QUẢN LÝ TRẠI GIAM TRÊN TINH THẦN TÔN TRỌNG QUYỀN CON NGƯỜI: Chương 2- NHÂN VIÊN TRẠI GIAM VÀ QUẢN LÝ TRẠI GIAM

Cẩm nang dành cho nhân viên trại giam

Andrew Coyle

Centre International d’Etudes Pénitentiaires

Trung tâm Quốc tế nghiên cứu Trại giam

BỐI CẢNH-

      

Một công vụ quan trọng

Trong mọi xã hội dân chủ, nhân viên làm việc trong trại giam là những người đang thực hiện một công việc công (phục vụ lợi ích cho cộng đồng -ND). Như học đường và bệnh viện, trại giam phải là nơi được cơ quan công quyền quản lý trong mục đích góp phần vào công ích xã hội. Các nhân viên liên quan tới trại giam phải chịu trách nhiệm trước một cơ quan dân cử (nghị viện) và công chúng phải thường xuyên được thông tin về tình hình và nguyện vọng của các trại giam. Các thành viên chính phủ và các quan chức cao cấp phải thể hiện rõ rằng họ rất tôn trọng công việc của các nhân viên trại giam, và phải thường xuyên nhắc nhở cho công chúng biết rằng công việc trong các trại giam là một công vụ quan trọng.

Nền tảng đạo đức của việc quản lý trại giam

 Việc quản lý trại giam phải được thực hiện trong một khuôn khổ đạo đức. Nếu thiếu một nền tảng đạo đức vững chắc thì sẽ dẫn tới tình trạng lạm dụng quyền lực “cá lớn nuốt cá bé”. Nền tảng đạo đức không chỉ hạn chế ở việc cư xử cá nhân giữa nhân viên trại giam với các tù nhân. Quan niệm ”Giam giữ dựa trên nền tảng đạo đức” phải được quán triệt rõ ràng trong tất cả quá trình quản lý, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Nếu chỉ quan tâm việc tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục, đáp ứng các đòi hỏi hoạt động hiệu quả hay các áp lực nhằm tuân thủ các mục tiêu do ban giám thị đề ra, mà không quan tâm đến những đòi hỏi cấp bách về đạo đức, đều có thể dẫn đến sự vô nhân đạo. Nếu các giới chức quản lý trại giam chỉ chú tâm đến các quá trình và các thủ tục có tính kỹ thuật, thì nhân viên trại giam sẽ quên rằng trại giam không phải là nhà máy chế tạo xe hơi hay máy giặt. Quản lý một trại giam tức là quản lý những con người, dù đó là nhân viên trại giam hay tù nhân. Hiện nay có những vấn đề đang vượt trên cả các mối quan tâm về tính hiệu quả và tính hợp lý. Mỗi khi đưa ra những quyết định về việc xử lý con người, trước tiên ta phải đặt một câu hỏi lớn là: “Điều chúng ta đang làm có đúng đắn không?”

Nền tảng quan trọng của mối quan hệ giữa nhân viên và tù nhân

 Khi nghĩ tới trại giam, người ta thường nghĩ đến khía cạnh vật lý: tường, hàng rào, một tòa nhà có cửa chính khóa chặt, với nhiều song sắt ở cửa sổ. Thực ra, khía cạnh quan trọng nhất của một trại giam chính là khía cạnh nhân bản của nó, vì mối bận tâm chủ yếu của các trại giam chính là con người. Hai nhóm người quan trọng nhất trong trại giam là tù nhân và nhân viên trại giam giam. Nên để đánh giá một trại giam có được quản lý tốt hay không phải dựa trên sự đánh giá mối quan hệ giữa hai nhóm người này.

Phẩm chất của người điều hành là mấu chốt

 Những ai chịu trách nhiệm điều hành trại giam phải vượt lên trên những quan tâm về kỹ thuật hay quản lý. Họ phải cư xử như những nhà lãnh đạo, có khả năng làm cho nhân viên (mà họ đang phụ trách) có nhiệt huyết trong công việc và truyền cho nhân viên ý thức được “tầm quan trọng của cách thực hiện công vụ hàng ngày.” Những nhân viên này phải là những người có ý thức rõ ràng, sáng suốt và quyết tâm duy trì công việc ở mức độ cao nhất trong công việc quản lý trại giam, vốn đầy khó khăn.

Cần phải có một đội ngũ nhân sự có phẩm chất

 Thông thường, trại giam không lựa chọn tù nhân cho mình mà phải chấp nhận những ai được tòa án hay thẩm quyền tư pháp gởi tới. Ngược lại, trại giam có thể lựa chọn nhân sự của mình. Điều thiết yếu là các thành phần nhân sự phải được chọn lựa kỹ lưỡng, được huấn luyện bài bảnđược giám sát và hỗ trợ. Làm việc trong trại giam là một việc khó khăn vì phải làm việc với những con người đang bị tước quyền tự do; nhiều tù nhân có những vấn đề tâm thần, nghiện ma túy, có những khả năng giao tiếp xã hội và hiểu biết kém; hoặc có nguồn gốc từ nhiều nhóm bị xã hội gạt bỏ.

Một số tù nhân còn là đối tượng nguy hiểm đối với xã hội, số khác thì hung hăng và thích gây gổ, số khác nữa thì tìm mọi cách để vượt ngục. Chẳng ai trong họ muốn ở tù cả.  Mỗi người trong số họ là một con người riêng biệt.

Vai trò của nhân viên trại giam

 Nhân viên trại giam có những bổn phận sau:

– Đối xử với các tù nhân một cách đàng hoàng, nhân đạo và công bằng;

– Đảm bảo an ninh cho mọi tù nhân;

– Đảm bảo không để cho các tù nhân nguy hiểm vượt ngục;

– Đảm bảo trật tự cho trại giam;

– Giúp tù nhân có khả năng sử dụng thời gian ở tù của họ một cách tích cực, để họ có thể tái hòa nhập vào xã hội khi ra tù.

Liêm chính cá nhân

 Công việc chuyên nghiệp trong trại giam đòi hỏi phải có những khả năng riêng biệt và sự liêm chính mạnh mẽ. Do đó, việc tuyển chọn nhân viên trại giam phải được thực hiện kỹ lưỡng, vì các nhân viên trại giam phải có những tố chất cá nhân và các kiến thức phù hợp. Sau khi tuyển chon, cần phải tổ chức các khóa huấn luyện thích hợp liên quan đến các nguyên tắc cơ bản đối với công việc của từng người, và một khóa huấn luyện về các năng lực ứng xử nhân bản và các kỹ thuật chuyên môn cần thiết. Trong quá trình làm việc, các nhân viên trại giam phải không ngừng nâng cao và thực hiện các năng lực đã được huấn luyện và luôn được thông tin về các tiến bộ, biến đổi liên quan tới lĩnh vực trại giam.

 Nguy cơ ốc đảo

 Nhân viên trại giam thường làm việc trong một môi trường khép kín và tách biệt; dần dần, điều đó có thể khiến họ trở nên hạn chế và cứng nhắc. Các khóa huấn luyện và việc quản lý họ phải được xây dựng nhằm bảo vệ cho họ tránh được tình trạng ốc đảo khép kín. Nhân viên trại giam phải luôn nhạy bén với sự tiến triển của xã hội nói chung, vì tù nhân đến từ xã hội và sẽ tái hội nhập vào xã hội. Khía cạnh này đặc biệt quan trọng khi một số trại giam nằm ở những vùng hẻo lánh và khi nhân viên trại giam ở nhà công vụ ngay trong trại giam.

Quy chế xã hội của nhân viên trại giam

Thông thường, nhân viên trại giam không được coi trọng như những người làm việc trong lãnh vực tư pháp hình sự, như cảnh sát chẳng hạn. Điều này thường được phản ảnh qua lương bổng của nhân viên trại giam ở nhiều nước, rất thấp. Thành thử thường rất khó tuyển được những người có các phẩm chất tốt để làm việc trong trại giam. Để thu hút và duy trì được nhân sự có kỹ năng, vấn đề lương bổng cần phải được ấn định ở một mức phù hợp và những điều kiện làm việc phải tương đương với những gì mà các công chức khác có vị trí tương đương được hưởng.

