Tư hữu hóa đất đai: tử huyệt của ai? *

Trong những dịp gặp gỡ thân hữu, cựu bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc từng nói rằng rất có thể việc tư hữu hóa đất đai sẽ là tử huyệt của thể chế chính trị!
Cánh đồng lúa huyện Chương Mỹ – Hà Nội
Trần Thành – Thảo Vy, Việt Nam Thời báo, ngày 12/5/2018

 

“Hiện nay đất đai thuộc sở hữu toàn dân có rất nhiều biến dạng, đất đai phân hóa và có nhiều người đang nắm những tài sản lớn. Bây giờ tư hữu hóa đất đai trở lại thì có những hệ quả không thể lường trước được cho nên sẽ có những bất ổn. Có rất nhiều kiến nghị nhưng cuối cùng vẫn chưa thực hiện được, chẳng hạn trở lại nhiều hình thức sở hữu. Có những vấn đề đang rất lúng túng, cho nên trước mắt phải thực hiện cái sở hữu toàn dân, nhưng mà Nhà nước sẽ có những chính sách mềm dẻo để khuyến khích mọi người gắn bó với ruộng đất, nhưng đồng thời tránh lạm dụng”. Ông Nguyễn Đình Lộc chia sẻ như vậy.

Công hữu hóa đất đai là đòn bẫy của tham nhũng quyền lực

Ông Lộc dè dặt cũng đúng vì đã ngồi ghế bộ trưởng Tư pháp đến 10 năm. Có lẽ ông đang lo rằng nếu sắp tới đây Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chấp nhận về một nghị quyết đa dạng hóa quyền sở hữu đất đai, thì sẽ mau chóng lộ mặt những ông bà chủ sở hữu đất đai ở khu Thủ Thiêm chẳng hạn, lại là những chính khách từng sắm vai chóp bu trong bộ sậu quyền lực quy hoạch đất đai.

Nói hình tượng chút, có lẽ vị cựu bộ trưởng Tư pháp đang lo lắng dùm cho ai đó trong bộ máy cầm quyền như một gã phàm ăn nuốt phải lưỡi câu: Nuốt tiếp thì vướng cước và có thể bị chọc thủng dạ dày, mà lôi ra thì móc vào cổ họng.

Từ câu chuyện đang diễn ra ở Thủ Thiêm, quận 2 Sài Gòn cho thấy có mối bùng nhùng trong sở hữu đất đai khiến các nhà quản lý lúng túng. Ngay trong các văn bản pháp luật hiện hành đã thể hiện sự không đồng nhất trong việc xác định quyền sở hữu đất đai. Nếu như Hiến pháp quy định “đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu đất đai trên toàn lãnh thổ”, thì Bộ Luật Dân sự lại quy định đất đai là một trong những loại tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Trong khi đó, Luật Đất đai lại quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”…

Cựu bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc

Vấn đề cốt lõi về quyền sở hữu do 3 yếu tố cấu thành. Thứ nhất là quyền chiếm hữu, thứ hai là quyền định đoạt và thứ ba là quyền hưởng lợi. Cả ba quyền này suy cho cùng đều là quyền tài sản, có quyền buôn bán được.

Chiều hôm 9-5, tại quận 2 có buổi gặp gỡ giữa chính quyền với người dân Thủ Thiêm. Xin được trích sổ tay phóng viên: “Một người nói: “Nhà tôi mặt tiền đường Lương Định Của, giá thị trường 200 triệu đồng/m2. Chính quyền bồi thường 18 triệu đồng/m2, ưu tiên cho xuất mua chung cư tái định cư giá 20 triệu đồng/m2. Vậy đó, tôi mất nhà, mất chỗ làm ăn buôn bán, lại phải mang nợ thêm 2 triệu/m2 nhà. Mà nhà tôi thì ở ngoài ranh qui hoạch, không tin thì mở bản đồ ra xem”.

Hầu hết những người dân hôm nay đều khẳng định như vậy: “Nhà tôi ngoài ranh qui hoạch. Bản đồ chứng minh đây…”. Còn chủ tịch quận 2 thì nói: “Vấn đề trong hay ngoài ranh thì quận chưa trả lời được, chúng tôi chờ trả lời của Thành phố rồi mới giải quyết được khiếu nại của bà con”. Chưa trả lời được nhưng nhà của dân đã bị giải toả rồi. Giải tỏa trắng. Câu trả lời của chủ tịch quận chưa dứt, dưới các hàng ghế hội trường hàng loạt người đã bật dậy kêu khóc phẫn nộ…”. (hết trích)

Như vậy thực chất chẳng có người dân nào có quyền sở hữu đất. Có cả chục cuộc gặp gỡ nữa như hôm 9-5 ở quận 2 xem ra cũng chẳng giải quyết được gì; có chăng cũng chỉ là tình thế mang tính tạm bợ. Những ai đẩy toàn dân xuống vực thẳm sa lầy vì chính sách đất đai sở hữu toàn dân, thì chính họ phải có trách nhiệm kéo người dân do khỏi bãi lầy đó.

