Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền 29/8-04/9/2016: Ba tổ chức nhân quyền kêu gọi Tổng thống Pháp đề cập vấn đề nhân quyền trong chuyến viếng thăm Việt Nam

Bản tin Người Bảo vệ Nhân quyền | 04/9/2016

dtd

Ngày 02/9, ba ngày trước chuyến viếng thăm của Tổng thống Pháp François Hollande tới Việt Nam, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và hai tổ chức thành viên là Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam (VCHR) và Liên đoàn Nhân quyền Pháp (LDH) đã gửi chung một thư ngỏ đề nghị ông nêu vấn đề nhân quyền trong các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Việt Nam.

Bức thư chung của ba tổ chức miêu tả chiến dịch trấn áp của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội. Người hoạt động và người bảo vệ nhân quyền thường xuyên bị tấn công, sách nhiễu và bị hạn chế đi lại, bị bắt bớ và giam cầm.

Chính quyền Khánh Hòa đã biệt giam Nguyễn Hữu Quốc Duy ngay sau phiên tòa ngày 23 mà tại đó tòa đã tuyên án 3 năm tù giam với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự. Mẹ của Duy lo lắng rằng nhà tù sẽ không cung cấp bút và giấy để Duy có thể thảo đơn kháng án chống lại phiên tòa bất công.

Sau phiên tòa của Duy và người em họ Nguyễn Hữu Thiên An, Ân xá Quốc tế đã ra tuyên bố rằng việc kết tội hai bạn trẻ là minh chứng rõ nét về sự thất bại của chính quyền Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu phản biện của nhân dân. Ân xá Quốc tế cũng quan ngại vì việc bắt giữ tùy tiện hàng chục người, trong đó có mẹ của một trong hai bị cáo khi họ cố gắng tham dự phiên tòa.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự nổi tiếng ở Hà Nội, đã được đưa vào danh sách 10 đề cử cho giải Hoa Tulip Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hà Lan, một giải thưởng tôn vinh người hoạt động nhân quyền.

Người dân ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh tiếp tục xuống đường đòi Formosa đóng cửa, và yêu cầu chính quyền giải quyết việc hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường do công ty Đài Loan này gây ra.

Và nhiều tin quan trọng khác.

===== 29/8 =====

Việt Nam: Việc kết án tù hai nhà hoạt động trẻ tuổi là minh chứng cho nhân quyền thụt lùi

Ân xá Quốc tế– Người Bảo vệ Nhân quyền: Việc kết án tù hai bạn trẻ Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” vào ngày 23/8/2016 là minh chứng rõ nét về sự thất bại của chính quyền Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu phản biện của nhân dân. Ân xá Quốc tế cũng quan ngại vì việc bắt giữ tùy tiện hàng chục người, trong đó có mẹ của một trong hai bị cáo khi họ cố gắng tham dự phiên tòa.

Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An đã bị kết án bởi một tòa án ở tỉnh Khánh Hòa, với án tù ba và hai năm tương ứng.

Nguyễn Hữu Thiên An đã bị bắt giữ vào tháng 8/2015 cho phun sơn dòng chữ “ĐMCS”, có thể dịch là “Đ. mẹ cộng sản” lên bức tường của một trạm cảnh sát. Cho dù dòng chữ này mang ý nghĩa nào đi chăng nữa, thì việc viết nó được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận, và quyền này được bảo đảm bởi luật nhân quyền quốc tế bao gồm quyền biểu đạt. Và trong khi có thể coi việc phun sơn lên tường của đồn cảnh sát là hành động hình sự không đáng kể, thì việc kết tội  tuyên truyền chống nhà nước cho một hành động không mang tính bạo lực là không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế. Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh rằng các quốc gia không nên cấm các hành vi chỉ trích chính quyền, chẳng hạn chỉ trích cách quản lý của các cơ quan này. Điều tương tự cũng áp dụng cho những lời chỉ trích đối với các đảng chính trị hay chính phủ.

