Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 22 từ ngày 22 đến 28/5/2017: Việt Nam y án đối với hai nhà hoạt động Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 28/5/2017

Ngày 26/5, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã xử phúc thẩm đối với hai nhà hoạt động Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự. Tòa đã giữ nguyên mức án mà Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình tuyên cho hai ông trong phiên sơ thẩm ngày 16/12/2016, theo đó ông Kim bị 13 năm tù và 5 năm quản chế, còn ông Tùng bị khép án 12 năm và 4 năm quản chế.

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách dân chủ, nhân quyền và lao động của Hoa Kỳ, bà Virginia Bennett hôm 24/5 đã gặp mặt một số nhà hoạt động tại tư dinh của bà Tổng Lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn sau khi kết thúc Đối thoại Nhân quyền Việt Mỹ. Cuộc gặp mặt được diễn ra sau khi bà đã đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được gặp mặt đại diện tổ chức dân sự độc lập.

Hai ngày trước đó và một ngày trước buổi đối thoại, phái đoàn Hoa Kỳ cũng mời một số nhà hoạt động ở Hà Nội để gặp mặt nhưng hai người khách mời là Tiến sỹ Nguyễn Quang A và nhà hoạt động môi trường Phạm Đoan Trang bị an ninh thành phố ngăn cản.

Cũng trong ngày 24, Quốc hội Việt Nam có một phiên thảo luận khá nóng về Điều 19 của Bộ luật Hình sự 2015, một điều quy định luật sư phải có nghĩa vụ tố cáo thân chủ nếu thân chủ phạm một trong 86 hành vi tội phạm. Nhiều luật sư cho rằng quy định như thế sẽ ảnh hưởng đến nghề luật sư được quy định trong Hiến pháp 2013.

Cùng trong ngày, đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Xuân, phó giám đốc công an tỉnh Đak Lak đưa ra một đề nghị có thêm điều luật xử lý việc “nói xấu lãnh đạo” vào Bộ luật Hình sự. Đề nghị này được nhiều người cho là nhằm bảo vệ sự lãnh đạo của đảng trước bức xúc của nhân dân về tình trạng lạm quyền và tham nhũng trầm trọng của bộ máy đảng và chính quyền.

Và một số tin khác

===== 22/5 =====

Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang A, nhà hoạt động môi trường Phạm Đoan Trang bị ngăn cản không cho gặp Phái đoàn Hoa Kỳ

Ngày 22/5, an ninh Việt Nam đã ngăn cản nhà hoạt động xã hội Tiến sỹ Nguyễn Quang A và nhà hoạt động môi trường Phạm Đoan Trang, không cho họ đến dự cuộc gặp mặt với Phái đoàn Hoa Kỳ đến Việt Nam để tham dự Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ.

An ninh thành phố đã canh gác nhà của hai nhân vật này nhiều ngày trước buổi gặp dự kiến vào hôm thứ Hai tại Hà Nội. Sáng sớm ngày này, một nhóm sỹ quan an ninh đã đến nhà Ts A, ép ông lên một chiếc xe rồi đưa ông đi thành phố Hải Dương. Ông chỉ được tự do vào buổi tối muộn.

An ninh thành phố Hà Nội đã tổ chức canh gác nhà của Đoan Trang từ mấy ngày trước. Mật vụ còn hăm dọa và đánh một người bạn của cô khi họ đến hỗ trợ cho cô.

An ninh chỉ rút đi khi phái đoàn rời Hà Nội để đi vào Sài Gòn.

——————–

Giáo phận Vinh thông báo thành lập ban Công lý Hòa hình ở các giáo xứ và huấn luyện về nhân quyền

Ngày 22/5, ban Công lý Hoà bình trực thuộc Toà Giám mục Giáo phận Vinh đã có thông báo về việc thành lập tiểu ban công lý hoà bình ở các giáo xứ, hướng dẫn xã hội công giáo về các quyền lợi căn bản của người dân.

Ban công lý hoà bình của các giáo phận sẽ huấn luyện các nội dung: tổng quát giáo huấn xã hội công giáo về nhân quyền, phổ biến kiến thức pháp luật về thuế và phí nông nghiệp, các khoản thu trong học đường và quyền sinh con thứ ba trở lên.

Linh mục Anton Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Uỷ ban Công lý Hoà bình Giáo phận Vinh cho biết đây là việc quan trọng và thiết thực mang lại lợi ích cho người dân. Kế hoạch này đã được giáo phận chuẩn bị nhằm đòi lại những quyền lợi căn bản mà người dân đáng ra được hưởng nhưng đã bị chính quyền Việt Nam tước đoạt. Thêm nữa, chính quyền nhiều địa phương  lạm thu trong các khoản thu về thuế, lạm thu học đường và phạt khi công dân sinh con thứ ba.

Chương trình huấn luyện sẽ bắt đầu vào tháng 7/2017. Theo kế hoạch dự kiến, ban Công lý Hoà bình của Giáo phận Vinh sẽ bắt đầu tổ chức huấn luyện ở các giáo hạt Kẻ Dừa, Bảo Nham và Cầu Rầm ở tỉnh Nghệ An.

===== 23/5 =====

Ân sá Quốc tế lên tiếng về tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức

Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã viết thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về trường hợp tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, kêu gọi chính quyền Việt Nam dành cho ông Thức sự đối xử tôn trọng và những điều kiện vật chất tối thiểu theo chuẩn mực quốc tế.

Theo Ân xá Quốc tế, tại Trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An, nơi ông Thức đang bị giam, phòng giam của ông không đủ ánh sáng cần thiết, và những người quản lý trại giam lại không cho phép gia đình ông Thức gửi đèn điện thêm cho ông.

Ân xã Quốc tế còn cho rằng từ khi thi hành án tù tới nay, ông Thức bị chuyển trại nhiều lần, mà không báo trước cho gia đình. Việc ông Thức bị chuyển trại ngày càng xa gia đình ông là trái với một điều khoản do Liên hiệp quốc qui địnhlà tù nhân phải được giam giữ ở nơi gần gia đình nhất có thể.

Ông Thức là một kỹ sư, doanh nhân, thành đạt tại Sài Gòn. Ông là một trong những người sáng lập tổ chức Con đường Việt Nam, một tổ chức hoạt động nhằm dân chủ hóa đất nước bằng những cải cách ôn hòa.

Năm 2008 ông và ba đồng sự là luật sư Lê Công Định, kỹ sư Lê Thăng Long, và thạc sĩ Tin học Nguyễn Tiến Trung bị bắt và xử với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự. Ông Thức bị kết án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Ân xá Quốc tế gọi phiên tòa này là không công bằng vì thời gian xử rất ngắn, và có khả năng bản án đã chuẩn bị trước khi các quan tòa hội ý để nghị án.

Thư ngỏ tái xác nhận Ân xá Quốc tế xem ông Thức là tù nhân lương tâm, bị giam giữ chỉ vì thực hiện quyền tự do diễn đạt của mình trong các bài viết, và trong việc kêu gọi cải cách xã hội và kinh tế một cách ôn hòa.

Viet Nam: Open Letter on Prisoner of Conscience Trần Huỳnh Duy Thức

——————–

Để tái tạo môi trường biển miền Trung phải cần số tiền khổng lồ!

Radio Free Asia: Trong một tuyên bố được coi là khá bất ngờ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho biết cần một số tiền khổng lồ để phục hồi và tái tạo môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung.

Nhận định này được Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường đưa ra tại phiên thảo luận của Quốc hội hôm 21/5 về dự thảo luật sửa đổi Luật Thuỷ sản.

Những tuyên bố của Bộ trưởng Cường cho thấy mức độ tàn phá môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra là rất lớn, và đến nay vẫn chưa hồi phục được.

“Việt Nam với chiều dài hơn 3.200 km bờ biển, phạm vi ngư trường hàng triệu km2, tiềm năng nghề cá rất lớn nên mới được gọi là “biển bạc. Nhưng hiện nay, ô nhiễm môi trường là một nguy cơ hiện hữu, nếu không có quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản thì sẽ không xử lý được tức thời,” ông Cường nói trước quốc hội.

Cũng tại phiên thảo luận ở Quốc hội về Luật Thủy sản, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nêu lên một thực tế đáng báo động rằng “thuỷ sản nước ta đang bị cạn kiệt, chính vì vậy ngư dân ta đi đánh bắt ở nước ngoài rất nhiều”.

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội thì cho rằng: “Chúng ta nói “rừng vàng, biển bạc”, nhưng khi đề cập đến luật rừng, luật biển thì lại đề cập hết sức đơn giản. Ông cho rằng các quy định cấm trong luật còn quá chung chung, chưa có gì rõ ràng.”

===== 24/5 =====

Phái đoàn Mỹ gặp đại diện XHDS độc lập

Ngày 24/5, phái đoàn Hoa Kỳ tham dự Đối thoại Nhân quyền Việt Mỹ đã gặp đại diện nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập tại tư dinh của bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn.

Tham dự cuộc gặp mặt về phía XHDS độc lập gồm có Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, luật sư, cựu tù nhân lương tâm Lê Công Định, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bá Truyển, cựu tù nhân lương tâm, điều phối viên của tổ chức Hội Cựu Tù nhân lương tâm Việt Nam Phạm Bá Hải, và Huỳnh Thục Vy, chủ tịch Hội Phụ nữ Nhân quyền.

Bác sỹ Nguyễn Đan Quế cũng được mời nhưng bị an ninh thành phố chặn nhà.

Trong buổi gặp, bà Virginia Bennett, quyền Trợ lý Ngoại trưởng về vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động, cho biết Hoa Kỳ đã đặt điều kiện yêu cầu Việt Nam phải đảm bảo các quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận  và tự do tín ngưỡng trong cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 21 vừa diễn ra tại Hầ Nội hôm 23/5.

Tuy nhiên, bà Bennett cũng cho biết thêm là mặc dù Hà Nội có vẻ lắng nghe nhưng bà không thể trả lời chắc chắn Việt Nam sẽ thực hiện thế nào.

Tại cuộc gặp lần này với phái đoàn Mỹ, các nhà hoạt động xã hội và nhân quyền ở Việt Nam đã đề cập đến các vấn đề ở Việt Nam như vụ ô nhiễm môi trường biển do công ty Formosa gây ra hồi năm ngoái gây bất bình trong người dân. Ông Phạm Bá Hải cho phía Mỹ biết quyền biểu tình ôn hòa đòi quyền lợi của những người dân bị ảnh hưởng bởi Formosa đã không được đảm bảo. Không những thế, chính phủ còn truy nã và bắt giữ một số người dân đưa tin về thảm họa này.

Luật sư Lê Công Định cũng nêu lên trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức và kêu gọi phía Hoa Kỳ can thiệp để ông Thức được trả tự do.

Ngoài ra các vấn đề về tự do tôn giáo, quyền tự do đi lại của những nhà họat động cũng được đề cập. Các nhà hoạt động cũng yêu cầu phía Mỹ phải đặt điều kiện về tôn trọng nhân quyền đối với Việt Nam trong các hiệp định thương mại giữa hai nước.

——————–

Đề xuất bổ sung tội vu khống lãnh đạo đảng vào Bộ luật Hình sự

Ngày 24/5, tại buổi thảo luận của Quốc hội về Dự án sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015, đại biểu Nguyễn Thị Xuân, phó giám đốc Sở Công an Dak Lak, đã đề nghị thêm tội danh vu khống lãnh đạo vào Bộ luật Hình sự vì cho rằng hiện nay tình trạng vu khống, xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước ngày càng gia tăng.

Theo đại biểu Xuân, điều này không những ảnh hưởng đến hình ảnh của lãnh đạo, gây hoang mang mất niềm tin trong dư luận mà còn tác động đến đường lối chính sách của Đảng.

Bà Xuân cũng nhấn mạnh đây là hành vi được nhiều nước trên thế giới quy là tội phạm.

Hiện tại, Bộ luật Hình sự đã quy định tội vu khống trong Điều 122 và tội làm nhục người khác trong Điều 121.

Đọc thêm: Bôi nhọ lãnh đạo, một điều luật thời phong kiến

——————–

Cẩm nang về trò chuyện phòng ngừa lạm dụng tình dục trẻ em được phát hành tại Việt Nam

Một số cha mẹ có thể cảm thấy rất tự tin khi giải quyết các vấn đề cụ thể như dạy con mình những giá trị đúng và sai. Nhưng điều gì xảy ra khi họ muốn nói chuyện cởi mở với trẻ nhỏ về thân thể, giới tính và ranh giới của chúng? Làm thế nào để họ dạy cho trẻ em khi còn nhỏ rằng không ai có thể động chạm vào cơ thể của chúng mà không được phép, hoặc giúp chúng phản ứng lại khi chúng cảm thấy bị đe dọa hoặc không thoải mái?

Cuốn cẩm nang “Respect! My Body!” (Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể của tôi!) Có thể là một công cụ rất quan trọng để giúp đỡ. Được phát hành bởi Save the Children Thụy Điển là một phần của chiến dịch phòng ngừa lạm dụng tình dục trẻ em, nó cung cấp lời khuyên và gợi ý cho cha mẹ và người lớn khác về cách dạy trẻ em ở mọi lứa tuổi khác nhau trong việc bảo vệ bản thân khỏi bị lạm dụng tình dục và cách nói chuyện công khai về tình dục, các bộ phận cơ thể, chạm tay an toàn và không an toàn, và những gì không cho phép người lớn làm khi tiếp xúc với trẻ em.

Trước đó, cuốn cẩm nang này chỉ có sẵn bằng tiếng Thụy Điển, Anh, Tây Ban Nha và Ả Rập. Hiện nó đã được dịch sang tiếng Việt và được phát hành tại một sự kiện ở Hà Nội.

Pereric Högberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, đã tham dự buổi lễ ra mắt cuốn cẩm nang tại Trường Trung học Cơ sở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Nhiều hiệu trưởng và người đứng đầu trường tiểu học và trung học, các tổ chức, truyền thông và đặc biệt là các bậc cha mẹ quan tâm cũng đã có mặt trong sự kiện này.

Sự kiện này do Đại sứ quán Thụy Điển, Văn phòng Cứu trợ Trẻ em Việt Nam của Save the Children Foundation và Chương trình Nghiên cứu Xã hội và Internet thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đồng tổ chức.

“Không có công việc tốt hơn và khó khăn hơn việc làm cha mẹ. Thời điểm chúng ta trở thành cha mẹ, cuộc sống của chúng ta thay đổi và mối quan tâm lớn nhất của cha mẹ là làm thế nào để đảm bảo con cái họ lớn lên an toàn, lành mạnh và hạnh phúc. Tuy nhiên, trẻ em thường có nguy cơ và thậm chí bị tổn hại. Gần đây, ở Việt Nam, công chúng đã được thông báo về một số trường hợp lạm dụng trẻ em, bao gồm tấn công tình dục. Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2016 có hơn 1.200 trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em ở Việt Nam. Sự thiệt hại này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ em”, bà Dragana Strinic, Giám đốc Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Việt Nam, nói trong bài phát biểu của mình tại lễ ra mắt.

Chia sẻ quan điểm, Đại sứ Pereric Högberg nhấn mạnh. “Đầu tư cho trẻ em và thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa và bảo vệ chúng khỏi bị bạo lực và lạm dụng là ưu tiên của chúng ta. Việc lạm dụng trẻ em ở bất kỳ quốc gia nào ở Thụy Điển hoặc Việt Nam hoặc trong bất kỳ môi trường và hoàn cảnh nào là không thể chấp nhận và chắc chắn là bị lên án”, ông nói.

“Là cha mẹ và người lớn, chúng ta thường tránh những chủ đề mà có thể thúc đẩy sự sợ hãi hoặc tư duy không thích hợp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, kinh nghiệm ở Thuỵ Điển cho thấy rằng việc có những cuộc nói chuyện cởi mở với trẻ em về quyền tự thân mình và những giới hạn về tiếp xúc thân thể là rất quan trọng,” ông đại sứ nói thêm.

Handbook on child sexual abuse talks launched in Vietnam

===== 26/5 =====

Tòa phúc thẩm y án ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng

Hôm 26/5, tại thành phố Thái Bình, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội giữ y án 13 năm tù giam đối với cựu trung tá Trần Anh Kim và 12 năm tù giam đối với cựu chiến binh Lê Thanh Tùng mà Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình đã tuyên hồi tháng  12 năm 2016.

Hai ông, bị cáo buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự, còn phải chịu án quản chế 5 năm và bốn năm tương ứng.

Báo chí trong nước đưa tin là vụ xét xử diễn ra công khai theo đúng trình tự pháp luật, cả hai bị cáo đều có luật sư bào chữa. An ninh nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội, đã ngăn chặn nhiều nhà hoạt động trong thời gian trước và trong khi xét xử. Mọi ngả đường dẫn đến tòa đều được canh gác và không cho người dân đến gần.

Luật sư Trần Thu Nam của hai nhà hoạt động cho biết tại phiên tòa, ông cùng các cộng sự cho rằng hai bị cáo Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng không có tội, đề nghị hủy án và đình chỉ tuy nhiên hội đồng xét xử đã không chấp nhận những quan điểm của luật sư cũng như không chấp nhận kháng cáo của hai bị cáo và đã tuyên y bản án sơ thẩm.

Bản án có hiệu lực ngày sau phiên phúc thẩm. Tuy nhiên, bị cáo có quyền làm đơn khiếu nại bản án phúc thẩm này lên trên tòa án tối cao. Nếu tòa án tối cao ra quyết định kháng nghị thì họ sẽ xem xét lại bản án theo thủ tục giám phúc thẩm.

Tuy vậy theo luật sư thì những vụ án liên quan đến an ninh quốc gia rất khó vì theo tiền lệ chưa có vụ án nào được xem xét giám đốc thẩm cả.

