Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 15 từ ngày 09 đến 15/4/2018: Thêm 4 nhà hoạt động bị kết án tù khi Chính phủ tiếp tục đàn áp giới bất đồng chính kiến

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 15/4/2018

Chính phủ Việt Nam tiếp tục chiến dịch đàn áp giới bất đồng chính kiến bằng việc kết tội 4 nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ với nhiều bản án hà khắc sau phiên toà xử 6 thành viên của Hội Anh em Dân chủ (HAEDC) tuần trước.

Ngày 10/4, Toà án Nhân dân tỉnh Thái Bình kết tội ông Nguyễn Văn Túc, cựu tù nhân lương tâm và là một thành viên chủ chốt của HAEDC, với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999 (BLHS 1999). Ông Túc, người đã từng thụ án tù 4 năm và 6 tháng, bị kết án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế chỉ vì thực hiện những quyền cơ bản ghi trong Hiến pháp 2013.

Hai ngày sau, Toà án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã kết án cô Trần Thị Xuân, một thành viên cốt cán ở miền Trung của HAEDC, với mức án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế, cũng với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79. Cô bị ép từ chối luật sư trong khi gia đình chỉ được thông báo về phiên toà khi vụ xử đã gần kết thúc. Có sự nghi ngờ rằng cô bị tiêm thuốc và bị buộc phải “thú nhận” trong quá trình điều tra và ngay tại toà.

Cùng ngày 12/4, tại tỉnh Hà Tĩnh lân cận, nơi có Nhà máy thép Formosa xả thải và gây ô nhiễm trầm trọng ven biển miền Trung, Toà án Nhân dân tỉnh đã kết án cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng, người sáng lập và chủ tịch của Đảng Cộng hoà, với mức án 7 năm tù giam và 5 năm quản chế, về cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 của BLHS 1999.

Cả Trần Thị Xuân và Nguyễn Viết Dũng là những người tích cực giúp đỡ ngư dân miền Trung, những người chịu thiệt hại nặng nề do vụ xả thải của Formosa.

Cựu tù nhân lương tâm Vũ Văn Hùng, thành viên của HAEDC, là người thứ 3 bị kết án trong ngày 12/4 bởi Toà án Nhân dân quận Thanh Xuân với cáo buộc “gây thương tích” theo Điều 134 của BLHS 2015. Ông bị bắt trong một vụ án có nhiều uẩn khúc, và theo như ông nói thì ông bị mật vụ tấn công và bắt giữ gần nhà sau khi tham dự một cuộc gặp mặt với một số nhà hoạt động ở Hà Nội. Ông bị toà án kết án tù một năm trong một phiên toà không có luật sư.

Việt Nam còn giam giữ nhiều nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ trong nhiều tháng mà chưa đưa ra xét xử, như Nguyễn Trung Trực, người phát ngôn của HAEDC, Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ, Lê Đình Lượng và Đào Quang Thực. Cả bốn người đều bị cáo buộc theo Điều 79. Trừ Lưu Văn Vịnh đã được gặp gia đình và luật sư, ba người còn lại đều bị biệt giam và không được liên lạc hoặc gặp luật sự hay người thân kể từ khi bị bắt giữ.

Sau khi kết án 10 nhà hoạt động trong vòng hai tuần, chính quyền Việt Nam đã bị chỉ trích bởi nhiều tổ chức quốc tế. Ba chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp quốc đã ra một thông cáo chung bày tỏ quan ngại về làn sóng đàn áp và bỏ tù người hoạt động ôn hoà và yêu cầu Việt Nam trả tự do cho những người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ.

===== 10/4 =====

ÔngNguyễn Văn Túc bị án tù 13 năm

Ông Nguyễn Văn Túc, 54, thành viên chủ chốt của HAEDC, đã bị Toà án Nhân dân tỉnh Thái Bình kết án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79BLHS 1999.

Tại phiên toà kéo dài nửa ngày, ông Túc, một cựu tù nhân lương tâm đã từng thụ án tù 4 năm và sáu tháng vì cổ suý dân chủ, đã phản bác mọi lời kết tội, nói rằng ông chỉ đấu tranh cho lẽ phải, dân chủ và nhân quyền.

Ông, một cựu quân nhân từng tham chiến ở Campuchia, cũng từ chối xin giảm án.

===== 12/4 =====

Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh lén lút xử nhà hoạt động Trần Thị Xuân

Hôm 12/4, Toà án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức một phiên toà lén lút để kết án nhà hoạt động Trần Thị Xuân, một thành viên cốt cán của HAEDC ở miền Trung, với mức án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của BLHS 1999.

Nhà hoạt động Trần Thị Xuân, người bị bắt vào ngày 17/10/2017, bị ép buộc từ chối luật sư trong khi gia đình cô chỉ được thông báo về phiên toà khi nó đã gần kết thúc.

Dường như cô đã bị tiêm thuốc thần kinh trong quá trình bị giam giữ, và ngay trước khi phiên toà được tiến hành, do vậy, cô đã “thú nhận” và xin khoan hồng.

Cô Trần Thị Xuân, 41 tuổi, cư dân xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tĩnh Hà Tĩnh, là một nhà hoạt động từ thiện Công Giáo tích cực, thường xuyên tham gia giúp đỡ người nghèo tại giáo xứ địa phương. Cô đã tích cực hỗ trợ ngư dân địa phương, những người bị ảnh hưởng nặng nề do vụ xả thả gây ô nhiễm trầm trọng ven biển Miền Trung bởi Nhà máy thép Formosa.

Theo cáo trạng phi lý của nhà cầm quyền, cô đã nhận 170 triệu đồng (7,500 USD) của các “tổ chức khủng bố và phản động” ở hải ngoại, để thực hiện những dự án xây dựng xã hội dân chủ ở Việt Nam.

——————–

Chủ tịch Đảng Cộng hoà Nguyễn Viết Dũng bị kết án 7 năm tù giam

Trong cùng ngày 12/4, Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã kết án cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng, người sáng lập và là chủ tịch của Đảng Cộng hoà, với mức án 7 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của BLHS 1999.

Tại phiên toà, Nguyễn Viết Dũng thừa nhận các hành động bày tỏ chính kiến công khai của mình như viết blog, treo cờ vàng ba sọc đỏ, mặc quân phục của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tuy nhiên phủ nhận mình có tội.

Trong cùng ngày, Ân Xá Quốc Tế đăng lời kêu gọi trả tự do cho anh. Trong đó, ông James Gomez, giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương viết rằng: “Nguyễn Viết Dũng là một nhà hoạt động trẻ dũng cảm ở đất nước mà nhân quyền bị chà đạp. Ông đã từng bị tù trước đó vì các hoạt động ôn hòa của mình. Để bảo đảm không lặp lại sự bất công này, chính quyền tỉnh Nghệ An phải hủy bỏ các cáo buộc chống lại ông Dũng và trả tự do cho ông ngay lập tức”.

——————–

Cựu tù nhân lương tâm Vũ Văn Hùng bị kết án 1 năm tù giam

Ngày 12/4, Toà án Nhân dân quận Thanh Xuân, Hà Nội đã kết án cựu tù nhân chính trị Vũ Văn Hùng 1 năm tù giam về cáo buộc “cố ý gây thương tích” theo Điều 134 của BLHS 2015.

Trong phiên xử, thầy giáo Vũ Văn Hùng ra tòa không có luật sư, vì ông từ chối luật sư bào chữa.

Thầy giáo Hùng, một thành viên của HAEDC, vào ngày 4 tháng 1 bị công an Hà Nội tổ chức đón đường bao vây trên đường về nhà, sau khi ông đi dự một buổi họp mặt của Hội Cựu Giáo chức Chu Văn An. Công an đã giàn cảnh tấn công thầy giáo Hùng ở ngoài đường rồi vu cho ông tội “gây rối trật tự công cộng” sau đổi thành “cố ý gây thương tích.”

Thầy giáo Hùng là một trong những nhà hoạt động mà chính quyền đã nhắm từ lâu. Cuối năm 2017, ông nhiều lần bị công an thành phố Hà Nội triệu tập nhằm lấy lời khai về HAEDC.

===== 13/4 =====

Nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực vẫn bị biệt giam

Nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ Nguyễn Trung Trực, phát ngôn viên của HAEDC, hiện vẫn bị biệt giam kể từ khi bị bắt vào ngày 04/8/2017 với cáo buộc theo Điều 79 của BLHS, một điều luật mơ hồ mà Việt Nam dùng để đàn áp HAEDC và nhiều nhà hoạt động ôn hoà khác.

Cho tới nay, khi Việt Nam chuẩn bị đưa ông ra xét xử, ông vẫn không được gặp người thân và luật sư.

Ngày 12/4, luật sư Nguyễn Văn Miểng, người được gia đình ký hợp đồng bảo vệ tư pháp, đã gửi đơn đề nghị được bào chữa cho Nguyễn Trung Trực.

Việt Nam còn giam giữ Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ và Lê Đình Lượng và nhiều người hoạt động khác. Ba nhà hoạt động đều bị cáo buộc theo Điều 79.

===== 14/4 =====

Chuyên gia nhân quyền LHQ hối thúc Việt Nam không bóp nghẹt tiếng nói bất đồng

Ngày 12/4, ba chuyên gia Liên Hiệp Quốc (LHQ), ông Michel Forst, báo cáo viên đặc biệt về tình trạng của những người bảo vệ nhân quyền; ông José Antonio Guevara Bermúdez, đương kim báo cáo viên chủ tịch của Nhóm Công tác về Bắt giữ Độc đoán và ông David Kaye, báo cáo viên đặc biệt về đề cao và bảo vệ tuyền tự do chính kiến và biểu đạt, đã ra một thông cáo chung hối thúc Việt Nam không đàn áp xã hôi dân sự hoặc bóp nghẹt bất đồng.

Bản thông cáo được đưa ra sau khi nhà cầm quyền cộng sản bỏ tù nhiều người bảo vệ nhân quyền về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, một tội danh có thể kèm theo mức phạt chung thân hoặc tử hình.

Ba ông bày tỏ sự quan ngại về cách thức mà những người vận động ôn hòa này bị đối xử và đặc biệt, về việc sử dụng Điều 79 của BLHS 1999.

Họ cũng đặc biệt lo ngại rằng cả sáu người đều bị giam giữ trước khi diễn ra phiên tòa và được cho gặp luật sư rất ít. Các chuyên gia xác định đây rõ ràng là sự vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Họ cũng đặc biệt lo ngại rằng những vụ truy tố mới đây đều liên quan tới những hoạt động bảo vệ nhân quyền và ủng hộ dân chủ.

——————–

Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal chính thức ‘bảo trợ’ cho Hòa thượng Thích Quảng Độ

Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal chính thức nhận “bảo trợ” cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, qua Chương trình Bảo vệ Tự do (Defending Freedoms Project) của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ viện Hoa Kỳ.

Trong một thông cáo báo chí ngày 09/4, Dân biểu Lowenthal thuộc khu vực  Long Beach, Nam California nói rằng, “Hòa thượng Thích Quảng Độ đã chịu nhiều sự đàn áp trong nhiều thập niên qua chỉ vì Ngài đã can đảm đứng lên nói lên tiếng nói vì tự do tôn giáo và các quyền tự do căn bản của con người.” Dân biểu Hoa Kỳ cho biết ông hãnh diện được trở thành người tranh đấu cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, và ông tranh đấu về việc này từ 3 năm qua.

Hoà thượng Thích Quảng Độ của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất đã liên tục bị quản thúc tại gia một cách bất hợp pháp từ năm 1998 cho đến nay, vì các hoạt động cho tự do tôn giáo của Ngài, chống lại chính sách đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam.

Qua Chương Trình Bảo Vệ Tự Do của Ủy Ban Tom Lantos, các dân biểu và nghị sĩ Hoa Kỳ đòi hỏi sự trả tự do, giảm án, hoặc thay đổi tình trạng trong tù cho các tù nhân lương tâm được họ nhận “bảo trợ”.  Đồng thời, các dân biểu và nghị sĩ cũng sẽ kêu gọi sự quan tâm của thế giới đối với những điều luật phi lý và không công bằng đã dẫn đến việc cầm tù các tù nhân lương tâm trên thế giới.

Dân biểu Alan Lowenthal đã liên tục lên tiếng kêu gọi trả tự do cho Hòa thượng Thích Quảng Độ từ lúc ông trở thành dân biểu Liên bang Hoa Kỳ năm 2013 và gia nhập Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos. Vào năm 2015, Dân biểu Lowenthal đã gặp gỡ Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ trong môt chuyến đi Việt Nam cùng phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ. Cũng trong chuyến đi này, Dân biểu Lowenthal nêu vấn đề nhân quyền với nhiều giới chức Việt Nam, kêu gọi trả tự do cho Hòa Thượng Thích Quảng Độ.

