Bản tin Người Bảo vệ Nhân quyền từ 27/6 đến 03/7/2016: Bộ trưởng Công an đe dọa sẽ mạnh tay với người biểu tình trong lúc bất mãn xã hội gia tăng

Bản tin Người Bảo vệ Nhân quyền | 03-07-2016

tuần tin

Bộ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Tô Lâm đã ra lệnh cho lực lượng an ninh áp dụng các biện pháp mạnh tay để đối phó với biểu tình tự phát trong lúc bất mãn xã hội gia tăng do phản ứng chậm chạp của chính phủ trong vụ cá chết hàng loạt ở bờ biển miền Trung, tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ và phản ứng yếu ớt của chính quyền đối với sự xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông.

Tại một hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ, tướng Lâm đã yêu cầu lực lượng an ninh bằng mọi cách đảm bảo trật tự xã hội, không để xảy ra biểu tình tự phát.

Lực lượng an ninh ở nhiều nơi tiếp tục đàn áp người bất đồng chính kiến, người hoạt động xã hội và nhân quyền. Hôm 26/6, an ninh tỉnh Quảng Trị bắt giữ cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Vũ nhưng phải trả tự do cho anh vào ngày hôm sau sau khi họ không thể cáo buộc anh hoạt động chống nhà nước. An ninh thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ anh Trẩn Tử Long và bạn gái Trương Tuệ Minh vào ngày 30/6 và Hoàng Dũng, thành viên của Con đường Việt Nam hôm 03/7 nhưng đều phải trả tự do cho họ sau khi giam giữ qua đêm như trường hợp của hai người đầu và trả tự do ngay trong ngày như trường hợp của Hoàng Dũng.

An ninh mặc thường phục ở thành phố Đà Nẵng hôm 03/7 lại đánh đập nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Thạnh, gây nhiều thương tích cho anh. Đây là vụ tấn công thứ 3 nhằm vào anh trong ba tuần qua.

Lực lượng an ninh ở Hà Nội chiều hôm 01/7 đã ngăn cản luật sư nhân quyền và là cựu tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân và blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, không cho họ đi dự tiệc kỷ niệm Ngày Độc lập (04/7) của Đại sứ quán Mỹ mà họ là khách mời.

Buôn bán người là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam nhưng chính phủ không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu để ngăn chặn việc này, theo một báo cáo thường niên năm 2016 của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Và nhiều tin quan trọng khác.

========== 27-06-2016===============

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nhận giải thưởng nhân quyền Gwangju

Giải thưởng nhân quyền Gwangju năm nay được trao cho bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Việt Nam do hoạt động kiên trì vì nền dân chủ tại Việt Nam suốt mấy chục năm qua.

Chính quyền Hà Nội lên tiếng yêu cầu phía Hàn Quốc rút lại giải thưởng; tuy nhiên Ban Tổ chức giải thưởng Gwangju vào ngày 18 tháng 5 vừa qua vẫn trao giải cho bác sĩ Nguyễn Đan Quế.

Giải thưởng trên là nguồn động viên lớn trong cuộc đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, bác sỹ Quế nói trong một cuộc phỏng vấn của đài Tự do Châu Á.

Ông cho biết lực lượng tranh đấu giờ đây đang trẻ hóa và có nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng về công nghệ thông tin. Ông cũng thấy phụ nữ dấn thân ngày càng nhiều, chứng tỏ vai trò đang lên của phụ nữ trong công cuộc dân chủ hóa đất nước.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nhận giải thưởng nhân quyền Gwangju

——————————-

7 nhà hoạt động của Liên Minh Việt Nam Tây Tạng bị bắt ở Thiên An Môn

Công an Trung Quốc bắt giữ 7 thành viên của Liên Minh Việt Nam Tây Tạng, sau khi họ phân phát hàng ngàn truyền đơn, giương cao biểu ngữ lên án Trung Cộng đồng hóa Tây Tạng và âm mưu thôn tính Việt Nam ngay tại quảng trường Thiên An Môn ngày 24/06.

Những người bị bắt gồm có bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, nhà lãnh đạo kiêm nhà sáng lập Liên Minh Việt Nam Tây Tạng thường trú tại Pháp, ông Trần Ngọc Phương, 72 tuổi, quốc tịch Việt Nam, ông Đoàn Viết Khanh, 29 tuổi, quốc tịch Lào, ông Phuntsok, 34 tuổi, ông Tsering, 24 tuổi, cô Singay Choden, 26 tuổi, và bà Dawa Dadon, 43 tuổi, đều là người Tây Tạng.

Theo bà Ngọc Hạnh, công an Bắc Kinh muốn ghép vụ rải truyền đơn của họ vào chung với vụ đánh bom tại phi trường Thuận Hải ngày 12 tháng 6, nhưng các cáo buộc này đều không có cơ sở, vì Liên Minh Việt Nam Tây Tạng không can dự vào hành động bạo lực.

Được biết 3 người Việt Nam đã bị trục xuất hôm 26 tháng 6 về các quốc gia cư trú của họ, tức là bà Ngọc Hạnh về Pháp, ông Phương về Việt Nam và ông Khanh về Lào.

Bà Ngọc Hạnh nói bà không rõ tung tích của 4 thành viên còn lại người Tây Tạng. Bà nói thêm rằng có thể ông Phương cũng đã bị công an CSVN bắt giữ, vì gia đình ông chưa nhận được tin tức gì về ông.

Được biết, bà Ngọc Hạnh sau khi trở về lại Paris đã phải nhập viện vì sức khoẻ yếu do những ngày có mặt tại Thiên An Môn vừa qua. Bà bị bệnh viện cho ở cách ly vì tình nghi là bà bị trúng độc.

7 nhà hoạt động của Liên Minh Việt Nam Tây Tạng bị bắt ở Thiên An Môn

============= 28-06================

Lực lượng công an cần ngăn chặn hoạt động kích động biểu tình: Bộ trưởng Tô Lâm

Lực lượng công an cần chú trọng đấu tranh phòng chống khủng bố, ngăn chặn hoạt động kích động biểu tình, gây rối trật tự đô thị…, Bộ trưởng Tô Lâm nói trong Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016 tại trụ sở Công an TP HCM.

Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh, trong thời gian tới lực lượng công an cần chú trọng việc đấu tranh phòng chống khủng bố, ngăn chặn hoạt động kích động biểu tình, gây rối trật tự đô thị, phản bác những quan điểm sai trái của thế lực thù địch, bảo đảm an ninh mạng; triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh, trấn áp, ngăn chặn hoạt động của các băng nhóm tội phạm đâm thuê chém mướn, thanh toán trả thù nhau.

Thủ tướng: Không để tội phạm lộng hành

============= 30-06=============

Đại sứ Mỹ viếng thăm Bác sỹ Nguyễn Đan Quế tại nhà riêng ở Sài Gòn

Hôm 30/6, Đại sữ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius và nhân viên chính trị Charles Sellers của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Hồ Chí Minh City viếng thăm bác sỹ Nguyễn Đan Quế tại nhà riêng của ông ở Sài Gòn.

Trong cuộc gặp gỡ khoảng 1 giờ, bác sỹ Quế đề nghị Hoa Kỳ công khai ủng hộ các tổ chức xã hội dân sự độc lập bao gồm Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam và Mạng lưới Các Tổ chức XHDS Độc lập.

Hoa Kỳ nên gây sức ép để buộc Việt Nam phải chấp nhận tự do thông tin, tự do Internet, và tự do báo chí. Hiện Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do nhà cầm quyền gây ra, ông cho biết.

Việt Nam cần phải cải thiện tự do biểu đạt và tự do tôn giáo và tín ngưỡng, bác sỹ Quế nói. Ông cũng đề nghị Hoa Kỳ tạo sức ép để buộc Việt Nam trả hết tù nhân lương tâm.

