Bản tin Người Bảo vệ Nhân quyền từ ngày 08 đến ngày 14/8/2016: Nhiều nhà hoạt động đã bị câu lưu, thẩm vấn sau khi dự hội nghị xã hội dân sự ở Đông Timor

Bản tin Người Bảo vệ Nhân quyền |14-8-2016

dtd

Nhiều nhà hoạt động xã hội đã bị an ninh Việt Nam câu lưu để thẩm vấn trong nhiều giờ khi họ trở về từ Đông Timor, nơi họ tham dự hội nghị dân sự về tự do tôn giáo và niềm tin và Diễn đàn Người dân ASEAN.

Những người bị câu lưu gồm có ông Trần Ngọc Sương, ông Trần Ngọc Huỳnh, cô Võ Thị Kim Vân và hai người khác thuộc Mạng lưới Các Tổ chức Xã hội Dân sự Độc lập Việt Nam (VICSON). Nhà nghiên cứu độc lập về Biển Đông Đinh Kim Phúc cũng bị câu lưu và tra hỏi trong 5 giờ sau khi đáp máy bay xuống phi trường Tân Sơn Nhất.

Trước đó, vào ngày 30/7, an ninh Việt Nam không cho ba nhà hoạt động, trong đó có mục sư Tin lành Phạm Ngọc Thạch xuất cảnh để tham dự các hội nghị nói trên, với lý do an ninh quốc gia. Công an cũng tịch thu hộ chiếu của mục sư Thạch, một cựu tù nhân lương tâm.

Ngày 13/8, bốn blogger ở Khánh Hòa, dẫn đầu là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) đã bị tấn công bởi một nhóm khoảng 10 kẻ không rõ danh tính khi họ đến làng Ninh Ích để lấy tin về vụ đàn áp của công an địa phương đối với người dân. Sauk hi đánh đập bốn blogger, những kẻ tấn công đã cướp điện thoại và máy ảnh của họ, đập nát và ném xuống mương.

Trước đó, ngày 12/8, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã huy động hàng trăm cảnh sát, kể cả cảnh sát cơ động để giải tán cuộc biểu tình phản đối nhà máy xử lý chất thải ở gần làng Ninh Ích. Nhiều người dân, kể cả phụ nữ và trẻ em, đã bị đánh đập dã man bởi lực lượng thực thi pháp luật.

Tối ngày 08/8, Nguyễn Lâm Hoàng Bảo, một bạn trẻ hay tham gia các hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường ở Sài Gòn, đã bị công an phường 3, Quận 6 bắt giữ chỉ vì Bảo mặc trên người chiếc áo có logo nhân quyền. Bảo bị đưua về công an phường và bị đánh đập dã man bởi nhiều sỹ quan công an tại đây trước khi được trả tự do vào trưa ngày hôm sau.

An ninh tỉnh Nghệ An tiếp tục sách nhiễu cựu tù nhân lương tâm Hồ Thị Bích Khương khi cô đưa con trai đi chữa trị vết thương ở một bệnh viện ở thành phố Vinh. Tháng trước, con trai cô đã bị thương tích nặng trong một vụ tai nạn giao thông mà cô nghĩ là do an ninh địa phương gây ra.

Và nhiều tin quan trọng khác.

====== 08/8/2016 =====

Cựu tù nhân lương tâm Hồ Thị Bích Khương bị sách nhiễu khi đi chữa bệnh

An ninh tỉnh Nghệ An liên tục quấy nhiễu cựu tù nhân lương tâm Hồ Thị Bích Khương khi chị đưa con đi khám bệnh ở Bệnh viện Chấn thương- Chỉnh hình ở thành phố Vinh.

Sáng ngày 08/8, chị đưa con trai, người bị tai nạn giao thông tháng trước mà rất có thể do an ninh địa phương gây ra, đến bệnh viện này để khám và chuẩn bị mổ. Trong khi chờ đợi ở trong sảnh của bệnh viện, chị Khương bị một người đàn ông nói là an ninh Nghệ An và yêu cầu chị đi theo hắn về đồn công an. Chị nhận ra đây chính là một trong nhiều tên đã bắt bớ và sách nhiễu mình trước đây, và tất nhiên chị từ chối.

