Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 17 từ ngày 23 đến 29/4/2018: Y án 14 năm tù đối với nhà hoạt động Hoàng Đức Bình

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 29/4/2018

Ngày 24/4, Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã bác kháng cáo của nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Đức Bình, y án tù 14 năm mà Toà án Nhân dân huyện Diễn Châu đã tuyên vào ngày 06/2/2018.

Một ngày trước phiên phúc thẩm, an ninh Nghệ An hứa bằng miệng với gia đình anh rằng 5 người trong gia đình sẽ được vào dự phiên toà. Tuy nhiên, trong ngày xử, an ninh chỉ cho phép bố mẹ của anh vào phòng xử án và không cho ba em vào. Vì sợ con mình lại bị đánh đập như hôm xử sơ thẩm, hai ông bà đã không vào phòng xử án mà cùng các con ở ngoài. An ninh vẫn bị thắt chặt trong phiên toà bị cho là thiếu các chuẩn mực quốc tế về xét xử công bằng.

Đào Thị Trang, con gái của nhà hoạt động Đào Quang Thực cho Người Bảo vệ Nhân quyền biết rằng cha của cô đã bị tra tấn và đối xử vô nhân đạo bởi công an Hoà Bình. Ông Thực, một giáo viên nghỉ hưu vào tháng 9 năm 2017, đã bị bắt vào tháng 10 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự (BLHS).

Chính quyền Việt Nam có thể bắt giữ thêm nhiều thành viên của Hội Anh em Dân chủ sau khi đã kết án 9 thành viên chủ chốt với mức án tù nặng nề về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Ở một số địa phương, công an triệu tập nhiều thành viên của tổ chức này để tra khảo, và một số thành viên đã bị buộc phải đi khỏi địa phương để tránh bị đàn áp.

Nhà hoạt động Trần Thu Nguyệt bị an ninh Nghệ An câu lưu và buộc quay về Sài Gòn khi cô vừa tới Vinh với mục đích tham dự lễ tang của thân mẫu linh mục JB Nguyễn Đình Thục, một cha cố rất tích cực trong bảo vệ quyền lợi của ngư dân, những người bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ Formosa. Công an cũng tịch thu điện thoại của cô và nhúng vào nước, một hành động thường được áp dụng bởi lực lượng an ninh.

===== 22/4/2018 =====

Nhàhoạt động Trần Thu Nguyệt bị buộc rời khỏi Nghệ An

Ngày 22/4, nhà hoạt động Trần Thị Nguyệt đi từ sân bay Tân Sơn Nhất ra sân bay Vinh với mục đích tham dự lễ tang của thân mẫu linh mục JB Nguyễn Đình Thục. Tuy nhiên, khi máy bay hạ cánh và cô xuống làm thủ tục thì bị an ninh địa phương bắt giữ và đưa vào đồn công an của sân bay.

Tại đây, cô bị tịch thu điện thoại, và bị tra khảo trong hai giờ. Sau đó, an ninh buộc cô phải lên máy bay và quay trở lại Sài Gòn.

Công an đã lấy sim điện thoại và sau đó bỏ điện thoại của cô vào nước, một hành động rất thường được áp dụng bởi lực lượng an ninh.

===== 23/4/2018 =====

Nhà hoạt động Đào Quang Thực bị tra tấn, đối xử vô nhân đạo

Nhà hoạt động Đào Quang Thực bị công an tỉnh Hoà Bình tra tấn và đối xử vô nhân đạo kể từ khi bị bắt vào tháng 10 năm 2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của BLHS.

Nói với Người Bảo vệ Nhân quyền, con gái ông, cô Đào Ngọc Bích Quỳnh Trang cho biết ông bị đánh đập và bỏ đói trong hai tháng đầu. Gia đình cũng không được gửi đồ tiếp tế cho ông trong thời gian này.

Bị giam tại Trại tạm giam Chăm Mát, ông thường xuyên bị đánh đập và tra khảo bởi bốn sỹ quan an ninh, một trong số họ tên là Tú, cô Trang cho biết.

Gia đình được phép gửi đồ tiếp tế từ tháng thứ 3, tuy nhiên, ông vẫn bị đánh đập và đối xử vô nhân đạo.

Hậu quả là sức khoẻ của ông bị suy giảm trầm trọng và an ninh buộc phải chuyển ông vào Bệnh viện tỉnh Hoà Bình và sau đó là Bệnh viện 198 của Bộ Công an.

Gia đình chỉ được thăm ông tại bệnh viện trong thời gian ngắn, với sự theo dõi sát sao của lực lượng an ninh nhằm ngăn cản ông tố cáo.

