Việt Nam đang đàn áp giới bất đồng chính kiến một cách có hệ thống

Washington Post, ngày 14/4/2018

(Bản dịch của Người Bảo vệ Nhân quyền)

 

Tờ báo Bưu điện Washington (Washington Post) đã có bài bình luận về chiến dịch đàn áp giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam sau khi có nhiều nhà hoạt động bị kết án với những bản án nặng nề.

Năm năm trước, luật sư Nguyễn Văn Đài đã đồng sáng lập một nhóm cổ suý dân chủ ở Việt Nam với tên gọi Hội Anh em Dân chủ, nhằm nhấn mạnh cách tiếp cận mới đối với hìnhthức hoạt động. Thay vì chỉ là những người vận động vì các nguyên tắc dân chủ, các thành viên của họ nỗ lực đoàn kết lực lượng bất đồng chính kiến ​​thành một lực lượng lớn hơn, có sức mạnh tập thể dựa trên sự đoàn kết.

Hình ảnh ông Nguyễn Văn Túc tại Tòa án. Ảnh: TTXVN

Vào ngày 5 tháng 4, hy vọng của ông Đài đã tan vỡ. Một tòa án ở Hà Nội đã kết án ông và năm nhà hoạt động khác từ 7 đến 15 năm tù với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Việt Nam hiện đang bị cai trị bởi một đảng cộng sản không khoan dung bất đồng chính kiến ​​và trong những tháng gần đây đã tăng cường đàn áp những người hoạt động nhân quyền và cổ suý dân chủ. Ông Đài, người trước đây từng bị phạt tù bốn năm, đã bị kết án 15 năm. Hội Anh em Dân chủ đã nói rằng họ đang nỗ lực “đấu tranh bảo vệ nhân quyền được công nhận bởi Hiến pháp của Việt Nam và nhiều công ước quốc tế ” và “thúc đẩy việc xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ, văn minh và công bằng cho Việt Nam.” Theo luật sư Lê Luận, một trong những người được thuê bào chữa cho sáu nhà hoạt động, cho biết “Tại phiên toà ngày hôm nay, không có bằng chứng về những nỗ lực của bị cáo để lật đổ nhà nước. Cáo buộc không có căn cứ.”

Nhiều ngày sau, một tòa khác ở tỉnhThái Bình, một tỉnh ở miền Bắc Việt Nam, đã kết án ông Nguyễn Văn Túc, một thành viên của nhóm, với mức án 13 năm tù với cùng tội danh. Thông tấn xã Việt Nam chính thức cho biết ông Túc gia nhập Hội Anh em Dân chủ vào năm 2014 và từng giữ cương vị phó chủ tịch của tổ chức. Cơ quan tuyên truyền của nhà nước gọi Hội Anh em Dân chủ là một “tổ chức phản động hoạt động bất hợp pháp nhằm mục đích xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lật đổ chính quyền nhân dân.” Năm 2009, ông Túc đã bị kết án đến bốn năm tù giam.

Việt Nam vẫn bị kìm hãm trong chủ nghĩa Stalinlỗi thời vì chính quyền phủ nhận nhiều quyền của người dân, trong đó có nhiều blogger và người thực hiện quyền biểu đạt trên mạng xã hội. Năm 2016, nhà cầm quyền đã bắt giữ một blogger nổi tiếng là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một blogger dưới cái bút danh Mẹ Nấm và là người đồng sáng lập Mạng lưới Blogger Độc lập. Vào thời điểm đó, cô đã viết rất nhiều về một vụ xả chất thải công nghiệp ở ven biển mà đã gây ra việc tàn phá sinh vật biển và khiến cho ngư dân và người làm trong ngành du lịch bị mất việc làm ở bốn tỉnh miền Trung. Khi bị bắt giam, Mẹ Nấm bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước.”Cô ấy vẫn đang ở trong tù, và sức khoẻ của cô ấy đang xấu đi. Gần đây, Ân xá Quốc tế đã công bố danh sách 97 tù nhân lương tâm ở Việt Nam, bao gồm nhiều luật sư, blogger, người bảo vệ nhân quyền, người hoạt động vì môi trường và người cổ suý dân chủ.

Ban lãnh đạo của đảng cầm quyền ở Việt Nam có thể không đàn áp giới bất đồng chính kiến ở mức khốc liệt như thế nếu Hoa Kỳ vẫn tham gia vào Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại bao gồm cả Việt Nam mà Tổng thống Donald Trump đã từ bỏ từ năm ngoái. Khi ở Hà Nội năm 2017, ông Trump thậm chí không công khai nêu những lo ngại về việc giới bất đồng chính kiến tại đây bị đàn áp. Giới lãnh đạo Việt Nam dường như không cảm thấy lo lắng về áp lực từ Hoa Kỳ. Người dân Việt Nam là những người thua cuộc lớn nhất.