QUẢN LÝ TRẠI GIAM TRÊN TINH THẦN TÔN TRỌNG QUYỀN CON NGƯỜI: CHƯƠNG 4-TÙ NHÂN VÀ SỨC KHOẺ

Cẩm nang dành cho nhân viên trại giam

Andrew Coyle

Centre International d’Etudes Pénitentiaires

Trung tâm Quốc tế nghiên cứu Trại giam

=================================

-BỐI CẢNH-

Quyền về sức khỏe

Tù nhân được duy trì quyền cơ bản là có một sức khoẻ tốt, cả về thể xác lẫn tinh thần và họ vẫn có quyền được chăm sóc y tế ở mức độ chất lượng ít ra là ngang bằng với chất lượng mà cộng đồng sống bên ngoài trại giam được hưởng. Công ước quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (Điều 12) chỉ rằng:

“Mọi người có quyền đạt tới một tiêu chuẩn sức khoẻ về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể.”

Tù nhân được hưởng những bảo trợ bổ sung

Ngoài những quyền cơ bản mà con người được hưởng, vị thế của một tù nhân còn cho họ những bảo trợ bổ sung. Vì khi chính quyền tước đi quyền tự do của họ thì chính quyền trở thành người chịu trách nhiệm về sức khoẻ của họ, cả về mức độ điều kiện lẫn kế hoạch điều trị cá nhân.

Giảm thiểu những rủi ro

Sức khoẻ tốt quan trọng đối với tất cả mọi người. Nó ảnh hưởng tới ứng xử và khả năng hoạt động của họ trong cộng đồng. Sức khỏe tốt còn đặc biệt quan trọng đối với một cộng đồng khép kín như trong tù. Bản chất của việc bỏ tù có thể gây ảnh hưởng xấu đối với cơ thể và tinh thần của tù nhân. Trại giam phải có trách nhiệm không những chăm sóc y tế mà còn phải tạo ra những điều kiện cải thiện sức khoẻ của tù nhân và nhân viên trại giam. Khi tù nhân ra khỏi trại giam, sức khoẻ của họ không được xấu hơn so với lúc họ nhập trại giam. Điều này liên quan tới tất cả khía cạnh của đời sống trong tù, nhưng trước hết là chăm sóc y tế.

Tù nhân đến nhập trại với những vấn đề về sức khoẻ

Tù nhân thường đến nhập trại với những vấn đề sức khoẻ đã có từ trước, đó có thể là kết quả của sự bất cẩn, sự lạm dụng hoặc do cách sống của họ. Tù nhân thường xuất thân từ tầng lớp khó khăn nhất trong xã hội, vấn đề về sức khoẻ của họ đã phản ánh điều đó. Họ mang theo mình những căn bệnh không được điều trị, các vấn đề về ma tuý hay sức khỏe tinh thần. Những người này cần được hưởng một trợ giúp đặc biệt giống như phần đông những tù nhân khác mà sức khỏe tinh thần của họ bị tổn thương do việc bị bắt giam.

«Những trại giam quá tải giam các tù nhân bị bệnh thưòng có môi trưòng vệ sinh kém và những thiết bị vệ sinh không phù hợp tạo nên nguy cơ lớn cho các bệnh truyền nhiễm trong vùng. Sức khoẻ trong tù phải được ưu tiên hàng đầu.”

(Tuyên bố của các nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị tượng đỉnh lần thứ tư các nước vùng Ban-Tích về nguy cơ các bệnh truyền nhiễm. Công bố tại Saint-Pétersbourg ngày 10 tháng 6 năm 2002.)

Bệnh truyền nhiễm đang gia tăng

Ở nhiều nước, số tù nhân mắc bệnh truyền nhiễm như lao phổi, viêm gan vi rút và AIDS đạt tỷ lệ cao. Cơ quan quản lý trại giam phải có trách nhiệm đối với những người tới trại giam, nhất là những tù nhân, và cả nhân viên của trại giam và những khách tới làm việc, sao cho họ không bị nguy cơ nhiễm bệnh. Bất kỳ một sự bất cẩn nào trong quản lý đều đồng nghĩa với việc trại giam đã gây ra những vấn đề về sức khỏe cho cộng đồng thông qua việc tiếp xúc giữa trại giam và phần còn lại của xã hội, thông qua nhân viên và khách tới làm việc, hoặc có thể qua chính những tù nhân sau khi được trả tự do.

Tù nhân lớn tuổi

Đối với một số hệ thống tư pháp, việc áp dụng khung hình phạt dài hoặc án chung thân kéo theo sự gia tăng những vấn đề về y tế liên quan đến những người tù lớn tuổi. Cơ quan quản lý trại giam phải lưu ý đảm bảo chăm sóc y tế cho phù hợp. Những vấn đề thông thường liên quan tới tù nhân lớn tuổi được đề cập tới ở chương 14 của quyển sách này.