Tên này sau đó gọi điện cầu viện đồng nghiệp. Khi chị Khương liên lạc với Người Bảo vệ Nhân quyền để phản ánh sự việc thì an ninh điều động bảo vệ của bệnh viện tới đuổi chị ra khỏi tòa nhà.

Chị Khương cho biết chị muốn đi sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám và điều trị một số bệnh phát sinh trong quá trình thi hành án nhưng an ninh mặc thường phục theo sát và đe dọa.

Chị Khương, một thành viên của Mạng lưới Các Tổ chức Xã hội Dân sự Việt Nam, là cựu tù chính trị. Chị bị bắt năm 2011 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự và bị kết án với bản án 5 năm tù giam và 3 năm quản chế. Chị được trả tự do vào đầu năm nay. Trước đó, chị cũng từng 2 lần bị giam giữ với tổng thời gian là 30 tháng tù cũng theo cáo buộc ở Điều 88.

Ngày 13 tháng trước, con trai của chị bị tai nạn giao thông, mà chị nghi là do an ninh địa phương tạo ra để trả thù những hoạt động chính trị của chị.

——————–

Người hoạt động ở Sài Gòn bị bắt, đánh đập vì mặc áo nhân quyền

Đêm hôm 08/8, Nguyễn Lâm Hoàng Bảo, một bạn trẻ đã tham gia nhiều cuộc biểu tình về môi trường và chống Trung Quốc xâm lược ở Biển Đông, đã bị công phường 3, quận 6 ở thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ và đánh đập chỉ vì Bảo đã mặc áo nhân quyền.

Khoảng gần nửa đêm của tối thứ Hai, Bảo đang đi xe máy ở khu vực phường 3 thì bị cảnh sát giao thông chặn và kiểm tra hành chính. Cảnh sát không tìm thấy vi phạm gì nhưng do thấy Bảo mặc áo nhân quyền nên tìm cách giữ lại và gọi công an phường tới. Khi Bảo đưa điện thoại ra quay thì công an cướp và bắt giữ người thanh niên này.

Biết được tin, một số bạn bè kéo đến nhưng không giúp được gì cho Bảo. Công an còn cướp hai điện thoại của những người bạn.

Bảo bị đưa về trụ sở công an phường 3 và tại đây người thanh niên này bị đánh đập rất dã man trước khi được trả tự do vào trưa hôm sau.

Chia sẻ với Người Bảo vệ Nhân quyền, Bảo cho biết vẫn còn bị đau khắp người ba ngày sau khi bị đánh.

Trước đó, vào tháng 2, khi trợ giúp dân oan ở Sài Gòn, Bảo từng bị công an bắt giữ 12 h và đánh đập dã man.

Bảo tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Formosa trong tháng 5 và 6, có một lần bị câu lưu nửa ngày nhưng không bị đánh đập.

——————–

Nghị sỹ Đức muốn vào tù thăm ông Nguyễn Hữu Vinh trong thời gian sớm nhất

Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức, ông Martin Patzelt thuộc đảng CDU/CSU, đã bày tỏ ý muốn được thăm blogger Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm), người đang bị án tù năm năm, ở trong trại giam.

Trong khuôn khổ chương trình “Nghị sĩ quốc hội bảo vệ nghị sĩ quốc hội” của Quốc hội Liên bang Đức (chương trình này đã được mở rộng để bảo vệ cho cả những Người Bảo vệ Nhân quyền trên thế giới, chứ không riêng gì cho các vị dân cử), ông đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Nguyễn Hữu Vinh và yêu cẩu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho người sáng lập trang Anh Ba Sàm. Ông được đứng ra nhận bảo trợ cho Nguyễn Hữu Vinh.

Nghị sỹ Martin Patzelt là người đã sang Việt Nam vào cuối tháng 3 để tham dự phiên tòa xét xử Nguyễn Hữu Vinh nhưng ông bị an ninh ngăn cản không cho vào phòng xử án mà phải đứng ngoài đường, cách xa phòng xử án.