Ông Thực từng tham gia một số cuộc biểu tình ôn hoà về môi trường ở Hà Nội. Ông được cho là có liên quan đến Đào Minh Quân, một người tự lập chính phủ lưu vong ở Mỹ và kêu gọi lật đổ chính quyền cộng sản Việt nam bằng mọi hình thức.

===== 24/4 =====

Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình bị y án 14 năm tù

Ngày 24/4, Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã bác bỏ kháng cáo của nhà hoạt động dân chủ và môi trường Hoàng Đức Bình, y án 14 năm tù giam mà Toà án Nhân dân huyện Diễn Châu đã đưa ra trong phiên sơ thẩm ngày 06/2.

Theo luật sư Hà Huy Sơn, người đại diện pháp lý cho ông Bình, cho biết phiên tòa mở lúc 8 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ 15, tức chỉ kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ.

Hoàng Đức Bình bị bắt giữ ngày 15/5/2017 vì các hoạt động chống lại nhà máy thép của công ty Formosa xả chất thải độc hại gây thảm họa môi trường ở bờ biển miền Trung Việt Nam hồi tháng 4 năm 2016. Ông cũng là phó chủ tịch Phong trào Lao động Việt, một tổ chức độc lập được thành lập từ năm 2008 để thúc đẩy quyền của người lao động.

Trong một phiên tòa sơ thẩm, ông bị xử 14 năm tù giam về hai cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước” theo Điều 330 và 331 của BLHS 2015

Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đã lên tiếng phản đối bản án dành cho nhà hoạt động Hoàng Đức Bình. Trong một thông cáo đưa ra ngay sau phiên phúc thẩm, Phó Giám đốc Châu Á của Human Rights Watch là ông Phil Robertson viết rằng “‘Tội’ duy nhất của Hoàng Đức Bình là luôn yêu cầu chính phủ tôn trọng nhân quyền, nhưng trong chế độ độc tài độc đảng của Việt Nam thì như vậy đã đủ cho một án tù dài.”

===== 25/4 =====

Nhà báo công dân Đỗ Công Dương bị cáo buộc “Lợi dụng tự do dân chủ”

Ngày 16/4/2018, Cơ quan điều tra Công an thị xã Từ Sơn đã chuyển tội danh từ “gây rối trật tự công cộng” sang “tội lợi dụng quyền tự do dân chủ” đối với ông Đỗ Công Đương, một nhà báo công dân và là người tố cáo quan chức địa phương tội tham nhũng.

CA Từ Sơn đã vi phạm “Nguyên tắc suy đoán vô tội” nhằm buộc tội bỏ tù bằng đc ông Đương, theo luật sư Hà Huy Sơn, người được gia đình thuê để bảo vệ quyền lợi cho ông.

Nhà báo Đỗ Công Đương thuộc thôn Tiến Bào, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn. Ông bị bắt ngày 26/1/2018 khi quay phim một vụ cưỡng chế đất đai ở xã Tam Sơn.

Ông đã từng cùng nhiều người dân địa phương viết đơn tố cáo cán bộ địa phương tham nhũng lên chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ. Ông cũng thu thập và công bố thông tin về tài sản khổng lồ của nhiều quan chức đầu tỉnh Bắc Ninh và việc bổ nhiệm nhiều người thân vào các vị trí chủ chốt của địa phương. Chính đài báo của nhà nước công nhận những tin mà ông đưa ra là chính xác.

Việc bắt giữ và âm mưu bỏ tù ông là biện pháp trả thù mà chính quyền Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn áp dụng đối với ông, một nhà báo công dân và chiến sỹ chống tham nhũng.

===== 26/4 =====

Nhiều nhà hoạt động có nguy cơ bị bắt giữ

Nhiều thành viên Hội Anh em Dân chủ đang bị sách nhiễu và đối mặt với bắt giữ sau khi chính quyền bỏ tù 9 thành viên chủ chốt của tổ chức này.

Một số thành viên ở khu vực Miền Trung, như Lê Trung Hiếu và Mai Văn Tám đã liên tục bị công an địa phương triệu tập để thẩm vấn về hội.

Vì bị đe doạ, một số người đã bị buộc phải rời khỏi địa phương nhằm tránh bị bắt giữ.

Hội Anh em Dân chủ là tổ chức bị nhà cầm quyền Việt Nam coi là mục tiêu chính trong chiến dịch đàn áp khởi đầu từ cuối năm 2015 với việc bắt giữ người đồng sáng lập, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.

Trong tháng 4, Việt Nam đã kết án 9 thành viên của hội với mức án cao nhất là 15 năm tù đối với luật sư Đài. Những người khác bị án từ 7 đến 13 năm về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của BLHS 1999.

============================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây