Cơ sở y tế xả thải thẳng ra môi trường

Một cơ sở y tế ở Đà Nẵng cấp cứu những nạn nhân sống sót sau trận bão Chanchu ngày 23 tháng 5 năm 2006.

RFA | 04.04.2017

Việt Nam có 13.000 cơ sở y tế trên toàn quốc, chừng 40% trong số  này chưa có hệ thống xứ lý chất thải đạt chuẩn. Đây là vấn đề đáng ngại vì liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng.

Hàng loạt cơ sở y tế xả  thải  ra môi trường mà không qua qui trình xử lý đúng mức. Theo thống kê chính Bộ Y tế Việt Nam đưa ra vào cuối tháng Ba vừa qua là gần một nửa các cơ sở y tế trên cả nước chưa được trang bị máy móc hoặc hệ thống xử lý nước thải y tế bảo đảm an toàn vệ sinh.

Thống kê được bà Nguyễn Thị Liên Hương, cục trưởng Cục Quản Lý Môi Trường Y Tế nêu ra tại buổi hội thảo hôm thứ Năm ngày 30 tháng 3 vừa qua. Đây là buổi hội thảo góp ý việc thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế tại các bệnh viện công lập theo quyết định của thủ tướng chính phủ.

Về mặt Luật, đã xây dựng bệnh viện là phải có hệ thống xử lý, chỉ có điều thực hiện chắc là chưa đúng lắm.
– Bác sĩ Phạm Nhật An

Theo thứ trưởng Bộ Y Tế, ông Nguyễn Thanh Long, việc xử lý chất thải y tế không bảo đảm và không an toàn là do thiếu kinh phí cũng như thiếu kiến thức chuyên môn mà hậu quả là những tác động rõ ràng đến môi trường cũng như sức khỏe con người.

Bác sĩ Phạm Nhật An, nguyên trưởng Khoa Truyền Nhiễm Bệnh Viên Nhi Trung Ương, hiện là phó chủ tịch Hội Nhi Khoa Việt Nam, nói rằng trên nguyên tắc chung thì:

Tôi chắc đồng chí thứ trưởng muốn nói là chưa bảo đảm chất lượng, chắc là không đạt chuẩn thôi, chứ còn theo qui định thì nếu không có phương án xử lý chất thải y tế thì họ sẽ không cho hoạt động. Về mặt Luật, đã xây dựng bệnh viện là phải có hệ thống xử lý, chỉ có điều thực hiện chắc là chưa đúng lắm. Vẫn có kiểm tra hàng năm và vẫn xếp loại như thế.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Huy Du, chuyên gia y tế  của UNICEF Vietnam tại Hà Nội, rác y tế là chất độc hai, chứa đầy vi khuẩn và mầm bệnh, đặc biệt rác thải từ  các bệnh viện chuyên về bệnh truyền nhiễm. Nếu nhà nước không đầu tư vào công tác xử lý thì các bệnh viện cũng không đủ lực để làm, ông nói:

Rác y tế gồm chất thải lỏng và chất thải rắn. Chất  thải lỏng còn gọi là nước thải y tế, phát sinh từ các bệnh viện khám bênh chữa bệnh, các cơ sở dự phòng, các cơ sở nghiên cứu đào tạo. Trong nước thải đấy có yếu tố ô nhiễm thông thường như chất hữu cơ, chất bản khoáng, các vi khuẩn gây bệnh, thậm chí các đồng vị phóng xạ sử dụng trong chẩn đoán trị bệnh chữa bệnh hoặc là kể cả chất dịch của bệnh nhân. Loại thứ hai ví dụ như kim tiêm, các dụng cụ kim loại, bông, băng… được xếp vào loại chất thải rắn. Chất thải nước thì có qui trình xử lý còn chất thải rắn thì qua lò đốt của các cơ sở y tế.

Trên thực tế thì Bộ Y Tế cũng đã đưa ra những qui chuẩn trong quản lý các chất thải mà các bệnh viện phải tuân thủ. Nhìn chung thì ai cũng biết chất thải y tế mà không được quản lý và không được xử lý tốt thì đương nhiên là ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe.

Vẫn theo lời cục trưởng Cục Quản Lý Môi Trường Y Tế Nguyễn Thị Liên Hương, trong số hơn 13.000 cơ sở y tế trên toàn quốc thì khoảng 5.200 cơ sở bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh chưa có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh. Chính vì vậy, bà nói tiếp, mỗi ngày một lượng lớn nước thải y tế được xả thẳng ra môi trường.

000_Hkg599063-400.jpg

Viện quốc gia về các bệnh nhiễm khuẩn và nhiệt đới tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 25 tháng 5 năm 2007. AFP photo

Con số vừa nêu được nhiều người cho là ‘đáng báo động’. Chuyên gia môi trưởng Lê Anh Tuấn, Viện Môi Trường Và Tài Nguyên Thiên Nhiên thuộc Đại Học Cần Thơ, có ý kiến:

Con số 40% có thể hợp lý vì ngay cả Đồng Bằng Sông Cửu Long số bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải y tế tốt chắc cũng khoảng một nửa thôi, tức khoảng 40 hay 50%. Còn lại những cơ sở nhỏ như bệnh xá thì không thể nào xây dựng một nhà máy xử lý nước thải hay chất thải rắn đầy đủ mà thường họ phải thuê một công ty xử lý môi trường tới nhận và đem đến chỗ xử lý tập trung nào đó.

Nếu tất cả bệnh viện lớn nhỏ hay các bệnh xá nhỏ nếu làm theo đúng qui trình  và tiêu chuẩn thì rất đắt tiền, bệnh viện cấp huyện cấp xã thì không thể nào làm nổi. Cái cần  lưu ý và đáng báo động ở chỗ là chỉ có hơn một nửa bệnh viện có nhà máy xử lý riêng hay tập trung về một chỗ nào đó. Thường những bệnh viện khoảng 500 giường trở lên thì hệ thống xử lý đều có, số còn lại  rơi vào những bệnh viện nhỏ hoặc bệnh viện cấp huyện cấp xã với hệ thống xử lý không đầy đủ. Tất nhiên khi ra môi trường thì nó gây ảnh hưởng nhất định rồi.

Nếu tất cả bệnh viện lớn nhỏ hay các bệnh xá nhỏ nếu làm theo đúng qui trình  và tiêu chuẩn thì rất đắt tiền, bệnh viện cấp huyện cấp xã thì không thể nào làm nổi.
– Chuyên gia Lê Anh Tuấn

Thực ra một số bệnh viện là của chính phủ thì do chính phủ bỏ ra, một số bệnh viên tư nhân họ bỏ ra. Tuy chưa có số liệu đầy đủ về khả năng xử lý của họ tới mức nào, có thể họ chỉ tập trung vào rác thải mà có mang bệnh phẩm thì họ xử lý kỹ vì ngay cả bản thân họ cũng sợ lây bênh, còn những loại rác thải khác thì họ đưa qua bãi rác mà xử lý thông thường là đốt hay chôn lấp. Qua trao đổi với một số anh em làm môi trường thì họ cũng nói chỉ khoảng một nửa các cơ sở y tế là  có trang bị các hệ thống xử lý rác y tế đầy đủ.

Cũng tại buổi hội thảo vừa nêu vào ngày 30 tháng 3, thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh rằng đầu tư vào lãnh vực xử lý rác thải y tế cần nguồn kinh phí lớn trong lúc nguồn lực và sự quan tâm vào lãnh vực này chưa được như mong đợi.

Nhằm đạt mục tiêu 100% cơ sở y tế được trang bị và thực hiện việc xả thải đúng tiêu chuẩn vệ sinh chung, Bộ Y Tế Việt Nam đề nghị một cơ chế đặc thù qua đó các bệnh viện công lập được phép thuê dịch vụ xử lý nước thải theo nhiều hình thức. Phí tổn do bệnh viện chi trả sẽ được tính vào tiền khám chữa bênh.

Vấn đề xử lý chất thải y tế của các bệnh viện tại Việt Nam gây quan ngại trong dư luận vì ngoài chuyện không đạt chuẩn, còn có tình trạng nhiều loại chất thải rắn thải ra từ y tế được thu gom bán đi để làm những vật dụng khác như trường hợp ống tiêm nhựa được nấu chảy làm ra các loại đồ dùng bằng nhựa mà truyền thông trong nước từng phát hiện.

Các chuyên gia sức khỏe và chuyên gia môi trường trong nước đều  cho rằng 100% an toàn từ các chất thải y tế là chuyện phải thực hiện từ lâu vì đó là quyền mà người dân được hưởng.