Ông Patzelt phê bình phiên tòa xét xử không công bằng. “Những luật sư không thể trình bày tất cả những bằng chứng, tòa án không đề cập đến những bằng chứng được đưa ra”, ông Patzelt nói. Một nữ nhân chứng gỡ tội không được mời ra cung khai trước tòa. Ông Patzelt tìm cách nói chuyện với những đại diện của viện kiểm sát nhân dân, nhưng họ không quan tâm đến một cuộc gặp nói chuyện với ông.

Ông Patzelt muốn tiếp tục theo đuổi vụ này. “Công việc của tôi hiện nay là giữ liên lạc với với vợ ông Vinh và những luật sư và hỏi, tôi có thể giúp đỡ như thế nào”. Về việc này, ông Patzelt gợi ý không những có thể hỗ trợ về tinh thần mà cả vật chất nữa. “Có lẽ ông Vinh cần thuốc men”, ông Patzelt nêu ra một thí dụ. Ngoài ra ông Patzelt muốn vào trong tù thăm Nguyễn Hữu Vinh trong thời gian sớm nhất như có thể.

Ông Patzelt, nghị sĩ Đức, muốn vào tù thăm ông Nguyễn Hữu Vinh trong thời gian sớm nhất

===== Aug 10 =====

Việt Nam tiếp tục đàn áp tôn giáo: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Hôm 10/8 Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố Phúc trình Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2015 trong đó có phần nói về Việt Nam.

Trong bản phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo toàn cầu năm 2015 được công bố vào ngày 10 tháng 8, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc biệt chú ý đến những luật lệ mà nhiều chính phủ cho ban hành và thực hiện với mục đích giới hạn quyền tự do tôn giáo của người dân.

Bản phúc trình đưa ra nhiều bằng chứng, trong đó có nói đến việc năm ngoái Ban Tôn Giáo Chính Phủ của nhà nước Việt Nam đưa ra bản dự thảo về luật tôn giáo và tự do tín ngưỡng, yêu cầu mọi người đóng góp ý kiến.

Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, mặc dù các viên chức nhà nước, chính phủ Việt Nam hoan nghênh dự thảo này, nhưng đại diện của nhiều tôn giáo lên tiếng phản đối, cho rằng nếu được thông qua, luật mới còn tệ hại hơn những quy định về tôn giáo đang bị chỉ trích là khắt khe mà chính phủ Việt Nam đang áp dụng.

Tóm tắt phúc trình viết: “Giới chức chính phủ tiếp tục hạn chế các hoạt động của các nhóm tôn giáo không được đăng ký, đặc biệt là những nhóm chính phủ cho là tham gia vào các hoạt động chính trị, trong khi thành viên của các nhóm đã đăng ký có thể thực hành tín ngưỡng của họ mà ít bị can thiệp hơn”.

Phúc trình cũng nhắc tới việc chính phủ Việt Nam “tiếp tục hạn chế các hoạt động của mọi nhóm tôn giáo trong lĩnh vực giáo dục và y tế, và yêu cầu nhiều hoạt động khác phải được xin phép”.

“Một số thành viên của các nhóm không được đăng ký đã nói về nhiều hình thức sách nhiễu của chính phủ, bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn ở, hành hung, giam giữ ngắn hạn, truy tố, giám sát, hạn chế về đi lại, và từ chối cho đăng ký và / hoặc các cho phép khác,” tóm tắc phúc trình viết.

Tuy nhiên các đối xử của chính phủ đối với các nhóm tôn giáo có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng, và giữa các cấp trung ương, tỉnh và địa phương quản lý.

Vẫn theo phúc trình thì quyền hiến pháp về tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng vẫn được diễn giải không đồng đều và không được bảo vệ đồng nhất, đặc biệt liên quan tới các nhóm sắc tộc thiểu số tại một số tỉnh ở Tây Nguyên và Tây Bắc.