Tuyên truyền với công chúng về trại giam

 Ở nhiều nước, công chúng rất ít được thông tin về các trại giam, về nhân viên trại giam và về công việc của họ. Thường, xã hội hay thừa nhận tầm quan trọng của những người làm việc trong lãnh vực y tế hay giáo dục, trong khi đó những người làm việc trong các trại giam không được coi trọng bằng. Các bộ trưởng và các viên chức quản trị trại giam nên tổ chức những chương trình tuyên truyền với công chúng về trại giam và thúc đẩy truyền thông quan tâm để giúp cho xã hội biết về vai trò quan trọng của nhân viên trại giam trong việc bảo vệ xã hội dân sự.

-CÁC GIÁ TRỊ VÀ TRUYỀN THÔNG-

  Phẩm giá tự thân của con người

  Trong các xã hội dân chủ, pháp luật nâng đỡ và bảo vệ các giá trị nền tảng của xã hội. Trong các giá trị này, quan trọng nhất là tôn trọng phẩm giá tự thân của con người, dẫu cương vị cá nhân hay xã hội của họ là gì chăng nữa. Một trong những trắc nghiệm mang tính quyết định nhất cho việc tôn trọng nhân phẩm này là cách thức xã hội đối xử với những người đã vi phạm luật hình sự hay bị kết tội vi phạm luật đó. Bản thân những người này có lẽ đã chứng tỏ mình thiếu tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của những người khác. Vì vậy, nhân viên trại giam đóng một vai trò đặc biệt, nhân danh phần còn lại của xã hội, trong việc tôn trọng phẩm giá của những người này, bất kể tội danh mà họ đã  phạm. Nguyên tắc tôn trọng mọi con người như thế, dù các thủ đoạn của họ ra sao, đã được một cựu tù nhân nổi tiếng đồng thời là cựu Tổng thống Nam Phi, ông Nelson Mandela, phát biểu thế này:

“Người ta chưa thực sự hiểu một nước khi chưa đi thăm các trại giam của nước ấy. Không nên đánh giá một nước qua cách đối xử với các công dân ở vị trí cao nhất, mà hãy xem cách đối xử với các công dân bất hạnh, thiệt thòi nhất” (Mandela N. [1994] Long walk to Freedom, Little Brown, London).

Đó là lý do khiến việc quản lý trại giam phải được ưu tiên đặt trong một khuôn khổ đạo đức. Các nhà quản trị, các nhà quản lý trại giam và nhân viên trại giam không bao giờ được quên mệnh lệnh này. Thiếu một nền tảng đạo đức, thì tính hiệu quả của các công việc hành chính trong trại giam có thể mượn đường để kết cục dẫn tới sự man rợ của các trại tập trung và các trại khổ sai.

 Cần một thông điệp rõ ràng

 Những ai có trách nhiệm quản lý các trại giam phải thường xuyên ghi nhớ nguyên tắc đạo đức trên đây. Để áp dụng được nguyên tắc này trong những hoàn cảnh khó khăn, cần phải có một tinh thần trách nhiệm rất cao. Nhân viên trại giam chỉ có thể duy trì ý thức trách nhiệm ấy nếu các giới hữu trách của hệ thống trại giam chuyển được cho họ một thông điệp rõ ràng và nhất quán rằng điều ấy có tính bắt buộc. Họ phải hiểu rằng họ không chỉ đơn giản là những người giám sát có trách nhiệm duy nhất là tước tự do của người khác. Vai trò của họ cũng tuyệt đối không phải là giáng thêm một sự trừng phạt lớn hơn sự trừng phạt mà giới chức tư pháp đã áp đặt cho người tù. Trái lại, họ phải kết hợp vai trò giám sát với vai trò giáo dục và cải huấn. Vai trò này đòi hỏi một tài năng cá nhân rất lớn và nhiều khả năng chuyên nghiệp sâu rộng.

