Đường lối bảo thủ sẽ cản trở đổi mới?

Tác giả đặt câu hỏi liệu một đường lối 'bảo thủ' trong Đảng sẽ cản trở quá trình và công cuộc đối mới đang diễn ra ở Việt Nam.

Tác giả đặt câu hỏi liệu một đường lối ‘bảo thủ’ trong Đảng sẽ cản trở quá trình và công cuộc đối mới đang diễn ra ở Việt Nam.

Chưa có nghiên cứu chỉ ra một cách thuyết phục tính đúng đắn của quan điểm này trong thực tế, song điều hiển nhiên về mặt lý luận là chủ nghĩa Mác – Lê Nin đối nghịch với kinh tế thị trường hiện đại. Mặc dù có nhiều phản biện, quan điểm này hiện vẫn là kim chỉ nam trong đường lối của đảng CSVN.

BBC | 24-01-2016

Đại hội 12 Đảng cộng sản Việt Nam (CSVN) đang diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 21 đến 28/1/2016.

Trong ngày đầu, các diễn văn, báo cáo chính trị, kinh tế – xã hội quan trọng của lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước được trình bày.

Sau đó có các tham luận của các đại biểu, trong đó có một số bài được coi là ‘dốc ruột’, mà một số báo trong nước đã đăng tít như ‘Bài phát biểu tâm huyết, thẳng thắn của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh’ trên Vietnamnet, ngày 23-01-2016), hay bài ‘Ông Đặng Ngọc Tùng: ‘Nhân dân cần lãnh đạo khí phách” trên Vnexpress.net cùng ngày…, đã đang gây được sự chú ý trong công luận.

Tuy nhiên quan sát từ các văn kiện có điều không thay đổi, mang xu hướng bảo thủ (hiện giờ và sẽ là ít nhất trong nhiệm kỳ đại hội 12) là ‘kiên định chủ nghĩa Mác-Lê Nin, là kinh tế thị trường ‘định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)’.

Dung hòa quyền lực?

Phải chăng mục tiêu của Chủ nghĩa Xã hội, về mặt lý thuyết, được cho là ‘tốt đẹp’ hơn Chủ nghĩa Tư bản cho nên phải hướng tới?

Chưa có nghiên cứu chỉ ra một cách thuyết phục tính đúng đắn của quan điểm này trong thực tế, song điều hiển nhiên về mặt lý luận là chủ nghĩa Mác – Lê Nin đối nghịch với kinh tế thị trường hiện đại. Mặc dù có nhiều phản biện, quan điểm này hiện vẫn là kim chỉ nam trong đường lối của đảng CSVN.

Điều hiển nhiên là mỗi quan điểm sẽ sản sinh một hệ thống lợi ích và giá trị. Chúng ta có thể dự liệu những mâu thuẫn đối nghịch phát sinh trong quá trình hoạt động song song của hai hệ thống lợi ích và giá trị khác biệt.

Đặc trưng lớn nhất của thời kỳ‘đổi mới’ kinh tế là chuyển cơ chế từ kế hoạch hóa tập trung sang thị trường. Các nguồn lực kinh tế ‘của nhà nước’, về nguyên tắc, sẽ phi tập trung cho tư nhân theo cơ chế thị trường.

Chấp nhận chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hiện đại, cần tuân theo hệ thống giá trị và lợi ích của nó để có thể tạo lập được sân chơi và luật chơi phù hợp.

Các phẩm chất ưu việt của kinh tế thị trường hiện đại, như tự do kinh doanh, dân chủ nghị trường… cần được nhận thức đầy đủ và song hành với nó là tự do cá nhân, quyền con người, quyền lập hội, quyền biểu đạt ý kiến, quyền biểu tình… cần được hiến định theo hướng văn minh, theo các chuẩn mực quốc tế.

Liệu có thể dung hòa quyền lực chính trị với quá trình chuyển đổi này, khi mà đất nước đã trải qua 30 năm đổi mới – một nội dung tổng kết của đại hội 12, như sự cấp thiết đòi hỏi đổi mới mạnh mẽ thể chế chính trị để thích nghi với kinh tế thị trường.