Có nhiều tin tức nói tới các vụ hành hung, giam cầm và phá hủy tài sản tại các tỉnh nông thôn, đặc biệt là tại cao nguyên ở Tây Nguyên và Tây Bắc.

Một số trường hợp cụ thể được nêu ra trong Phúc trình bao gồm việc đàn áp nhóm tôn giáo Dương Văn Minh, hay trường hợp mục sư Nguyễn Hồng Quang có tin nói là đã bị cảnh sát lùng sục nhà trong dịp Tết hay bị “khoảng 20 cá nhân mặc thường phục đánh” hồi tháng Ba v.v.

Phúc trình cũng nói tới những căng thẳng trong các nhóm dân tộc H’mong liên quan đến tôn giáo mà cụ thể như vụ bảy dân làng có tin đã bị hành hung khi ngăn chặn hay quay phim các viên chức cảnh sát thường phục và không mặc thường phục phá nhà don của nhóm tôn giáo Dương Văn Minh tại Tây Bắc, hay vụ việc được cho là giới chức địa phương đã trục xuất một số tín đồ Thiên chúa giáo ra khỏi làng tại tỉnh Điện Biên, v.v.

Tình trạng không phản hồi trước đơn xin đăng ký của nhiều nhóm tôn giáo cũng được nêu ra trong Phúc trình với ví dụ con số “vài trăm hội đoàn thuộc Giáo hội Tin Lành Việt Nam quyết định đơn xin đăng ký của họ vượt quá thời gian quy định theo Nghị định 92”.

Việc chính quyền địa phương yêu cầu sáp nhập các hội đoàn nhỏ vào nhau dường như cũng khá phổ biến đối với Giáo hội Tin Lành Miền Nam Việt Nam hay với một số nhóm Tin Lành, theo Phúc trình.

Ngoài ra Phúc trình cũng nói tới “các nhóm Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo và Thiên Chúa giáo không đăng ký thường báo cáo giới chức ở một số địa phương dùng quy chế đăng ký địa phương để gây áp lực, dọa nạt, đe dọa, tống tiền, sách nhiễm và tấn công các thành viên” của các nhóm tôn giáo này.

Một số lượng đáng kể các tổ chức tôn giáo có đăng ký nói rằng việc họ có thể công khai gặp gỡ để thờ cúng đã được cải thiện trong những năm gần đây. Ví dụ hai nhóm Tin lành chính cho biết họ được tự do hơn trong việc tổ chức các hoạt động tôn giáo.

“Tuy nhiên chính phủ tiếp tục yêu cần các nhóm tôn giáo đăng ký trước các hoạt động của mình và dùng yêu cầu này để giới hạn và không khuyến khích việc tham gia vào các hoạt động của một số nhóm tôn giáo không đăng ký nhất định, kể cả các nhóm Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài và Hòa Hảo không bị cấm,” Phúc trình viết.

Phúc trình cũng nhắc tới trường hợp những người theo phái Pháp Luân Công đã bị cấm thực hành tín ngưỡng của mình tại một công viên ở thành phố Hồ Chí Minh, hay việc giới chức thành phố tiếp tục thương thuyết với lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Thống nhất về Chùa Liên Trì cũng như thương thuyết với một nhà thờ Công giáo gần đó phải rời đi để thực hiện một dự án phát triển đô thị.

Phúc trình nói tới tình trạng người Thượng ở Tây Nguyên nói rằng “chính phủ tiếp tục giám sát, thẩm vấn và phân biệt đối xử với họ, một phần vì nghi ngờ họ liên kết với các tổ chức Tin lành có liên hệ với các tổ chức chính trị ly khai”.

Phúc trình cũng nói tới việc giám sát của giới chức trách, ngăn chặn đi lại, gặp gỡ với một số các lãnh đạo tôn giáo như trường hợp Hòa thượng Thích Quảng Độ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Linh mục Công giáo Phan Văn Lợi ở Huế, mục sư Phạm Đình Nhân ở thành phố Hồ Chí Minh.v.v.

