Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 16 từ ngày 10 đến 16/4/2017 : Chính quyền thành phố Hà Nội bao vây thôn Miếu Môn trong vụ cưỡng chế đất đai

dtd-6-150x150

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 16/4/2017

Chính quyền thành phố Hà Nội đã điều động hàng nghìn công an, quân đội và côn đồ đến bao vây làng Miếu Môn thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức nhằm cưỡng chế 47 hecta đất nông nghiệp của làng để giao cho Tập đoàn quân đội Viettel.

Khống chế tất cả các con đường vào làng, chính quyền còn ra lệnh phá sóng điện thoại, cắt Internet và đường cấp điện nước để buộc nhân dân ở đây phải khuất phục.

Trong ngày 15/4, dân Miếu Môn đã bắt hơn 20 cảnh sát và viên chức làm con tin, tuyên bố sẽ đốt họ bằng xăng nếu chính quyền tấn công làng. Trước đó, công an đã bắt 15 người dân địa phương và đánh một người đàn ông trọng thương. Một người dân của thôn đã bị chết mà không rõ lý do.

Hai nhà hoạt động nhân quyền trẻ tuổi Trần Hoàng Phúc và Huỳnh Thành Phát bị bắt cóc, đánh đập và trấn lột bởi một nhóm được cho là mật vụ, khi họ vừa viếng thăm cha xứ và giáo dân ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Cũng tại nơi đây, ngày 27/02, nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Trung Tôn và bạn ông đã bị bắt cóc, đánh đập và trấn lột với hình thức tương tự.

Quốc hội Việt Nam sẽ không bàn thảo về Dự luật về Hội trong cuộc họp vào tháng 5-6 tới đây. Lý do đưa ra là dự thảo còn nhiều điều cần phải sửa đổi.

Bộ Công an xây dựng dự thảo nghị định cấm công dân và nhà báo được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang. Chỉ có lực lượng công an và quân đội được quay phim, ghi âm bằng các thiết bị ngụy trang, để bảo vệ quyền riêng tư và bí mật quốc gia, Bộ này nói.

Chính quyền Việt Nam chưa có kế hoạch đưa luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và trợ lý Lê Thu Hà ra xét xử cho dù thời hạn điều tra đã qua 16 tháng. Hai nhà hoạt động nhân quyền bị bắt ngày 16/12/2015 và bị cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Và nhiều tin quan trọng khác

===== 11/4 =====

Án tử hình ở mức độ trầm trọng ở Việt Nam: Ân xá Quốc tế

Bí mật về việc hành quyết vẫn tiếp tục được giấu kín ở một số nước Đông Nam Á, với những con số mới được đưa ra cho thấy “sử dụng hình phạt tử hình” vẫn đang ở mức độ trầm trọng ở Việt Nam, Ân xá Quốc tế nói.

Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Thế giới công bố hôm thứ Ba, có ít nhất 1.032 người đã bị hành quyết trên toàn thế giới trong năm 2016, trong khi ít nhất 3.117 người đã bị kết án tử hình.

Các con số, cho dù ở mức rất đáng báo động, thấp hơn rất nhiều so với thực tế vì không tính đến hàng ngàn vụ hành quyết được cho là xảy ra ở Trung Quốc.

Một số quốc gia ở Đông Nam Á vẫn tiếp tục giữ bí mật việc hành quyết công dân của mình.

Giống như Trung Quốc, Việt Nam vẫn tiếp tục coi số liệu về án tử hình như là bí mật nhà nước.

Tuy nhiên, theo bản báo cáo, thông tin mới thu được trong năm nay cho thấy số vụ hành quyết đã được tiến hành ở mức cao hơn mức đã được biết đến trước đó.

Vào tháng 2 năm 2017, các phương tiện truyền thông Việt Nam đưa ra số liệu thống kê của Bộ Công an với 429 người đã bị tử hình trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm 2013 đến tháng 6 năm 2016 với mức trung bình là 147 vụ hành hình một năm.

Điều này đưa Việt Nam trở thành nước có số vụ hành hình đứng thứ 3 trên thế giới trong thời gian ba năm, ông James Lynch, phó giám đốc các vấn đề toàn cầu của Amnesty International, nói với hãng tin AAP. Trung Quốc và Iran là hai nước đứng đầu. Từ những con số này đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân những người này bị tử hình hoặc những chi tiết về thủ tục tố tụng hình sự trong những trường hợp này.

“Bí mật là một mối quan ngại lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Malaysia … khi những thông tin mới được tiết lộ là rất đáng lo ngại, số vụ tử hình lại cao hơn mức dự kiến ​​của người dân. Lynch nói.

“Cần phải có một chương trình minh bạch rõ ràng hơn về việc áp dụng án tử hình để cho phép tranh luận nhiều hơn.”

Cũng là mối quan tâm trong khu vực này là những lời kêu gọi của chính phủ Philipin về việc áp dụng lại án tử hình như một biện pháp để giải quyết tội phạm và các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Đó là một bước lùi đối với Đông Nam Á, nơi mà Philippines đã từng là người chủ trương bãi bỏ án tử hình.

‘Alarming’ executions in Vietnam: Amnesty

===== 12/4 =====

Hà Tĩnh tiếp tục khởi tố các ngư dân biểu tình Formosa tại huyện Lộc Hà

Công an tỉnh Hà Tĩnh hôm 12/10 công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với cuộc biểu tình của người dân tại trụ sở ủy ban huyện Lộc Hà hôm 3/4.

Quyết định khởi tố của công anh tỉnh Hà Tĩnh cho đây là một sự việc rất nghiêm trọng, có sự tham gia đông người, và người biểu tình đã đánh một công an viên bị thương.

Vào ngày 3/4, hàng ngàn người dân Hà Tĩnh đã tụ tập biểu tình và chiếm trụ sở ủy ban huyện Lộc Hà trong chốc lát để phản đối công an dùng súng bắn vào người dân, cũng như đòi bồi thường thiệt hại do thảm họa môi trường do Formosa gây ra.

Theo nhiều người có mặt tại hiện trường cùng các video, hình ảnh quay lại cho thấy cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, cho tới khi một số kẻ mà họ nói là côn đồ “dùng gậy và gạch tấn công người dân”. Một trong những “kẻ khiêu khích” đã bị đánh ngất xỉu, sau đó kẻ này được xác định là công an.

Hôm 9/4, công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã khởi tố một vụ án gọi là gây rối trật tự công cộng khác, nhắm vào những người biểu tình đã đem dụng cụ đánh cá ra chặn Quốc Lộ 1A tại xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh vào ngày 03/4.

Đến nay, mặc dù khởi tố vụ án nhưng công an Hà Tĩnh vẫn chưa bắt giữ một người nào.

Hà Tĩnh tiếp tục khởi tố các ngư dân biểu tình Formosa tại huyện Lộc Hà

——————–

Chính quyền huyện Quỳnh Lưu tiếp tục yêu cầu các linh mục dâng lễ phải xin phép

Vào ngày 12/4, chính quyền huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã trả lời văn thư của các linh mục đang hoạt động trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, về việc dâng lễ phải được sự chấp thuận của lãnh đạo công quyền.

Bức thư trả lời cho biết: “(1) Khi các linh mục dâng lễ ở các nhà thờ khác và giáo dân tham dự thánh lễ ở các nhà thờ khác đều phải xin phép! (2) Linh mục Nguyễn Đình Thục tổ chức thánh lễ tại Song Ngọc có giáo dân Phú Yên tham dự chưa xin phép. (3) Linh mục Đặng Hữu Nam dâng lễ tại Song Ngọc là không đúng quy định pháp luật!”

Theo phân tích của linh mục Anton Đặng Hữu Nam, công văn 479 mà nhà cầm quyền huyện Quỳnh Lưu vừa phúc đáp đã vi phạm Hiến pháp được quy định tại Điều 24 như sau:

“Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.”

Linh mục Đặng Hữu Nam nói: “Đối với một nguyên thủ quốc gia khi đi ra nước ngoài, với tư cách là công vụ, thì họ là nguyên thủ quốc gia. Nhưng đi du lịch họ lại là tư cách công dân. Còn chúng tôi, dù có đi đâu, làm gì hay ở bất kỳ nơi đâu, thì chúng tôi vẫn là linh mục. Và sứ vụ của chúng tôi là rao giảng, chia sẻ lời Chúa và dâng Thánh lễ. Chính vì vậy, mà nhà cầm quyền huyện Quỳnh Lưu không thể ngăn cản sứ vụ của chúng tôi”.

Chính quyền huyện Quỳnh Lưu Nghệ An tiếp tục yêu cầu các linh mục dâng lễ phải xin phép

===== 13/4 =====

Lại hoãn luật về lập hội

Trong phiên họp toàn thể lần thứ 5 vào ngày 13/4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam quyết định hoãn dự luật về lập hội, theo đề nghị của Chính phủ.

Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, nói sẽ “đề nghị Chính phủ cần có sự giải thích, làm rõ lý do” vì sao hoãn nhưng ông cũng phân bua “thà ít mà chất lượng còn hơn nhiều mà không làm được.”

Báo chí Việt Nam cho biết thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ phối hợp các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý dự luật này. Tuy nhiên, “theo Chính phủ, đây là dự án phức tạp, còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề lớn, quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền.”

Theo Tạp chí Cộng sản, cùng số phận với 10 dự luật khác, dự luật về lập hội bị hoãn vì “việc chuẩn bị chưa đảm bảo chất lượng” và “quá phức tạp.”

Một số đại biểu quốc hội cũng lên tiếng chỉ trích việc hoãn trình dự luật, một dự luật được kỳ vọng sẽ được thông qua vào tháng 6 này.

Báo Dân Trí trích lời đại biểu Phạm Văn Hòa – uy viên Ủy ban Pháp luật: “Luật về Hội đáng lẽ đã thông qua mà cuối cùng dừng lại. Dư luận cử tri rất bức xúc về vấn đề này, nhiều nơi muốn thành lập hội nhưng không được vì đã có luật đâu.” Ông Hòa nói: “Tại sao chúng ta đã làm 2 năm nay rồi mà cuối cùng lại rút với chỉ một lý do là… phức tạp?”

Theo VietnamNet, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (tỉnh Quảng Nam) đề nghị “nhiều nội dung thay đổi lớn như Luật về Hội, Quốc hội đã cho ý kiến rồi, vậy nếu không đưa vào chương trình năm 2017 để thông qua thì phải cho vào năm 2018 chứ không thể rút luôn.”

Một tuần trước chuyến thăng Hoa Kỳ vào tháng 10 năm ngoái của Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra thông báo sẽ thông qua Luật về lập hội, nhưng khi ông Huynh đang ở Washington ngày 25/10 thì tại Việt Nam, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói “xin lùi” dự luật do “còn nhiều tranh cãi.”

Ông Lê Vĩnh Tân, người đứng đầu cơ quan trên danh nghĩa chủ trì soạn thảo Dự luật về Hội, thừa nhận: “Việc chuẩn bị dự án luật chưa được chu đáo, và vì còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật nên cần có thời gian chuẩn bị tiếp để trình Quốc hội tại kỳ họp sau, tạo sự đồng thuận cao mới thông qua Luật lập Hội.”

Khi ấy Luật sư Trần Vũ Hải, thuộc Đoàn Luật Sư Hà Nội, nói với VOA rằng động thái của Bộ Trưởng Tân là “dấu hiệu theo chiều hướng tốt” vì theo luật sư Hải dự luật này còn nhiều hạn chế:

“Đề nghị của ông Bộ trưởng Nội vụ cũng là thích đáng. Việc không thông qua được lần này tất nhiên là có tích cực là vì nếu thông qua luật với nội dung như vậy là hạn chế quyền lập hội. Nhưng nếu không thông qua cũng là bằng chứng rằng Quốc hội và chính quyền đã nợ người dân rất nhiều về những luật liên quan đến quyền tự do của người dân đã được Hiến pháp quy định.”

Một số tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam cũng mô tả dự luật này là vi hiến, cảnh báo rằng dự luật có thể buộc đóng cửa nhiều nhóm xã hội dân sự chuyên bênh vực cho một loạt các vấn đề từ bảo vệ quyền của người tàn tật đến thúc đẩy nhân quyền.

Các tổ chức này lập luận rằng mối đe dọa cấm các tổ chức chưa đăng ký có thể vi phạm quyền của người dân theo Hiến Pháp năm 2013 của Việt Nam và Công uớc Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết.

Tháng 12 năm ngoái, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình kết án hai cựu tù nhân lương tâm là ông Nguyễn Anh Kim 13 năm tù giam và ông Lê Thanh Tùng 12 năm tù với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo đĐều 79 Bộ luật Hình sư, do có ý tưởng thành lập “Lực lượng Quốc dân Dựng cờ Dân chủ” với lực lượng nòng cốt là sỹ quan và hạ sĩ quan trong quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Luật sư Võ An Đôn, người bào chữa cho ông Tùng được báo mạng Thanh niên Công giáo trích lời nói rằng cả hai ông, ông Tùng và ông Kim thừa nhận có ý tưởng thành lập hội, nhưng chưa có hoạt động cụ thể nào thì đã bị kết án.

Cách nay hơn 10 năm, dự luật về hội đã được đưa vào chương trình nghị sự của quốc hội, nhưng rồi đã bị “xếp lại.”

Vào đầu những năm 1990, Chính phủ bắt đầu soạn thảo luật về lập hội. Một dự thảo được đưa ra vào cuối năm 2005 bao gồm các điều khoản rất hạn chế và kiểm soát quá nhiều quyền tự do của người dân, đã bị các hội đoàn lúc ấy phản đối quyết liệt. Dự này lần đầu đã bị hoãn vào năm 2006.

Theo các nhà hoạt động xã hội bám sát quá trình soạn dự luật, dự luật mới nhất đề ngày 16/9/2016 của Bộ Nội vụ có nhiều điểm tích cực sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội kỳ trước, của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế và của người dân.

Theo tuần báo The Economist, Việt Nam “với sức ép kinh tế, nợ công đang sắp chạm ngưỡng 65% GDP, các quan chức cao cấp của đảng Cộng Sản có thể đã tính toán rằng sẽ dễ nhận diện các nhóm hoạt động hội công khai hơn là để họ tổ chức ngoài luồng trên Internet.”

Tờ Economist cũng viết: “Xã hội dân sự sẽ là bà đỡ cho những phong trào có thể đe dọa sự kiểm soát của chính quyền.”

“Cái chết của Hiệp định TPP làm giảm hẳn ham muốn cải tổ ở Việt Nam. Việc trì hoãn thông qua Luật về Hội lại càng giảm khả năng Việt Nam thực thi cam kết mạnh mẽ rằng họ sẽ bao dung với các nghiệp đoàn độc lập, một trong những điều mà Hà Nội đã nói khi đàm phán TPP.”

Lại hoãn luật về lập hội

Quốc hội CSVN lại trì hoãn luật về hội

===== 13/4 =====

Hai nhà hoạt động trẻ bị bắt cóc, đánh và cướp ở Quảng Bình

Ngày 13/4, hai nhà hoạt động trẻ tuổi Trần Hoàng Phúc và Huỳnh Thanh Phát bị bắt cóc bởi một nhóm an ninh mặc thường phục. Vụ tấn công diễn ra ở tỉnh Quảng Bình, nơi mà hai tháng trước, nhà dân chủ Nguyễn Trung Tôn và bạn của ông cũng bị đối xử tương tự.

Phúc, một nhà hoạt động vì nhân quyền ở Sài Gòn cùng với Phát đã trở lại thị xã Ba Đồn tỉnh Quảng Bình bốn tháng sau chuyến thăm đầu tiên của anh khi anh tham gia một chiến dịch từ thiện cho những người dân địa phương đang gặp khó khăn do lũ lụt và những thảm hoạ do con người tạo ra.

Sau khi thăm viếng các linh mục Công giáo tại địa phương và trao quà từ thiện bổ sung cho người dân địa phương, Phúc và Phát đã đến bến xe ở Ba Đồn để đón xe về Sài Gòn. Tuy nhiên, cả hai đã bị một nhóm tám người đàn ông đeo mặt nạ đi một chiếc xe 7 chỗ bắt cóc và đưa đến một vùng rừng núi vắng người gần đường Hồ Chí Minh thuộc xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Phát cho hay bọn côn đồ đã cởi quần áo của hai nạn nhân, trùm đầu họ bằng quần áo, đánh liên tục bằng tay và thắt lưng trong suốt hành trình. Những tên côn đồ đã trấn lột tất cả đồ đạc của Phúc và Phát, bao gồm cả điện thoại di động, ví tiền và giấy giờ cá nhân trước khi bỏ đi.

May mắn, hai nhà hoạt động trẻ tuổi đã được giải cứu bởi những người trong khu vực, cho họ quần áo và giúp họ liên lạc với các nhà hoạt động khác.

Ngày 27 tháng 2, ông Tôn, chủ tịch Hội AEDC và bạn ông cũng bị bắt cóc tại thị trấn Ba Đồn và đối xử giống như vậy. Do cuộc tấn công, chân của Tôn đã bị chấn thương nặng và ông đã phải trải qua một cuộc điều trị kéo dài hàng tháng tại bệnh viện. Sức khoẻ của ông vẫn còn rất tệ.

Phúc và Phát là những nạn nhân mới nhất của vụ bắt cóc, cướp và tấn công bởi những nhân viên mặc thường phục trong vài năm gần đây. Nhiều nhà hoạt động xã hội, như Nguyễn Trung Trực và Mai Văn Tâm Quảng Bình, Nguyễn Công Huấn Nghệ An, Nguyễn Văn Đài và La Việt Dũng cũng bị bắt cóc, đánh đập và cướp bởi những tên côn đồ được cho là nhân viên mặc thường phục.

Theo thống kê của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam, trong năm 2016, đã có 140 nhà hoạt động bị tấn công về mặt thể chất bởi lực lượng an ninh của Việt Nam so với 65 năm 2014 và 125 năm 2015.

Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai và Lâm Đồng là những địa phương có mức độ tàn bạo và thiếu tôn trọng pháp luật cao nhất bằng cách thường xuyên bắt cóc và tống giam độc đoán.

——————–

Thêm một người “tự tử” trong đồn công an với 12 vết đâm

Vào ngày 13/4/ 2017, một phụ nữ được cho là đã dùng dao tự sát với 12 vết đâm trên người ở đồn công an thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, sau khi phải “làm việc” với công an.

Nạn nhân, chi T. bị nghi ngờ là thủ phạm trong một vụ mất trộm trên địa bàn. Chị bị công an thị trấn Long Hải bắt lên đồn công an thị trấn.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ lấy lời khai, cơ quan công an này đã gọi người nhà phụ nữ bán vé số đến bảo lãnh và đưa chị về. Khoảng 30 phút sau, người phụ nữ này đã qua trở lại. Và sau đó, người ta đã phát hiện người phụ nữ này chết trong khu vực đồn công an, với một con dao nằm trên người.

Báo chí nhà nước cho biết, văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra (PC44) công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang điều tra nguyên nhân được cho là “nghi vấn tự sát” trong trụ sở công an thị trấn Long Hải, huyện Long Điền. Phía cơ quan công an huyện Long Điền cho rằng chị T. đã “dùng dao tự sát” với 12 vết đâm trên người, và một nhát chí mạng dẫn đến tử vong khi đang trên đường đi cấp cứu ở bệnh viện.

Tuy nhiên, nhiều người đã đặt nghi vấn: “Đây không thể là một vụ tự sát được. Vì chẳng ai có thể tự đâm 12 nhát và một nhát chí mạng, rồi rút con dao để lại trên ngực cả….”. Và tại sao chị lại quay lại trụ sở công an sau khi đã được gia đình bảo lãnh?

Hiện nay, chưa thể kết luận người phụ nữ trên có phải là tự tử không, hoặc ai đó đã ra tay sát hại, và cái chết này có liên quan đến công an hay không.

Thêm một người “tự tử” trong đồn công an với 12 vết đâm

===== 14/4 =====

Chỉ công an và quân đội được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang

Bộ Công an đã soạn thảo một nghị định quy định chỉ công an và quân đội được phép sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang.

Bộ nói rằng quy định này nhằm bảo vệ quyền riêng tư và tài liệu thuộc bí mật quốc gia.

Theo đó, nhà báo và công dân chỉ được sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình như máy ảnh và điện thoại thông minh. Mọi thiết bị ngụy trang dưới dạng bút, bật lửa hay vật dụng khác đều bị cấm.

===== 15/4 =====

Công an Hà Nội bao vây làng Miếu Môn trong vụ cưỡng chế đất đai

Chính quyền thành phố Hà Nội đã điều động hàng nghìn công an bao vây làng Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức trong một vụ tranh chấp đất đai ở đây.

Chính quyền thành phố đã quyết định cưỡng chế 47 hecta đất nông nghiệp của làng Miếu Môn để giao cho Tập đoàn quân đội Viettel làm dự án mà không đền bù cho dân ở đây và dẫn đến việc dân làng phản đối việc cưỡng chế.

Ngày 15/3, chính quyền huyện Mỹ Đức đã bắt giữ bất hợp pháp 15 công dân của làng. Một thanh niên đã bị đánh trọng thương, hiện đang được cấp cứu tại bệnh viện huyện, và một người bị chết không rõ lý do.

Dân làng tức giận, đã bắt hai nhân viên mặc thường phục, một trong số họ là phó trưởng công an huyện.

Thành phố đáp trả bằng cách cử một đội công an cơ động định đến đàn áp. Dân làng tiếp tục bắt giữ hơn 20 chục cảnh sát và dọa sẽ tưới xăng đốt họ nếu công an tấn công dân làng.

Chính quyền tiếp tục điều động hàng nghìn công an vũ trang, quân đội và côn đồ bao vây làng. Mọi ngả đường dẫn vào làng đều bị canh phòng nghiêm ngặt.

Chính quyền địa phương đã đưa xe phá sóng đến khu vực, cắt điện và nước của làng.

Tình hình hiện vẫn rất nghiêm trọng.

Đọc thêm: Tin mới cập nhật tình hình dân oan Mỹ Đức Hà Nội

Dân oan Mỹ Đức- Hà Nội đổ xăng đòi thiêu 20 cảnh sát cơ động

Hà Nội khởi tố người dân Mỹ Đức tội “gây rối trật tự công cộng”

===== 16/4 =====

Chính quyền Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch xét xử luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài

Chính quyền Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch đưa luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài ra xét xử mặc dù thời hạn điều tra 16 tháng đã hết.

Hôm thứ 7 (15/4), khi đi tiếp tế cho chồng, chị Vũ Minh Khánh nói với Người Bảo vệ Nhân quyền rằng chị vẫn chưa được thông báo gì về chồng mình.

Hôm 02/4, an ninh thành phố Hà Nội đã không cho chị xuất cảnh để sang Đức nhận giải thưởng Nhân quyền mà Liên đoàn Thẩm phán Đức đã vinh danh Nguyễn Văn Đài. An ninh nói với chị rằng chị không được xuất cảnh vì lý do chính trị.

Luật sư Nguyễn Văn Đài cùng trợ lý Lê Thu Hà bị bắt ngày 16/12/2017 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự. Hai nhà hoạt động phải đối mặt với mức án có thể lên đến 20 năm tù giam, theo luật hiện hành.

——————–

Nhà hoạt động Đinh Đức Long bị theo dõi, dọa đánh bởi an ninh thành phố HCM

Bác sỹ Đinh Đức Long, một nhà hoạt động nhân quyền ở thành phố Hồ Chí Minh, cho biết ông đã bị an ninh thành phố dọa đánh đập.

Trong vài tháng qua, bác sỹ Long đã bị mật vụ theo dõi sát sao, cả ở nhà và nơi làm việc. Khi ông mang điện thoại ra chụp người theo dõi mình thì chúng quay ra dọa đánh.

Bác sỹ Long là người tuyên bố rời khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam vì thấy đảng không xứng đáng lãnh đạo đất nước do tham nhũng tràn lan, vi phạm nhân quyền và không có khả năng bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Tháng 11 năm 2016, ông cùng một số nhà hoạt động lập ra Hội Cứu trợ nạn nhân bị tra tấn với mục tiêu đòi thực thi Công ước Chống Tra tấn (CAT) mà Việt Nam đã tham gia.

==================

Quý vị có thể đọc bản tin Anh ngữ tại đây