Nghĩa vụ, ngay cả trong trường hợp khó khăn về kinh tế

Nhìn chung, một số nước gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc sức khoẻ ở mức độ cao cho dân chúng. Kể cả trong hoàn cảnh đó, tù nhân vẫn phải nhận được chăm sóc sức khoẻ miễn phí tốt nhất có thể. Uỷ ban châu Âu về phòng chống tra tấn (CPT) đã tuyên bố rằng ngay trong những thời kỳ khó khăn về kinh tế, chính quyền cũng không được từ bỏ trách nhiệm đảm bảo những yếu tố căn bản cần thiết cho cuộc sống của những người bị họ tước đi quyền tự do. Uỷ ban cũng chỉ rõ rằng trong số những yếu tố nêu trên phải kể đến dịch vụ y tế cần phải đầy đủ và thích hợp.1

-QUYỀN ĐƯỢC CHĂM SÓC Y TẾ-

CÁC VĂN BẢN QUỐC TẾ

Tù nhân, dù họ phạm tội gì, vẫn có quyền hưởng những quyền lợi căn bản của một con người, trong đó có quyền được hưởng một sức khoẻ thể chất và tinh thần tốt nhất. Những văn bản quốc tế đặc biệt giải thích rõ ràng thế nào là nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của nhân viên quản lý trại giam.

Những nguyên tắc cơ bản liên quan tới việc đối xử với tù nhân, Nguyên tắc 4:

“Trại giam có trách nhiệm trông coi tù nhân và bảo vệ xã hội chống lại các tội phạm, trong khuôn khổ phù hợp với các mục tiêu xã hội khác của Nhà nước và các trách nhiệm cơ bản khác của Nhà nước nhằm mang lại một đời sống lành mạnh và phát triển cho mọi thành viên trong xã hội”

Những nguyên tắc căn bản liên quan tới việc đối xử với tù nhân, Nguyên tắc 9:

« Tù nhân được tiếp cận những dịch vụ y tế có trên toàn quốc, không phân biệt tư cách pháp nhân. »

Bộ qui tắc bảo vệ những người bị đặt dưới bất kỳ sự giam giữ hoặc bị tù, Qui tắc 24:

« Bất kỳ ngưòi bị giam hay tù nhân nào sau khi bị đưa tới nơi giam giữ, đều phải được kiểm tra sức khỏe trong thời hạn sớm nhất, sau đó phải được chăm sóc và điều trị y tế miễn phí khi họ có nhu cầu. »

Bộ qui tắc tối thiểu về đối xử với tù nhân, Qui tắc 22:

(1) Mỗi trại giam phải có ít nhất 1 bác sĩ có tay nghề, có kiến thức về tâm lý. Bộ phận y tế trại giam phải hợp tác chặt chẽ với cơ quan y tế cấp địa phương hay cấp quốc gia và phải có chuyên khoa tâm lý để chẩn đoán, và nếu cần, điều trị những trường hợp bất thường về tâm thần.

(2) Đối với những người bệnh cần chăm sóc y tế, phải dự kiến chuyển họ tới những bệnh viện chuyên môn của trại giam hoặc tới bệnh viện dân sự. Trong trường hợp điều trị ngay tại trong trại giam thì phòng y tế phải có trang thiết bị, dụng cụ và dược phẩm cho phép chăm sóc và điều trị phù hợp cho tù nhân và nhân viên phải được đào tạo nghiệp vụ đầy đủ.

(3) Mọi tù nhân phải được chăm sóc nha khoa tốt.

Bộ qui tắc tối thiểu về việc đối xử với tù nhân, Qui tắc 25:

(1) Bác sĩ chịu trách nhiệm giám sát sức khoẻ thể chất và tinh thần của tù nhân. Hàng ngày, bác sĩ phải đi thăm khám tất cả các tù nhân đang bị ốm, tất cả những tù nhân báo mệt và những ai mà bác sĩ thấy cần phải lưu ý.

Bộ qui tắc tối thiểu về việc đối xử với tù nhân, Qui tắc 62:

“Các bộ phận y tế trại giam phải phát hiện và chăm sóc mọi sự giảm sút hoặc bệnh tật về thể chất hoặc tinh thần có thể gây trở ngại trong việc xếp loại tù nhân. Mọi chăm sóc y tế, phẫu thuật và tâm lý mà bác sĩ thấy cầnthiết phải được áp dụng vì mục đích này.”

Những qui định y đức áp dụng đối với nhân viên y tế, đặc biệt với các bác sĩ trong việc bảo vệ tù nhân và người bị giam giữ khỏi bị cực hình, hành hạ hoặc đối xử thô bạo, phi nhân tính hoặc làm mất phẩm giá, Qui định thứ nhất :

“Nhân viên y tế, nhất là bác sĩ chịu trách nhiệm chăm sóc tù nhân và người bị giam giữ phải bảo vệ sức khoẻ thể chất và tinh thần cho họ, và trong trường hợp họ bị ốm phải chăm sóc họ tốt và theo đúng chuẩn mực như chăm sóc những người không bị giam cầm.”