Trong khi một số nhóm Tin Lành và Công giáo nói về tình trạng tiếp tục hạn chế hoặc cấm không cho các tổ chức tôn giáo này mở các cơ sở giáo dục và y tế như bệnh viện hay trường đạo nhưng ở một số nơi chính quyền địa phương cho phép các tổ chức tôn giáo được mở các dịch vụ xã hội, chẳng hạn như tại Hà Nội các viên chức thành phố cho phép các nhà thờ Tin lành mở các trung tâm cai nghiện.

Phúc trình cũng ghi nhận việc là thành viên của một nhóm tôn giáo nói chung không gây bất lợi cho các cá nhân trong các tổ chức dân sự phi chính phủ, kinh tế và thế tục. Nhiều người là thành viên của các nhóm tôn giáo có đăng ký khác nhau cũng là thành viên của Mặt trận Tổ Quốc và nhiều người nắm giữ các vị trí trong chính quyền địa phương và cấp tỉnh và có đại diện tại Quốc hội.

Các viên chức cao cấp trong chính phủ thường gửi thư chúc vào các dịp lễ tôn giáo như Giáng sinh, Phục sinh hay dự các lễ kỷ niệm Phật đản.

Phúc trình nêu rõ :“Tổng thống Hoa Kỳ và Bộ trưởng Ngoại giao, trong các cuộc họp với các quan chức cao cấp của chính phủ, đã kêu gọi tiếp tục cải thiện về tự do tôn giáo.

“Đại sứ quán và lãnh sự quán Hoa Kỳ thúc giục giới chức trách cho phép tất cả các nhóm tôn giáo được hoạt động tự do, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Tin Lành và các nhà thờ Công giáo, và các nhóm tôn giáo độc lập Hòa Hảo và Cao Đài; tìm cách có được tự do hơn cho các nhóm tôn giáo đã được công nhận; và kêu gọi chấm dứt những hạn chế và sách nhiễm đối với các nhóm chưa đăng ký. “

Còn ‘giới hạn về tự do tôn giáo’ ở Việt Nam

Full Report on Vietnam

International Religious Freedom Report for 2015

——————-

Nhiều nhà hoạt động môi trường của Việt Nam và Đài Loan biểu tình phản đối Formosa ở Taipei

Ngày 10/8, khoảng 100 nhà hoạt động môi trường người Việt Nam và Đài Loan đã tập trung trước trụ sở Tập đoàn Formosa ở thủ đô Taipei để phản đối việc công ty xả thải ở Việt Nam và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng ở miền Trung Việt Nam.

Những người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu “Formosa, cút khỏi Việt Nam” và “Chúng tôi muốn biết sự thật”, yêu cầu tập đoàn hóa chất Formosa phải thực hiện các biện pháp cải tạo phục hồi môi trường ở Miền Trung Việt Nam, bồi thường thỏa đáng cho người bị ảnh hưởng, và rút khỏi Việt Nam.

Những người biểu tình cũng phản đối việc chính phủ Việt Nam bưng bít thông tin về vụ ô nhiễm môi trường của Formosa.

Activists demand Formosa Plastics Group shut steel unit in Vietnam

Anti-pollution protesters demand Taiwan’s Formosa quit Vietnam

——————–

Tù nhân lương tâm tâm Phan Ngọc Tuấn mãn hạn tù

Tù nhân lương tâm Phan Ngọc Tuấn ở Phan Rang, Ninh Thuận vừa được trả tự do sau 5 năm ngồi tù.

Ông Tuấn bị bắt vào ngày 10/08/2011 và bị xử tù 5 năm và 3 năm quản chế tại địa phương. Ông bị kết tội “Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Cáo trạng của tòa trong phiên sơ thẩm nói từ tháng 4/2010 cho đến tháng 8/2011, ông Tuấn đã “móc nối, nhận tiền của một số tổ chức, cá nhân phản động tại nước ngoài… để tàng trữ, phát tán các tài liệu có nội dung vu khống, phỉ báng nói xấu Đảng, Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam”.

