Biển không thể tự làm sạch

Việt Nam Thời báo, ngày 14/4/2018
Những cuộc họp nội bộ trong những ngày gần đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tiếp tục cảnh báo về chuyện nếu không có giải pháp căn cơ, thì Tổng vụ Sức khỏe và an toàn thực phẩm DG-MARE (Liên minh châu Âu EU) sẽ chuyển từ thẻ vàng, sang thẻ đỏ cấm Việt Nam xuất khẩu hải sản sang thị trường EU. Lý do là thủy sản của Việt Nam đang bị nhiễm kim loại nặng, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Thông tin công khai vụ việc này đã được báo chí đề cập qua tường thuật Hội nghị “Bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm khai thác khai thác” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại TP Nha Trang hồi thượng tuần tháng 4-2018. Một báo cáo của ông Ngô Hồng Phong – Phó Cục trưởng cục Quản lý chất lượng Nông lâm – Thủy sản (Bộ NNPTNT) đã cho biết về việc gia tăng đột biến tình trạng hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam nhiễm kim loại nặng trong năm 2017 so với năm 2015 và 2016.

Theo ông Phong, năm 2017, có 50 lô hàng thủy sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam bị các thị trường cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm. Các thị trường cảnh báo là EU (35 lô), Nhật Bản (4 lô). Chỉ tiêu vi phạm chủ yếu là kim loại nặng (Cd, Hg), Histamin, vi sinh vật như TPC, Coliforms. “Như vậy, trong năm 2017, số lô hàng thủy sản Việt Nam bị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo, phát hiện chất ô nhiễm là kim loại nặng như thủy ngân, cadmium… vượt mức giới hạn tối đa cho phép đã gia tăng đột biến, đặc biệt là EU tăng gấp 2 lần so với năm 2016, tăng gấp 6 lần so với năm 2015”, ông Phong cho biết.

Hình minh họa.

Trong nhiều cuộc họp trước đó, những viên chức đứng đầu VASEP cũng liên tục cảnh báo thông qua ghi nhận phản ánh từ các hội viên, là hàng thủy sản khu vực miền Trung khi xuất khẩu đã liên tục bị trả về với lý do nhiễm kim loại nặng. Sự việc bắt đầu từ tháng 5-2015, nhưng không ai rõ lý do nhiễm từ đâu. Chỉ khi vụ xả thải của Formosa bị phát hiện vào tháng 4-2016, sự thật mới được hé mở về nguyên nhân thủy sản bị nhiễm kim loại nặng.

Một báo cáo nội bộ của VASEP ghi nhận, hàng thuỷ sản Việt Nam nhận được cảnh cáo bị nhiễm kim loại nặng bắt đầu hồi giữa năm 2015, và đặc biệt tăng mạnh từ sau khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại ven biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế) liên quan đến việc công ty Formosa xả thải vào tháng 4-2016. Tuy nhiên sau đó phía Chính phủ Việt Nam đưa ra kết luận là biển có thể tự làm sạch, không ảnh hưởng về chất lượng xuất khẩu hải sản.

GS.TS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng Điều hành trường Đại học Hoa Sen, bàn luận về vụ hải sản Việt Nam đang bị cảnh báo về nhiễm kim loại nặng, như sau: “Tôi nghĩ rằng nhiều khả năng từ hệ lụy xả thải của Formosa. Khi cống thải được đặt ở 2 km xa bờ biển thì cột nước thải có thể cao vài chục đến cả trăm mét. Dòng hải lưu nơi đó đủ mạnh để phát tán chất độc trong diện rộng từ vài trăm đến ngàn km dễ dàng và nhanh chóng. Thực tế cho thấy tác hại đã lan ra trên 250 km bờ biển thời điểm vụ việc bị nhà chức trách phát hiện.

Theo lý thuyết, những chất này nếu là kim loại nặng thì tác hại của nó có thể là khôn lường và rất khó ước đoán. Các loại hải sản ở khu vực nhiễm độc đều có thể bị nhiễm nặng. Lượng độc tố có thể ngấm sâu xuống mạch nước ngầm và gây hại lâu dài. Tình trạng ở Vũng Áng có tầm nguy hại đến sức khỏe và mưu sinh của dân chúng trên diện rộng do dòng hải lưu, và phân phối hải sản tiêu thụ trên cả nước chứ không chỉ giới hạn ở Vũng Áng. Lịch sử thế giới đã ghi nhận rất nhiều trường hợp thương tâm về việc nhiễm kim loại nặng từ môi trường và cuộc đấu tranh pháp lý không hề dễ dàng…”. (*)

Nói một cách dễ hiểu nhất, kim loại nặng thường có tính bền vững rất cao. Do vậy, nó sẽ tồn tại rất lâu trong đất, nước, không khí. Nếu các sinh vật hấp thụ các kim loại nặng này thì chất độc sẽ được tích lũy và chuyển qua các sinh vật (động vật cũng như thực vật) khác nhau qua chuỗi thức ăn.

