trình cải cách trên nhiều phương diện. Đồng thời vẫn còn giam giữ nhiều người trong nhà tù ở Việt Nam chỉ vì họ công khai thể hiện ý kiến và phê bình nhà nước và đảng cộng sản. Tôi kêu gọi nhà chức trách Việt Nam hãy trả tự do cho những người này và dẹp bỏ việc áp dụng những quy định hình sự giới hạn quyền tự do ý kiến và biểu tình.

Tình trạng sâu xa:

Nguyễn Văn Đài là một luật sư nổi tiếng, ký giả và Blogger. Ông đã bị tù từ 2007 đến 2011 vì “Tuyên truyền chống Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Sau đó bị quản chế mãi đến tháng 3.2015. Ngoài ra ông bị khai trừ khỏi Luật sư đoàn Việt Nam và bị Bộ tư pháp cấm hành nghề. Mới đây ông được tự do đi lại, nhưng giới hạn ở trong nước vì không có hộ chiếu. Nguyễn Văn Đài đã bị đại diện cơ quan an ninh nhà nước hành hung vào ngày 6 tháng 12 khi dự một buổi sinh hoạt nhân quyền. (bản dịch của DĐVN21)

VNTB – Đặc ủy nhân quyền Strässer tuyên bố về việc bắt giam nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Văn Đài ở Việt Nam

————————-

Quốc tế phản ứng mạnh về vụ bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài

Vụ bắt giữ luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài chứng tỏ rõ ràng những cam kết giả dối của Việt Nam về cải thiện nhân quyền, theo tố cáo của các cơ quan bảo vệ nhân quyền trên thế giới.

Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Đài, người vừa bị bắt khởi tố về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ lần thứ hai hôm 16/12, một ngày sau cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt Nam-Châu Âu tại Hà Nội.

Sự việc xảy ra không lâu sau khi Việt Nam nhất trí với các thỏa thuận của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP do Mỹ dẫn đầu, trong đó bao gồm nhiều cam kết về tôn trọng nhân quyền.

Ông Phil Robertson thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch phát biểu với VOA Việt ngữ:

“Vụ luật sư Đài xảy ra ngay sau thỏa thuận TPP và trước đại hội đảng sắp tới cho thấy những áp lực Hà Nội đang phải đối mặt với quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, về thành tích nhân quyền và với quốc nội trước những nhu cầu của dân chúng đòi hỏi nới lỏng tự do-dân chủ ngày càng tăng.”

CPJ, Ủy ban Bảo vệ Ký giả, cho rằng trường hợp của nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Đài là một thông điệp rõ ràng cho thế giới thấy Việt Nam không hề thay đổi trong các chính sách nhân quyền hà khắc và bất dung đối lập.

Ông Bob Dietz Điều phối viên khu vực Châu Á trong CPJ:

“Sự việc chứng tỏ Hà Nội không hề có bước tiến nào, vẫn nằm ngoài lề của thế giới văn minh-tiến bộ về nhân quyền. Tin tưởng những thỏa thuận đổi chác quyền lợi thương mại sẽ thúc đẩy nhân quyền Việt Nam là hoàn toàn sai lầm. Các làn sóng đàn áp, trù dập nhân quyền sẽ tiếp diễn tại Việt Nam cho tới khi nào chúng ta động được tới lương tâm của những nhà lãnh đạo độc tài.”

Ông Dietz nhấn mạnh thế giới sẽ không thấy một đất nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền nếu không đẩy mạnh những áp lực buộc Hà Nội phải có những cải cách căn cơ từ luật lệ, thể chế, và chính sách cai trị.

Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ khuyến cáo Hà Nội không thể dùng mãi những chiêu trò đã cũ rằng chỉ nhượng bộ nhân quyền khi cần để đổi lấy các quyền lợi thương mại rồi sau đó lại tiếp tục mọi chuyện vì cộng đồng quốc tế hiểu rất rõ những gì đang diễn ra tại Việt Nam.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF có trụ sở tại Pháp ca ngợi luật sư Đài là một nhà hoạt động dũng cảm, kiên trì tranh đấu cho nhân quyền, người bất chấp rủi ro để nâng cao nhận thức nhân quyền cho dân chúng và phản ánh cho thế giới thấy thực trạng tại Việt Nam.