Ông Tuấn còn bị buộc tội đã nhiều lần rải truyền đơn và phát tán tờ rơi với nội dung nói xấu chế độ và lãnh đạo Đảng CSVN ở Phan Rang, chợ Bến Thành (TP HCM) và ở Hà Nội.

Thực tế, ông và vợ ông là bà Ngụ là người đã giúp đỡ rất nhiều công nhân trong khu vực khiếu kiện giới chủ đòi quyền lợi chính đáng của họ.

Hai năm trước, Con đường Việt Nam đã cùng bạn bè thân hữu xây dựng cho gia đình ông một chuồng trại để chăn nuôi. Chương trình mang tên Tình yêu Quyền Con người do blogger Peter Lam Bui đảm trách.

===== 11/8/2016 =====

Ân xá Quốc tế phản đối Việt Nam bỏ tù thuyền nhân hồi hương

Ân xá Quốc tế (Amnesty International) ngày 11/08 lên tiếng phản đối những bản án mà nhà cầm quyền Việt Nam áp đặt đối với những thuyền nhân vượt biển sang Úc xin tị nạn nhưng bị chính phủ Úc trả về.

Ân xá Quốc tế nêu trường hợp của 8 người trong 2 vụ án riêng rẽ trong năm 2015. Họ đã bị tuyên án mới mức án từ 2 đến 3 năm tù giam mỗi người. Trong số họ, có những cặp vợ chồng có con còn nhỏ, tính chung có 7 người con, tuổi từ 4 tới 20. Ân xá Quốc tế cho rằng việc câu lưu và bỏ tù một người vì họ thực hiện quyền đi tị nạn là tùy tiện và bất hợp pháp. Ân xá Quốc tế kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho 4 người hiện đang ở trong tù hoặc bị quản thúc tại gia, đồng thời hủy bỏ cáo trạng đối với cả 8 người.

Ân xá Quốc tế nêu trường hợp của bà Trần Thị Thanh Loan và chồng là ông Hồ Trung Lợi. Hai vợ chồng họ có 4 người con còn nhỏ. Hai người khác trong cùng vụ án là bà Nguyễn Thị Liên và ông Nguyễn Văn Hải.

Ân xá Quốc tế cũng nêu trường hợp của 4 người khác trong vụ thứ hai, là ông Nguyễn Đình Quý và vợ là bà Huỳnh Thị Kiều, ông Nguyễn Minh Quyết, và bà Trần Thị Lụa. Vợ chồng ông Quý và bà Kiều cũng có 3 người con, tuổi từ 5 đến 20. Ân xá Quốc tế nhắc đến trường hợp ông Nguyễn Minh Quyết, người được ra tù hồi tháng 4 năm nay vì không còn đi nổi. Nhà cầm quyền nói rằng ông Quyết không đi nổi vì bị bạo bệnh trong tù, nhưng Ân xá Quốc tế cho rằng ông đã bị hành hung bởi công an Việt Nam.

Viet Nam: Imprisonment of asylum seeker forcibly returned by Australia would be unlawful and could be disastrous for her four young children

Ân xá Quốc tế: Bản án áp đặt lên người tỵ nạn bị cưỡng bách hồi hương là phi pháp và là tai họa cho 4 đứa con nhỏ

——————–

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Minh mãn hạn 30 tháng tù

SBTN: Vào sáng ngày 11 tháng 8 năm 2016, đông đảo bạn bè và nhiều nhà hoạt động dân chủ đã đến trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương đón tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Minh, người được trả tự do, sau khi bị nhà cầm quyền Việt Nam kết án 2 năm 6 tháng tù giam tội “gây rối trật tự công cộng”.

Được biết, trong chuyến đi có sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Thuý Quỳnh, người vừa mới được thả tự do cách đây 6 tháng, là người cùng vụ án với ông Nguyễn Văn Minh và bà Bùi Thị Minh Hằng.

Vào ngày 11/2/2014, khoảng 20 người đi từ Sài Gòn xuống tỉnh Đồng Tháp bằng xe máy để thăm cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển. Khi đi đến địa phận tỉnh Đông Tháp, lực lượng an ninh địa phương đã cho người chặn lại gây sự. Sau đó, nhà cầm quyền cộng sản đã bắt giữ 3 người gồm: Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị Thuý Quỳnh với cáo buộc tội danh “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245, Bộ luật Hình sự vì đã có hành vi đi xe máy “hàng ba” khi lưu thông trên đường.

Vào tháng 8/2014, phiên toà bất công diễn ra xét xử và kết án bà Bùi Thị Minh Hằng 3 năm tù, ông Nguyễn Văn Minh 30 tháng tù giam và bà Nguyễn Thị Thuý Quỳnh 2 năm tù giam. Với bản án phi lý và mức án nặng nề đã làm cho dư luận phẫn nộ. Các tổ chức nhân quyền phải lên tiếng tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn.

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Minh mãn hạn 30 tháng tù

——————–

Một tử tù được công nhận là vô tội sau 46 năm

Ông Trần Văn Thêm sống ở tỉnh Bắc Ninh bị bắt và kêu án tử hình vào năm 1970 vì tội giết người. Tuy nhiên vào năm 1975, một người khác đã thú tội giết người. Ông Thêm được trả tự do nhưng cho đến nay chưa có một quyết định chính thức nào từ tòa án nói rằng ông vô tội.

Cuối cùng thì ông Thêm được Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội tuyên bố là vô tội vào ngày 11/8.

Báo chí Việt Nam cho biết là các cơ quan tố tụng đang hoàn tất các hồ sơ về vụ án này và sẽ ra một quyết định xin lỗi cũng như bồi thường cho ông Thêm theo luật bồi thường của Việt nam trong thời gian sớm nhất.

===== 12/8/2016 =====

Công an Khánh Hòa đàn áp dân trong vụ phản đối nhà máy xử lý rác thải gây ô nhiễm

Sáng 12/8/2016, tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, lực lượng công an, cảnh sát cơ động, các cơ quan chức năng đã đàn áp người dân địa phương nhằm chấm dứt cuộc biểu tình trong đó người dân yêu cầu nhà máy xử lý rác ở gần đó phải dừng hoạt động.

Trong suốt một năm qua, Nhà máy xử lý chất thải của Công ty cổ phần Môi trường Khánh Hòa là chủ đầu tư được xây dựng gần khu dân cư gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân gần đó.

Khi người dân biểu tình phản đối nhà máy, chính quyền Khánh Hòa đã điều động khoảng 200 cảnh sát, bao gồm cả cảnh sát cơ động để giải tán biểu tình. Cảnh sát đã đánh đập nhiều người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.

Nhà máy xử lý chất thải nguy hại được xây dựng chỉ cách khu vực dân cư đang sinh sống hơn 1 km, với tổng vốn đầu tư gần 137 tỉ đồng. Đây là nhà máy có công suất xử lý 100 tấn rác thải rắn/ngày đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm để Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – môi trường) kiểm tra, đánh giá các thông số về khí thải, nước thải.

Theo phản ánh của người dân địa phương thì mỗi lần nhà máy đốt rác là khói, bụi trắng bám đầy mái tôn, nền nhà người dân. Không chỉ vậy, khi hít phải khói, bụi từ nhà máy thải ra người dân thấy khó chịu, nhấc đầu, gân mẩn ngứa. Xe chở rác qua khu dân cư thì bốc mùi hôi thối không chịu nổi.

Ninh Hoà: Công an đàn áp người dân bảo vệ môi trường

===== 13/8/2016 =====

Bốn blogger bị đánh đập khi đi lấy tin về vụ đàn áp ở Khánh Hòa

Ngày 13/8, một nhóm bốn blogger dẫn đầu là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được trao giải thưởng Người Bảo vệ quyền dân sự năm 2016 của tổ chức Civil Rights Defenders (Stockholm), đã bị tấn công bởi một nhóm mười người khi họ đi đến làng Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa để lấy tin về vụ chính quyền đàn áp người dân địa phương khi họ phản đối nhà máy xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Khi nhóm blogger đến làng Ninh Ích, có một nhóm người luôn theo sát, một trong những người theo dõi là cán bộ an ninh của tỉnh Khánh Hòa.

Trên đường trở về thành phố Nha Trang, nhóm blogger bị những người theo dõi tấn công. Chúng đạp đổ hai xe máy của bốn blogger và ra tay đánh đập họ. Blogger Nguyễn Bá Vinh cho biết một trong những tên tấn công đã dùng mã tấu để chém anh nhưng anh tránh được.

Những kẻ tấn công cũng cướp điện thoại và máy ảnh của các blogger, đập nát và ném xuống kênh.

Vụ tấn công này xảy ra chỉ một ngày sau khi chính quyền tỉnh Khánh Hòa điều động khoảng 200 cảnh sát, kể cả cảnh sát cơ động để giải tán cuộc biểu tình ôn hòa của người dân thôn Ninh Ích khi họ tụ tập để phản đối nhà máy xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Việt Nam không có tự do báo chí và nhiều nhà báo độc lập, kể cả blogger, đã bị hành hung, sách nhiễu. Vào cuối tháng 4 đầu tháng 5, hai blogger Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn cũng bị an ninh tỉnh Hà Tĩnh bắt, đánh đập và tra khảo trong nhiều ngày sau khi hai người đến gần Vũng Áng để đưa tin về ô nhiễm môi trường gây ra bởi việc xả thải của Formosa.

===== 14/08/2016 =====

Nhiều nhà hoạt động xã hội bị câu lưu sau khi dự hội nghị dân sự ở Đông Timor

Lực lượng an ninh Việt Nam đã bắt giữ để thẩm vấn nhiều nhà hoạt động xã hội khi họ trở về từ Đông Timor nơi họ đã tham dự Hội nghị về Tự do tôn giáo và niềm tin và Hội nghị Diễn đàn Người Dân ASEAN.

Những người bị câu lưu gồm có ông Trần Ngọc Sương, ông Trần Ngọc Huỳnh, cô Võ Thị Kim Vân và hai người khác thuộc Mạng lưới Các Tổ chức Xã hội Dân sự Độc lập Việt Nam (VICSON). Nhà nghiên cứu độc lập về Biển Đông Đinh Kim Phúc cũng bị câu lưu và tra hỏi trong 5 giờ sau khi đáp máy bay xuống phi trường Tân Sơn Nhất.

Trước đó, vào ngày 30/7, an ninh Việt Nam không cho ba nhà hoạt động, trong đó có mục sư Tin lành Phạm Ngọc Thạch xuất cảnh để tham dự các hội nghị nói trên, với lý do an ninh quốc gia. Công an cũng tịch thu hộ chiếu của mục sư Thạch, một cựu tù nhân lương tâm.

46 người Việt Nam, trong đó có 17 người từ quốc nội, đã tham dự các hội nghị ở thủ đô Dili của Đông Timor trong các ngày từ 01 đến 05/8.

——————–

Nhà riêng của Linh mục Phan Văn Lợi bị ném chất bẩn và đá

Linh mục Phan Văn Lợi, cựu tù nhân lương tâm, cho biết nhà riêng của ông tại thành phố Huế bị một nhóm 4 tên ném chất bẩn vào ngày 14/8.

Linh mục Lợi, đồng chủ tịch Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, cho biết sáng sớm ngày chủ nhật, một nhóm bốn tên đi xe máy đến nhà ông và ném 3 bịch chất bẩn vào nhà. Một tên trong số đó còn nhặt gạch đá để ném vào mái nhà.

Khi người hàng xóm biết chuyện định dùng điện thoại để ghi lại hình ảnh thì bốn tên đã bỏ đi.

Đây không phải là vụ tấn công ném chất bẩn vào nhà riêng của linh mục. Một vụ tấn công tương tự đã được thực hiện bởi những kẻ côn đồ mà ông đoán là an ninh địa phương vào tháng 7 năm ngoái.

Linh mục Lợi là người đấu tranh cho quyền con người và quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ông thường xuyên bị sách nhiễu bởi chính quyền địa phương.