QUẢN LÝ TRẠI GIAM TRÊN TINH THẦN TÔN TRỌNG QUYỀN CON NGƯỜI: CHƯƠNG 8- LIÊN HỆ VỚI THẾ GIỚI BÊN NGOÀI

Cẩm nang dành cho nhân viên trại giam

Andrew Coyle

Centre International d’Etudes Pénitentiaires

Trung tâm Quốc tế nghiên cứu Trại giam

=================================

-BỐI CẢNH –

Quyền được hưởng cuộc sống gia đình

Những người bị giam giữ sẽ mất đi quyền được tự do đi lại, tuy nhiên họ vẫn có những quyền khác với tư cách là một con người. Một trong những quyền quan trọng đó là quyền được liên lạc với gia đình. Đó là một quyền của người tù và cũng là quyền của các thành viên gia đình của họ- những người không bị bỏ tù. Gia đình có quyền được liên lạc với người tù là cha, mẹ, con cái, hay anh chị em của họ. Cơ quan quản lý trại giam phải có trách nhiệm đảm bảo sự liên lạc đó được duy trì và phát triển. Việc xây dựng các qui tắc liên lạc với các thành viên gia đình (có quan hệ gần) phải dựa trên nguyên tắc này. Do đó, việc hạn chế hay cắt quyền được thăm thân nhân không được phép sử dụng như một biện pháp trừng phạt, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Những văn bản quốc tế cơ bản về quyền con người qui định rất cụ thể về quyền này :

Tuyên ngôn toàn thế giới về Quyền con người, Điều 12:

« Không ai phải chịu sự can thiệp tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hay thư tín… »

Công ước quốc tế về Quyền dân sự và chính trị, Điều 23:

« Gia đình là một thành phần tự nhiên và cơ bản của xã hội và có quyền được xã hội và Nhà nước bảo vệ. »

Các quyền này cũng liên quan đến tù nhân. Năm 1979, Toà án châu Âu về quyền con người đã đưa ra kết luận cho phép những người tù được phép kết hôn trong tù. [1]

Do vậy, phải có biện pháp tốt nhất có thể để duy trì liên hệ giữa tù nhân và gia đình họ. Trách nhiệm này không chỉ là hệ quả từ quyền được hưởng cuộc sống gia đình như nêu trong các văn bản quốc tế về quyền con người mà còn từ điều 10 Công ước quốc tế về Quyền dân sự và chính trị :

« Bất kỳ ai bị tước đoạt quyền tự do vẫn được đối xử nhân đạo và được tôn trọng nhân phẩm tự thân của con người »

Do vậy, những biện pháp nhằm đảm bảo tốt nhất mối liên hệ với gia đình phải là nhiệm vụ trong hệ thống cư xử với tù nhân một cách nhân đạo.

Giam giữ gần gia đình

Việc đảm bảo duy trì mối liên hệ với gia đình tù nhân đòi hỏi cơ quan quản lý trại giam phải tuân thủ một số yêu cầu. Trước tiên, vấn đề này cần phải được tính đến khi xây dựng hệ thống trại giam và tiếp theo là việc lựa chọn trại giam cho người bị bắt, bị kết án. Việc lựa chọn trại giam gần nơi ở của tù nhân cũng mang lại những tác động văn hoá đến tù nhân và tạo thuận lợi cho việc thăm nom của gia đình. Vì nhiều tù nhân thường xuất thân từ những hoàn cảnh bị gạt bỏ hoặc nghèo khổ, nên chi phí đi lại có thể trở thành sự cản trở việc thăm nuôi của gia đình họ. Ở những nước mà tù nhân phải phụ thuộc vào gia đình để có quần áo, thực phẩm, thuốc và các đồ thiết yếu khác thì việc nhà tù gần chỗ ở của gia đình là đặc biệt quan trọng.

Về thăm gia đình

Chúng ta cũng cần phải nỗ lực để thiết lập và phát triển một hệ thống cho phép tù nhân được về thăm gia đình trong những khoảng thời gian ngắn. Nếu không có nguy hiểm cho xã hội hoặc cho các thành viên trong gia đình, cần phải cho phép tù nhân về thăm gia đình như một hình thức trả tự do tạm thời. Những tù nhân án ngắn hoặc án dài nhưng sắp mãn hạn là những trường hợp phù hợp nhất để áp dụng. Nhưng trong một vài trường hợp cần phải rất thận trọng khi cho phép tù nhân (chưa mãn hạn tù) rời khỏi nhà tù cho dù ngắn hạn. Việc quyết định hình thức này phải dựa trên đánh giá cá nhân và phải thận trọng đối với các rủi ro, được nêu chi tiết ở Chương 5 của cuốn cẩm nang này.

Gia đình đến thăm

Các thành viên gia đình và bạn bè của tù nhân phải được đến thăm họ trong trại giam. Việc gặp mặt phải diễn ra trong điều kiện tự nhiên cho phép của nhà tù và phải đảm bảo tính riêng tư tối đa có thể. Không bao giờ được quên rằng việc thăm thân này không phải là một ơn huệ mà là một quyền cơ bản của con người. Mọi hạn chế liên quan đến tần suất hay điều kiện diễn ra việc thăm viếng phải được giải trình rõ trong từng trường hợp. Nguyên tắc chung là phải tạo điều kiện tối đa và tốt nhất có thể cho việc đến thăm thân của gia đình người tù.

Phụ nữ và trẻ em

Phụ nữ ở tù phải được đặc biệt quan tâm vì trong hầu hết các xã hội, phụ nữ là người có trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy con cái và khi phụ nữ bị tù thường phải xa con. Khi một người mẹ bị tù, họ thường rất lo lắng về những biện pháp liên quan đến việc nuôi con. Trẻ con cũng rất bối rối và mất phương hướng. Vì sự an tâm của các bà mẹ và con trẻ, và để hướng tới việc quản lý tốt nhà tù, nhân viên nhà tù phải làm hết sức mình để giúp đỡ họ và để những biện pháp đặc biệt được áp dụng nhằm duy trì mối liên hệ giữa các bà mẹ và con cái họ. Chúng ta sẽ quay trở lại vấn đề này ở Chương 13.

Trẻ vị thành niên và cha mẹ họ

Tính dễ tổn thương của trẻ vị thành niên và tù nhân trẻ tuổi cũng cần được đặc biệt quan tâm để gìn giữ những mối quan hệ  có thể mang lại cho họ sự hỗ trợ về thể chất cũng như tinh thần, và sự động viên. Việc cha mẹ họ đến thăm là rất quan trọng. Vấn đề này được đề cập ở Chương 12.

Đối xử với khách đến thăm

Cách đối xử với gia đình tù nhân và khách đến thăm nhà tù ngay từ khi họ đến thường là một biểu hiện cho chất lượng quản lý nhà tù. Cách đối xử này cũng mang nhiều ý nghĩa đối với tù nhân và có thể có tác động tích cực hoặc tiêu cực về an ninh và sự ổn định trong tù.

Thư tín và điện thoại

Ngoài việc thăm thân của gia đình, còn có các hình thức liên hệ khác cũng quan trọng đối với tù nhân. Tù nhân có thể gửi và nhận thư một cách tự do nhất có thể, và khi có thể, họ cũng phải được phép gọi và nhận điện thoại.

Đọc sách, xem ti-vi và nghe đài

Tù nhân cũng có quyền được thông tin về những sự kiện đang diễn ra ngoài xã hội, trong cộng đồng xuất thân của họ, cũng như trên thế giới. Đó cũng là một cách để giảm tính khác thường của cuộc sống trong tù và đảm bảo cho tù nhân không bị tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Vì những lý do này, tù nhân phải được tiếp cận sách, báo, tạp chí, đài, ti-vi khi có thể.

Tù nhân người nước ngoài

Xu hướng sẽ ngày càng có nhiều tù nhân quốc tịch nước ngoài. Tất cả những quyền lợi đã được đề cập cũng đều áp dụng đối với tù nhân quốc tịch nước ngoài. Trại giam phải đảm bảo áp dụng những biện pháp đặc biệt để những tù nhân nhóm này không bị mất liên lạc với gia đình và nền văn hoá riêng của họ.

THĂM THÂN, THƯ TÍN VÀ ĐIỆN THOẠI

CÁC VĂN BẢN QUỐC TẾ

Bộ các qui định bảo vệ những người bị giam giữ hoặc tù giam, Qui định 18:

« Người thực thi pháp luật có thể cảnh giới cuộc gặp giữa tù nhân và luật sư, nhưng không được phép nghe cuộc trao đổi».

Bộ các qui định bảo vệ người bị giam giữ hoặc bị tù giam, Qui định 19:

« Bất kỳ ai bị giam giữ hoặc bị tù giam đều có quyền được người thân đến thăm, đặc biệt là các thành viên gia đình, được trao đổi thư tín với họ, và có khả năng phù hợp để giao tiếp với thế giới bên ngoài, những điều kiện và hạn chế phải được qui định cụ thể và phù hợp với luật pháp.»

Bộ các qui định bảo vệ người bị giam giữ hoặc bị tù giam, Qui định 20:

« Nếu một người bị giam giữ hoặc bị tù giam đề nghị, trong điều kiện có thể, họ sẽ được chuyển đến một nơi giam giữ hoặc nhà tù phù hợp gần nơi sống thường xuyên của họ trước khi vào tù.»

Bộ các qui tắc tối thiểu về đối xử với tù nhân, Qui tắc 37:

«Tù nhân phải được phép, dưới sự giám sát cần thiết, thông tin với gia đình và với bạn bè tin cậy, một cách đều đặn qua thư tín và thăm gặp.»

Bộ các qui tắc tối thiểu về đối xử với tù nhân, Qui tắc 79:

«Cần phải chú ý đặc biệt tới việc duy trì và cải thiện các mối quan hệ giữa tù nhân và gia đình họ, khi mối quan hệ này mang lại thuận lợi cho cả hai bên.»

ÁP DỤNG THỰC TẾ

Duy trì các mối liên hệ gia đình và cá nhân qua việc thăm thân

Để giới chức trại giam tuân thủ quyền được hưởng cuộc sống gia đình của tù nhân, và nếu giới chức trại giam muốn khuyến khích tù nhân thực hiện những bổn phận mà họ phải gìn giữ đối với vợ hoặc chồng của họ, cha mẹ và con cái họ, thì giới chức trại giam phải lập ra những điều kiện để đảm bảo những cuộc thăm thân đáp ứng nhu cầu của gia đình tù nhân trong một thời gian hợp lý, với một mức độ thân mật không ảnh hưởng tới các yêu cầu chính đáng về an ninh. Việc thăm thân như nêu dưới đây là những hình thức tuân thủ tốt nhất các yêu cầu trên.

Gia đình đến thăm

Ở một vài nước, có các hình thức thăm gặp hoặc thăm dài hạn, dưới những dạng thức khác nhau. Ở Đông Âu hoặc Trung Á, nhiều trại giam hoặc trại hình sự có trang bị những căn hộ nhỏ mà người đến thăm có thể lưu lại tối đa 72 giờ với thành viên gia đình đang bị phạt tù. Căn hộ kiểu này bao gồm bếp, phòng khách, nhà vệ sinh, phòng tắm dùng chung tối đa cho 6 gia đình và một số căn hộ nhỏ gồm 1 đến 2 phòng cho mỗi nhóm. Tù nhân có thể được đón người thân đến thăm tối đa 4 lần một năm trong những căn hộ này. Mỗi lần tối đa có từ 3 đến 4 người đến thăm gồm vợ hoặc chồng, cha hoặc mẹ, ông hoặc bà, con hoặc anh hoặc chị em. Ở Canada và một số nhà tù ở Mỹ, cũng có những căn hộ tương tự ngay trong nhà tù, dưới dạng nhà di động, xung quanh có hàng rào gỗ để đảm bảo tính thân mật. Những tù nhân được đón người thân ở đây, phải đến trình diện vào những giờ qui định trong ngày để kiểm tra an ninh. Không thể coi những cuộc viếng thăm này như là cuộc sống gia đình bình thường, nhưng chúng tạo ra môi trường để các thành viên gia đình có thể gìn giữ, củng cố quan hệ với người thân đang bị tù.

« Ở Rajasthan và một vài bang ở Ấn Độ, có những nhà tù dạng « làng mở » được dành cho những người tù có án dài, đã thụ được một phần án và không nguy hiểm. Họ có thể sống trong những nhà riêng trong các nhà tù này với gia đình họ, và làm các công việc đồng áng hay các lĩnh vực khác ở vùng lân cận. Cũng có trường học và các dịch vụ khác để phục vụ các thành viên gia đình tù nhân ».

Vợ hoặc chồng tới thăm

Việc thăm gia đình nêu trên khác với thăm vợ hoặc chồng được cho phép ở một số trại giam ở Tây Âu, như Đan Mạch, Thuỵ Điển, Hà Lan và Tây Ban Nha. Những cuộc viếng thăm này cho phép tù nhân được ở riêng tối đa trong 3 giờ với vợ hoặc chồng, hoặc người bạn thân của mình, trong một phòng nhỏ có giường, chỗ tắm và một số trang thiết bị vệ sinh. Một hình thức khác kém trang trọng hơn là ở các nước châu Mỹ La tinh, tù nhân nam được phép đón gia đình vào ngày nghỉ cuối tuần. Tù nhân nữ cũng được áp dụng như thế, nhưng chỉ có trong một số nhà tù. Những cuộc viếng thăm này diễn ra ngay trong phòng giam và thường tù nhân phải căng chăn, ga phủ giường lên để tạo khoảng không riêng biệt.

Thăm tập thể

Thực tế có thể không cho phép thường xuyên tổ chức các cuộc viếng thăm gia đình riêng cho tất cả tù nhân. Ở một vài nước, việc thăm này diễn ra trong một phòng lớn chuyên dành cho việc thăm thân. Các phòng kiểu này phải được bố trí đảm bảo cân bằng giữa đòi hỏi về an toàn và nhu cầu duy trì liên hệ với gia đình. Nguyên tắc là phải để người tù và người thân được nói chuyện trực tiếp với nhau, không có vật cản trở. Họ có thể bị ngăn cách bởi một cái bàn. Không được ngăn cản tù nhân tiếp xúc trực tiếp với người thân, trừ khi có những lý do cụ thể. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi người đến thăm là một đứa trẻ đến thăm cha hoặc mẹ. Ở một vài nước, những cuộc đến thăm này bị hạn chế trong khoảng thời gian 15 phút, họ bị ngăn cách ở hai bên bức tường, và phải nói qua một tấm lưới. Những nhà tù kiểu này có thể cải thiện điều kiện các cuộc viếng thăm với chi phí không đòi hỏi quá cao  bằng cách sử dụng các khoảng đất của nhà tù làm nơi thăm gặp và kê ở đó một vài ghế dài và dựng mái che.

Biện pháp áp dụng cho thăm gặp bị can, bị cáo

Quyền được tiếp xúc với gia đình và bạn bè là quyền của tù nhân đang đợi bản án và cả những người đã bị kết án. Có những hoàn cảnh có những quan ngại thực sự cho giới chức như một tù nhân đang đợi bản án có thể tìm cách gây ảnh hưởng tới nhân chứng hoặc chuyển những thông tin vụ án cho người liên đới. Khi đó cần áp dụng những hạn chế viếng thăm trong những trường hợp đó. Tuy nhiên, mỗi trường hợp phải được xem xét thật kỹ trên cơ cở các thông tin rõ ràng.

Giới chức nhà tù không được chấp nhận đề nghị của công an hoặc toà án để hạn chế các điều kiện thăm bị can, bị cáo nhằm gây áp lực đối với người bị giam. Vấn đề này sẽ được đề cập ở Chương 11 cuốn cẩm nang này.

Khám khách đến thăm

Phải thừa nhận rằng trong môi trường nhà tù, có nguy cơ một số khách đến thăm tìm cách mang những đồ dùng phi pháp vào cho tù nhân mà họ đến thăm, kể cả ma tuý hoặc vũ khí. Cần phải có những biện pháp an ninh phù hợp để tránh điều đó xảy ra. Ví dụ, cần phải khám xét tù nhân trước và sau cuộc viếng thăm. Có thể cũng cần phải khám người đến thăm trước khi để họ đi vào khu vực thăm gặp. Cần phải có những biện pháp tuân thủ mọi qui định về an ninh, đồng thời tôn trọng sự riêng tư của người đến thăm. Những qui định của việc này được nghiên cứu ở Chương 5.

Những cuộc thăm gặp khép kín hoặc không có tiếp xúc

Ngay cả sau khi đã áp dụng mọi sự cẩn trọng hợp lý, một số ít tù nhân và người đến thăm vẫn cố tình vi phạm qui định về an ninh. Trong trường hợp này có thể sẽ cần phải dựng hàng rào cách ly ;đây được coi là thăm gặp khép kín hay không có tiếp xúc. Thông thường, sẽ dựng một tấm kính ngăn không cho tiếp xúc, và sẽ phải trao đổi qua điện thoại. Nếu áp dụng những hạn chế này một thời gian dài đối với một tù nhân, chắc chắn những quan hệ bình thường của anh ta sẽ bị tổn thương. Do vậy, biện pháp này chỉ duy nhất được áp dụng khi thực sự cần thiết. Không được tự động áp dụng với những tù nhân đang đợi bản án hay những người chỉ do bị giam trong các trại giam được xếp hạng cao về an ninh. Trong mỗi trường hợp, cần phải có một bảng đánh giá riêng biệt về độ rủi ro như đã hướng dẫn ở Chương 5 của cuốn cẩm nang này. Bảng đánh giá này phải dựa trên nhận xét về an ninh và không được sử dụng như một biện pháp trừng phạt hay ngăn chặn. Trong từng trường hợp, các biện pháp hạn chế này phải được xem xét lại thường xuyên.

Liên lạc vô tuyến

Ở một vài nước, người ta còn áp dụng những biện pháp cho phép tù nhân được nói chuyện với gia đình qua hệ thống nghe nhìn. Hệ thống này thực sự hữu ích khi tù nhân bị giam ở xa gia đình, hoặc khi các thành viên gia đình họ có khó khăn trong việc đến thăm ở trại giam. Nhưng việc sử dụng công nghệ này không được thay thế tiếp xúc trực tiếp giữa tù nhân và gia đình.

« Uỷ ban sửa đổi vùng Queensland (Úc) đã lắp đặt các thiết bị nghe nhìn kết nối một số nhà tù với cộng đồng dân cư bản địa. Các thiết bị này cho phép tù nhân có thể nhìn thấy gia đình của họ, nhất là trong những lúc có khó khăn xảy ra đối với quê hương của người đó.»

« Cơ quan quản lý nhà tù Singapour cũng đã lắp đặt hệ thống cho phép thăm thân qua truyền hình. Hệ thống này cho phép giúp các gia đình sống xa nhà tù hoặc không muốn đến thăm thân trực tiếp giữ được liên hệ với tù nhân.»

Thăm tù do những người tình nguyện

Vì nhiều lý do khác nhau, có nhiều tù nhân không có gia đình hoặc người thân đến thăm. Trong một vài trường hợp, đây là hệ quả của hoàn cảnh sống neo đơn của họ trước khi bị tù hoặc do gia đình họ đã từ bỏ sau khi họ mắc lỗi. Trong những trường hợp này, cơ quan quản lý trại giam phải dự kiến thiết lập một mạng lưới các cuộc viếng thăm do những người tình nguyện hay hội đoàn dân sự tiến hành, để giúp tù nhân giữ được sự tiếp xúc với xã hội bên ngoài.

Lợi ích cho nhà tù

Tất cả mọi lý lẽ đã được xem xét cho đến đây đều liên quan đến quyền lợi của tù nhân và gia đình họ trong việc duy trì các mối quan hệ bình thường nhất có thể. Nhưng nếu nhìn từ khía cạnh vận hành nhà tù thì cơ quan quản lý trại giam cũng được lợi trong việc này. Tù nhân khi được giữ mối liên hệ tốt với gia đình sẽ cố gắng tuân thủ qui định của trại giam. Tù nhân cũng thấy dễ chịu hơn trong việc giải quyết các mắc mớ về gia đình hay xã hội. Nhân viên trại giam cũng sẽ nhận thấy việc hiểu biết các khía cạnh của việc đối xử, của đời sống, của tính cách người tù bên ngoài trại giam sẽ giúp cho họ nhận thức được việc phải đối xử với tù nhân như một con người. Tóm lại, việc tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc thăm gặp có thể giúp nhà tù được quản lý tốt hơn ở nhiều góc độ.

Thư tín

Ngoài các cuộc viếng thăm, còn có các hình thức giao tiếp khác với gia đình và bạn bè của tù nhân. Một trong số đó là thư tín. Ở một vài nước, tù nhân có thể được gửi một số lượng tối thiểu thư bằng chi phí của nhà nước, và trả chi phí gửi thư phụ trội. Nhìn chung, không có lý do gì để hạn chế số lượng thư mà tù nhân được phép nhận.

Kiểm duyệt hoặc đọc thư của tù nhân

Ở một vài nơi, trước đây vẫn tồn tại sự kiểm duyệt mọi thư tín của tù nhân. Thường có hai lý do được viện dẫn để duy trì sự kiểm duyệt. Lý do thứ nhất được cho là tù nhân có thể trao đổi với bên ngoài về kế hoạch vượt ngục hoặc những hoạt động khác gây nguy hại cho an ninh. Lý do thứ hai được cho là một cách để nhân viên trại giam ngăn chặn những tin buồn đến với tù nhân (chẳng hạn như mất người thân hoặc ly thân). Gần đây người ta thấy rằng không còn lý do gì để biện minh cho việc kiểm duyệt tất cả thư tín của tù nhân. Vì rất hiếm khi tù nhân ngớ ngẩn tới mức đề cập kế hoạch vượt ngục ở trong thư. Người ta cho rằng tù nhân cũng phải có quyền như người khác, được nhận thư trực tiếp từ gia đình, dù là tin xấu hay tốt lành. Đối với những tù nhân được đánh giá là có nguy cơ rủi ro cao thì cần phải kiểm duyệt thư đến và thư đi, đồng thời thiết lập một danh sách những người trao đổi được phép. Còn lại những tù nhân khác, không cần thiết phải kiểm duyệt liên tục thư của họ. Trong phần lớn trường hợp, chỉ cần thỉnh thoảng kiểm duyệt hoặc kiểm duyệt ngẫu nhiên là đủ.

Khám xét đồ cấm sử dụng

Cơ quan quản lý trại giam có quyền kiểm tra để đảm bảo trong thư không có các đồ bị cấm sử dụng như vũ khí, ma tuý. Ở một vài nước có một tập quán tốt là nhân viên trại giam mở thư trước mặt người tù được nhận. Nhân viên trại giam chỉ kiểm tra xem phong bì thư không chứa những đồ cấm rồi sau đó trả lại ngay thư cho tù nhân mà không đọc nội dung thư của họ.

Điện thoại

Ngày nay ở nhiều nhà tù, tù nhân được sử dụng điện thoại để gọi hoặc nhận cuộc gọi. Việc tổ chức kỹ thuật cũng khác nhau ở mỗi nước. Trong một vài trường hợp, người nhận cuộc gọi của tù nhân phải trả chi phí cuộc gọi. Chi phí này có thể cao hơn nhiều lần các cuộc gọi bình thường. Ở những nhà tù khác, tù nhân có thể mua thẻ điện thoại đặc biệt, đôi khi chỉ gọi được một vài số điện thoại được phép. Các cuộc nói chuyện điện thoại là rất quí giá đối với tù nhân, đặc biệt khi trại giam ở xa nhà họ và gia đình họ gặp khó khăn trong việc đi thăm.

Giám sát và ghi chép các cuộc gọi

Cũng như với thư tín, cần phải cân bằng giữa một bên là đời sống riêng tư của tù nhân và gia đình họ, và một bên là nhu cầu chính đáng về an ninh. Vì các cuộc gọi mang tính ngay tức thì nên cơ quan quản lý trại giam phải đảm bảo tù nhân không dùng điện thoại để tổ chức các hoạt động phạm pháp như mang các đồ cấm vào trại giam hoặc tổ chức vượt ngục. Ở một vài nước, để đáp ứng yêu cầu trên, người ta thường ghi âm các cuộc gọi điện thoại và giữ các băng ghi âm đó trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, chỉ những cuộc gọi của những tù nhân bị cho là có mức độ nguy hiểm cao mới bị ghi âm bởi nhân viên trại giam.

Thư điện tử

Một vài nhà tù còn cho phép tù nhân sử dụng những hình thức thông tin khác, như thư điện tử. Ví dụ như ở nhà tù Tihar ở New Delhi. Đối với một số tù nhân, nhất là tù nhân người nước ngoài, đây là phương pháp duy nhất hữu hiệu và ít tốn kém để duy trì tiếp xúc với gia đình họ.

Tiếp xúc với tư vấn pháp lý hoặc giới chuyên môn

Bên cạnh việc tiếp xúc với gia đình và bạn bè, tù nhân còn phải được thường xuyên tiếp xúc với luật sư và các giới chuyên môn khác, kể cả các thành viên tổ chức phi chính phủ cũng như các quan sát viên về nhân quyền. Các cuộc viếng thăm và thông tin với những người này nằm trong phạm trù đặc biệt và đặc biệt có ý nghĩa đối với những người chưa bị xử án và những người đã bị kết án rồi nhưng vẫn còn liên quan đến các thủ tục tư pháp. Trong những trường hợp này, giới chức nhà tù phải xem xét kỹ lưỡng lý do của bất kỳ đề nghị hạn chế nào có thể làm tổn hại việc bào chữa hay phúc thẩm của tù nhân. Thông thường có rất ít lý do để áp đặt những hạn chế này.

Khi chuẩn bị để tổ chức những cuộc tiếp xúc với các nhà tư vấn chuyên nghiệp, việc tuân thủ cuộc sống riêng tư là một yếu tố quan trọng phải tính đến. Ví dụ, nhân viên trại giam nghiễm nhiên không được nghe những trao đổi của cuộc gặp này và phải hết sức tinh tế khi khám xét thư tín và các vật dụng chuyên dùng mà những người này mang đến hoặc gửi đến. Chúng ta sẽ quay trở lại vấn đề này ở Chương 11.

TIẾP CẬN SÁCH, TI-VI, ĐÀI

CÁC VĂN BẢN QUỐC TẾ

Bộ các qui tắc tối thiểu về đối xử với tù nhân, Qui tắc 39:

« Tù nhân phải được thông tin đều đặn về những sự kiện quan trọng nhất, hoặc thông qua đọc báo hàng ngày, tạp chí định kỳ hoặc xuất bản phẩm chuyên môn, hoặc qua nghe đài, hội thảo hoặc những hình thức tương tự khác, được giới quản lý nhà tù cho phép hoặc đã kiểm soát. »

ÁP DỤNG THỰC TẾ

Tiếp cận đều đặn với các thông tin bên ngoài

Ngoài việc duy trì tiếp xúc với gia đình, bạn bè, tù nhân phải được thông tin về các sự kiện đang diễn ra trên thế giới. Họ phải được tiếp cận thường xuyên báo, đài và vô tuyến. Không có một lý do nào, trừ những hoàn cảnh đặc biệt, để kiểm duyệt việc tiếp cận với truyền thông. Cũng không được duy trì sự kiểm duyệt tinh thần nào chặt chẽ hơn các chuẩn mực hiện hành trong nước đó.

Internet

Giới chức nhà tù phải suy tính kỹ lưỡng về các cách thức tiếp cận mạng lưới internet. Vì Internet là một nguồn thông tin phong phú về các sự kiện diễn ra bên ngoài, nhưng cũng có thể dẫn đến những hoạt động không phù hợp.

Thế giới bên ngoài nhà tù

Việc tiếp cận nhiều thông tin bên ngoài rất quan trọng nhằm giúp tù nhân không quên rằng bên ngoài tường rào nhà tù còn tồn tại một thế giới mà một ngày nào đó họ sẽ trở lại. Việc được thông tin về những gì đang diễn ra bên ngoài có thể giúp tù nhân ứng xử một cách bình thường nhất trong môi trường nhà tù khép kín. Đặc biệt đối với tù nhân có án dài, việc được xem vô tuyến giúp họ có được chút ít tiếp xúc với những thay đổi nhanh chóng có thể đang diễn ra trong xã hội bên ngoài nhà tù.

« Ở Malawi, những nhân viên bán tình nguyện đang làm việc cho các tổ chức phi chính phủ thường đến các trại giam để tư vấn pháp lý cho tù nhân. Trong khi viếng thăm, họ mang những ấn phẩm báo chí trong nước bày ra trong sân trại giam, để tù nhân và nhân viên trại giam có thể đọc được. »

TÙ NHÂN QUỐC TỊCH NƯỚC NGOÀI

CÁC VĂN BẢN QUỐC TẾ

Nhiều nhà tù đang giam một số lượng lớn tù nhân người nước ngoài mà gia đình họ sống ở một nước khác. Do vậy phải lưu ý đặc biệt tới nhu cầu của họ. Trước tiên, những tù nhân này phải được liên lạc với đại diện ngoại giao nước họ.

Công ước Vienne về quan hệ lãnh sự, Điều 36:

« Để công tác lãnh sự liên quan đến công dân của nước gửi đến được tạo điều kiện thuận lợi :
a)      Cán bộ lãnh sự phải được tự do trao đổi với công dân nước mình và được đến thăm họ. Công dân nước gửi đến cũng phải được tự do trao đổi với cán bộ lãnh sự và đến gặp họ.

b)      Nếu đương sự yêu cầu, giới chức có thẩm quyền nước sở tại phải thông báo không chậm trễ với cơ quan lãnh sự nước gửi đến, trong giới hạn lãnh sự, khi có công dân nước này bị bắt, tù, tạm giam hay bất kỳ hình thức giam giữ nào. Mọi thông tin do người bị bắt, giam hay giam cứu gửi đến cơ quan lãnh sự nước họ phải được giới chức nhà tù chuyển đi không chậm trễ. Và nhà tù cũng phải cho tù nhân biết mọi quyền của họ liên quan đến điểm này.

c)      Cán bộ lãnh sự có quyền đến thăm công dân nước họ đang bị giam, giam cứu, hay dưới mọi hính thức giam giữ khác, đồng thời trao đổi và thông tin với họ để có thể cung cấp đại diện pháp lý cho họ. Cán bộ lãnh sự cũng có quyền đến thăm công dân nước họ, trong giới hạn chức năng lãnh sự, đang bị giam hoặc đang thụ án. Tuy nhiên, cán bộ lãnh sự không được phép can thiệp khi người đang bị bắt giam hoặc giam cứu hoặc dưới mọi hình thức giam khác, từ chối tiếp xúc hoặc can thiệp một cách rõ ràng. »

Bộ các qui tắc tối thiểu về đối xử với tù nhân, Qui tắc 38:

(1)   « Phải tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nước ngoài liên lạc với đại diện ngoại giao và lãnh sự nước họ.

(2)   Liên quan đến những tù nhân nước ngoài không có đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự ở nước sở tại, hoặc những người tị nạn và không quốc tịch, họ cũng phải được tạo điều kiện tương tự để liên hệ với đại diện ngoại giao phụ trách về quyền lợi của họ hoặc bất kỳ một cơ quan quốc gia hay quốc tế chịu trách nhiệm bảo vệ họ.»

ÁP DỤNG THỰC TẾ

Thư hoặc điện thoại miễn phí

Nhiều tù nhân quốc tịch nước ngoài ít có điều kiện được gia đình và bạn bè đến thăm. Giới chức nhà tù phải có biện pháp đặc biệt để cho phép họ duy trì liên lạc với gia đình. Đó có thể là cho phép họ gửi thêm số lượng thư nhiều hơn qui định, hoặc cho phép họ thỉnh thoảng gọi điện thoại miễn phí về gia đình họ.

Báo chí nước ngoài

Trong chừng mực có thể, phải cho phép tù nhân tiếp cận báo và tạp chí xuất bản bằng ngôn ngữ nước họ.

Sử dụng liên lạc trong cộng đồng

Trong nhiều trường hợp, liên hệ với đại diện ngoại giao của tù nhân có thể gặp khó khăn hoặc không thường xuyên. Giới chức nhà tù cũng phải tìm những công dân nước ngoài đang sống trong cộng đồng địa phương, có thể tình nguyện đến thăm họ để giúp những tù nhân này duy trì mối liên hệ nào đó với nền văn hoá của họ.
[1] Hamer v United Kingdom 1797