Ông Ismail nói Ông Benjamin Ismail, người đứng đầu khu vực Châu Á thuộc RSF, nói vụ bắt giam luật sư Đài khiến quốc tế thêm lần nữa phẫn nộ về thành tích nhân quyền Việt Nam.

“Nhà cầm quyền Việt Nam phải hiểu là đàn áp, bắt bớ kiểu này chỉ mang lại hiệu ứng ngược vì một blogger bị bắt sẽ có hàng chục blogger khác đứng lên, và cuộc đấu tranh đòi hỏi dân chủ-nhân quyền của người dân Việt Nam sẽ ngày càng quật cường hơn từ những chính sách hà khắc như thế này. Đã tới lúc người dân Việt Nam không thể câm lặng.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài là một cựu tù nhân lương tâm được quốc tế biết tiếng, người thành lập Ủy ban Nhân Quyền tại Việt Nam hồi năm 2006.

Từ 2007 đến 2011, ông thọ án tù về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ sau các hoạt động cổ súy dân chủ bao gồm tổ chức các lớp học miễn phí về nhân quyền cho giới trẻ.

Sau khi ra tù, ông lập Hội Anh em Dân chủ vào tháng 4 năm 2013 và tiếp tục các nỗ lực giáo dục ý thức dân chủ-nhân quyền cho người dân trong nước.

Nhà hoạt động Phạm Bá Hải thân cận với ông Đài nói luật sư Đài bị bắt cùng với người cộng sự Lê Thu Hà và hiện chưa rõ tung tích bà Hà ở đâu.

Ông Hải cho biết cơ quan an ninh còn khám xét nhà và tịch thu một số tài sản:

“Số tài sản bị tịch thu khá nhiều gồm 4 thùng các-tông cùng laptop, điện thoại di động, USB, đĩa CD, sách vở liên quan tới nhân quyền, một số áo có in logo nhân quyền, và 4 bao thư tiền Đài hoạt động nhân đạo giúp đỡ cho các gia đình tù nhân lương tâm.”

Báo chí nhà nước loan tin luật sư Đài nhận tiền từ nước ngoài để hoạt động chống đối nhà nước. Nhà hoạt động Bá Hải bình luận:

“Những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam thường bị cắt các nguồn kinh tế không có công ăn việc làm. Các tổ chức xã hội dân sự trong nước không có nguồn tài chánh vì không phải là những tổ chức lợi nhuận . Họ hoạt động thuần túy nhờ sự tin tưởng của xã hội và sự ủng hộ tài chánh của các cá nhân trong và ngoài nước. Cho nên, việc Đài nhận tiền của các cá nhân hay tổ chức là việc đương nhiên, bình thường.”

Về cáo buộc ‘nhận tiền từ nước ngoài’, luật sư Hà Huy Sơn, người từng tham gia các vụ án xét xử các nhà bất đồng chính kiến, nhận định:

“Bộ Luật Hình sự Việt Nam không có quy định nào cấm công dân nhận tiền từ nước ngoài. Về mặt pháp lý, tôi có thể hiểu người ta muốn đưa ra chứng cứ để nói số tiền đó là phương tiện để thực hiện hành vi mà họ cho là vi phạm pháp luật. Theo pháp luật, việc này cũng không phải là một tình tiết tăng nặng tội mà phía Viện kiểm sát muốn dùng nó để chứng minh cho cáo buộc của họ là có sức thuyết phục.”

Mười ngày trước khi bị bắt, luật sư Đài bị một nhóm an ninh mật vụ và côn đồ hành hung sau khi ông tổ chức một buổi hội thảo về nhân quyền tại Nghệ An. Sự việc đã được phía EU nêu lên trong cuộc đối thoại nhân quyền với Hà Nội hôm 15/12 và là trường hợp mới nhất trong loạt các  vụ hành hung nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền trong 18 tháng qua tại Việt Nam mà Liên hiệp quốc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại.

VOA: Quốc tế phản ứng mạnh về vụ bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài

—————–

Dân biểu Chris Hayes lên tiếng về việc luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt

Dân Biểu Chris Hayes vừa gửi thư đến bà Julie Bishop Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao yêu cầu Úc quan tâm và can thiệp cho Luật sư Nguyễn Văn Đài.

