Chuyên gia hải ngoại nói Việt Nam chưa minh bạch vụ cá chết

Người dân biểu tình đòi minh bạch trong vụ cá chết

Người dân biểu tình đòi minh bạch trong vụ cá chết

“Nguyên nhân mà chính phủ Việt Nam công bố là đưa ra những dữ kiện khoa học rất mơ hồ, không có những bằng chứng khoa học để biện minh cho lập luận mà họ đưa ra. Thành thử tôi nghĩ chánh phủ Việt Nam cần phải công bố những tài liệu, hoặc những hồ sơ, những dữ kiện khoa học dùng làm cơ sở cho những kết luận của họ.” – ông Quang nói

SBTN | 05-07-2016

Mặc dù nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo công bố nguyên nhân thảm họa cá chết ở miền Trung vào ngày 30 tháng 6 vừa qua, một số chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài nói rằng thông tin do Việt Nam công bố chưa giải đáp thỏa đáng những thắc mắc của họ.

Trong một bài viết trên trang mạng Anh Ba Sàm hôm 2 tháng 7, kỹ sư Nguyễn Minh Quang từ California – Hoa Kỳ đề cập đến những nghi vấn về tính khoa học và mức độ chính xác của công bố do nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đưa ra về nguyên nhân cá chết.

Theo ông Quang, Việt Nam đã không đưa ra một phúc trình khoa học, những kết quả phân tích, dữ liệu hay tài liệu dùng làm cơ sở cho việc xác định nguyên nhân được công bố.

“Nguyên nhân mà chính phủ Việt Nam công bố là đưa ra những dữ kiện khoa học rất mơ hồ, không có những bằng chứng khoa học để biện minh cho lập luận mà họ đưa ra. Thành thử tôi nghĩ chánh phủ Việt Nam cần phải công bố những tài liệu, hoặc những hồ sơ, những dữ kiện khoa học dùng làm cơ sở cho những kết luận của họ.” – ông Quang nói

Ông Nguyễn Đức Hiệp, một chuyên gia về môi trường ở Úc, cũng yêu cầu nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam công khai kết quả phân tích nguyên nhân cá chết hàng loạt.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài RFA trong tuần này, ông Hiệp nói rằng báo cáo của Việt Nam nêu ra các chất độc phenol, cyanur và iron hydroxide, nhưng các chất này không tồn tại lâu dài trong môi trường như những kim loại nặng gồm thủy ngân, chì, arsenic hay cadium. Ông Hiệp muốn thấy một bản báo cáo về các chất kim loại nặng này.

Còn tiến sĩ Mai Thanh Truyết, cũng từ California – Hoa Kỳ đánh giá báo cáo về nguyên nhân nhiễm độc do phenol, cyanur, hydroxit sắt là “dỏm.”

Ông Truyết cho biết: Theo tình hình cá chết từng đợt từ đợt 4 tháng 6, rồi ngưng không chết, rồi đến 25 tháng 6 chết tại Thừa Thiên, rồi lan xuống tận Phan Thiết, đảo Phú Quý cá chết từ từ, từ từ; tôi nghĩ khi những kim loại nặng độc hại như thủy ngân, chì, và hydroxit sắt ở dạng độc thì chúng ở dưới đáy biển. Chúng theo dòng hải lưu trôi xuống phía nam. Vì dòng hải lưu trong tháng 6 mà tôi theo dõi rất kỹ chỉ xuôi nam chứ không ra Nghệ An đâu. Nói cá chết ở Nghệ An là cái gì khác nữa. Những chất độc đó mới làm cá chết như vậy.

Ý kiến của các chuyên gia Việt hải ngoại phù hợp với tố cáo mới đây của truyền thông Đài Loan, cho hay nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã dùng thủ đoạn cấm xuất cảnh để ép các giới chức Formosa nhận tội gây ra thảm họa cá chết, thay vì phân tích các chứng cứ thu thập được để thuyết phục họ.

Huy Lam / SBTN