Nguyễn Hữu Quốc Duy, em họ của An, bị bắt vào tháng 10/2015, sau khi gửi bài bình luận trên Facebook nhằm hỗ trợ An. Ngày 22/8/2016, Ân xá Quốc tế đã gửi thư cho Văn phòng thường trực về nhân quyền của Việt Nam, trong đó nêu rõ mối quan ngại đến việc chính quyền Việt Nam vi phạm quyền xét xử công bằng của Duy. Kể từ khi bị bắt, Duy đã bị biệt giam, bị từ chối liên lạc với gia đình và không cho anh được lựa chọn luật sư như là quyền của mình theo Điều 14 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), một điều khoản đảm bảo quyền được xét xử công bằng.

Ân xá Quốc tế cũng quan ngại về vụ bắt giữ tùy tiện 12 người khi họ trên đường đến tham dự phiên tòa. Những người này bị câu lưu trong thời gian diễn ra phiên tòa và được trả tự do sau khi phiên tòa kết thúc. Mười một người đã bị bắt khi họ đi từ thành phố Hồ Chí Minh tới thành phố Nha Trang, nơi diễn ra phiên tòa. Mẹ của Duy đã bị bắt bên ngoài tòa án, bị cảnh sát túm tóc lôi lên một chiếc xe và bị giữ ở một đồn cảnh sát địa phương trong suốt thời gian của phiên tòa.

Việt Nam đã nhiều lần nói rằng nước này được bầu vào Hội đồng Nhân quyền như là bằng chứng cho thấy họ tôn trọng nhân quyền. Trong khi Ân xá Quốc tế có lưu ý những điểm tích cực của sự gắn kết của Việt Nam với các cơ quan nhân quyền quốc tế, vụ truy tố Duy và An và bắt bớ những người ủng hộ của họ chỉ ra rằng việc vi phạm quyền con người rất bình thường đối với quan chức Việt Nam, những người tiếp tục vi phạm quyền được bảo đảm bởi Hiến pháp Việt Nam và điều ước quốc tế nhân quyền mà nó đã ký kết.

Các bản án của Duy và An phải bị hủy bỏ và họ phải được trả tự do ngay lập tức!

——————–

Hành động khẩn cấp: Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức bị ngược đãi trong nhà giam

Ân xá Quốc tế- Người Bảo vệ Nhân quyền: Trần Huỳnh Duy Thức,người bảo vệ nhân quyền và tù nhân lương tâm, đang thụ án 16 năm, đã bị chuyển đến một nhà tù xa xôi ở miền Bắc Việt Nam. Từ nhà đến trại giam này mất một ngày ròng lái xe. Ông đang bị đối xử ngược đãi vì đã từ chối không lao động cưỡng bức, một hành động đàn áp của nhà tù vi phạm lệnh cấm quốc tế về tra tấn và đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hay hạ nhục khác.

Trong tháng 5 năm 2016 Trần Huỳnh Duy Thức bị bất ngờ chuyển từ trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến Nhà tù số 6 ở Nghệ An ở miền Bắc Việt Nam, nổi tiếng với việc đối xử tù nhân một cách hà khắc Tỉnh Nghệ An cách thành phố Hồ Chí Minh (là nơi gia đình ông ở) là 24 giờ đi xe bằng đường bộ, với nhiệt độ mùa hè cao khoảng 40 độ. Điều này làm cuộc sống trong phòng giam bê tông cực kỳ tồi tệ nếu không có điện để chạy quạt. Trần Huỳnh Duy Thức cho gia đình biết rằng kể từ ngày 8/8, giám thị trại giam đã cúp điện trong phòng của ông như là sự trừng phạt vì ông đã từ chối không lao động cưỡng bức, cụ thể là làm hàng mã, một loại tiền để đốt trong đám tang theo phong tục Việt Nam. Sauk hi bị chuyển trại, ông Thức đã tuyệt thực trong hai tuần để phản đối việc làm thiếu nguyên tắc của pháp luật tại Việt Nam.

Gia đình Trần Huỳnh Duy Thức nói với Ân xá Quốc tế rằng ông bị còng tay trong quá trình chuyển tù vào tháng 5. Gia đình ông đã không được thông báo về việc chuyển trại giam này, chỉ được biết thông qua tù nhân khác. Trong những tháng trước đó các quan chức trại giam đã từ chối chuyển thư từ liên lạc giữa ông và gia đình, một việc làm vi phạm quyền của tù nhân, và đe dọa ông khi ông đòi các quyền con người cho mình và các tù nhân khác. Ông cũng đã bị ép phải sống lưu vong ở Hoa Kỳ như một điều kiện trả tự do, và ông đã nhiều lần từ chối lời đề nghị này.

Các hình thức kỷ luật có ảnh hưởng đến điều kiện sống đều bị cấm bởi các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hiệp Quốc đối với tù nhân (Quy tắc Nelson Mandela). Trong mọi trường hợp, không được áp dụng các hình thức kỷ luật như tra tấn hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hay hạ nhục hoặc trừng phạt.

Hãy viết ngay lập tức bằng tiếng Việt, tiếng Anh hoặc ngôn ngữ của bạn:

 Kêu gọi chính quyền trả tự do Trần Huỳnh Duy Thức ngay lập tức và vô điều kiện như ông là một tù nhân lương tâm bị giam giữ chỉ vì đã thực hiện quyền của mình về tự do phát biểu chính kiến;

 Yêu cẩu chính quyền Việt Nam đối xử với Trần Huỳnh Duy Thức theo quy định của Nelson Mandela của LHQ về đối xử với các tù nhân mà không tra tấn hoặc ngược đãi họ;

 Yêu cầu chính quyền Việt Nam chuyển ông đến một nhà tù gần gia đình của ông, và cho phép ông liên lạc với gia đình và luật sư cũng như nhận hỗ trợ của gia đình, và được điều trị y tế khi cần thiết

Xin gửi trước ngày 07/10/2016. Nơi gửi:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Văn phòng Thủ tướng Chính phủ

Hà Nội, Việt Nam

Liên hệ qua mạng: http://primeminister.chinhphu.vn/Utilities/Contact.aspx

Đồng kính gửi

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

44-Quận Yết Kiêu St. Hoàn Kiếm

Hà Nội, Việt Nam

Liên hệ trực tuyến: http://www.mps.gov.vn/web/guest/contact_english

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh

Bộ Ngoại giao

Số 1 đường Tôn Thất Đạm, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam

Fax: + 844 3823 1872, Email: ttll.mfa@mofa.gov.vn

Đồng thời, gửi bản sao cho đại diện ngoại giao được công nhận tại đất nước của bạn.

Vui lòng kiểm tra với văn phòng khu vực của bạn nếu kiến nghị được gửi sau ngày trên.

————————–

Thông tin bổ sung

Trần Huỳnh Duy Thức là một doanh nhân, blogger và người bảo vệ nhân quyền, và đồng tác giả của “Con đường Việt Nam” với nhiều khuyến nghị về cải cách quản trị. Ông đã bị giam giữ ở nhiều nơi kể từ khi ông bị bắt tháng 5/2009, khi ông bị buộc tội “trộm đường dây điện thoại”. Sau đó, ông bị buộc tội “tuyên truyền” chống nhà nước theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tại phiên tòa vào tháng Giêng năm 2010, ông đã bị kết tội và bị kết án với cáo buộc hoạt động nhằm “lật đổ nhà nước” theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự. Trong suốt phiên tòa, ông tuyên bố rằng ông đã bị tra tấn trong lúc bị giam trước khi xét xử bởi cơ quan điều tra để buộc ông phải nhận tội. Ông bị kết án 16 năm tù với hình phạt bổ sung là năm năm quản thúc tại nhà sau khi thực hiện án tù giam.