Ông cho biết Luật sư Đài là một luật sư nổi tiếng, thường đại diện cho những người đấu tranh cho nhân quyền vốn bị ngược đãi bởi nhà cầm quyền Việt Nam và hệ thống tư pháp đầy nghi vấn.

Hôm 16/12/2015, Luật sư Nguyễn Văn Đài đã bị bắt vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước, quy định tại Điều 88 Bộ luật hình sự, có thể bị phạt tù đến 12 năm. Tuần lễ trước ông đã bị công an chận đánh vì tham dự một buổi hội thảo về nhân quyền. Ông là người sáng lập Ủy Ban Nhân Quyền và đã bị kết án 4 năm tù và 4 năm quản chế.

Dân Biểu Chris Hayes tin rằng nước Úc đã ký nhiều công ước quốc tế về nhân quyền vì vậy chúng ta có trách nhiệm luân lý để lên án những vi phạm nhân quyền cho dù chúng xẩy ra ở bất kỳ nơi đâu. Do đó, ông trân trọng yêu cầu Chính Quyền Úc phải nỗ lực quan tâm đến trường hợp này.

=============== 18/12==============

Thư của ba dân biểu Mỹ gửi TT Nguyễn Tấn Dũng, yêu cầu trả tự do cho Ls. Nguyễn Văn Đài

Quốc hội Hoa Kỳ

Washington, ngày 18/12/2015

Kính gửi: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thưa Thủ tướng Chính phủ

Chúng tôi viết thư này để lặp lại yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện ông Nguyễn Văn Đài và hủy tất cả các cáo buộc chống lại ông. Việc ông bị bắt là một ví dụ về một loạt các hành động bạo lực chống lại ông của chính quyền, bao gồm vụ đánh đập ông một cách nghiêm trọng bởi nhân viên an ninh mặc thường phục trước đó trong tháng này và một bản án bốn năm tù bắt đầu gần như ngay lập tức sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới với sự hỗ trợ của nước Mỹ.

Ông Đài có một quá trình lâu dài làm việc về các vấn đề nhân quyền, bao gồm cả về vấn đề buôn bán người và hỗ trợ nhiều nhóm tôn giáo đăng ký với chính phủ Việt Nam. Ông cũng đã gặp gỡ với một thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ, dân biểu Chris Smith trước khi ông bị bắt vào năm 2007. Các tội danh mà ông đã bị cáo buộc theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” không tương thích với những hành động của ông, là thực hiện quyền biểu đạt chính trị một cách ôn hòa, ủng hộ nhân quyền phổ quát đã được công nhận, và trợ giúp pháp lý. Việc sử dụng  Điều 88 của chính phủ Việt để bịt miệng người bảo vệ nhân quyền và giam giữ họ mà không xét xử trong thời gian dài mà không có trợ giúp pháp lý đã bị chỉ trích bởi Liên Hiệp Quốc tại Kiểm điểm Phổ quát Định kỳ của Việt Nam trong năm 2013.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), trong đó bảo vệ quyền tự do ngôn luận và biểu đạt chính kiến (Điều 19), quyền tự do và an ninh của mọi người, trong đó bao gồm quyền không phải chịu bắt bớ và giam giữ tùy tiện (Điều 9).

Chúng tôi hy vọng rằng việc xét xử sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng trong trường hợp Nguyễn Văn Đài bị xét xử, chúng tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam và các cơ quan tư pháp tôn trọng các nguyên tắc của pháp luật và đảm bảo các tiêu chuẩn xét xử công bằng quốc tế được áp dụng, như ICCPR cũng đảm bảo quyền xét xử công bằng (Điều 14). Điều này bao gồm được xét xử như nhanh nhất có thể, có tự do lựa chọn đại diện pháp lý, quyền được chuẩn bị và trình bày bào chữa, và tất cả các thủ tục tố tụng sẽ được tiến hành công minh và công khai hóa.

Các quan chức Mỹ đã tuyên bố nhiều lần rằng để có được một mối quan hệ được cải thiện giữa hai nước, Việt Nam cần phải cải thiện tình trạng nhân quyền. Việc bắt giữ Nguyễn Văn Đài, các cuộc tấn công gần đây nhằm vào nhiều người bảo vệ nhân quyền khác, và tiếp tục giam giữ số lượng lớn nhất các tù nhân chính trị ở Đông Nam Á vẫn là một trở ngại nghiêm trọng cho mối quan hệ song phương mạnh mẽ hơn.