ÁP DỤNG THỰC TẾ

Tù nhân phải được hưởng sự chăm sóc bình đẳng

Trong chừng mực có thể, tù nhân phải có quyền được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà những người bình thường được hưởng. Trong phần lớn các hệ thống tư pháp, việc điều trị chuyên khoa thường bị hạn chế, trong khi điều trị y tế thông thường được thực hiện ngay tại trại giam, hay trong phòng y tế của trại giam. Mọi chăm sóc y tế hay y tá do bộ phận chuyên trách của trại giam phải ngang bằng về chất lượng như đối với cộng đồng cư dân bên ngoài.

Chăm sóc y tế tổng quát

Tối thiểu, bộ phận y tế chuyên trách trong mỗi trại giam phải đảm bảo:

–   Kiểm tra sức khoẻ ngay khi tù nhân được chuyển đến;

–   Chăm sóc cấp cứu;

–   Cơ sở vật chất được trang bị một cách phù hợp để phục vụ khám chữa bệnh chotù nhân;

–   Có đủ số thuốc do các hãng dược phẩm uy tín cung cấp;

–   Có trang thiết bị về liệu pháp vật lý và phục hồi sau điều trị;

–   Bác sĩ có thể xác định các chế độ điều trị đặc biệt khi cần thiết.

Các bộ phận chức năng phải đảm bảo chăm sóc y tế tổng quát bất cứ lúc nào và không chậm trễ trong trường hợp cấp cứu (Qui định tối thiểu số 52).

“Bốn tù nhân có kết quả xét nghiệm dương tính đã kiện lên toà án tối cao của Nam Phi năm 1997, họ và những người cũng bị dương tính khác cùng bị giam giữ khẳng định không được chăm sóc y tế phù hợp với sức khoẻ của họ, thậm chí không có cả thuốc đặc trị như AZT. Tuy nhiên, họ cho biết đã được điều trị miễn phí. Vụ phụ trách Sửa đổi cho rằng ngân sách lúc đó không cho phép có được chất lượng chăm sóc tốt hơn. Sau đó, thẩm phán đã ra phán quyết có lợi cho những tù nhân rằng họ phải được điều trị y tế một cách thích hợp và mọi chi phí do nhà nước chi trả.” [1]

Quan hệ với các cơ quan y tế công cộng

Xét mọi khía cạnh của việc chăm sóc y tế, các bộ phận chức trách của trại giam phải thiết lập và duy trì những mối liên hệ chặt chẽ vớicác cơ sở chăm sóc y tế bên ngoài trại giam. Điều đó không những cho phép liên tục duy trì công tác chăm sóc mà còn cho phép tù nhân và nhân viên tiếp cận chất lượng điều trị cao, các chuẩn mực nghề nghiệp và các chương trình đào tạo.

“Chiểu theo báo cáo của Hội đồng cấp cao về sức khoẻ cộng đồng năm 1993 trong đó nêu những vấn đề y tế trong trại giam, luật tháng 1 năm 1994 đã chuyển trách nhiệm chăm sóc y tế trong trại giam trước đây từ bộ Tư pháp, cơ quan phụ trách các trại giam ở Pháp, sang cho các bệnh viện công. Mục đích của việc thay đổi này là buộc phải đảm bảo mức độ chăm sóc tù nhân tốt như mức độ dành cho những người bình thường. Để đảm bảo được tiếp cận dịch vụ chăm sóc, bước đầu là tự động ghi danh tù nhân vào quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế và thai sản.”

Chăm sóc y tế miễn phí

Một qui tắc quan trọng là mọi chăm sóc và điều trị y tế cần thiết trong trại giam phải được miễn phí (Bộ qui tắc của Liên hiệp quốc, qui tắc 24). Điều này đòi hỏi các cơ quan tư pháp phải lưu ý trong trường hợp việc chăm sóc y tế miễn phí bị hạn chế trong xã hội dân sự. Đó có thể là một vấn đề đặc thù khi có một số lượng lớn tù nhân có án dài hạn đề nghị được điều trị tốn kém những bệnh nan y hoặc ở giai đoạn cuối. Các bộ phận của trại giam phải có biện pháp phù hợp, dựa trên nhu cầu của tù nhân, làm sao để việc điều trị cần thiết không bị hạn chế vì lý do chi phí cao, hay đơn giản chỉ vì người bệnh là tù nhân.

Kiểm tra sức khoẻ lần đầu

Kiểm tra sức khoẻ lần đầu khi nhập trại giam được nêu ở chương 3 cuốn sách này. Có nhiều lý do đòi hỏi phải khám sức khoẻ cho tù nhân ngay khi nhập trại :

–   Cho phép nhân viên y tế phát hiện những vấn đề về sức khoẻ đang tồn tại và có hướng điều trị phù hợp;

–   Cho phép có một sự hỗ trợ thích hợp đối với những người nghiện đang bị thiếu thuốc;

–   Cho phép xác định những vết thương phải chịu trong giai đoạn giam giữ trước nếu có;

–   Cho phép đánh giá tình trạng tinh thần của tù nhân và trợ giúp thích hợp những người có nguy cơ trầm trọng.