Phẩm chất cá nhân của các nhân viên trại giam

 Để làm việc trong trại giam, phải có nhiều phẩm chất tốt và khả năng chuyên môn. Nhân viên trại giam phải có những phẩm chất cá nhân giúp họ đối xử với các tù nhân, kể cả những tù nhân khó tính và nguy hiểm, một cách nhân đạo và công bằng. Điều đó có nghĩa là phải có một quy trình tuyển dụng và chọn lọc chặt chẽ để chỉ những ai có những phẩm chất đúng đắn mới được tuyển dụng. Chỉ khi những quy trình ấy được thiết lập thì mới có thể nói rằng công việc trong trại giam là một nghề nghiệp.

Những nguy hiểm khi nhân sự có phẩm chất tồi

Trong nhiều nước, việc tuyển dụng những người muốn làm việc trong trại giam là rất khó. Thành ra, chỉ có những người không tìm được việc làm nơi khác mới chấp nhận làm việc trong trại giam. Đôi khi, những người quyết định làm công việc trong trại giam là để tránh phải làm nghĩa vụ quân sự và sẽ bỏ công việc này ngay khi họ có thể. Vì họ không được huấn luyện tốt lại bị trả lương thấp nên chẳng lạ gì khi họ ít tự hào về công việc của họ, họ dễ bị sa ngã vào việc tham nhũng và họ không có cảm giác là mình đang thực hiện một việc phục vụ công ích.

Cần một chiến lược chặt chẽ

Truyền thụ được cho nhân sự của mình một nhãn quan hay một niềm tin rằng công việc của nhân viên trại giam là một công việc hệ trọng là một nhiệm vụ to lớn đối với những người phụ trách việc quản lý hệ thống trại giam. Điều này không nên thực hiện một cách lộn xộn và thiếu cân nhắc. Để đạt được mục đích đó, phương cách duy nhất là thông qua một chiến lược nhất quán, chặt chẽ dựa trên quan niệm phải có đội ngũ nhân sự có phẩm chất tốt và được xã hội coi trọng, đó là cơ sở cho một hệ thống trại giam có chất lượng.

 CÁC VĂN BẢN QUỐC TẾ 

Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị, Điều 10:

“Tất cả những người bị tước mất tự do phải được đối xử một cách nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm tự thân của người đó”

Bộ luật ứng xử cho những người có trách nhiệm thực thi pháp luật,

Điều 2:

Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, những người có trách nhiệm thực thi pháp luật phải tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm cũng như bênh vực và bảo vệ những quyền căn bản của bất kỳ người nào.”

Bộ các quy tắc tối thiểu để đối xử với các tù nhân, Quy tắc 46 (2):

Việc cai quản trại giam phải thường xuyên cố gắng thức tỉnh và duy trì trong tâm trí nhân viên trại giam và công luận niềm tin rằng nhiệm vụ ấy là một việc phục vụ xã hội rất quan trọng ; vì thế, mọi phương tiện thích hợp để công chúng được biết rõ phải được sử dụng.”

Bộ các quy tắc tối thiểu để đối xử với các tù nhân, Quy tắc 48:

Mọi nhân viên trại giam, trong mọi hoàn cảnh, phải ứng xử và hoàn tất nhiệm vụ của mình sao cho tấm gương của họ có ảnh hưởng tốt lên các tù nhân và gợi lên sự kính trọng của tù nhân”.

  ÁP DỤNG THỰC TẾ

           Cần một tuyên bố rõ ràng

Để làm cho các giá trị nói trên được nhân viên trại giam hiểu đúng và vận dụng, điều quan trọng là cơ quan quản trị trại giam phải tuyên bố ý định của mình thật rõ ràng. Một tuyên bố như thế sẽ dựa trên các quy tắc và công cụ quốc tế và sẽ được truyền đạt rõ ràng cho mọi nhân viên làm việc trong trại giam. Tài liệu chính sách của Vụ quản lý trại giam tại U-gan-đa là một ví dụ về một tuyên bố như thế. Họ trình bày rõ ràng Tuyên ngôn sứ mạng (nhiệm vụ) của Cục quản lý trại giam và xác định những giá trị cơ bản của  công việc đó. Trong số những giá trị ấy, phải kể tới việc thừa nhận tầm quan trọng cơ bản của một hệ thống tuyển dụng hữu hiệu và đào tạo nhân sự. Sau đây là bản mẫu của Tuyên ngôn đó:

CỘNG HÒA U-Gan-Đa

CỤC TRẠI GIAM U-Gan-Đa

VĂN KIỆN CHÍNH TRỊ DÀNH CHO NĂM 2000 VÀ TƯƠNG LAI

TUYÊN NGÔN SỨ MẠNG

Cục trại giam U-gan-đa, trong khuôn khổ hệ thống tư pháp toàn diện, tham gia vào việc bảo vệ tất cả các thành viên của xã hội bằng nhiệm vụ đảm bảo cho những người vi phạm luật có được sự giam giữ hợp lý, chắc chắn, an toàn và nhân bản trên tinh thần tôn trọng các tiêu chuẩn đã được thế giới thừa nhận, đảm bảo việc khích lệ và trợ giúp họ trong việc phục hồi, cải huấn và tái hòa nhập lại xã hội với tư cách những công dân tôn trọng luật pháp.

Các giá trị

 Công lý là một giá trị nền tảng

Cụ trại giam là một thành phần của hệ thống tư pháp hình sự – hệ thống có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự tự do và quyền con người. Do đó những người tham gia vào việc thực thi các hình phạt buộc phải tôn trọng các quyền cơ bản của con người trong khi thi hành công vụ và cần phải hành xử theo những xác tín sau đây:

  • Công bằng và bình đẳng trước pháp luật.
  • Phẩm giá và các giá trị con người
  • Công việc giam giữ đòi hỏi sự trung thực, cởi mở và chính trực.
  1. Một yếu tố quan trọng của hệ thống cơ quan cải tạo và tư pháp hiệu quả là sự tôn trọng có tính nền tảng về niềm tin rằng những người vi phạm pháp luật tự có trách nhiệm đối với hành động của họ và họ vẫn có thể có một cuộc sống tôn trọng luật pháp.
  2. Phần lớn những người vi phạm pháp luật có thể bị trừng phạt một cách hiệu quả bằng những hình thức không cần giam giữ; hình thức giam giữ cần phải được áp dụng một cách tối giản.
  3. Nhằm bảo vệ lợi ích cộng đồng, các quyết định liên quan đến những người vi phạm pháp luât cần được thực hiện trên việc đánh giá các nguy cơ và việc quản lý các nguy cơ đó.
  4. Hiệu quả của sự trừng phạt phụ thuộc vào sự hợp tác chặt chẽ giữa các đối tác trong cơ quan tư pháp hình và cộng đồng, trên tinh thần đóng góp vào việc xây dựng một xã hội công bằng hơn, nhân bản hơn và bền vững hơn.
  5. Tuyển chọn kỹ càng, đào tạo đúng cách và thông tin rõ ràng cho các nhân viên là những vấn đề cốt yếu để có một hệ thống các cơ quan cải tạo hiệu quả.
  6. Công chúng có quyền biết những gì đang xảy ra trong các trại giam và phải có thể tham gia vào hệ thống tư pháp hình sự.
  7. Hiệu quả của sự trừng phạt là thước đo cho sự cải tổ và sự ảnh hưởng tới tương lai của các cơ quan cải tạo.
  8. Những người đang bị tạm giam phải được coi là vô tội và được đối xử tương xứng. Họ không bị giam chung với những người đã bị kết án.
  9. Trong chừng mực có thể, phụ nữ và đàn ông phải được giam trong những trại giam riêng biệt; trong các trại giam có cả phụ nữ và đàn ông thì tất cả phụ nữ phải được giam riêng hoàn toàn.
  10. Việc giam giữ phải luôn được coi là biện pháp cuối cùng đối với người phạm luật.

  Thông tin cho công chúng

Quan trọng cũng không kém là công chúng và các phương tiện truyền thông phải biết được các giá trị mà trại giam đang vận dụng. Nếu vai trò của trại giam trong một xã hội dân sự được hiểu đúng, thì có lẽ công luận sẽ đánh giá cao các nỗ lực được các giới chức trại giam vận dụng để có những thực hành tốt đẹp. Để có được kết quả này, điều quan trọng là nhân viên trại giam cấp cao phải phát triển những quan hệ tốt đẹp với công chúng và truyền thông địa phương. Không thể chấp nhận chuyện công chúng chỉ nghe nói đến các trại giam khi có vấn đề xảy ra tại đó; người ta cũng phải thông tin cho công chúng về những thực tế thường nhật của đời sống trong trại giam. Những người quản lý trại giam phải khuyến khích các giám thị trại giam thường xuyên gặp mặt các nhóm xã hội dân sự, kể cả các tổ chức phi chính phủ, và mời họ thăm quan trại giam khi thích hợp.