Chúng tôi mong muốn được nghe từ ông về vấn đề này.

Trân trọng

Dân biểu Christopher H. Smith, thành viên của Quốc hội

Dân biểu Loretta Sanchez, thành viên của Quốc hội

Dân biểu Zoe Lofgren, thành viên của Quốc hội

============

Vì sao LS Nguyễn Văn Đài bị bắt trước cuộc gặp đại diện EU?

Ngày 16 tháng 12 vừa qua, Luật sư Nguyễn Văn Đài, một luật sư nhân quyền, thường xuyên lên tiếng bênh vực cho dân oan và những người bị đàn áp tại Việt Nam đã bị bắt giam, khởi tố về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 Bộ luật hình sự. Đây là lần bắt giữ thứ 2 đối với luật sư Đài sau 2007, ông bị kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế.

Nói về hành động bắt giam luật sư Nguyễn Văn Đài lần này, những người đấu tranh dân chủ cho rằng lý do lớn nhất đó là sự lo sợ của chính quyền Việt Nam đối với những người có sự ảnh hưởng lớn như luật sư Nguyễn Văn Đài.

Không bất ngờ

Việc luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt tạm giam từ ngày 16 tháng 12 vừa qua là một điều tuy bất ngờ, nhưng sau đó các nhà hoạt động, đấu tranh dân chủ trong nước đều cho rằng đó là điều họ không ngạc nhiên.

Ông Trương Văn Dũng, một nhà đấu tranh dân chủ cho biết:

“Ngày đầu tiên như ngày hôm qua thì chúng tôi cảm thấy rất bất ngờ, nhưng cho đến giờ phút này, nhìn lại sự dấn thân của luật sư Đài thì chúng tôi thấy không có gì là bất ngờ. Bởi vì họ sợ nhất là những người nào họ thấy có tầm ảnh hưởng và nhất là quan hệ với cộng đồng quốc tế, giống như trước đây đối với luật sư Lê Quốc Quân. Cái trường hợp họ hành xử như thế ở Việt Nam là chuyện hết sức bình thường, vì đây là quyền trong tay của họ, luật của họ.”

Theo lời kể lại của bà Khánh, vợ của Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết, gia đình không nhận thấy có hành động hay biểu hiện gì từ chính quyền và cơ quan an ninh trước khi luật sư Đài bị bắt:

“Thậm chí buổi sáng hôm đó anh Đài vẫn đi gặp bên Liên minh Châu âu vì có cuộc hẹn với họ. Anh vẫn đi bình thường. Thật ra vẫn thấy có người theo dõi nhưng mình thấy ở nhà mình chuyện ấy là chuyện quá bình thường, cho nên bọn em hoàn toàn bất ngờ trước lệnh này của họ.”

Mặc dù cho biết rằng gia đình rất bất ngờ, nhưng bà Khánh có đưa ra những bày tỏ mà bà cho rằng chính là nguyên nhân dẫn đến lần bắt giam thứ hai của luật sư Đài:

“Anh Đài rất mong muốn dạy nhân quyền cho nhiều người và mở các lớp học về nhân quyền. Rất nhiều người tham gia và anh Đài cũng rất có ảnh hưởng đến giới trẻ. Anh ấy tập hợp được rất nhiều các bạn trẻ học về nhân quyền cũng như giúp họ hiểu thêm về luật pháp. Một điều nữa, anh Đài cũng là người có mối liên hệ ngoại giao với các nước khá là rộng. chính vì vậy, chính quyền 1 mặt là họ nể mà 1 mặt họ rất là sợ. Cho nên họ quyết định bắt giữ anh Đài.”

Đe dọa vì bất lực

Sau buổi thảo luận về nhân quyền ở Nam Đàn – Nghệ An vào ngày 6 tháng 12 vừa qua, luật sư Đài cùng với ba bạn trẻ khác đã bị những kẻ lạ mặt tấn công trên đường về. Nhưng sau đó, theo lời vợ của ông cho biết, ông vẫn có nhiều cuộc gặp với các Đại sứ quán. Không những thế, luật sư Đài còn tổ chức  nhiều các lớp học nhân quyền khác và pháp luật cho các thanh niên trẻ.

Nói về điều này, ông Nguyễn Trung Dũng, thành viên của Hội anh em dân chủ cho biết đó là ước mơ mà luật sư Đài đã nhiều lần chia sẻ với ông:

“Ước mơ của luật sư Nguyễn Văn Đài sau khi hết quản chế là anh sẽ đi khắp mọi nơi, khắp tỉnh thành để phổ biến về hiến pháp và luật pháp cho người dân để họ sống và thực thi đúng với bổn phận của một công dân của một đất nước tự do, không vi phạm hiến pháp và cũng không ngu muôi về quyền của mình. Đấy là ước mơ của luật sư Nguyễn Văn Đài mà anh đã trao đổi với tôi rất nhiều lần và hình như anh đã bắt đầu thực hiện từ khi anh hết quản chế.

Ước mơ của anh là một người luật sư thì anh muốn đi khắp mọi nơi tiếp xúc với thật nhiều người để phổ biến cho người dân hiểu về luật pháp,v ề quyền con người để họ sống đúng với một con người theo quy định của Hiến pháp cũng như theo công ước quốc tế. Đó là cái cơ bản, cái chính nhất  của luật sư Nguyễn Văn Đài và là ước mơ của anh trong giai đoạn này.”

Theo ông Trương Văn Dũng, thì chính việc truyền dạy về nhân quyền và pháp luật của luật sư Nguyễn Văn Đài đã gây ra mối lo sợ cho chính quyền Việt Nam. Chính vì thế, họ đã có những hành động mà theo ông Dũng cho rằng, vừa thể hiện sự lo sợ với luật sư Đài, vừa muốn đe doạ những tầng lớp đấu tranh trẻ.

“Đây là một hình thức họ muốn nói cho những người chứng kiến sự việc hôm ấy, cũng là một hình thức dằn mặt những người mới tham gia đấu tranh, chưa có kinh nghiệm, còn non nót trong việc cất lên tiếng nói.”

Ông Dũng cho biết, chính quyền hiện hành luôn có thái độ “e ngại” đối với luật sư Đài. Bằng chứng cụ thể là mặc dù đã tự do hoàn toàn  sau án tù 4 năm, cộng thêm 4 năm quản chế, thế nhưng tất cả những sinh hoạt, công việc thường ngày của luật sự Đài đều bị kiểm soát chặt chẽ.

“Mỗi khi có 1 hội thảo hoặc có 1 cơ quan đại diện quốc tế hay sự vụ gì thì họ lại tiếp tục dùng lực lượng an ninh và côn đồ bao vây, ngăn cản luật sư Đài ra khỏi nhà.”

Cũng theo lời ông Dũng kể lại, việc quản chế sau khi đã hết án hoàn toàn mà an ninh và chính quyền áp dụng với luật Đài được thể hiện ngay cả ở những sinh hoạt đời thường như đi lễ.

Việc bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài trước khi diễn ra cuộc gặp với đại diện EU được cho là một sự thách thức của chính quyền Việt Nam đối với công luận quốc tế.

“Họ biết mà họ cố tình họ bắt chứng tỏ họ coi thường công luận. Họ bất chấp tất cả. Luật sư Đài là một người có tầm ảnh hưởng lớn trong nước và ngoài nước, vì thế họ lo sợ nên họ cố tình bằng mọi cách để ngăn chặn. Cuối cùng, không làm cách nào thì họ bắt và họ vu cho cái điều luật hết sức mơ hồ là điều luật 88.”

Một ngày sau khi Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt giam, vợ của ông cho biết bà đã gặp một số Đại sứ quán như Đức, Mỹ, Úc và Thuỵ Sỹ để đề nghị các cơ quan nhân quyền quốc tế lên tiếng đấu tranh trả tự do cho chồng của mình. Bà cũng cho biết thêm rằng mọi yêu cầu tiếp xúc, liên lạc với luật sư Đài đều bị từ chối.

Việc bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài trước cuộc gặp với đại diện EU đã làm cho dư luận trong và ngoài nước lên tiếng phản đối mạnh mẽ. trong đó, không ít nhiều người cho rằng hành động này đã thể hiện sự bất lực của chính quyền Cộng sản Việt Nam.

RFA: Vì sao LS Nguyễn Văn Đài bị bắt trước cuộc gặp đại diện EU?