Sauk hi bị chuyển đến Nhà tù số 6 vào tháng 5/2016, ông đã tuyệt thực trong hai tuần để phản đối việc làm thiếu nguyên tắc của pháp luật tại Việt Nam. Ông đã nhiều lần kháng cáo nhưng không thành công.

Việt Nam là thành viên của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, một văn bản bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa. Tuy nhiên, những quyền này bị hạn chế nghiêm trọng trong pháp luật và thực tiễn tại Việt Nam.

Nhiều điều mơ hồ trong phần an ninh quốc gia năm 1999 Bộ luật Hình sự Việt Nam thường được sử dụng để kết tội những người bất đồng chính kiến ôn hòa và nhiều người hoạt động. Những người có nguy cơ bao gồm những người ủng hộ thay đổi chính trị một cách ôn hòa, chỉ trích chính sách của chính phủ, hoặc kêu gọi tôn trọng nhân quyền. Điều 79 (Thực hiện các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân) thường được sử dụng để giam giữ, truy tố và bỏ tù những người bất đồng chính kiến vì các hoạt động ôn hòa của họ, bao gồm các blogger, người hoạt động công đoàn, người hoạt động về quyền đất đai, các nhà hoạt động chính trị, những người hoạt động về quyền tôn giáo, bảo vệ nhân quyền và công bằng xã hội và thậm chí cả nhạc sĩ.

Điều kiện trong nhà tù ở Việt Nam rất khắc nghiệt, không có đầy đủ thức ăn và chăm sóc sức khỏe, không đáp ứng yêu cầu tối thiểu được quy định trong Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hiệp Quốc trong đối xử với tù nhân (Nelson Mandela Rules) và tiêu chuẩn quốc tế khác. Nhiều tù nhân lương tâm đã bị biệt giam như một hình phạt trong thời gian dài và phải chịu sự ngược đãi, bao gồm đánh đập bởi cai ngục và tù nhân khác mà cai ngục không can thiệp.

Một số tù nhân lương tâm bị di chuyển thường xuyên giữa các cơ sở giam giữ mà gia đình của họ thường không được thông báo về sự thay đổi nơi giam giữ của họ. Một số tù nhân lương tâm đã tiến hành tuyệt thực để phản đối việc bị đối xử tồi tệ hoặc điều kiện giam giữ ngặt nghèo. Mặc dù Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn, có hiệu lực vào tháng 2/2016, chính quyền không thực hiện các bước để đưa đất nước tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo hiệp ước đó.

Hành động khẩn cấp: Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức bị ngược đãi trong nhà giam

——————-

Nghệ An: Thêm một trường hợp tử vong trong đồn công an

Vào sáng ngày 29 tháng 8 năm 2016, người nhà ông Đinh Hồng Quân (56 tuổi) nhận được tin ông chết trong phòng tạm giữ đồn công an huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An nhưng không biết nguyên nhân.

Bà Đinh Thị Hà, 58 tuổi, chị gái ông Quân cho biết em trai bà vẫn mạnh khỏe vào ngày 28/8 khi bà được gặp ông Quân trong trại giam. Bà cũng cho biết em bà chưa từng mắc bệnh gì.

Trước đó, vào tháng 10/2015, ông Quân bị công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, kết án 30 tháng tù giam, về tội làm giả giấy tờ để đi nước ngoài. Sau khi bị bắt, công an tỉnh Thái Bình, và công an huyện Diễn Châu về khám nhà, thì thu được một khẩu súng quân dụng, nên truy tố thêm tội danh tàng trữ vũ khí trái phép. Tuy nhiên, theo người nhà cho biết khẩu súng này của bố ông Quân giữ làm kỉ niệm, sau khi đi bộ đội ở Lào về. Khẩu súng đã hư hỏng không còn sử dụng được, nhưng công an vẫn đòi truy tố.

Được biết, sau khi toà án tỉnh Thái Bình kết án 30 tháng tù giam, công an huyện Diễn Châu đã ra đưa ông Quân về để chờ xét xử tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” vào ngày 30/8/2016.

Nghệ An: Thêm một trường hợp tử vong trong đồn công an

==== 31/8 =====

Tiến Sĩ Nguyễn Quang A được đề cử giải thưởng ‘Hoa Tulip Nhân Quyền’

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Hà Nội, vừa lọt vào danh sách 10 ứng viên hàng đầu của giải thưởng Hoa Tulip Nhân Quyền năm 2016 và trở thành người Việt Nam đầu tiên được đề cử giải thưởng danh giá này.

Ông Quang A đã vượt qua 81 ứng viên khác là các cá nhân và tổ chức bảo vệ nhân quyền nổi bật trên thế giới để lọt vào danh sách chung khảo.

Hoa Tulip Nhân Quyền, hay Human Rights Tulip, là giải thưởng hàng năm của chính phủ Hòa Lan dành cho tổ chức hay nhà hoạt động nhân quyền đã thực thi quyền con người một cách sáng tạo. Năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Quang A của Việt Nam, cùng với sáu tổ chức và ba cá nhân bảo vệ nhân quyền đến từ Mexico, Pakistan, Yemen, Peru và một vài nước khác được tuyển vào vòng bình chọn công khai. Theo danh sách này, ông Quang A có thể được xem là đại diện duy nhất của khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Thông báo của Tòa Đại Sứ Hòa Lan cho biết ông Quang A được đề cử vì đã khuyến khích công dân thực hiện các quyền hiến định của mình, và truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ. Báo mạng Dân Luận hôm qua dẫn lời nhà hoạt động trẻ Nguyễn Anh Tuấn từ Đà Nẵng, nói rằng anh được truyền cảm hứng từ những việc làm của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đồng thời kêu gọi mọi người bầu chọn cho ông.

Bgười có số phiếu bầu cao nhất sẽ được trình lên Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan để chọn ra người chiến thắng.

===== 01/9 =====

Biểu tình ở Kỳ Anh đòi đóng cửa Formosa

Hôm 1/9, hàng ngàn người đã tham gia biểu tình tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với yêu cầu đóng cửa Formosa và chi tiền đền bù cho người dân bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết.

Hình ảnh và video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy đám đông tuần hành từ địa phương lên trung tâm thị xã cầm trên tay các biểu ngữ: “Tiền đền bù của chúng tôi đã đi về đâu? Yêu cầu đóng cửa và khởi tố Formosa…”.

Một số mạng xã hội nói rằng chính quyền Hà Tĩnh đã huy động lớn lực lượng cảnh sát và quân đội tới ngăn chặn, không cho biểu tình lan rộng. Cảnh sát đã đánh đập một số người biểu tình, một số nguồn tin cho hay, tuy nhiên không nói số người bị đánh.

Biểu tình ở Kỳ Anh đòi đóng cửa Formosa

——————–

Công an xã đánh dân ngay tại trụ sở uỷ ban

Vào sáng ngày 01 tháng 9 năm 2016, cô Trần Thị Hiền cùng với bà con xóm Ngọc Thượng đã lên uỷ ban nhân dân xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An để yêu cầu làm rõ quyền lợi, nhưng đã bị công an xã đánh đập ngay tại trụ sở.

Được biết, cô Trần Thị Hiền là người là người đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của bà con đã mấy năm nay, từ chuyện phạt tiền trái quy định, việc sinh con thứ 3, cho đến các khoản thu vô lý trong nông nghiệp. Cô rất được bà con tin tưởng. Cũng chính vì thế mà nhà cầm quyền địa phương không muốn để cô Hiền làm trưởng xóm, nên tìm đủ mọi cách để ngăn cản.

Anh Trần Sáng cho biết một công an xã tên là Công đã dùng chân đi dày đạp thẳng vào bụng mẹ anh khiến bà ngã lăn xuống sân và ngất xỉu. Sau đó, cô Nguyễn Thị Tâm cùng xóm chạy vào can cũng bị tên Công dùng chân đạp thẳng vào cổ họng gây chảy máu và khó thở.

Hiện tại, cô Hiền đang được chữa trị tại phòng khám tư và được các bác sĩ chuẩn đoán là chấn thương vùng bụng, yêu cầu cần được nghỉ ngơi.

Công an xã đánh dân ngay tại trụ sở uỷ ban

===== 02/9 =====

Ba tổ chức nhân quyền kêu gọi Tổng thống Pháp đề cập đến vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm đến Việt Nam

Trong ngày 02/9, ba ngày trước khi Tổng thống Pháp Francois Hollande bắt đầu chuyến viếng thăm chính thức cấp nhà nước tới Việt Nam, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và hai thành viên của nó là Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam (VCHR) và Liên đoàn Nhân quyền Pháp (LDH) đã cùng nhau gửi một bức thư ngỏ lên tổng thống và đề nghị ông đề cập đến vấn đề nhân quyền trong các buổi gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Trong bức thư này, ba tổ chức nhân quyền mô tả sự đàn áp đang diễn ra ở Việt Nam nhằm chống lại những người chỉ trích chính phủ, người hoạt động xã hội và người bảo vệ nhân quyền. Nhiều nhà hoạt động xã hội và bảo vệ nhân quyền thường xuyên đàn áp dưới các hình thức đánh đập,giám sát và hạn chế đi lại, bắt bớ và giam giữ.

Trường hợp mới nhất của xu hướng này là vào tháng 8/2016, chính quyền đã kéo dài thời gian điều tra trước xét xử đối với luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài lên thành 12 tháng. Luật sư Đài đã bị bắt giam một cách tùy tiện và cuối năm 2015, một ngày trước cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt Nam-EU, bức thư nói.

Ngoài ra, tòa án Việt Nam tiếp tục kết án nhiều người bất đồng chính kiến ôn hòa và người bảo vệ nhân quyền với mức án nặng nề chỉ vì họ đơn thuần thực hiện quyền tự do ngôn luận, như blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh, người được biết đến với tên  Anh Ba Sam, bị kết án năm năm tù giam vào tháng 3/2016, ba tổ chức nhân quyền nói.

Trong bốn tháng qua, chính quyền cộng sản Việt Nam đã tiến hành chiến dịch trấn áp quy mô toàn quốc nhằm chống lại làn sóng biểu tình ôn hòa của nhân dân cả nước nhằm phản ứng lại trước thảm họa môi trường ở ven biển miền Trung, một thảm họa nghiêm trọng đã gây ôm nhiễm một vùng biển rộng lớn ở bốn tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên-Huế và làm chết hàng trăm tấn cá. Trong các vụ trấn áp đó, lực lượng an ninh đã đánh đập và bắt giữ tùy tiện nhiều người.

Việt Nam hiện nay đang giam giữ khoảng 130 tù chính trị, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Một trường hợp đặc biệt là thượng tọa Thích Quảng Độ, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một nhóm tôn giáo độc lập bị cấm một cách tùy tiện từ năm 1981). Hiện nay, thượng tọa Độ bị quản thúc tại nhà riêng ở Sài Gòn. Thượng tọa, người từng được đề cử giải Nobel Hòa bình, đã bị giam giữ và quản chế một cách tùy tiện trong hơn 30 năm qua.

FIDH và LDH VCHR đề nghị Tổng thống Hollande gây sức ép buộc chính quyền Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện tất cả tù nhân chính trị và chấm dứt tất cả các hành vi quấy rối nhằm vào người bất đồng chính kiến và người bảo vệ nhân quyền.

Một số luật và điều luật hiện hành hình sự hóa việc thực thi quyền tự do ngôn luận và biểu đạt, quyền tự do hội họp ôn hòa, và quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Đặc biệt, các quy định trong mục An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự là cơ sở pháp lý để chính quyền đàn áp giới bất đồng chính kiến. Một số điều khoảng đánh đồng các hành vi khủng bố và biểu đạt chính kiến ôn hòa cùng với bản án tử hình không phù hợp với cam kết của Việt Nam theo Công ước quốc tế về Quyền Chính trị và Dân sự.

Gần đây Bộ luật Hình sự Việt Nam sửa đổi bãi bỏ hình phạt tử hình đối với bảy tội phạm, tuy nhiên, 18 tội khác vẫn phải nhận án tử hình. FIDH và hai tổ chức thành viên thúc giục Tổng thống Hollande kêu gọi Việt Nam xóa bỏ án tử hình đối với tất cả các tội danh.

Họ nói dự thảo Luật Tín ngưỡng vàTôn giáo,  có khả năng sẽ được quốc hội thông qua sắp tới, là một bước lùi lớn về tự do tôn giáo và tín ngưỡng, vi phạm cam kết quốc tế ở Điều 18 của ICCPR của Việt Nam. Dự luật khi được thông qua, sẽ hợp thức hóa việc nhà nước can thiệp vào đời sống tôn giáo thông qua những quy định về đăng ký cho các nhóm tôn giáo. Dự thảo luật sẽ làm trầm trọng thêm những hạn chế đối với những nhóm tôn giáo không được công nhận, mà nhiều thành viên của các nhóm này đang bị sách nhiễu và bắt giữ tùy tiện.

Tổng thống Hollande nên nêu các vấn đề trên trong các cuộc gặp gỡ với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và yêu cầu Việt Nam tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện đầy đủ các nguyên tắc nhân quyền như đã cam kết với quốc tế và theo các khuyến nghị đưa ra bởi nhiều cơ chế nhân quyền khác nhau của Liên Hợp Quốc, FIDH nói.

FIDH và LDH và VCHR hy vọng rằng khi nói chuyện với sinh viên tại Đại học Quốc gia ở Hà Nội, Tổng thống Hollande sẽ thể hiện sự ủng hộ đối với xã hội dân sự độc lập. Sự ủng hộ của nước Pháp và cá nhân tổng thống sẽ rất có giá trị đối với người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, những người đang cho thấy họ cần môi trường dân chủ hơn và quyền con người được tôn trọng hơn.

Nước Pháp phải thức đẩy “Tự do, bình đẳng và bác ái” ở Việt Nam nơi mà việc hưởng đầy đủ các quyền chính trị và dân sự vẫn còn là một trở ngại, Chủ tịch FIDH Dimitris Christopoulos, Chủ tịch VCHR Võ Văn Ái và Chủ tịch LDH Françoise Dumont đã nói trong bức thư ngỏ.

French President Urged to Address Human Rights Issues in Upcoming Visit to Vietnam

——————–

Canada cần đề cập vấn đề nhân quyền với Việt Nam

Bộ trưởng ngoại giao Canada, Stéphane Dion phải thúc giục chính phủ Hà Nội tôn trọng hơn nữa quyền con người khi ông này đến thăm Việt Nam từ ngày 3/9 đến ngày 08/9, Thuợng nghị sĩ Ngô Thanh Hải, một người gốc Việt, nói.

Trong thông cáo ra ngày 01/9, TNS Hải cho rằng trọng tâm của chuyến viếng thăm phải là quan ngại về tình hình nhân quyền nghiêm trọng tại Việt Nam. Đây là cơ hội để Canada kêu gọi trực tiếp Hà Nội cần tôn trọng hơn nữa quyền con người. Đây cũng là cơ hội yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức cùng các tù nhân lương tâm khác, các mục sư, tu sĩ Phật giáo bị tù đày một cách bất công theo những điều luật hình sự mơ hồ.

Truyền thông Việt Nam loan tin bộ trưởng ngoại giao Canada đến thăm Việt Nam theo lời mời của người đồng nhiệm Phạm Bình Minh. Mục đích chuyến công du của ông Stéphane Dion được nói nhằm củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa đôi bên cho thời gian tới được hiệu quả hơn.

Canada cần đề cập vấn đề nhân quyền với Việt Nam

———–end———