Số liệu trước đó được công bố về tình trạng hải sản nhiễm kim loại nặng cũng mâu thuẫn. Ngày 22-8-2016, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia có văn bản gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) báo cáo về kết quả kiểm nghiệm 9 mẫu cá các loại và mẫu ghẹ lấy tại vùng biển Hà Tĩnh. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, có 5 mẫu nhiễm xyanua gồm cá mỏ neo 3,9 mg/kg; cá đuối và ghẹ 3 mắt là 0,8 mg/kg; cá nhồng 0,6 mg/kg; cá man 0,5 mg/kg. Có 3 mẫu phát hiện phenol là cá đuối 14 mg/kg, cá man 8,3 mg/k, ghẹ 3 mắt 10 mg/kg. Lượng phenol được phát hiện này cao hơn nhiều so với mức được phát hiện trong 30 tấn cá cục đông lạnh tại Quảng Trị thời điểm đầu tháng 6-2016 là 0,037 mg/kg. Những mẫu cá này được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh lấy ngày 5-8-2016 tại Gò cá Cẩm Nhượng, chợ Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), biển Kỳ Anh.

Trong khi đó, vào ngày 24-8-2016, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế công bố từ đầu tháng 8 đến ngày 19-8-2016, trong 18 mẫu hải sản được lấy từ 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế được kiểm nghiệm, chỉ phát hiện một mẫu có lượng cadimi vượt ngưỡng.

Một báo cáo của VASEP nhận định nếu EU chuyển sang thẻ đỏ thì Việt Nam sẽ mất kim ngạch xuất khẩu từ 400 triệu đến 450 triệu USD/ năm, cùng hệ lụy doanh nghiệp ngành thủy sản sẽ phá sản, ngư dân sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp.

Không chỉ vậy. Việt Nam còn có thể mất luôn thị trường Mỹ khi bắt đầu từ đầu năm nay, chương trình giám sát thủy sản xuất khẩu (Simp) của Mỹ áp dụng cho 13 loài (bào ngư, cá tuyết Đại Tây Dương, ghẹ xanh Đại tây Dương, cá hồng, hải sâm, các loài cá nhám, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng và vây xanh…). Chi tiết vấn đề này có thể đọc tại https://www.iuufishing.noaa.gov/, phần cụ thể liên quan với thủy sản từ Việt Nam, tải về tại http://bit.ly/2v7HuyJ

Vào ngày 22-8-2016, tại hội nghị “Báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế”, do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng Bộ Y tế, NNPTNT, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội và UBND tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kết luận đầy tự tin: “Theo qui luật về thủy lực, động lực học cũng như xét về mặt kiến tạo, có thể khẳng định rằng, biển miền Trung có thể tự làm sạch những chất ô nhiễm như phenol, xyanua, hydroxit Fe2”.

Tuy nhiên lý thuyết hải dương học cho biết trong nước biển gần như không có xyanua và phenol, nên không có những nhóm vi khuẩn để phân hủy chất này. Và việc gia tăng đột biến tình trạng hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam nhiễm kim loại nặng trong năm 2017 so với năm 2015 và 2016, cho thấy ông Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã ‘nói cho lấy có’.

(*) GS.TS Trương Nguyện Thành. Năm 1985, GS.TS Trương Nguyện Thành tốt nghiệp Đại học North Dakota loại giỏi, ngoài bằng hóa học, thầy còn lấy luôn bốn bằng phụ về Lý, Toán, Kế toán và Công nghệ thông tin. Năm 1990, thầy lấy bằng Tiến sĩ, và giành được Giải thưởng của Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ. Sau đó thầy học tiếp sau Tiến sĩ ngành Mô phỏng cơ cấu sinh lý. Năm 1992, Đại học Utah mời thầy về làm Giáo sư chính thức giảng dạy môn Hóa lượng tử. Năm 1993, thầy Thành lại đoạt giải một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ. Giải thưởng này trị giá 500.000USD và được thầy dành hết cho công tác nghiên cứu. Năm 2002, thầy được phong Giáo sư Cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp Giáo sư ở Mỹ) khi mới 41 tuổi.