Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 11 từ ngày 12 đến 18/3/2018: Lực lượng an ninh đánh đập nhà hoạt động Trương Văn Dũng, câu lưu và thẩm vấn Nguyễn Thuý Hạnh khi kỷ niệm ngày mất Gạc Ma

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 18/3/2018

Lực lượng an ninh Việt Nam đã bắt giữ Trương Văn Dũng, Huỳnh Ngọc Chênh và Nguyễn Thuý Hạnh, hai nhà hoạt động xã hội ở Hà Nội, trong ngày kỷ niệm 30 năm ngày Trung Cộng chiếm đảo Gạc Ma ở Biển Đông.

Trong khi thẩm vấn Nguyễn Thuý Hạnh về một số hoạt động xã hội của bà, một số sỹ quan thuộc một cơ quan công an thuộc Bộ Công an đã đánh đập Trương Văn Dũng, bẻ gẫy hai chiếc răng cửa của ông và gây nhiều vết thương trên cơ thể của ông trước khi thuê taxi và ném ông trên đường phố gần nhà của ông. Ông Dũng cho biết ông cũng bị công an tước đoạt điện thoại Iphone 5 và một ví có hơn 3 triệu đồng.

Khi nhà báo kỳ cựu Huỳnh Ngọc Chênh đến đồn công an để đòi vợ ông là Nguyễn Thuý Hạnh, công an cũng giam ông vào phòng và tước điện thoại của ông.

Ông Chênh và bà Hạnh chỉ được tự do vào buổi tối muộn khi bà Hạnh ngất xỉu do tụt huyết áp.

Nhiều người hoạt động ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng bị an ninh canh gác từ tối 13/3 đến hết ngày 14/3 và không thể tham gia tưởng niệm 64 liệt sỹ bị Trung Quốc giết hại khi chúng chiếm đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988.

Ngày 17/3, an ninh tỉnh Hải Dương cũng bắt cóc cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bá Đăng và thẩm vấn ông cả ngày. Không trả lại điện thoại cho ông, công an yêu cầu ông phải đến trụ sở công an huyện Nam Sách để tiếp tục làm việc.

Chính quyền Việt Nam thông báo sẽ đưa Nguyễn Viết Dũng, người sáng lập và chủ tịch Đảng Cộng hoà, một tổ chức bị coi là không hợp pháp ở Việt Nam, vào ngày 28/3. Dũng, một cựu tù nhân lương tâm, đã bị bắt và cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc, một thành viên cốt cán của Hội Anh em Dân chủ, đã bị biệt giam kể từ khi bị bắt vào ngày 17/9/2017 với cáo buộc “lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự. Gia đình ông không được phép gửi đồ ăn cho ông trong khi ông đang bị rất nhiều bệnh nan y. Mới đây, gia đình cho biết ông bị từ chối có luật sư riêng và chính quyền định buộc ông phải chấp nhận luật sư chỉ định.

Đỗ Thị Minh Hạnh, chủ tịch Phong trào Lao động Việt, được Phòng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh là anh thư nhân quyền (human rights heroin) vì những đóng góp của cô trong việc đòi quyền lợi cho người lao động.

===== 12/3 =====

Phiên xử sơ thẩm Nguyễn Viết Dũng ấn định vào ngày 28/3

Chính quyền Nghệ An cho biết sẽ đưa Nguyễn Viết Dũng, người sáng lập và là chủ tịch của Đảng Cộng hoà, ra toà vào ngày 28/3 để xét xử về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.

Nếu bị cho là có tội, Dũng có thể phải đối mặt với mức án 20 năm tù, theo luật hiện hành của Việt Nam.

Dũng, một cựu tù nhân lương tâm, bị bắt ngày 27/9/2017 và vẫn bị biệt giam. Hai luật sư mà gia đình đã thuê đang làm giấy tờ để được vào nhà giam gặp anh để chuẩn bị bào chữa trong phiên toà sắp tới.

===== 14/3 =====

An ninh đánh đập nhà hoạt động Trương Văn Dũng, thẩm vấn Nguyễn Thuý Hạnh trong ngày kỷ niệm Gạc Ma

Ngày 14/3, lực lượng an ninh đã bắt giữ và đánh đập nhà hoạt động Trương Văn Dũng và câu lưu một nhà hoạt động khác Nguyễn Thuý Hạnh trong nhiều giờ.

Khi đi ra tưởng niệm 64 liệt sỹ bị Trung Quốc giết chết tại đảo Gạc Ma ở Trường Sa, nhà hoạt động Trương Văn Dũng bị công an Hà Nội câu lưu và giam giữ đến 3 h chiều.

Nguyễn Thuý Hạnh đi cùng xe máy với Trương Văn Dũng nhưng thoát được, và đến được tượng đài vua Lý Thái Tổ để cùng một số người khác thắp hương tưởng niệm. Tuy nhiên, trên đường về cùng chồng là nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh, bà đã bị an ninh bắt và đưa về thẩm vấn tại một cơ sở của Bộ Công an.

Khoảng 6h chiều, ông Chênh cùng ông Dũng đến nơi bà Hạnh bị thẩm vấn để đòi người thì công an bắt giữ cả hai ông này. Công an đã tịch thu điện thoại của ông Chênh, và đưa ông Dũng vào một phòng khác để đánh và trấn lột một số tài sản cá nhân bao gồm điện thoại Iphone 5 và một ví trong đó có hơn 3 triệu đồng.

Khoảng 10h tối, công an đưa ông Dũng lên một xe taxi và bỏ ông tại một điểm cách nhà riêng của ông không xa. Ông bị đánh gẫy hai răng cửa và nhiều vết thương trên người. Ông được gia đình và bạn bè đưa đi cấp cứu.

Khoảng 10 đêm, khi bà Hạnh bị tụt huyết áp, bà và chồng được trả tự do. Bà cũng phải vào bệnh viện để điều trị.

Nhiều nhà hoạt động ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bị giam lỏng tại gia trong ngày.

——————–

Đỗ Thị Minh Hạnh được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh là “anh thư nhân quyền”

Ngày 14/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Đỗ Thị Minh Hạnh là một trong những “anh hùng nhân quyền” (human rights heroes) vì những đóng góp của cô trong việc đòi quyền lợi cho công nhân.

Theo Phòng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thì “Đỗ Thị Minh Hạnh là người đồng sáng lập Phong trào Lao động Việt nhằm ủng hộ các công đoàn độc lập tại Việt Nam.”

Minh Hạnh đã phải “chịu 4 năm tù chỉ vì khuyến khích công nhân biểu tình đòi tăng lương và cải thiện các điều kiện lao động.”

Phong trào Lao động Việt được thành lập bởi Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương và Đỗ Thị Minh Hạnh. Năm 2010, cả ba bị bắt với tội danh ‘Phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân’ về tội tổ chức cho công nhân đình công đòi tăng lương, và đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho nông dân bị mất đất. Hùng bị kết án 9 năm tù giam và hiện còn đang thụ án tại trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong khi Chương và Hạnh đều bị án 7 năm tù giam. Hạnh được phóng thích sau hơn 4 năm nằm tù còn Chương mới mãn hạn tù vào đầu năm 2017.

Phong trào Lao động Việt là một tổ chức được thành lập năm 2008 với mục tiêu giúp người lao động đấu tranh cho các quyền lợi chính đáng của họ. Chính quyền Việt Nam không công nhận tổ chức này.

===== 17/3 =====

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bá Đăng bị bắt cóc, thẩm vấn

Ngày 17/3, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bá Đăng bị an ninh thuộc Bộ Công an bắt cóc tại một quán cắt tóc ở gần nhà.

Ông bị một nhóm khoảng 20 người bắt và đưa về trụ sở công an huyện Nam Sách để thẩm vấn.

Ông bị tước mất một điện thoại hiệu Samsung.

Phía công an yêu cầu ông phải quay trở lại cơ quan công an vào ngày thứ Hai (19/3) để tiếp tục thẩm vấn.

Ông Nguyễn Bá Đăng sinh năm 1965, là một người bất đồng chính kiến tại Hải Dương, từng tham gia đấu tranh chống tham nhũng, kêu gọi dân chủ và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam… Ông bị bắt giam vào ngày 22/1/2010 với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự. Năm sau, ông bị Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương kết án 3 năm tù giam và 2 năm quản chế.

Ông Nguyễn Bá Đăng từng là một sỹ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khi còn trong quân đội, ông đã bị đảng bộ quân sự theo dõi vì những lời góp ý. Đến năm 1989, ông trở về quê hương và chính thức tham gia đấu tranh đòi tự do dân chủ.

Trước đó, năm 2000, ông Nguyễn Bá Đăng bị nhà cầm quyền địa phương thi hành lệnh quản chế 2 năm. Đến năm 2003, ông bị bắt giam hơn 6 tháng. Tiếp đó, đến năm 2007, ông lại bị bắt giam 4 tháng. Ngoài ra, ông Nguyễn Bá Đăng còn nhiều lần bị bắt giam phi pháp, bị chính quyền địa phương lôi ra đấu tố trên loa phát thanh…

=================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây