BÁO CÁO VỀ TÌNH HÌNH TÔN GIÁO VIỆT NAM QUÝ I NĂM 2018

Phần I: Tổng quan về tình hình tôn giáo tại Việt Nam
Ngày 01.01.2018 vừa qua, Luật tín ngưỡng, tôn giáo (Luật) chính thức có hiệu lực. Trước đó, từ khi chưa thông qua cho đến khi đã thông qua, các tôn giáo, và các hội đoàn ở Việt Nam đã liên tục có những góp ý quan trọng nhằm bảo vệ quyền tự do tôn giáo của công dân theo hiến định (HP 2013), đặc biết vào 01.06.2017, trước ngày ngày Luật có hiệu lực, Đức tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, và Đức giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng thư ký đã thay mặt cho gần 7 triệu giáo dân Công giáo đang sống, làm việc và đóng thuế trong nước Việt Nam đã gởi ý kiến đến Bà chủ tịch QH và các ĐBQH, chỉ ra những điều luật cố tình hạn chế tự do tôn giáo, vậy mà Quốc hội vẫn cố tình phớt lờ.
Cũng trong 3 tháng đầu năm 2018 có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra điển hình là cuộc thăm và gặp gỡ chính phủ Việt Nam của phái đoàn Tòa Thánh. Vào 16/01/2018 phái đoàn ngoại giao của Tòa Thánh đã tới Hà Nội trong chương trình gặp gỡ và làm việc với nhà nước Việt Nam. Phái đoàn do Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa Thánh làm trưởng đoàn. Hai thành viên còn lại là Đức Ông Phanxicô Cao Minh Dung, Tham Tán Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Ông Yovko Genov Pishtiyski, Tham Tán Xử Lý Thường Vụ Sứ Thần Tòa Thánh tại Singapore.
Đức ông Antonie Camilleri còn cho biết Tòa thánh luôn chủ trương thúc đẩy quan hệ với Việt Nam nhằm tiếp tục đồng hành trong sự phát triển của quốc gia, cũng như đóng góp trong các lãnh vực đời sống xã hội, đặc biệt về giáo dục, y tế và từ thiện.Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng Việt Nam mong muốn thúc đẩy mối quan hệ qua việc trao đổi đoàn cấp cao với Vatican.
Tuy nhiên, trong quý 1 của năm 2018 tình hình tôn giáo ở Việt Nam vẫn còn tồn tại những điểm tiêu cực đối với một số nhóm tín đồ ở từng khu vực như tín đồ công giáo thuộc giáo phận Vinh, tín đồ Tin Lành trên khu vực Tây Bắc, tín đồ và các chức sắc Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài đều ít nhiều bị sách nhiễu. Điển hình nhất phiên xử 6 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy với bản án khá nặng
Tất cả 6 tín đồ này bị vu khống tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật Hình sự 1999. Riêng đồng đạo Bùi Văn Thâm bị vu khống thêm tội „Chống người thi hành công vụ“ theo Điều 257 Bộ luật Hình sự 1999. Ông Trung và Thâm đã từng bị giam giữ 4 năm và 2 năm rưỡi vì tội tranh đấu bảo vệ cho đạo tràng trong vụ đàn áp tôn giáo hồi năm 2012.
Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng vụ xử là biểu hiện mới nhất về chủ trương đàn áp của chính quyền nhằm vào các thành viên nhóm tôn giáo này.
Ông nói thêm: “Chính quyền cần chấm dứt việc sách nhiễu và bắt bớ những người tham gia các nhóm tôn giáo không theo phái nhà nước và để cho người dân thực hành tín ngưỡng theo ý mình.”
Một số đại sứ quán tỏ ra quan tâm đặc biệt đến tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam nên đã gặp gỡ với các chức sắc tôn giáo của Hội đồng liên tôn để có cái nhìn đa chiều toàn diện hơn về vấn đề này.
Phần 2: Những trường hợp vi phạm tự do tôn giáo của các cơ quan trực thuộc Chính phủ trong quý 1 năm 2018
2.1 Những trường hợp vi phạm trong tháng 1/2018
Trường hợp vi phạm thứ nhất: Chính quyền địa phương thuộc tỉnh An Giang đã làm chốt ngăn chặn địa điểm diễn ra buổi lễ của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy (GHPGHHTT)
Theo nguồn tin từ nhóm truyền thông GHPGHHTT, lực lượng chức năng trong huyện Chợ Mới đã đóng chốt canh giữ hai đầu điểm lễ chính của GHPGHHTT tại xã Long Giang.
Theo như kế hoạch điểm lễ chính nơi đây các Trị Sự Viên các cấp của GHPGHHTT sẽ đến dự lễ kỷ niệm đại lễ lần thứ 98 năm đản sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH vào ngày 25/11 âl (11/01/2018).
Họ cho công an xã và xã đội đóng chốt canh giữ cách hai đầu điểm lễ khoảng 500. Không cho mọi phương tiện giao thông lưu thông trên đoạn đường này.
Tại tư gia ông Hà Văn Duy Hồ Hội Trưởng GHPGHHTT tỉnh An Giang đã có hàng chục an ninh canh giữ.
Dù bị chính quyền địa phương dựng chốt, ngăn cấm mọi người đến trụ sở Trung Ương tại xã Long Giang, có nhiều tín đồ bị công an địa phương ngăn cản việc đi lại, thậm chí người cắm hoa cũng bị cấm cắm hoa cho buổi lễ. Nhưng theo như thông tin cập nhật “đã dốc hết tâm sức dù không chuyên nghiệp đã hoàn tất việc trang hoàng tại lễ đài để tổ chức kễ kỷ niệm năm thứ 98 ngày Đản Sanh của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Trường hợp vi phạm thứ 2: Nguyên bề trên đan viện Thiên An và các đan sĩ thường xuyên bị chính quyền Huế sách nhiễu đe dọa.
Vào ngày 10 tháng 1 chính quyền xã Thủy Bằng mà đại diện là ông Thìn chủ tịch xã đã cho người tháo dỡ trại gà của các đan sĩ nhằm lấy nguyên khu đất này.
Chỉ mới hơn một tháng nay, gần 5.000 m2 (gần năm ngàn m2) đất rừng thông đồi Đức Mẹ Đan viện Thiên An đã biến dạng, cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế và cán bộ – nhân viên bảo vệ của Lâm trường Tiền Phong Huế thực sự làm ngơ hay chống lưng cho các nhân, doanh nghiệp phá hoại môi trường thiên nhiên lá phổi trong lành có một không hai ở Miền Trung. Theo lời của bà Lê Thị Đức, vợ ông Lê Ngọc Lân trú tại thôn Cư Chánh 1, xã Thủy Bằng, Tx. Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế thì thửa đất này được Xã này và Bộ (không rõ bộ nào) lên đóng cọc cho bà. Một (1) chiếc cọc bằng ống nước 3mm với chiều cao hơn 20 cm nay được thay thế bằng hơn bốn mươi (40) trụ bê tông với chiều cao hơn 2m!!!.
Tiếp đó, ngày 17 tháng 1, các Đan sĩ Thiên An tiếp tục bị nhóm thuộc chính quyền Huế “khủng bố” tâm lý bằng chiêu trò “điều tra” cư trú trái với Luật Pháp hiện hành của Việt Nam và những thông tin sai sự thật nhằm vu khống, xúc phạm Đan Viện Thiên An, Linh mục bề trên và các Đan sĩ.
Văn bản tố cáo sai sự thật và trái với pháp luật của UBNN Tỉnh:
(VĂN BẢN SỐ: 9451/UBND-NC NGÀY 23/12/2017 CỦA UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ.)
Trường hợp vi phạm thứ 3: Gia đình của những người phụ trách truyền thông của một tổ chức Phật giáo Hòa Hảo không được chính quyền công nhận vừa bị công an đe dọa, uy hiếp tinh thần.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Tổng Vụ Truyền thông và Liên lạc của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy (GHPGHHTT) cho biết “Từ hôm 17-1 đến nay, bà ngoại tôi bị công an tỉnh Đồng Tháp gọi điện mời làm việc. Họ liên tục gọi điện thoại đến bà, họ bảo bà cấm tôi sinh hoạt trong tổ chức GHPGHHTT và không cho qua lại với Cụ Hội trưởng Nguyễn Văn Điền”. Ông Nhựt cho biết đây là việc làm nhằm đe dọa và gây áp lực với ông.
Cùng lúc đó, chị Nguyễn Thị Kim Huỳnh, vợ ông Tổng Vụ trưởng Nguyễn Ngọc Tân, cho biết trong dịp chị đưa các con về quê ở huyện Cần Đước thăm bà con, mấy người thuộc an ninh huyện đến gặp chị và gia đình, yêu cầu họ đến xem chị có về đây không, rồi sau đó họ đến từng gia đình anh chị em của chị để lấy lời khai lý lịch.
Chị kể họ còn đe dọa “Nếu (anh Tân) làm vậy sẽ ảnh hưởng tương lai các con của anh”.
Ông Nguyễn Văn Cường, Tổng Vụ trưởng Vụ Tổ chức của giáo hội này, nhận xét rằng “Hai anh Nguyễn Ngọc Tân và Nguyễn Minh Nhựt đảm trách mảng truyền thông là một bộ phận quan trọng của Giáo hội nhưng là lĩnh vực rất nhạy cảm đối với chính quyền. Chính vì vậy hai vị này thường xuyên bị an ninh sách nhiễu về mọi mặt”.
Trong sáu tháng đầu năm 2017, gia đình ông Tân 7 lần bị ném đồ dơ vào nhà.
“Nay họ uy hiếp người thân hầu tạo áp lực để hai người này rút khỏi Giáo hội”, ông nói.
Ông Phan Tấn Hoà, Phó Hội trưởng Trung ương GHPGHHTT, cho biết các tín đồ tôn giáo, đặc biệt là người của các tổ chức tôn giáo độc lập (chính quyền không công nhận), không nghe theo chỉ đạo của chính quyền thì hay bị công an quấy rối các sinh hoạt đời sống của họ.
Trường hợp vi phạm thứ 4:Một chức sắc cấp cao của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy ở Vĩnh Long từ chối làm việc với công an tỉnh Quảng Ngãi vì giấy mời làm việc “quá kỳ lạ”.
Sáng ngày 26-1, trưởng công an xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đem giấy mời được ký bởi thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra tỉnh Quảng Ngãi giao cho ông Lê Văn Sóc, Phó Hội Trưởng Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy. Giấy mời yêu cầu ông Sóc đến Uỷ ban Nhân dân xã Đông Thạnh để làm việc với điều tra viên của Quảng Ngãi.
Trường hợp vi phạm thứ 5: Chính trị sự Đạo Cao Đài bị đe dọa tính mạngChánh Trị Sự (CTS) Hứa Phi, Trưởng Khối Nhơn Sanh Cao Đài Chơn Truyền độc lập, hiện vẫn đang trong tình trạng suy yếu và nguy kịch, liệt chân trái, có thể do tai biến máu não.
Được biết, trên 10 công an huyện và tỉnh Lâm Đồng đã thay phiên nhau tra hỏi về những cáo buộc như việc trả lời truyền thông quốc tế, các cuộc gặp gỡ với phái đoàn tự do tôn giáo quốc tế, tại sao kêu gọi biểu tình chống nhà nước, tại sao không trình diện khi được giấy triệu tập…Trước sự uy hiếp và đấu tố thô bạo liên tục từ ngày 12 tới 28 tháng 1-2018, và nhất là tại trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Xã ngày 29-1-2018, CTS huyết áp lên rất cao (210, bình thường là 120), nhức đầu dữ dội, mệt lã và gục xuống bàn.
Sau cùng công an buộc phải kêu taxi đưa về nhà, nhưng vẫn tiếp tục cho nhân viên hàng ngày đến hăm họa đòi CTS phải lên trình diện khi khỏi bệnh, hoàn toàn không màng gì đến tình trạng sức khỏe nguy cấp của CTS Hứa Phi và không cho rời nhà đi trị bệnh khẩn cấp. Ngoài ra, công an đã cho lập các chốt bao vây và cô lập. Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam muốn đến thăm CTS nhưng không thể qua được các chốt chặn này.
2.2 Những trường hợp vi phạm trong tháng 2/2018
Trường hợp vi phạm thứ nhất: Sáu tin đồ Phật giáo Hòa Hảo bị ra tòa vì tham gia tổ chức lễ giỗ Đức Huỳnh Giáo Chủ ngày 19/4/2017.
Vào ngày 09/02/2018, 04 tín đồ PGHH trong một gia đình là Ông Bùi Văn Trung, Bùi Văn Thâm, Lê thị Hên, Bùi thị Bích Tuyền và 02 tín đồ PGHH là ông Nguyễn Hoàng Nam, Lê Hồng Hạnh sẽ bị tòa án huyện An Phú tỉnh An Giang xét xử cho 2 tội danh” Gây rối trật tự công cộng”(theo điều 245) và “Chống người thi hành công vụ”(theo điều 257)BLHS.
Vì các tín Đồ PGHH này phản đối nhà cầm quyền huyện An Phú ngăn cản buổi lễ giổ, đàn áp tôn giáo tại đạo tràng ông Bùi Văn Trung (ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang vào ngày 19/04/2017 vừa qua. Đây là vụ nhà cầm quyền quy chụp cho những tín đồ PGHH, những người gây rối trật tự công cộng chính là công an mặc thường phục, sắc phục, viên chức chính quyền.
Tòa án huyện An Phú, An Giang đã kết án 6 người là tín đồ đạo Phật Giáo Hòa Hảo thuần túy tổng cộng 24 năm tù.
Tường trình phiên xử 6 đồng đạo PGHH ở An Giang ngày 09/02/2018
Ngày 09/02/2018, trong một phiên xử không công khai, bất công và ngắn ngủi kéo dài 3 tiếng rưỡi Tòa án Nhân dân huyện An Phú đã đưa những bản án bất công đối với 6 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) ở tỉnh An Giang:
1) ông Bùi Văn Trung: 6 năm tù giam (chủ Đạo tràng Út Trung, sinh năm 1964);
2) ông Bùi Văn Thâm: 6 năm tù giam (con ông Trung, sinh năm 1987);
3) ông Nguyễn Hoàng Nam (sinh năm 1982) 4 năm tù giam;
4) bà Lê Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1979) 3 năm tù giam;
5) bà Bùi Thị Bích Tuyền (con ông Trung, sinh năm 1982) 3 năm tù giam;
6) bà Lê Thị Hên (vợ ông Trung, sinh năm 1962) 2 năm tù giam cho hưởng án treo. Tất cả 6 tín đồ bị vu khống tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật Hình sự 1999. Riêng đồng đạo Bùi Văn Thâm bị vu khống thêm tội „Chống người thi hành công vụ“ theo Điều 257 Bộ luật Hình sự 1999. Các đồng đạo Trung và Thâm đã từng bị giam giữ 4 năm và 2 năm rưỡi vì tội tranh đấu bảo vệ cho đạo tràng trong vụ đàn áp tôn giáo hồi năm 2012.
Trường hợp vi phạm thứ hai: Nhà trường xã Diễn Đoài phân biệt đối xử với các em học sinh là người Công giáo, và cấm không cho học sinh Công giáo đi học
Nhà trường xã Diễn Đoài cấm không cho học sinh Công Giáo đi học và các em đã bị thầy cô kéo ra ngoài và đuổi về với lý do là vì các em không nạp tiền học thêm. Đây là khoản thu không chính đáng và không đúng với quy định pháp luật.
Các em đã phải về gọi bố mẹ lên gặp gỡ ban giám hiệu nhà trường. Một số học sinh chưa nạp tiền nước uống mà uống nước thì bị thầy cô tát miệng không cho uống. Khi phụ huynh các em đến trường hỏi nguyên do thì nhà trường không cho gặp. Cùng lúc thay vì đối thoại với phụ huynh thì chính quyền Xã Diễn Đoài bắc loa phát thanh gọi công an huyện đến bao vây bà con.
Được biết cách đây khoảng 1 tháng một người phụ huynh giáo xứ Đăng Cao chia sẻ rằng “khi học sinh công giáo đến trường , thì thầy cô tìm mọi cách đẩy các em xuống bàn cuối, cố ý gây khó khăn cho các em trong lớp học”.
2.3 Những trường hợp vi phạm trong tháng 3 năm 2018
Trường hợp vi phạm thứ nhất: Chính quyền vô cơ thu giữ dụng cụ làm rừng của các đan sĩ đan viện Thiên An.
Một cây thông khô nằm trên đồi thông của Nhà Dòng Đan Viện Thiên An đã được các Thầy Dòng cưa hạ vào sáng nay 1/3/2018, nhưng đã bị cán bộ lâm trường và cán bộ xã Thủy Bằng đến gây cản trở, đòi lập biên bản và thu cây thông khô cùng dụng cụ chặt cây mang đi.
Một trong các Thầy cưa cây thông khô kể rằng: “Nhà cầm quyền đã tịch thu các dụng cụ, phương tiện và bắt phải xin phép với lý do rừng thuộc nhà nước quản lý”.
Một đan sĩ cho biết: Việc chặt một cây thông đã bị khô héo nằm trên quả đồi thông do Đan Viện trồng và sở hữu hơn 70 năm qua không có gì sai phạm đến việc bảo vệ rừng mà “cán bộ lâm trường” lại cấm cản, phải chăng đây chỉ là cái cớ để chính quyền Huế muốn sách nhiễu các đan sĩ và đan viện Thiên An.
Trường hợp vi phạm thứ 2: Linh mục Đặng Hữu Nam phải rời khỏi Giáo xứ Phú Yên, ngay lập tức nhà cầm quyền đưa giấy triệu tập giáo dân yêu cầu làm việc vì có liên quan đến sự kiện bà con tụ tập tại tại UBND xã An Hòa ngày 3/10/2016.
Công an tỉnh Nghệ An đã yêu cầu bà Bùi Thị Nhiệm, bà Sâm, ông Hoán người làng Tân An tức thuộc giáo xứ Phú Yên, có mặt tại Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu trong ngày 09/03/2018 để “làm việc” vì có liên quan đến sự kiện người dân tụ tập tại UBND xã An Hòa ngày 03/10/2016.
Vào buổi sáng ông Cao Sỹ Hoán cũng bị triệu tập lên công an huyện Quỳnh Lưu và mãi đến 14 giờ mới được về nhà.
Ngày 03/10/2016 hơn 500 người dân giáo xứ Phú Yên và vùng phụ cận đã đến UBND xã An Hòa để yêu cầu nhà cầm quyền xác nhận cho linh mục Đặng Hữu Nam là người đại diện pháp lý cho họ trong vụ kiện chống lại Formosa. Nhà cầm quyền xã An Hòa đã cố tình gây cản trở, đùn đẩy trách nhiệm và không chịu xác nhận cho người dân để họ thực hiện các thủ tục pháp lý.
Từ hai năm qua người dân làng Tân An, giáo xứ Phú Yên đã bị là đối tượng tấn công sách nhiễu của nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An. Trong tất cả các sự kiện người dân luôn nêu cao tình thần hòa bình và tôn trọng pháp luật. Tuy nhiên, giới cầm quyền lại luôn tìm cách để chia rẽ, hãm hại và tấn công người dân nơi đây.
Sự việc này làm người ta có thể quy rằng nhà cầm quyền Nghệ An đang có hành vi trả thù những người dân giáo xứ Phú Yên và tìm mọi cách để bảo vệ Formosa.
Cho đến nay người dân nơi đây vẫn chưa một ai nhận được tiền bồi thường và nghề nghiệp vẫn chưa hồi phục như trước.
Trường hợp vi phạm thứ 3: Bốn gia đình người Hmong theo đạo Tin Lành ở Tây Bắc Việt Nam đã bị côn đồ do chính quyền xã xúi giục tấn công.
Theo báo mạng World Watch Monitor hôm Thứ Sáu ngày 16/03, bốn người bị thương ở đầu và tay trong vụ tấn công hôm 1 tháng 3 đã phải nằm bệnh viện 8 ngày. Cả bốn gia đình Hmong gồm 24 người mới theo đạo Tin Lành gần đây. Nhà cầm quyền địa phương đã cảnh cáo họ không được tiếp tục theo đạo mới, và các giới chức đe dọa rằng nếu không từ bỏ đạo, họ sẽ bị buộc rời khỏi làng.
Theo một ước tính, hiện có khoảng 400,000 người theo đạo Tin Lành trong khoảng 1 triệu người Hmong ở Việt Nam, một tỉ lệ cao hơn nhiều lần so với dân số Việt Nam nói chung. Người Hmong, cũng như những tín đồ Tin Lành khác tại Việt Nam, đang đối diện với mối đe dọa từ Luật Tín Ngưỡng Và Tôn Giáo vừa được nhà cầm quyền cộng sản thông qua và có hiệu lực từ đầu năm nay. Luật này mới đây thậm chí đã được sử dụng để hình sự hóa một thánh lễ Công Giáo.
Hiện trạng đàn áp tôn giáo và các quyền tự do khác tại Việt Nam đã được nêu lên tại khóa họp thứ 37 của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đang diễn ra ở Geneva.
Trường hợp vi phạm thứ 4: Chính quyền gây sức ép với người phụ trách truyền thông của Phật giáo Hòa Hảo thuần túy (PGHHTT).
Anh Nguyễn Minh Nhựt Phó Tổng Vụ Trưởng Vụ Truyền Thông và Liên Lạc GHPGHHTT bị công an huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp gửi giấy mời làm việc vào lúc 8g ngày 21/3/2018 tại phòng công an huyện.
Nhưng nội dung làm việc không ghi rõ là trao đổi vấn đề gì.
Anh Nhựt thời gian qua bị an ninh tỉnh Đồng Tháp gây sức ép với gia đình, cụ thể là ép bà ngoại anh Nhựt bảo anh không được hoạt động trong tổ chức GHPGHHTT.
“Anh Nhựt là thành viên trẻ nhất của Ban Trị Sự Trung Ương , là người nhiệt thành với công việc, là một đồng đạo giới hạnh tinh nghiêm.” Lời tâm sự của vị Trị Sự Viên GHPGHHTT.
Thời gian qua một số nhà chức trách địa phương tuỳ tiện gửi giấy mời đến các chức sắc GHPGHH TT khi họ muốn ngăn cản, không cho ai đó tham dự một buổi lễ hay sự kiện gì của Tôn Giáo, là nhận được giấy mời.
Cũng như ngày 21/3 tới này là ngày các Trị Sự Viên GHPGHH TT nhận được lời mời tham dự Lễ giỗ cho thân mẫu của ông Bùi Văn Luốt Hội Trưởng Ban Trị Sự tỉnh Vĩnh Long.
Trước đó, công an tình Đồng Tháp vừa tra hỏi người đứng đầu Giáo hội Phật Giáo Hoà Hảo Thuần tuý về một bản tố cáo chính quyền đàn áp tín đồ trong nhiều thập niên qua đang lan truyền trên mạng xã hội.
Chiều ngày 16-3, một đoàn 12 người gồm an ninh và cán bộ tỉnh Đồng Tháp, huyện Lai Vung và xã Tân Phước đến tư gia Cụ Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng Ban trị sự Trung ương của giáo hội để điều tra “Thư tố tội” có chữ ký của cụ.
người quá cố bảy ngày một lần, và làm bảy lần như vậy.
Ông Lê Quang Hiển, chánh thư ký Ban Trị sự trung ương của giáo hội PGHHTT, nói trong một thông báo rằng đây là hành động sách nhiễu, trấn áp, khủng bố, đe dọa tinh thần Cụ Điền của nhà cầm quyền trong lúc cụ đang bệnh cao huyết áp.
Trường hợp vi phạm thứ 5: Một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế bị quấy nhiễu về thủ tục hành chính.
Theo văn bản tường trình linh mục Đinh Hữu Thoại cho biết:
Hộ khẩu của linh mục trước đây ở tỉnh Đồng Nai. Tôi đăng ký tạm trú tại Gò Vấp, Sài Gòn từ tháng 8/2008 đến tháng 7/2015 (gần 7 năm), và sau đó đăng ký tạm trú tại căn nhà do linh mục đứng tên sở hữu ở quận Phú Nhuận từ tháng 7/2015 và được gia hạn tới ngày 14/7/2019.
Theo Khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú và theo hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, điều kiện để linh mục có hộ khẩu thường trú tại quận Phú Nhuận là:
– Nhà đất đó thuộc sở hữu hợp pháp của linh mục (căn cứ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CH 725402 do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp ngày 29/03/2017).
– Tạm trú liên tục tại Sài Gòn trên 2 năm.
Theo đó linh mục Thoại hoàn toàn có đủ điều kiện như thế, nhưng ngày 23/8/2017, 20 ngày sau khi tiếp nhận hồ sơ, ông thiếu tá Nguyễn Tuấn Kiệt, Phó trưởng công an quận Phú Nhuận ký Thông báo số 1104/TB-CAPN-QLHC kết luận “không đủ điều kiện để đăng ký thường trú vào căn nhà trên theo khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú”, trả hồ sơ đề nghị đăng ký thường trú của linh mục Thoại.
Cho đến ngày 24/3/2018 tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản giải quyết khiếu nại nào liên quan đến 2 Đơn khiếu nại tôi đã ký ngày 11/9/2017 và 26/12/2017. Ngày 22/3/2018 tôi nhận được Giấy mời số 21/GM lần này do ông đại tá Nguyễn Văn Bửu, Trưởng công an quận Phú Nhuận ký ngày 19/3/2018 mời tôi có mặt tại trụ sở của ông lúc 9g00 sáng ngày 23/3/2018 để “làm việc về nội dung đơn khiếu nại của ông Thoại”
Đến ngày hẹn làm việc nhưng công an Phú Nhuận vẫn chưa trả lời đơn khiếu nại đề ngày 11/9/2017 của linh mục về Quyết định 1104/TB-CAPN-QLHC ngày 23/8/2017…
Công an quận Phú Nhuận cho rằng dựa trên việc thay đổi vài chỗ ở nên đăng ký tạm trú mỗi khi ở nơi mới để cho rằng linh mục Thoại đăng ký tạm trú nhiều nơi cùng lúc hầu buộc tội tôi “gian dối, sai sự thật”.
Linh mục Thoại chỉ ra rằng vì là linh mục nên nghĩa vụ của ông là đi tới đâu thì đăng ký tạm trú ở đó, còn việc thông báo xoá tạm trú ở nơi trước là do 2 nơi mới cũ làm việc với nhau, chứ tôi không có thời gian trở lại nơi cũ thông báo xoá. Nếu tôi gian dối thì tại sao những nơi tôi tạm trú trước đây đều xác nhận, ký tên, đóng dấu về thời gian tôi tạm trú? Linh mục cho rằng: “Công an Phú Nhuận dùng chiêu vu khống để tước quyền đăng ký thường trú của tôi.”
Phần 3: Đánh giá và khuyến nghị
3.1 Đánh giá
Theo tổng quan tình hình tôn giáo ở Việt Nam quý 1 năm 2018 và số lượng những trường hợp vi phạm quyền tự do tôn giáo của các cơ quan trực thuộc chính phủ Việt Nam cho thấy tình trang vi phạm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng vẫn tồn tại và diễn ra thường xuyên ở một số tôn giáo nhỏ lẻ như Giáo hội Phật Giáo Hào Hảo Thuần Túy, Đạo Cao Đài và Tin Lành. Công giáo bị phân biệt đối xử sách nhiễu về các thủ tục hành chính.
Ngày 1/1/2018 Luật Tôn giáo chính thức được thực thi bất chấp những hạn chế mà các chức sắc tôn giáo chỉ ra yêu cầu sửa đổi sao cho phù hợp. Việc thông qua một văn bản luật không dành được nhiều sự đồng thuận từ các lãnh đạo của các tôn giáo chắc chắn sẽ có những tiêu cực trong quá trình áp dụng luật trực tiếp. Nên chắc chắn các tín đồ tôn giáo sẽ còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.
3.2 Khuyến nghị
– Các cơ quan trực thuộc chính phủ Việt Nam từ cấp trung ương đến địa phương cần tôn trọng quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của mọi người dân Việt Nam.
– Các cơ quan trực thuộc chính phủ cần phải tôn trọng những tín đồ tôn giáo và chấm dứt hành động phân biệt đối xử với những người theo bất kỳ tôn giáo nào.
– Đối với các nhóm tôn giáo chưa được công nhận yêu cầu các cơ quan vẫn phải tôn trọng để họ tự do hoạt động tôn giáo của họ.
Cần tôn trọng Điều 24 Hiến pháp quy định về quyền tự do tôn giáo của công dân.