Tinh thần phản kháng của người Việt Nam đang gia tăng

v14

Ngày càng có nhiều người Việt Nam lên tiếng về những vẫn đề kinh tế, chính trị và xã hội

The Diplomat, ngày 12 tháng 8 năm 2016

(bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

Vụ bê bối Formosa tại Việt Nam gần đây đã được báo chí quốc tế đăng tải nhiều, cung cấp cho cộng đồng quốc tế một cái nhìn hiếm hoi về tinh thần phản kháng của người dân trong một nhà nước độc tài. Thảm họa sinh thái giết chết hàng trăm tấn cá ở miền Trung Việt Nam do xử lý chất thải không đúng cách của một nhà máy thép của Đài Loan đã kích hoạt nhiều cuộc biểu tình trên khắp đất nước – một sự kiện bất thường ở Việt Nam.

Vụ ô nhiễm gây ra bởi Formosa đã tạo ra làn sóng phản đối mới nhất và lớn nhất trong nước ở lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhưng trong vài năm qua, càng ngày càng có nhiều người dân lên tiếng về hàng loạt vấn đề khác.

 

Các phong trào bảo vệ môi trường thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người dân Việt Nam. Cuối năm 2015 (thực ra là vào tháng 4-5 của năm ngoái- người dịch), người dân ở Hà Nội đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch của chính quyền thành phố định chặt 6.700 cây cổ thụ. Cuối cùng, chính quyền thủ đô đã phải dừng dự án. Trong năm 2009, cư dân của khu vực Tây Nguyên cũng nhiều lần phản đối dự án khai thác bauxite do Trung Quốc hậu thuẫn, nhưng không thành công.

 

Phản đối bất bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế-xã hội và ước nguyện về điều kiện sống công bằng hơn cũng là những lý do hàng đầu về sự phản kháng xã hội. Vào giữa năm 2015, một sự kiện hiếm thấy là 17.000 công nhân của một nhà máy ở tỉnh Đồng Nai của Tập đoàn sản xuất giày dép Pou Chen đã đình công ba ngày để đòi công ty thực hiện các quy định mới có lợi cho công nhân.

 

Tương tự như vậy, những phiền toái do chế độ hộ khẩu đưa lại đã làm người dân phản ứng mạnh hơn. Giấy phép cư trú, như một hình thức phân biệt ở đô thị, đã hạn chế việc di cư trong nước và tạo ra khoảng 5,6 triệu công dân hạng hai, những người  có quyền hạn chế để được vào các trường công lập hoặc phải trả thêm tiền điện, nước mà chính phủ trợ cấp.

 

Rõ ràng sự thiếu vắng các cơ chế dân chủ và mối quan tâm nhân quyền là vấn đề trung tâm cho nhiều người dân. Có rất nhiều ví dụ về các nhà đối lập chính trị và blogger đã thách thức nhà nước và báo động cộng đồng quốc tế về những mặt trái của Việt Nam.

 

Phiên tòa trong tháng 3 xét xử blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh, người còn được biết dưới tên Anh Ba Sàm, đã kích hoạt nhiều cuộc biểu tình tại thành phố Hà Nội và trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới quốc gia này vào tháng 5 năm 2016, nhiều nhà hoạt động đã vượt qua rào cản của an ninh để gặp nhà lãnh đạo Mỹ . Nhiều cộng đồng tôn giáo và dân tộc thiểu số, chẳng hạn như Kitô hữu người Thượng hay Phật giáo Hòa Hảo, thường xuyên và công khai tố cáo những sách nhiễu của chính quyền mà họ thường phải đối mặt. Đáng ngạc nhiên hơn, một số ít các ứng cử viên độc lập – trong đó có ca sĩ nổi tiếng Mai Khôi – thậm chí đã tranh cử vào quốc hội, mặc dù không thành công, trong cuộc tổng tuyển cử mới nhất.

 

Những hành vi nhỏ đó của sự bất tuân dân sự đã chứng minh cho tinh thần phản kháng thách thức tầng lớp cai trị. Người dân Việt Nam – trẻ và được kết nối Internet và ngày càng có học vấn, ngày càng chú ý đến sự thay đổi của khu vực và muốn theo bước những phong trào dân chủ ở Myanmar và Hồng Kong.

Chính phủ Việt Nam cũng nhận thức được sự phản đối ngày càng tăng của dân chúng. Nếu nó dường như đã chấp nhận các cuộc biểu tình về những vấn đề nhỏ để đánh đổi một điều gì đó với cộng đồng quốc tế, thì chính quyền cộng sản không chấp nhận bất đồng chính kiến. Thật vậy, ngay khi phong trào chống Formosa dường như lên đến đỉnh cao và được dư luận quốc tế chú ý, chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp để trấn áp biểu tình.

Các công cụ mà nhà nước đã dùng để đối phó với lực lượng bất đồng chính kiến có thể không giống như trước kia nhưng đã được thử nghiệm theo thời gian. Mật vụ, một lực lượng của Bộ Công an, đã được đào tạo bởi an ninh của Đông Đức Stasi, được sử dụng rất phổ biến ở Việt Nam. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho thấy một hình ảnh đáng sợ của hệ thống nhà tù của Việt Nam, với sự tra tấn và đối xử hà khắc phổ biến, đủ để chùn bước nhiều nhà hoạt động gan dạ nhất.

 

Kiểm duyệt báo chí, đặc biệt là lọc các văn bản có chứa từ ngữ nhạy cảm hoặc ngăn chặn tạm thời các mạng truyền thông xã hội như Facebook, cản trở đáng kể sự thông tin liên lạc và tổ chức của các nhóm xã hội dân sự trong khi các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát tiếp tục tung ra những tuyên truyền cho chế độ. Cơ chế pháp lý và những hạn chế đã đảm bảo bất cứ điều gì được coi như không có lợi cho nhà nước không được phát tán trên các mạng xã hội.

 

Tuy nhiên nếu các phong trào phản kháng tiếp tục lớn mạnh và sự giận giữ của công chúng lên cao, chúng có thể trở thành một thách thức lớn cho chế dộ, buộc nó phải đưa ra lựa chọn: hoặc phải cải cách hoặc phải đầu hàng.

 

Arthur Beaufort là một thạc sỹ tốt nghiệp Đại học Hoàng gia London, đã hoàn thành luận văn về địa chính trị, lãnh thổ và an ninh. Anh đã có nhiều bài báo về quan hệ quốc tế được đăng tải ở Australian Institute for International Affairs and New Eastern Europe.

Nguồn: Vietnam’s Growing Protest Culture