Đại hội 12 đang lựa chọn để bầu ra các chức danh chủ chốt lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam.

Đại hội 12 đang lựa chọn để bầu ra các chức danh chủ chốt lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam.

Liệu các nhà lãnh đạo truyền thống có ‘tự nguyện’ từ bỏ đặc ân, lợi ích họ đang thụ hưởng và các giá trị đang chi phối hành vi của họ.

Khoảng trống ‘bất trị’

Giữa hai hệ thống lợi ích và giá trị khác biệt là một khoảng trống quyền lực không bị kiểm soát cho những cán bộ lãnh đạo cơ hội, trục lợi cá nhân làm giàu bất chính.

Khoảng trống lớn đến mức nhiều lãnh đạo, đặc biệt trong các lĩnh vực phân bổ nguồn lực, và họ hàng, con cái họ giàu lên nhanh chóng.

Người dân thường cũng phải thốt lên: ‘Nếu tôi ở vị trí này, tôi cũng sẽ làm như họ!’

Khoảng trống này lý giải vì sao căn bệnh ‘một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, tham nhũng, lợi ích nhóm…’ không có được bài thuốc đặc trị và lý giải tại sao hiện tượng ‘tự diễn biến’ trở nên trầm trọng.

Đây cũng là lực cản lớn nhất đối với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh, tiếp tục phình to và kém hiệu năng…, vấn đề ‘điểm nghẽn nhân lực’ chưa có lời giải.

Xu hướng bảo thủ trong đường lối đổi mới đang làm gia tăng chi phí cải cách để duy trì bộ máy lãnh đạo đảng, nhà nước, làm trầm trọng thêm các hiện tượng ‘nhóm lợi ích’, tham nhũng, suy thoái đạo đức, làm giảm hiệu quả quản lý cải cách khi không có được các chính sách chủ động, tính khả thi không cao, khoảng cách giữa hoạch định và thực thi chính sách ngày càng lớn.

Sa lầy ý thức hệ

Nhiều chính sách của đảng và nhà nước, trong đó có chính sách phòng và chống tham nhũng, sau nhiều năm vẫn dừng ở ‘đạt được kết quả bước đầu’ và chắc sẽ tiếp tục khó khăn khi không có cơ chế giám sát quyền lực hữu hiệu do không thiết lập được hệ thống giá trị và lợi ích phù hợp với cơ chế thị trường hiện đại.

Cố Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu từng nhận xét đại ý rằng Việt Nam đang bị sa lầy bởi ý thức hệ CNXH trong quá trình đổi mới.

Người ta đang theo dõi những diễn biến phức tạp khó lường trong cải cách chính trị hiện nay của Trung Quốc, khi Tập Cận Bình tăng cường thâu tóm tập trung quyền lực, đẩy mạnh truy tố các quan tham, kể cả ở cấp cao nhất trong khi tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc đáng lo ngại…

Việt Nam và Trung Quốc có chế độ chính trị tương đồng, tác giả nhấn mạnh.

Việt Nam và Trung Quốc có chế độ chính trị tương đồng, tác giả nhấn mạnh.

George Soros, tỷ phú Mỹ gốc Hungary, người đã khuynh đảo thị trường tài chính bằng đầu cơ chứng khoán, ‘góp phần’ tác nhân gây nên cuộc khủng hoảng tài chính trong những năm 1997 – 1998, đang dự đoán Trung Quốc ‘sẽ hạ cánh cứng’, (tình huống khi nền kinh tế một nước chuyển nhanh từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp, và sau đó là suy thoái, thường xảy ra khi chính phủ nước đó cố cắt giảm thâm hụt ngân sách và kiểm soát nợ công…)

Việt Nam và Trung Quốc có chế độ chính trị tương đồng. Liệu thế hệ các nhà lãnh đạo Việt Nam được đại hội 12 ‘chuẩn thuận’ có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, tạo nên sự khác biệt?

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà phân tích chính sách công của Việt Nam đang làm việc tại Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Bài viết hưởng ứng chuyên mục của BBC Việt ngữ ‘Viết về Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12’.