Có thể bác sĩ không thể khám ban đầu cho tù nhân ngay khi nhập trại giam. Bộ phận chuyên trách của trại giam phải làm sao để mỗi tù nhân được một y tá có chuyên môn cao khám, để sau đó báo cho người phụ trách về y tế trại giam mọi nghi vấn về sức khoẻ tù nhân.

Trong quá trình làm thủ tục nhập trại giam, phải cung cấp cho tù nhân mọi thông tin rõ ràng về cách thức chăm sóc y tế trong trại giam cũng như các bước phải làm để yêu cầu được khám bệnh.

Bộ phận y tế chuyên khoa

Ngoài việc chăm sóc sức khoẻ đa khoa, nha khoa và tâm lý, trại giam cũng phải tổ chức khám chuyên khoa và chăm sóc y tế ngoài trại giam. Vì vậy, trại giam cần phải có quan hệ chặt chẽ với các cơ sở y tế bên ngoài vì không phải lúc nào bộ phận y tế của trại giam cũng có thể khám chữa các bệnh chuyên khoa.

Khi lên kế hoạch chăm sóc chuyên khoa, cần lưu ý đặc biệt đến nhu cầu của những nhóm tù nhân dễ bị tổn thương như tù nhân nữ và người lớn tuổi.

Việc khám chữa bệnh chuyên khoa thường kéo theo việc di chuyển tù nhân. Những người quản lý trại giam phải đảm bảo áp dụng các biện pháp phù hợp để di chuyển tù nhân và không làm chậm trễ việc điều trị hoặc không gây thêm phiền toái cho tù nhân. Các điều kiện chuyên chở phải phù hợp với tình hình sức khoẻ tù nhân.

Khi nào tù nhân được chăm sóc ở bệnh viện

Đôi khi, tù nhân mắc bệnh phải điều trị ở bệnh viện. Có nhiều cách để đáp ứng dịch vụ này. Nhiều trại giam xây dựng bệnh viện ngay trong trại giam để có thể điều trị các trường hợp ít nguy hiểm nhưng đòi hỏi việc thăm khám ở cơ sở bên ngoài. Trong những trường hợp khác, vấn đề an toàn được tính đến bằng cách thiết lập các cơ sở trại giam đặc biệt ngay trong bệnh viện dân sự. Thông thường, tù nhân có thể được điều trị ngay khi đi khám ở ngoài trại giam, trong các bệnh viện dân sự. Trong trường hợp này, phải tính đến biện pháp an toàn cho phù hợp, nhất là đối với tù nhân nữ sắp sinh con và tù nhân mắc bệnh giai đoạn cuối. CPT nhấn mạnh trong báo cáo lần thứ 3 như sau:

“Tù nhân được đưa đến bệnh viện để điều trị không buộc phải bị trói vào giường hay các động sản khác vì lý do an toàn” [2]

-MÔI TRƯỜNG TRONG SẠCH-

CÁC VĂN BẢN QUỐC TẾ

Ngoài việc chăm sóc tù nhân bị đau ốm, những người quản lý trại giam phải đảm bảo điều kiện giam giữ không gây hại cho sức khoẻ thể xác và tinh thần của tù nhân.

Bộ qui tắc tối thiểu liên quan đến đối xử với tù nhân, Qui định 10:

Các cơ sở giam giữ và đặc biệt là phòng giam tù nhân về ban đêm phải đáp ứng những yêu cầu vệ sinh phù hợp với khí hậu và cụ thể là thể tích không khí, diện tích tối thiểu, ánh sang, sưởi ấm và độ thoáng khí.

Bộ qui tắc tối thiểu liên quan đến đối xử với tù nhân, Qui định 12:

Khu vệ sinh phải đảm bảo tiêu chuẩn cho phép tù nhân đi vệ sinh vào bất cứ lúc nào, một cách sạch sẽ và kín đáo.

Bộ qui tắc tối thiểu liên quan đến đối xử với tù nhân, Qui định 13:

Phòng tắm phải đủ để mỗi tù nhân có thể tắm ngay và sử dụng ở nhiệt độ phù hợp với khí hậu, và thường xuyên được vệ sinh, tuỳ theo mùa và vùng địa lý, nhưng ít nhất một tuần một lần đối với khí hậu ôn đới.

Bộ qui tắc tối thiểu liên quan đến đối xử với tù nhân, Qui định 26:

(1) Bác sĩ của trại giam phải thanh tra thường xuyên và khuyến nghị giám thị trại giam những điểm sau :

a)    Số lượng, chất lượng, cách chế biến và phân chia khẩu phần ăn;

b)    Tình trạng vệ sinh của trại giam và tù nhân;

c)     Xây nhà vệ sinh, thiết bị sưởi ấm, ánh sang và thông hơi của trại giam;

d)    Chất lượng và vệ sinh sạch sẽ quần áo và chăn màn giường nằm của tù nhân;

e)     Giám sát các qui định về giáo dục thể chất và thể thao khi việc này được tiến hành bởi một nhân viên không chuyên.

ÁP DỤNG THỰC TẾ

Ảnh hưởng của môi trường giam giữ

Nhà nước có nghĩa vụ tuyệt đối trong việc duy trì, và nếu có thể, phục hồi sức khoẻ của những người đang bị giam giữ.

Điều kiện ăn ở trong phòng giam ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và sự thoải mái của những người tù. Trại giam phải đảm bảo những tiêu chuẩn thích hợp để không ảnh hưởng đến sức khoẻ và vệ sinh của người tù. Các điều kiện vật chất đời sống, thực phẩm, vệ sinh và nhà vệ sinh phải được thiết kế sao cho giúp được những người ốm phục hồi sức khoẻ và ngăn lây lan bệnh.

Nhiều cơ quan tư pháp phải đối mặt với những vấn đề như quá tải trong khi thiếu trầm trọng các nguồn lực là một cản trở lớn trong việc tạo ra môi trường trong lành trong trại giam. Diện tích mặt sàn cho mỗi tù nhân cũng như tiếp cận với ánh sang tự nhiên và không khí mát là những yếu tố tác động lớn đến việc lây lan bệnh truyền nhiễm và sức khoẻ tinh thần người tù. Trong báo cáo năm 2001 khi đến thăm Maldova, CPT cho rằng ánh sáng tự nhiên và khí thoáng mát là những quyền cơ bản của mỗi người tù và biểu dương vì không còn những cảnh tranh giành nhau cửa sổ ở một vài trại giam mà họ đến thăm.[3]

Bệnh truyền nhiễm

Các bệnh truyền nhiễm ngày nay là một vấn đề lớn đối với các trại giam. Tại một vài nước Đông Âu và Trung Á, bệnh lao đã đạt mức độ thành một dịch bệnh trong khi đó bệnh AIDS đang lây lan nhanh chóng. Ở một vài vùng châu Phi, một số lớn tù nhân mắc bệnh AIDS. Nhiều trại giam bắt đầu tấn công với các dịch bệnh này bằng cách phát động các chương trình phát hiện và điều trị bệnh, thông qua việc hợp tác với các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

“Ủy ban quốc tế Chữ thập đỏ kết hợp với bộ Nội vụ và bộ Y tế đã phát động chương trình kiểm soát bệnh lao phổi trong các trại giam ở Grudia năm 1998. Trong chương trình này:

§ Làm các xét nghiệm phát hiện bệnh đối với tù nhân;

§ Khu trại mắc bệnh lao phổi trong trại giam được nâng cấp để tạo môi trường làm việc an toàn và điều kiện sống tốt hơn cho tù nhân;

§ Bác sĩ và y tá được tập huấn;

§ Tiến hành điều trị DOTS.

Chương trình này cho thấy tỉ lệ khỏi bệnh cao trong số những người tù mắc bệnh được điều trị.[4]

Thông tin cho nhân viên về sự lây nhiễm bệnh

Ở những nơi xuất hiện hiện tượng lây lan bệnh cao, các trại giam phải lập chương trình tập huấn nhân viên liên quan về lây nhiễm bệnh và các hình thức bảo vệ để cho phép họ làm việc một cách bình thường. Ở một vài nước, nhân viên trại giam còn được tiêm phòng bệnh viêm gan miễn phí.

Bệnh tinh thần

Các điều kiện giam giữ ảnh hưởng lớn đến sự thoải mái về tinh thần người tù. Các trại giam phải tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến tinh thần tù nhân đồng thời thiết lập cơ chế giám sát loại tác động xấu này đến người tù. Các trại giam phải có biện pháp phát hiện sớm những người tù có nguy cơ tự sát thương hoặc có ý định tự tử. Nhân viên trại giam phải được đào tạo đầy đủ cách thức phát hiện nguy cơ tự sát thương. Khi được báo có người tù có bệnh tinh thần thì không được giam những tù nhân này trong trại giam mà phải chuyển họ đến cơ sở điều trị bệnh tinh thần có trang bị đầy đủ.

Giám sát điều kiện chung của trại giam

Các văn bản quốc tế qui định bắt buộc nhân viên y tế trại giam phải sử dụng kinh nghiệm nghề nghiệp để phát hiện tất cả những điều kiện có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và vệ sinh của tù nhân. Nhân viên y tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm cho mọi người hiểu rằng chăm sóc sức khoẻ không chỉ bao gồm điều trị mà còn tạo ra môi trường trong sạch và rằng để có được điều đó đòi hỏi sự hợp tác của mọi người sống và làm việc trong trại giam. Điều này đặc biệt khó khi thiếu các nguồn lực.