“Tại Ghana, Cục trại giam đã tổ chức một tuần lễ sinh hoạt để có thể giúp công chúng hiểu rõ hơn công việc mà các trại giam đang làm”

-VỊ TRÍ CỦA TRẠI GIAM TRONG BỘ MÁY NHÀ NƯỚC-

TÁCH BIỆT KHỎI QUÂN ĐỘI

Một công việc có tính dân sự

Việc giam giữ người là một phần của tiến trình tư pháp hình sự; trong các xã hội dân chủ, người ta bị đưa tới trại giam bởi các thẩm phán độc lập đã được chính quyền dân sự bổ nhiệm. Hệ thống trại giam cũng phải được kiểm soát bởi chính quyền dân sự chứ không phải bởi chính quyền quân sự. Việc quản lý các trại giam không được nằm dưới quyền chỉ đạo của quân đội hay một quyền lực quân sự nào khác. Nhưng có nhiều nước ở đó người lãnh đạo việc quản lý trại giam lại là một thành viên tích cực của lực lượng quân đội nhưng đã tách rời hay được biệt phái quản trị trại giam chỉ trong một thời gian giới hạn để hoàn tất vai trò này. Trong những trường hợp như thế, chính quyền phải nêu rõ rằng người ấy hành động trong khuôn khổ dân sự, với tư cách lãnh đạo việc quản lý trại giam.

TÁCH BIỆT KHỎI CÔNG AN (CẢNH SÁT)

Liên quan đến việc phân tách chức vụ, phải có một sự tách biệt rõ ràng giữa công an với đơn vị quản lý trại giam. Công an thường được giao nhiệm vụ tiến hành những cuộc điều tra về các tội phạm và bắt giữ các kẻ phạm tội. Khi một người bị giam cầm hay bắt giữ, trong thời hạn ngắn nhất đương sự phải được đưa ra trước một cấp thẩm quyền tư pháp, rồi bị tạm giam trong một trại giam nào đó. Ở nhiều nước, quản lý ngành công an được giao cho Bộ Nội vụ, còn quản lý trại giam được giao cho Bộ Tư pháp. Đây là cách thức bảo đảm sự tách biệt quyền lực và nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ phải có giữa các giới chức tư pháp với hệ thống trại giam.

“Một sự tách biệt rõ ràng phải được thiết lập giữa vai trò của công an với vai trò của hệ thống tư pháp, của viện kiểm sát và của hệ thống trại giam” (Khuyến nghị  2001/10 của Hội đồng Bộ trưởng gửi cho các Quốc gia thành viên về bộ luật đạo đức cảnh sát của châu Âu.)

CÁC VĂN BẢN QUỐC TẾ

 Bộ các quy tắc tối thiểu để đối xử với các tù nhân, Quy tắc 46 (3):

Để các mục tiêu kể trên có thể thực hiện được, nhân viên trại giam phải là những người làm việc cả ngày, với tư cách các công chức trại giam chuyên nghiệp. Họ phải được hưởng quy chế nhân viên Nhà nước và do đó được bảo đảm về an toàn công  việc vốn chỉ lệ thuộc vào hạnh kiểm tốt của họ, hiệu năng công việc của họ và khả năng thể chất của họ”.

 ÁP DỤNG THỰC TẾ

Kiểm soát kiểu dân chủ

Trong những nước dân chủ, các viên chức quản lý trại giam thường là những giới chức nhà nước của một bộ. Ở một vài nước như Bra-xin, Ấn Độ hay Đức, bộ chuyên trách này thuộc chính phủ quốc gia hay chính phủ địa phương. Ở phần lớn các nước, hệ thống trại giam được tổ chức ở cấp quốc gia, dưới quyền của một bộ thuộc chính phủ trung ương. Ở  nhiều nước khác, như Hoa Kỳ và Canada, cả hai kiểu mẫu trên đều có và thường có xu hướng là một bộ chuyên trách trong chính phủ như  Bộ Tư pháp, nếu bộ này có.

Tách công an ra khỏi trại giam

Khi giao việc quản lý trại giam cho Bộ Tư pháp, người ta muốn nhấn mạnh tới mối liên hệ chặt chẽ giữa quá trình xét xử với việc giam giữ công dân. Điều đó cũng tách công việc của công an ra khỏi hệ thống trại giam. Khía cạnh này rất quan trọng, vì quá trình điều tra phải tách biệt với việc tạm giam, để những người bị tình nghi tránh bị áp lực.

Một lý do khác khiến người ta phải khuyến khích việc chuyển giao ấy, đó là việc ở một vài nước, trong lực lượng công an lại biên chế nhiều đơn vị quân sự, có cùng những cấp bậc như quân đội, được cơ cấu trên nền tảng quân sự và khi cần, chính quyền có thể huy động vào lực lượng quân đội. Điều này không phù hợp vì nhân sự trại giam bắt buộc phải phải có quy chế viên chức nhà nước.

          “Tại Phi châu, trong 15 năm qua, các nước sau đây đã chuyển giao việc quản lý trại giam từ Bộ Nội vụ sang Bộ Tư pháp: Bê-nanh, Bờ biển ngà, Ca-mơ-run, Tchad, Niger, Togo, Burkina Faso và Sê-nê-gal.

           “Hội đồng Âu châu dự kiến rằng các nước Đông Âu đã xin ra nhập Liên minh Âu châu sẽ phải chuyển giao trách nhiệm quản lý trại giam từ Bộ Nội vụ sang Bộ Tư pháp”.

Các hậu quả của việc chuyển giao trách nhiệm

 Phải thừa nhận rằng việc chuyển giao như thế trong một chính phủ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nhân sự trong những nước mà quân đội có nhiều đặc quyền về mặt lương bổng và các điều kiện làm việc khác, như hưởng miễn phí các dịch vụ y tế dành cho nhân viên và gia đình họ, hưởng miễn phí các phương tiện đi lại, được trợ cấp nhà ở và nhiều đặc quyền khác về an dưỡng. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề ấy trong chương này.

Liên hệ với các cơ sở xã hội

Có một lý do khác khiến các trại giam cần phải được quản lý bởi một thẩm quyền dân sự. Trong thực tế, mọi tù nhân một ngày nào đó sẽ làm lại cuộc sống trong một xã hội dân sự. Để họ có thể sống và tuân thủ pháp luật, họ cần có một chỗ ở, khả năng tìm được một việc làm và được hỗ trợ xã hội. Cơ quan quản lý trại giam rất cần phải có quan hệ mật thiết với các cơ quan dịch vụ công khác như dịch vụ xã hội hay an ninh xã hội. Nếu cơ quan quản lý trại giam là một tổ chức dân sự thì điều ấy có nhiều khả năng thực thi hơn khi là một tổ chức quân sự.

 Một tổ chức có kỷ luật và phân cấp

Song song với điều đó, chớ quên rằng dẫu nhân viên trại giam có một quy chế dân sự thì hệ thống trại giam vẫn phải là một tổ chức có kỷ luật và phân bậc. Các trại giam không phải là những cơ cấu dân chủ. Để chúng có thể hoạt động đúng đắn, cần phải có một cơ cấu thứ bậc được xác định rõ ràng. Các tổ chức lớn cũng như vậy. Điều này đặc biệt đúng trong khi nói về các trại giam, ngay cả ở những trại giam được quản lý tốt nhất, vẫn phải luôn ý thức về khả năng có những xáo trộn và hỗn loạn. Hoàn toàn có thể có một hệ thống thuộc quy chế dân sự mà ở đó kỷ luật vẫn rất chặt chẽ. Như sẽ giải thích trong chương 5 sau đây, mọi người có liên quan – nhân viên trại giam lẫn tù nhân- đều cần một trại giam có trật tự tốt. Điều đó có nhiều khả năng thực hiện nếu các trại giam được cơ cấu một cách qui củ.