Ông Osius hứa sẽ làm hết ức để buộc Hà Nội tôn trọng nhân quyền như sẽ cộng tác với Quốc Hội Việt Nam để khuyến cáo và giúp đỡ cải tổ luật pháp, trợ giúp y tế, và giáo dục.

Việt Nam có thể cho phép thành lập công đoàn độc lập nếu Hiệp Ước Xuyên Thái Bình Dương TPP được quốc hội các nước thành viên tham gia.

Đại sứ Mỹ viếng thăm Bác sỹ Nguyễn Đan Quế tại nhà riêng ở Sài Gòn

————————-

Mỹ vẫn giữ Việt Nam ở bậc 2 các nước có vấn đề buôn người

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm 30/6 đã phổ biến bản phúc trình thường niên nói về tệ trạng buôn người đang xảy ra ở nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Theo đó, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ vẫn giữ Việt Nam ở bậc 2 trên danh sách các nước có vấn đề buôn người trên thế giới. Bất kể những nỗ lực đáng khích lệ, đặc biệt trong lãnh vực pháp lý, Việt Nam vẫn chưa đạt tiêu chuẩn mong đợi trong việc giảm thiểu tệ nạn buôn người tính đến lúc này, báo cáo nói.

Việt Nam là điểm xuất phát mà cũng là điểm đến của những đối tượng bị buôn bán vào đường mãi dâm hoặc cưỡng bách lao động gồm nam, nữ và trẻ em.

Báo cáo nói rất nhiều thanh niên và phụ nữ Việt, tự nguyện hoặc qua các công ty nhà nước, đã ra nước ngoài làm việc mà không được bảo vệ, không được trả lương đúng mức, bị chủ sử dụng bóc lột sức lao động. Công nhân Việt Nam còn bị buộc làm việc nặng trong lãnh vực xây cất, đánh cá, nông nghiệp, hầm mỏ, khai thác cây hoặc trong những xí nghiệp ở Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Lào, Angola, Ả Rập và Nhật Bản.

Điểm đáng lưu ý mà phúc trình nêu ra năm nay là những kẻ buôn người đã tận dụng Internet để kêu gọi, lừa gạt nhằm đưa người nước ngoài ra làm việc mà hậu quả là nhiều nạn nhân, vì gặp hoàn cảnh bất ưng, phải nai lưng ra làm việc để trả những món nợ họ mắc trước khi ra đi.

Phúc trình còn đê cập đến tệ nạn buôn người mà trẻ em là đối tượng bị lạm dụng, trong số này nhiều nhất là trẻ đường phố và trẻ nghèo vùng quê. Việt Nam là nơi có nhiều trẻ em bị buôn vào đường mãi dâm và qua hình thức du lịch gọi là “sex tour” với những người lạm dụng chúng là khách du lịch đến từ Anh, Úc, Châu Âu, Canada và Mỹ.

Phúc trình thường niên về tệ trạng buôn người trên thế giới của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam áp dụng mạnh mẽ hơn những điều luật đã được sửa đổi, nghiêm khắc trừng phạt những kẻ buôn người, nhất là những kẻ chuyên lợi dụng công nhân để đưa họ qua các nước làm việc như nô lệ.

Theo bảng xếp hạng của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì bậc 1 là những nước đạt thành quả tốt trong việc giảm thiểu tệ nạn buôn người, bậc 2 là những nước đang có vấn đề mà chưa giải quyết tới nơi tới chốn, bậc 3 là những quốc gia có tình trạng buôn người tồi tệ nhất.

Mỹ vẫn giữ Việt Nam ở bậc 2 các nước có vấn đề buôn người

Trafficking in Persons Report 2016

================ 01-07==========================

Luật sư Lê Quốc Quân, nhà báo tự do JB Nguyễn Hữu Vinh bị ngăn cản tham dự tiệc chiêu đãi của Đại sứ quán Mỹ nhân ngày lễ Độc lập

Ngày 01/7, lực lượng an ninh mặc thường phục đã ngăn cản luật sư Lê Quốc Quân và nhà báo tự do JB Nguyễn Hữu Vinh khi họ định đi đến tòa Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội để tham dự tiệc chiêu đãi nhân ngày Độc lập (04/7) mà họ là khách mời danh dự.

Khi bị luật sư Quân phản đối, yêu cầu lực lượng an ninh phải tôn trọng luật pháp và quyền con người, trong đó có quyền tự do đi lại, những an ninh này tự nhận là côn đồ và nói sẵn sàng hành hung luật sư nếu cứ đi.

Vụ việc xảy ra gần tòa nhà nơi gia đình luật sư Quân sinh sống.

Nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh, thành viên của Hội Nhà báo Độc lập cũng cho biết có nhiều an ninh mặc thường phục canh giữ gần nhà ông khi ông định đi đến tòa đại sứ.

Rất nhiều người hoạt động xã hội cho biết họ bị an ninh canh gác trong mấy ngày gần đây. Bác sỹ Nguyễn Đan Quế ở Sài Gòn cho biết ông bị canh gác rất gắt gao trong dịp này.

============02-07===============

Việc chặn internet ở Việt Nam góp phần đưa đến nghị quyết Liên Hiệp Quốc

Khoảng 20 vụ ngăn chặn Internet ở Việt Nam và một số quốc gia khác đã góp phần đưa đến một nghị quyết của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 1 tháng 7, nhằm lên án các quốc gia ngăn chặn hoặc quấy nhiễu việc tiếp cận Internet của người dân.

Nghị quyết được thông qua bằng sự đồng thuận của hội đồng gồm 47 nước. Nghị quyết “dứt khoát lên án những biện pháp cố tình ngăn chặn hoặc quấy nhiễu việc tiếp cận hoặc việc lan truyền thông tin trên mạng”. Nghị quyết gọi những biện pháp đó là “vi phạm luật nhân quyền quốc tế”, và kêu gọi tất cả các nhà nước không thi hành hoặc ngưng thi hành những biện pháp này.

Được biết từ năm 2012 đến nay, Hội Đồng Nhân Quyền đã thông qua 2 nghị quyết về quyền kỹ thuật số, nhưng đây là lần đầu tiên thông qua nghị quyết chống ngăn chặn Internet. Tổ chức Access Now tranh đấu cho quyền kỹ thuật số đã ghi nhận được ít nhất 15 vụ ngăn chặn Internet trên toàn cầu trong năm 2015, và 20 vụ trong nửa đầu năm nay.

Theo báo mạng Engadet.com, một trong những vụ ngăn chặn Internet đầy tai tiếng là vụ nhà cầm quyền Việt Nam ngăn chặn Internet giữa lúc có chuyến công du của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama vào cuối tháng 5.

Việc chặn internet ở Việt Nam góp phần đưa đến nghị quyết Liên Hiệp Quốc

UN rights council condemns the disruption of internet access

U.N. passes landmark resolution condemning internet shutdowns

—————————————-

Yêu cầu không để Bộ luật Tố tụng Hình sự bị hoãn vô thời hạn

Sáng ngày 02-07, luật sư Trần Vũ Hải thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, đã phát lời kêu gọi cộng đoàn luật sư cùng thân hữu lên tiếng mạnh mẽ để Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 không bị quốc hội Việt Nam đình hoãn vô thời hạn. Ông nói rằng một điểm mới, rất quan trọng của BLTTHS này, là người nào nếu bị công an triệu tập hay mời lên khi chưa khởi tố bị can đều có quyền mời luật sư đi cùng, tránh những “oan gia” do kém hiểu biết hoặc bị đe dọa…

BLTTHS 2015 và Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 đã bất ngờ bị đình hoãn thi hành chỉ 24 giờ trước ngày 2 bộ luật này có hiệu lực thi hành. Việc đình hoãn được giải thích là do có gần 100 lỗi sai sót trong văn bản BLHS 2015 và nhiều ý kiến về nhiều điều khoản trong bộ luật này. Việc này khiến BLTTHS 2015 cũng không có hiệu lực từ 1-7-2016, và có thể bị hoãn vô hạn định nếu BLHS 2015 không được sửa đổi điều chỉnh kịp thời. Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam cũng bị đình hoãn theo.

Nếu BLTTHS 2015 tiếp tục bị trì hoãn, sẽ đồng nghĩa các luật sư có thể tiếp tục bị các rào cản của luật cũ và cách suy nghĩ cũ, khiến khó hoạt động hiệu quả khi hành nghề. Ở chương VII về “Bào chữa và Đại diện” của BLTTHS 2015, được các luật sư hy vọng nội dung của chương này giúp nâng cao vị thế của người bào chữa trong tố tụng hình sự, đặc biệt là trong giai đoạn tố tụng điều tra.

Luật sư Trần Thành (Đoàn luật sư Sài Gòn) nói rằng BLTTHS 2015 quy định chi tiết cụ thể về quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ và người bị bắt khẩn cấp. Theo các điều khoản này, người bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can và bị cáo đều có quyền trình bày ý kiến, trình bày lời khai, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Có thể hiểu người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không phải khai báo, cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Tuy không trực tiếp ghi nhận quyền im lặng cho người bị bắt khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, nhưng trong thực tế khi làm việc với các cơ quan tố tụng, họ có quyền không trả lời một số câu hỏi mà họ cho là chống lại họ.

Yêu cầu không để bộ luật tố tụng hình sự bị hoãn vô thời hạn

========= 03-07=========

Lực lượng an ninh bắt giữ và đánh đập nhiều nhà hoạt động xã hội

Trong mấy ngày gần đây, lực lượng an ninh ở nhiều nơi đã bắt giữ và thậm chí đánh đập một số người bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội.

Hôm 29/6, an ninh tỉnh Quảng Trị đã bắt giữ Phạm Minh Vũ, cựu tù nhân lương tâm và là thành viên Hội Anh em Dân chủ. Sau một ngày tra khảo không thu được kết quả gì, an ninh đã phải trả tự do cho Vũ vào ngày 30/6.

Ngày thứ Năm, an ninh ở thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ hai người hoạt động xã hội Trần Tử Long và bạn gái quốc tịch Mỹ Trương Tuệ Minh khi họ đang đi ở khu vực huyện Nhà Bè. Công an đã đưa hai người giam giữ trong trụ sở công an huyện và trả tự do cho họ vào ngày hôm sau.

Ngày 03/7, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Thạnh bị tấn công bởi một nhóm người mà anh cho là an ninh mặc thường phục ở thành phố Đà Nẵng. Thạnh bị nhiều vết thương ở mặt và người và phải đến bệnh viện để chữa trị vết thương.

Đây là vụ tấn công thứ 3 nhằm vào blogger Thạnh trong vòng 3 tuần. Hôm 13/6, anh bị tấn công bằng mắm tôm, chỉ tám ngày sau khi bị đánh đập bởi an ninh mặc thường phục ở Đà Nẵng.

Cũng trong ngày 03/7, an ninh thành phố HCM bắt giữ Hoàng Dũng, thành viên của Con đường Việt Nam khi anh biểu tình ôn hòa gần khu vực chợ Bến Thành. Dũng đã giương cao biểu ngữ yêu cầu chính phủ điều tra Công ty Formosa trong việc xả thải gây ô nhiễm trầm trọng ở khu vực biển miền Trung, và các quan chức đã cấp phép đầu tư cho công ty Đài Loan cũng như những cán bộ thiếu trách nhiệm trong việc theo dõi xả thải của công ty này.