Băng-rôn, biểu ngữ và nỗi sợ hãi bị tẩy chay của báo chí cách mạng

Nếu ở châu Âu, tự do thành lập nghiệp đoàn được bảo vệ như một thứ tôn giáo thì tại Mỹ, tự do báo chí trở thành một quyền phổ quát. Hiến pháp Mỹ quy định rằng Quốc Hội và Chính Phủ không có quyền áp đặt bất kỳ điều gì lên báo chí.

VNTB | 18-06-2016

Định nghĩa báo chí mới ra lò!

Mới đây, trên đường Võ Văn Ngân, đoạn đi qua trường Cao đẳng Xây Dựng và Ngân hàng Sacombank Thủ Đức, một biểu ngữ bề thế của báo chí cách mạng vừa được giăng lên.

Sự việc diễn ra khoảng vào lúc 10h40 ngày 15/06/2016. Người công nhân căng biểu ngữ phải leo trên một độ cao nguy hiểm mà không có các dụng cụ bảo hộ lao động.

Nội dung của biểu ngữ là:

“Báo chí là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng và văn hóa, là cầu nối giữa Đảng với Nhân Dân”

Vậy, biểu ngữ này đã vô tình đưa ra một định nghĩa mới về khái niệm báo chí. Báo chí “ là cầu nối giữa Đảng với Nhân Dân”, như thế đã không còn tính trung lập tối thiểu của một tờ báo.

Nếu ở châu Âu, tự do thành lập nghiệp đoàn được bảo vệ như một thứ tôn giáo thì tại Mỹ, tự do báo chí trở thành một quyền phổ quát. Hiến pháp Mỹ quy định rằng Quốc Hội và Chính Phủ không có quyền áp đặt bất kỳ điều gì lên báo chí.

Sự chênh lệch về  nhận thức của quan chức và người dân giữa thế giới tự do và thế giới cộng sản làm nên sự chênh lệch về trình độ phát triển của cac quốc gia ngày hôm nay.

Thế giới có nhiều quan điểm khác nhau khi định nghĩa về báo chí. Định nghĩa kiểu gì thì tính tự do, phi phe phái và tính trung thực của báo chí cũng phải được tôn trọng tuyệt đối, ít nhất là từ chủ quản của tờ báo. Nhà cầm quyền Việt Nam áp đặt một định nghĩa lạc loài như vậy, chẳng khác nào đẩy báo chí Việt Nam ra ngoài nhân loại.

Dấu hiệu của sự sợ hãi

Tại sao họ lại vội vã treo băng-rôn ca ngợi báo chí trên các con đường lớn, vốn trước đó chỉ có băng-rôn ca ngợi Đảng và bộ máy?

Đây là một điều bất thường, ít gặp. Nội dung trên biểu ngữ thường chỉ được nói qua loa chứ không được in và chăng như thế này bao giờ, hoặc là rất hiếm, vì trước đây giới lãnh đạo báo chí cũng muốn giữ đôi chút hình ảnh của mình.

Xem xét với bối cảnh hiện tại của báo chí do nhà nước kiểm soát, hay còn gọi là báo chí lề Đảng, dường như một sự sợ hãi đang giăng lên khắp hệ thống. Hàng loạt vụ bê bối làm cho người dân từ chỗ bán tín bán nghi báo chí nhà nước chuyển sang thụ động bàng quan với họ, rồi chuyển sang giai đoạn tẩy chay, lên án.

Điểm qua những vụ rùm beng gần đây của báo chí lề đảng: Phóng viên VTV dàn cảnh lấy chổi quét cho rách rau xanh của nông dân để dễ bán ở chợ, tiến sĩ- nhà báo Tạ Bích Loan tự hủy hoại uy tín mấy chục năm của mình khi đấu tố một MC trẻ lên án công ty Formosa đầu độc biển miền Trung, đài truyền hình quốc gia và báo quân đội nhân dân  cho đăng tấm hình dùng cho tuyên truyền của Trung Quốc cho dân Việt xem khiến cộng đồng căm phẫn.

Họ không cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra một bản tin, điều này có lẽ đến từ thói quen bưng bít thông tin mà không bị tiếng nói đối lập nhắc nhở từ những năm 1945. Nhưng hôm nay, trong một thời buổi mà người Việt Nam ai cũng có điện thoại thông minh để lướt nét, ai cũng vào facebook thì tính thật-giả của một vấn đề đã không còn do đài báo nhà nước tuyên truyền mà là do cộng đồng mạng quyết định. Có thể nói, trừ những người hưởng lợi một cách gia truyền từ nhà nước này, người dân bình thường chẳng còn ai tin tưởng vào báo chí “cách mạng”được nữa.

Một nỗi sợ hãi bao trùm cả hệ thống báo chí do nhà nước Việt Nam bao cấp. Người sợ hãi nhất có thể là VTV vì giá quảng cáo chắc hẳn sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Gần đây, người dân hưởng ứng một chiến dịch tẩy chay những hàng hóa quảng cáo trên VTV, cuộc “cạch mặt” không để lại dấu vết. Doanh thu của VTV chắc hẳn sụt giảm rất nhiều. Doanh thu của những đài báo đồng loại khác cũng không thể mãi tăng tự do như trước.

Tác dụng ngược của băng-rôn, biểu ngữ

Vì sao các lãnh đạo báo chí lại căng băng-rôn đó? Đó là vì họ muốn níu kéo lòng tin nơi người dân ? Hay là để họ ăn cú chót? Hay là để làm cho dân thường ngán ngẩm với chính trị và để yên cho người ta thao túng chính trị?

Dù gì đi chăng nữa, băng-rôn, biểu ngữ càng làm cho người dân thêm phản cảm với bộ máy quan chức.

Khi chính sách chung là muốn bảo tồn cảnh quan thì hành vi sử dụng băng-rôn, biểu ngữ thiếu kiểm soát có thể làm mất thẩm mỹ của cả một thành phố.

Một con đường, để xanh-sạch-đẹp như bất kỳ công dân nào mong muốn cũng đều phải tôn màu xanh của cây cối lên trên hết. Những tấm biển quảng cáo sặc sỡ làm cho một thành phố trở nên loạn xạ. Nghiêm trọng hơn, những cái băng-rôn màu đỏ giữa một nền quang cảnh màu xanh hiển nhiên là một điều phản mỹ thuật, không cần phải có chuyên môn về nghệ thuật thì cũng nhận thức được điều này.

Thế nhưng những vị lãnh đạo chính quyền và thuộc cấp là lãnh đạo báo chí ở Việt Nam lại dường như cố tình vi phạm điều đó. Khắp Việt Nam loạn băng-rôn, biểu ngữ. Sự kiện thật trọng đại thì mới căng băng-rôn, biểu ngữ. Nhưng dân ta cứ ra đường là những thứ này đập ngay vào mắt, mặc dù không muốn nhìn.

Cuối cùng, tiền đâu để chăng hàng triệu băng-rôn, biểu ngữ la liệt khắp cả nước? Đó chắc chắn là con số khổng lồ từ sức lao động đóng thuế của người dân. Nếu biết dùng tiền đó, vải đó chuyển sang may áo để đầu tư cho trẻ em thì có lẽ sẽ chẳng còn đứa trẻ nào thiếu áo mặc, chẳng đứa trẻ nào phải bỏ học giữa chừng.

Kiều Phong