——————–

Nhà hoạt động Tatar ở Crimea giành giải thưởng Nhân quyền năm 2017 của Front Line Defenders

Bảo vệ các nhà hoạt động nhân quyền và tù nhân chính trị là một trong những công việc nguy hiểm nhất mà một luật sư có thể làm ở Crimea. Sau nhiều năm bào chữa cho nhiều vụ nguy hiểm này, luật sư Emil Kurbedinov người Tatar ở Crimea đã được trao giải thưởng quốc tế hàng đầu cho các nhà hoạt động nhân quyền.

Ngày 26 tháng 5 năm 2017, tại Dublin, tổ chức phi chính phủ Front Line Defenders của Ireland đã công bố Emil Kurbedinov là người chiến thắng Giải thưởng  cho Người Bảo vệ Nhân quyền Trước Hiểm nguy năm 2017.

Kể từ khi Liên bang Nga chiếm đóng Crimea, Emil đã bảo vệ nhóm sắc tộc thiểu số Tatar bị đàn áp, nhiều nhà hoạt động xã hội và nhà báo. Ông cũng cung cấp những phản ứng khẩn cấp và tài liệu về vi phạm quyền trong những cuộc đột kích và khám xét nhà riêng của các nhà hoạt động. Vào tháng Giêng năm 2017, Emil đang trên đường tới nhà của một nhà hoạt động đã bị đột kích thì bị những nhân viên bịt mặt của Trung tâm Chống Cực đoan ở Crimea bắt giữ ông và đưa ông đến một cơ sở địa phương của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) để thẩm vấn. Một tòa án cấp huyện kết tội ông “tuyên truyền cho các tổ chức cực đoan” và đã kết án ông với thời gian giam giữ trong mười ngày.

Tháng 4, Emil được chọn là một trong năm ứng cử viên cuối cùng cho giải thưởng, cùng với bốn nhà bảo vệ nhân quyền từ Nam Phi, Nicaragua, Kuwait và Việt Nam. Các thành viên ban giám khảo đã chọn năm người bảo vệ nhân quyền từ hơn 150 đề cử từ 42 quốc gia. Những người lọt vào vòng chung kết và gia đình họ đã phải đối mặt với các cuộc tấn công, các chiến dịch phỉ báng, quấy nhiễu pháp luật, đe dọa tử hình, án tù, và hăm dọa nhằm chấm dứt công việc ôn hoà của họ.

Andrew Anderson, Giám đốc Điều hành của Front Line Defenders cho biết: “Hôm nay chúng ta kỷ niệm và đồng hành với tất cả năm người lọt vào vòng chung kết. Trong thời gian mà nhiều nhà bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu bị đàn áp, họ chứng tỏ ý chí kiên trì trước những nguy cơ nghiêm trọng, thường là nguy hiểm đến tính mạng”.

Nhận giải thưởng, Emil cho biết:

Khi chúng ta bảo vệ các tù nhân chính trị và các nhà hoạt động bị bức hại, chúng ta đang chống lại một hệ thống mà trong đó không có hy vọng về một cuộc xử án công bằng. Để giúp khách hàng của tôi chiến thắng là nhiệm vụ không khả thi, nhưng tôi muốn cho họ thấy cho dù hiểm nguy, tôi không bỏ rơi họ.

Ngoài Emil Kurbedinov từ Ukraine, những đề cử cho vòng chung kết của giải thưởng năm 2017 bao gồm các nhà hoạt động đến từ Việt Nam, Nam Phi, Kuwait và Nicaragua.

Blogger Phạm Thanh Nghiên đã trải qua bốn năm tù giam vì công việc của cô nhằm công khai những hành vi vi phạm và bảo vệ quyền của thân nhân của ngư dân bị tàu tuần tra Trung Quốc giết hại ở Biển Đông. Sau khi được trả tự do, cô bị quản thúc tại gia, trong thời gian đó cô đã thực hiện nhiều chiến dịch nhân quyền và đồng sáng lập Mạng lưới Các Blogger nổi tiếng của Việt Nam. Nhà của Nghiên đã bị lục soát, và cô  bị cấm khi khám bệnh như lịch đã hẹn, và nhà cô bị khóa trái từ bên ngoài. Cô còn bị từ chối cấp giấy đăng ký kết hôn. Cô Nghiên cũng đã vượt qua qua rất nhiều cuộc tấn công vật lý nhằm ép cô chấm dứt công việc mạnh mẽ, ôn hòa của mình với mục tiêu phát hiện và công khai các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

For more details: Crimean Tatar Activist Wins 2017 Award for Human Rights Defenders at Risk

==================

Quý vị có thể đọc bản tin Anh ngữ tại đây