——————–

Liên đoàn Thẩm phán Đức bất bình về bản án 6 nhà hoạt động của HAEDC

Ngày 06/4, Liên đoàn Thẩm phán Đức đưa ra một thông cáo báo chí, bày tỏ sự bất bình về bản án đối với sáu nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam mới đây.

Thông cáo được đưa ra sau khi sáu thành viên chủ chốt của HAEDC bị kết án với những bản án nặng nề từ 7 đến 15 năm tù vào ngày 5/4. Trong số này, có luật sư Nguyễn Văn Đài là người được Liên đoàn Thẩm phán Đức trao Giải thưởng Nhân quyền năm 2017 để tuyên dương những đóng góp của ông.

Chủ tịch  của tổ chức này, ông Jens Gnisa nói trong thông cáo báo chí rằng: “Không có gì có thể biện minh cho bản án này. Tất cả những người bị kết án đều là những người đã chỉ dấn thân cho các giá trị vững bền như quyền tự do, thể chế pháp trị và nền dân chủ. Những giá trị này đã được Việt Nam tự nguyện cam kết tôn trọng, nên những người thực hiện chúng không thể bị truy tố về mặt hình sự. Trong vụ này, ngay cả những quyền về tố tụng cũng bị vi phạm nặng nề. Dưới cái nhìn của Liên đoàn Thẩm phán Đức, thì việc tuyên đọc bản án dành cho sáu nhà hoạt động nhân quyền chỉ vài tiếng đồng hồ sau phiên xử cũng đủ cho thấy điều này. Toàn bộ vụ án, kể cả việc tạm giam trên hai năm trời, làm cho người ta thất vọng. Nhà cầm quyền Việt Nam đã đứng trên luật pháp hiện hành để bóp chết tiếng nói của những người chỉ trích họ”.

——————–

Nữ dân biểu Đức đòi CSVN trả tự do cho luật sư Nguyễn Văn Đài

Nữ dân biểu Quốc hội Liên bang Đức Marie-Luise Dott vừa đưa ra một tuyên bố về bản án khắc nghiệt đối với luật sư Nguyễn Văn Đài cùng năm nhà hoạt động nhân quyền khác tuyên bởi Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội trong phiên sơ thẩm ngày 05/4.

Trong tuyên bố của mình, Dân biểu Dott cho biết bà vô cùng bất bình khi được tin luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài bị toà án nhân dân Hà Nội kết án 15 năm tù và 5 năm quản chế về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” trong khi năm nhà hoạt động nhân quyền khác cũng đã bị kết án tổng cộng 51 năm tù. Theo bà, tòa đã không lắng nghe họ trong một phiên xử không công bằng và bị định hướng chính trị.

Dân biểu Dott kêu gọi Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Nguyễn Văn Đài và những người cùng chí hướng của ông, đồng thời tôn trọng Công ước Quốc tế Về Các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Nữ dân biểu Đức xác định, luật sư Đài đã không làm gì khác hơn là dấn thân tranh đấu ôn hòa cho nhân quyền và dân chủ tại nước mình. Các hoạt động của ông nằm trong khuôn khổ của các nhân quyền như quyền tự do có quan điểm, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại và tự do tôn giáo. Là một nhà bảo vệ nhân quyền, ông đã bảo vệ những quyền này cho người khác.

Dân biểu Dott từng gặp luật sư Đài trong một chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8 năm 2015. Sau khi ông Đài bị bắt, bà Dott lập tức tham gia chương trình “Dân biểu Bảo vệ Dân biểu” của Quốc hội Liên bang Đức để bảo trợ và vận động trả tự do cho ông. Từ đó bà đã hai lần trực tiếp gặp đại sứ Việt Nam tại Berlin để nói chuyện về trường hợp ông Đài. Vào tháng 4 năm 2017, nữ Dân biểu Dott đã đọc diễn văn tôn vinh luật sư Nguyễn Văn Đài tại lễ trao Giải thưởng Nhân quyền của Liên đoàn Thẩm phán Đức.

=========================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản tin Tiếng Anh tại đây