ĐẠI SỨ MỸ: “CHÚNG TÔI VẪN CÒN NHIỀU THỨ ĐỂ GÂY SỨC ÉP VỚI VIỆT NAM”

Từ trái sang: David V. Muehlke (Bí thư thứ nhất phụ trách chính trị, ĐSQ Mỹ), chị Vũ Minh Khánh, Đại sứ Ted Osius, luật sư Hà Huy Sơn.

Từ trái sang: David V. Muehlke (Bí thư thứ nhất phụ trách chính trị, ĐSQ Mỹ), chị Vũ Minh Khánh, Đại sứ Ted Osius, luật sư Hà Huy Sơn.

Được hỏi, “trong hai cuộc gặp đó, ông có thấy bất kỳ một tín hiệu, một manh mối nào từ phía công an, cho thấy tại sao họ bắt anh Đài và chị Thu Hà không”, Đại sứ Ted Osius lắc đầu: “Không. Họ vẫn chỉ đưa ra các lý do như họ đã từng đưa ra trong những lần bắt các nhà hoạt động khác. Tôi có nói với họ, rằng luật sư Nguyễn Văn Đài cũng như các nhà hoạt động đang bị họ giam giữ kia, đều là những người yêu nước, chỉ mong điều tốt đẹp cho Việt Nam, chỉ mong Việt Nam phát triển và hội nhập để trở thành một phần của thế giới. Nhưng ông Trần Đại Quang và ông Tô Lâm không đồng ý như vậy”.

FB Doan Trang | 22-12-2015

Chiều 22/12/2015, chị Vũ Minh Khánh – vợ luật sư Nguyễn Văn Đài – và luật sư Hà Huy Sơn đã có cuộc gặp với Đại sứ Mỹ Ted Osius và tùy viên chính trị David V. Muehlke, tại nhà riêng của ông Osius.

Đến hôm nay, luật sư Nguyễn Văn Đài và cô giáo Lê Thu Hà bị bắt đã sáu ngày, nhưng gia đình của cả hai người vẫn không được liên lạc với họ, cũng nhưng không nhận được thông tin gì từ họ. Chị Khánh cho biết, mặc dù việc thăm nuôi thân nhân đang bị giam giữ là quyền của gia đình, nhưng phía cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) đã khước từ quyền đó của chị, nhất định yêu cầu chị phải làm đơn cho họ xét duyệt, “có gì sẽ báo sau”.

Chị Khánh cũng không nhận được thông tin gì cụ thể hơn về lý do bắt giữ, ngoài việc lệnh bắt nói rằng anh Đài vi phạm Điều 88 Bộ luật Hình sự. Cơ quan ANĐT cũng căn cứ Điều 88 để từ chối cho anh Đài và chị Thu Hà tiếp xúc luật sư sớm; họ nói người bị tạm giam, tạm giữ theo Điều 88 chỉ có thể gặp luật sư sau khi quá trình điều tra đã hoàn tất. (Tuy nhiên, sự thực là Điều luật này không hề có quy định gì về việc hạn chế quyền tiếp cận luật sư).

chị Vũ Minh Khánh- Đại sứ Ted Osius

Ông Ted Osius chia sẻ với chị Khánh và khẳng định, Mỹ cũng như các quốc gia phương Tây ở Việt Nam đều rất tức giận với việc Bộ Công an bắt luật sư Nguyễn Văn Đài, cũng như đã lần lượt lên tiếng về vụ việc này. Ông cho biết, gần như ngay sau vụ bắt, ông đã có cuộc gặp Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và Thứ trưởng Tô Lâm.

Được hỏi, “trong hai cuộc gặp đó, ông có thấy bất kỳ một tín hiệu, một manh mối nào từ phía công an, cho thấy tại sao họ bắt anh Đài và chị Thu Hà không”, Đại sứ Ted Osius lắc đầu: “Không. Họ vẫn chỉ đưa ra các lý do như họ đã từng đưa ra trong những lần bắt các nhà hoạt động khác. Tôi có nói với họ, rằng luật sư Nguyễn Văn Đài cũng như các nhà hoạt động đang bị họ giam giữ kia, đều là những người yêu nước, chỉ mong điều tốt đẹp cho Việt Nam, chỉ mong Việt Nam phát triển và hội nhập để trở thành một phần của thế giới. Nhưng ông Trần Đại Quang và ông Tô Lâm không đồng ý như vậy”.

Đại sứ Ted Osius cũng không trả lời được câu hỏi “có phải chính quyền Việt Nam đang muốn điều gì đó lắm, nên phải bắt luật sư Nguyễn Văn Đài để gây sức ép ngược lại với cộng đồng quốc tế”.

Chị Vũ Minh Khánh lo ngại: “Phải chăng vì Việt Nam đã ký được nhiều hiệp định quốc tế về kinh tế, như TPP, FTA… rồi, nên bây giờ chính quyền Việt Nam trở mặt, phá bỏ các cam kết, bắt giữ người hoạt động nhân quyền để trả đũa và để gửi lời cảnh báo tới tất cả giới hoạt động nhân quyền-dân chủ?”.

Ông Ted Osius đáp: “Tôi lại diễn giải vụ bắt bớ này theo một cách khác. Tôi cho là với việc bắt anh Đài và chị Hà, Bộ Công an Việt Nam muốn gửi một thông điệp rằng họ đang rất mạnh và họ không e ngại điều gì cả”. Dù vậy, ông cũng thừa nhận, không hiểu sao chính quyền Việt Nam “liều” như thế (take a great deal of risks). “Họ đang chơi một trò chơi rất nguy hiểm. Họ đang liều cả với TPP, cả với tương lai kinh tế trước mắt”.

Chị Vũ Minh Khánh băn khoăn rằng nếu vậy, liệu có phải Mỹ và cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia phương Tây, đã hết các cơ chế để có thể gây áp lực với Việt Nam. Đại sứ Ted Osius cười: “Không đâu. Mỹ vẫn còn rất nhiều đòn bẩy (leverage) để tạo sức ép. Tôi đang có trong tay bức thư của Dân biểu Alan Lowenthal phản đối vụ bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài; ông Alan Lowenthal là người sẽ tham gia cho ý kiến quyết định việc Mỹ có thể đồng ý để Việt Nam gia nhập TPP không. Ngoài TPP, Mỹ còn nhiều đòn bẩy khác nữa. Và cũng không phải chỉ có lá thư của ông Alan Lowenthal đâu, đây chỉ là một trong số rất nhiều lá thư Chính phủ Mỹ đã nhận được trong những ngày qua, lên tiếng về vụ bắt luật sư Đài. Tóm lại, mọi việc chưa xong đâu”.

Tuy thế, Đại sứ Hoa Kỳ cũng nêu rõ rằng ông cảm nhận được sự cứng rắn của phía Bộ Công an, và chắc chắn chính quyền Việt Nam sẽ không thả luật sư Nguyễn Văn Đài sớm. “Có nhiều vụ việc, họ có những tín hiệu cho thấy mọi việc sẽ được giải quyết nhanh chóng, nhưng trường hợp này thì không. Tôi cũng không muốn gia đình nuôi hy vọng, nên tôi phải nói rõ là có thể chuyện sẽ kéo dài đấy”.

Luật sư Hà Huy Sơn cho biết, anh Nguyễn Văn Đài là một nhà hoạt động rất ôn hòa và luôn nỗ lực tuyên truyền về các giá trị nhân quyền cho người dân. Luật sư đã làm đơn đăng ký bào chữa cho anh Đài, nhưng tất nhiên chưa được cơ quan ANĐT “duyệt”.

Kết thúc buổi gặp, ông Ted Osius khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì chúng tôi có thể làm. Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc. (We won’t give up)”.