-CHĂM SÓC CHO TỪNG TÙ NHÂN-

CÁC VĂN BẢN QUỐC TẾ

Mỗi tù nhân (với tư cách cá nhân) đều có quyền được khám sức khoẻ định kỳ và được bảo mật ở mức độ tối thiểu giống như thông lệ trong xã hội. Mọi chẩn đoán và điều trị y tế phải dựa trên nhu cầu cá nhân của tù nhân chứ không xuất phát từ nhu cầu của trại giam.

Bộ qui tắc tối thiểu liên quan đến đối xử với tù nhân, Qui tắc 25:

(1)             “Bác sĩ có nhiệm vụ giám sát sức khoẻ thể xác và tinh thần của tù nhân, hàng ngày phải thăm khám các tù nhân bị ốm, tất cả những tù nhân báo mệt và những ai mà bác sĩ thấy cần phải lưu ý.”

Bộ qui tắc tối thiểu liên quan đến đối xử với tù nhân, Qui tắc 62:

“Các bộ phận y tế trại giam phải phát hiện và chăm sóc mọi sự giảm sút hoặc bệnh tật về thể xác hoặc tinh thần có thể gây trở ngại trong việc xếp loại tù nhân. Mọi chăm sóc y tế, phẫu thuật và tâm lý mà bác sĩ thấy cần thiết phải được áp dụng vì mục đích này.”

ÁP DỤNG THỰC TẾ

Quyền được khám sức khoẻ

Các trại giam phải có biện pháp để đảm bảo những tù nhân bị ốm hoặc lo lắng về sức khoẻ, có thể được một bác sĩ có tay nghề khám hàng ngày. Các điều kiện khám bệnh phải đảm bảo tôn trọng nhân phẩm của tù nhân và tính bảo mật. Khi thấy cần an toàn, có thể cho phép khám dưới sự chứng kiến của người phụ trách về y tế trại giam nhưng quản giáo thì không được phép.

Tôn trọng cuộc sống riêng tư

Các điều kiện khám bệnh cho tù nhân phải tương tự như những gì diễn ra trong xã hội.Trong điều kiện có thể, quá trình khám bệnh phải diễn ra trong phòng khám được trang bị phù hợp, không được tiến hành với sự có mặt của một nhóm tù nhân khác hoặc những người không phải là nhân viên y tế.

Bảo mật

Quyền bảo mật cũng đòi hỏi tù nhân không phải trình bày yêu cầu gặp bác sĩ với nhân viên khác của trại giam. Tù nhân không bao giờ phải nói rõ lý do xin khám bệnh. Thủ tục phải làm để được khám bệnh cần phải được giải thích rõ ràng với tù nhân ngay khi họ nhập trại giam.

Hồ sơ y tế

Hồ sơ y tế cá nhân của tù nhân phải được bác sĩ lưu giữ và không được tiết lộ nếu không có sự đồng ý trước bằng văn bản của tù nhân. Ở một vài nước, bộ phận y tế trại giam chịu sự quản lý của y tế dân sự. Hơn nữa, tù nhân cũng có những quyền đã được nêu trong « Quyền được chăm sóc y tế » trên đây, những thủ tục như vậy cũng cho phép hiểu rõ rằng các hồ sơ sức khoẻ của tù nhân không nằm trong hồ sơ chung của trại giam.

Điều trị

Sau khi khám bệnh và chẩn đoán, tù nhân phải được điều trị tốt nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho sức khoẻ tù nhân. Quyết định cho tù nhân điều trị bệnh không được dựa trên giá thành của việc điều trị hay sự thuận tiện cho bộ phận liên quan của trại giam.

Điều trị trước và sau khi kết án

Ngoài việc theo dõi các vấn đề về sức khoẻ nảy sinh trong tù, các bác sĩ còn phải thiết lập các quy trình cho phép phát hiện các vấn đề về sức khoẻ phát sinh từ trước và có biện pháp xử lý cũng như phải hợp tác cùng các cơ quan y tế bên ngoài trại giam.

Tù nhân mắc bệnh ở giai đoạn cuối

Ở một vài nước, các tù nhân mắc bệnh ở giai đoạn cuối có thể được phóng thích sớm hơn thời hạn tù. Mọi chẩn đoán hoặc lời khuyên của nhân viên y tế trại giam phải dựa trên đánh giá chuyên môn và phải vì quyền lợi của người tù. Nhân viên trại giam phải xem xét và đánh giá những rủi ro của việc phóng thích trước thời hạn này.

« Chỉ thị của Tổ chức Y tế thế giới về lây nhiễm HIV và AIDS trong trại giam, Genève, tháng 3/1993 :

51. « Nếu phù hợp với đánh giá về an toàn và với các thủ tục tư pháp, tù nhân mắc bệnh AIDS giai đoạn cuối, trong chừng mực có thế, được phóng thích sớm hơn thời hạn vì mục đích nhân đạo, tạo điều kiện cho họ đoàn tụ với gia đình và bạn bè và để họ ra đi trong tự do và có phẩm cách. »

-NHÂN VIÊN Y TẾ-

CÁC VĂN BẢN QUỐC TẾ

Mỗi trại giam phải có số lượng nhân viên y tế đủ để chăm sóc số lượng tù nhân đang bị giam giữ.

Bộ qui tắc tối thiểu liên quan đến đối xử với tù nhân, Qui tắc 22:

(1) « Mỗi trại giam phải có ít nhất 1 bác sĩ có kiến thức về bệnh tinh thần. Bộ phận y tế trại giam phải hợp tác chặt chẽ với cơ quan y tế cấp địa phương hay cấp quốc gia và phải có chuyên khoa tâm thần để chẩn đoán và nếu cần, điều trị những trường hợp bất thường về tâm thần.

(3) Mọi tù nhân phải được chăm sóc nha khoa. »

Bộ qui tắc tối thiểu liên quan đến đối xử với tù nhân, Qui tắc 49:

(1) « Trong chừng mực có thể, các nhân viên phải được hỗ trợ bởi một số lượng nhất định bác sĩ chuyên khoa, như tâm thần, tâm lý, trợ lý chuyên nghành xã hội, giáo viên, kỹ thuật viên. »

ÁP DỤNG THỰC TẾ

Qui tắc y đức đối với nhân viên y tế trại giam

Năm 1979, Hội đồng quốc tế các bộ phận y tế trại giam đã thông qua Quy tắc đạo đức, còn gọi là Lời tuyên thệ Athènes, qua đó nhân viên y tế cam kết :

« … Theo tinh thần của Lời tuyên thệ Athènes, chúng tôi cam kết hết mình chăm sóc sức khoẻ cho tù nhân không phân biệt lý do, không thành kiến và phù hợp với đạo đức nghề nghiệp.

Chúng tôi công nhận tù nhân có quyền được chăm sóc sức khoẻ tốt nhất có thể.

Chúng tôi cam kết:

1.     Không cho phép mình hoặc để cho người khác tiến hành mọi sự trừng phạt về thể xác.

2.     Không tham gia vào bất cứ hình thức hành hạ nào.

3.     Không tiến hành bất kỳ hình thức thử nghiệm y học nào trên tù nhân nếu không có sự đồng ý với ý thức đầy đủ của tù nhân về việc này.

4.     Đảm bảo bí mật mọi thông tin thu nhận được trong quá trình khám bệnh cho người tù bị ốm.

5.     Những chẩn đoán của chúng tôi dựa trên nhu cầu của bệnh nhân và được ưu tiên trên hết so với mọi vấn đề khác ngoài chuyên môn. »

Chăm sóc tương đồng

Các trại giam phải đảm bảo để mọi tù nhân được chăm sóc bởi các bác sĩ có tay nghề, đủ về số lượng, có chuyên môn cần thiết để xử trí tình huống. Các bộ phận y tế trại giam cần có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ sở y tế dân sự. Mọi nhân viên y tế trại giam phải có những phẩm chất phù hợp, ít nhất phải ngang bằng với vị trí tương đương ở bệnh viện dân sự bên ngoài trại giam. Do đó lương và điều kiện làm việc của họ cũng phải tương đương với bên ngoài.

Tù nhân với tư cách là bệnh nhân

Các qui tắc y đức do Liên hiệp quốc đề ra bắt buộc mọi nhân viên y tế, nhất là các bác sĩ, phải bảo vệ sức khoẻ thể xác và tinh thần cho tù nhân và phải điều trị cho người ốm. Ưu tiên trong công việc của họ là sức khoẻ của người tù chứ không phải là công tác quản lý trại giam. Lời tuyên thệ Athènes nêu trên tuyên bố rõ ràng rằng những chẩn đoán của bác sĩ phải dựa trên nhu cầu của bệnh nhân và được ưu tiên trên hết so với mọi vấn đề khác ngoài chuyên môn y khoa.

Các nhân viên y tế trại giam không nằm trong cơ cấu nhân viên trật tự và hành chính của trại giam. Ở một vài trại giam mà nhân viên y tế chịu sự điều hành của giám thị trại giam, thì số nhân viên này phải được tổ chức theo một cơ cấu độc lập với trại giam.

Một số trường hợp nhân viên y tế phải phân biệt rõ đòi hỏi của giám thị trại giam và y đức chăm sóc người bệnh. Nhiều ví dụ cụ thể và những phản ứng thích hợp của nhân viên y tế trong những tình huống này được nêu dưới đây.

Trợ giúp nhân viên y tế

Các cơ quan quản lý trại giam phải đảm bảo để nhân viên y tế trại giam được trợ giúp và được tham gia tập huấn cần thiết liên quan đến những yêu cầu đặc thù nghề nghiệp và những tiến bộ khoa học. Thường khó tìm đủ nhân viên y tế có tay nghề chấp nhận làm việc trong môi trường trại giam. Các cơ quan quản lý trại giam phải đảm bảo chuyên môn của họ không bị huy động làm các công việc không phù hợp, bằng cách trợ giúp cho họ khi cần thiết.

Trợ giúp y tá trại giam

Hội đồng y tá quốc tế đã công bố vào năm 1998 quan ®iÓm khẳng định rằng các hiệp hội y tá quốc gia phải đảm bảo sao cho y tá làm việc trong các trại giam được tiếp cận với các cơ sở tư vấn cá nhân và bảo mật, ngoài ra các y tá này còn được trợ giúp (Vai trò của y tá trong chăm sóc tù nhân và người bị giam giữ, Hội đồng Y tá Quốc tế, 1998).

Tài liệu về tra tấn

Năm 1999, Liên minh các hiệp hội nghề nghiệp và bảo vệ nhân quyền và các cá nhân làm việc trong lĩnh vực này đã xây dựng một bộ quy tắc tư liệu về tra tấn và đối xử tồi tệ, được gọi là Nghi thức Istanbul [Sách hướng dẫn để điều tra hiệu quả về việc tra tấn và hành hạ hoặc đối xử tàn bạo, phi nhân tính hoặc hạ thấp nhân phẩm (Nghi thức Istanbul), 1999]

Khám xét thân thể

Năm 1993, Hiệp hội Y tế Thế giới đã ra một tuyên bố liên quan đến việc khám xét người tù. Tuyên bố nêu rõ nhiều điểm trong đó buộc bác sĩ đang chăm sóc sức khỏe cho tù nhân không được chấp hành mệnh lệnh tham gia vào hệ thống trật tự của trại giam. Khi cần thiết phải tiến hành khám người, việc khám người phải do một bác sĩ khác không trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho tù nhân này tiến hành. [Tuyên bố của Hiệp hội Y tế Thế giới về khám xét thân thể tù nhân, Hiệp hội Y tế Thế giới, 1993]

Tuyệt thực

Năm 1991 và 1992, Hiệp hội Y tế Thế giới thông qua các chỉ thị dành cho các bác sĩ tham gia chăm sóc tù nhân tuyệt thực. Bên cạch nhiều điểm khác, chỉ thị này nhấn mạnh tầm quan trọng của tính đồng thuận và kín đáo trong mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, những quyết định can thiệp hay không can thiệp y khoa phải do chính bác sĩ quyết định, không chịu ảnh hưởng của người thứ ba không xuất phát từ quyền lợi sức khỏe của bệnh nhân. [Tuyên bố Malte của Hiệp hội Y tế Thế giới về người tuyệt thực, Hiệp hội Y tế Thế giới, 1991, 1992]

Tham gia vào thi hành án tử hình

Năm 1981 và một lần nữa vào năm 2000, Hiệp hội Y tế Thế giới đã đi đến kết luận rằng việc bác sĩ tham gia vào thi hành án tử hình, dù ở hình thức nào hay giai đoạn nào, cũng trái với y đức. [Nghị quyết của Hiệp hội Y tế Thế giới về tham gia vào thi hành án tử hình, Hiệp hội Y tế Thế giới, 1981, 2000]

Đào tạo kiến thức y tế cho nhân viên

Bản chất của cộng đồng trại giam như nêu ở trên đòi hỏi phải có một dịch vụ y tế đầy đủ, do vậy các cơ quan quản lý trại giam cũng phải đảm bảo các nhân viên trại giam phải có kiến thức cơ bản về sức khỏe. Khi có tai nạn xảy ra trong tù và khi có một tù nhân cần chăm sóc thì thường là các nhân viên bình thường đến hiện trường đầu tiên và họ phải làm sơ cứu. Do vậy, họ phải được đào tạo cơ bản để làm công việc chăm sóc này.

1 Các văn bản quốc tế về Nhân quyền của Liên hiệp quốc, HCR/Gen I/Rev.5,26/4/2001
[1] Van Biljon chất vấn Bộ trưởng phụ trách Sửa đổi 1997 SACR 50 (C)

[2] Hội đồng châu Âu, báo cáo thứ 3 về hoạt động của CPT giai đoạn từ  1/1 đến 31/12/1992, CPT (93) khổ 12
[3] CPT Báo cáo gửi chính phủ Cộng hoà Moldova về chuyến thị sát từ 10 đến 22/6/2001 tại Moldova của Uỷ ban châu Âu về phòng chống tra tấn, hành hạ và đối xử phi nhân đạo hoặc hạ nhục [CPT/Inf (2002) 11 khổ 82 và 85]
[4] Được nêu trong tạp chí Prison Healthcare News, số 1, mùa xuân 2002, ICPS, King’s college, Luân-đôn.