Nhà nước của dân, mà lại sợ dân có quyền tư hữu

Trở lại với câu hỏi sẽ là tử huyệt của ai nếu tư hữu hóa đất đai?

Tư hữu và công hữu khác nhau trước hết ở chủ thể có quyền sở hữu. Thay đổi chủ thể có quyền sở hữu có nghĩa thay đổi chủ thể có quyền định đoạt. Ở đây hiện đang là Nhà nước có quyền định đoạt việc sử dụng đất đai. Từ vụ quy hoạch Thủ Thiêm, cho thấy những quan chức chóp bu như Lê Thanh Hải thích thu hồi là sẳn sàng sử dụng quyền lực để sửa lại quy hoạch và thu hồi. Ai dám ngăn cản việc thu hồi sẽ bị quy tội chống đối nhà nước, và thẳng tay cưỡng chế. Hòa thượng Thích Không Tánh, Viện chủ chùa Liên Trì là một nạn nhân như vậy.

Nếu thay đổi chủ thể có quyền định đoạt, có nghĩa người dân có quyền định đoạt việc sử dụng đất đai của mình. Nhà nước muốn thu hồi phải được sự đồng ý của dân, tất nhiên trừ những trường hợp vì lợi ích chung. Dân không muốn cho Nhà nước sử dụng đất của họ, thì Nhà nước muốn cưỡng chế cũng không được. Khi ấy sẽ không còn cơ hội cho những nhóm lợi ích thâu tóm đất đai để chiếm lợi về mình.

Không công nhận tư hữu đất đai dẫn đến nhiều xung đột xã hội hiện nay.

Phía bảo thủ sẽ cho rằng thay đổi chế độ sở hữu sẽ làm thay đổi pháp luật phức tạp. Lý do này vớ vẩn, hệ thống pháp luật của Việt Nam luôn luôn thay đổi, 30 năm trước cũng thay đổi lại toàn bộ và đất nước tiến lên. Vậy cớ gì thay đổi pháp luật thì dân nghèo nước yếu!?

Phía bảo thủ lập luận là một khi thay đổi chế độ sở hữu sẽ làm hỏng chế độ xã hội chủ nghĩa. Lý do này cũng vớ vẩn nốt. Nói theo cách của tuyên giáo Đảng, thì chế độ xã hội chủ nghĩa đơn giản là có đặc điểm là kỹ thuật tiên tiến, khoa học phát triển, dân trí cao, con người công bằng bình đẳng với nhau… Còn cái công hữu tư liệu sản xuất, đã là sang tận chủ nghĩa cộng sản rồi.

Phía bảo thủ lo việc thay đổi chế độ sở hữu sẽ dẫn tới thay đổi hệ thống hành chính. Tiếp tục nói theo ngôn ngữ tuyên giáo, Nhà nước là của dân thì thành lập, thay đổi hay tiêu diệt nó đều là quyền của dân, không phải quyền của nhà nước. Lo bò trắng răng làm chi.

Tạm kết

Một trong những ông tổ của chủ nghĩa tư bản, Adam Smith, đã nhận ra mặt trái của chủ nghĩa tư bán “ở đâu có sở hữu (tư) tài sản thì ở đó có bất công. Chế độ (pháp lý) tư hữu được thiết lập nhằm bảo vệ người giàu chống lại người nghèo hay người có tài sản chống lại người không có tài sản”.

Thế hệ cha ông đi làm cách mạng là mong muốn xóa bỏ cảnh “người bóc lột người” (người nắm trong tay tư liệu sản xuất bóc lột người không có tư liệu sản xuất, theo lý luận của Marx), để người nghèo có ruộng, mà bây giờ chấp nhận sở hữu tư nhân đất đai thì há chẳng phải là quay về bến cũ sao?

Tư hữu đất đai là cơ sở quan trọng cho sự thúc đẩy Cách mạng 4.0 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang mong muốn hướng tới

Nói thế để thấy nói thay đổi thì dễ, nhưng thay đổi được hay không thì còn phải bàn cãi nhiều.

Quan điểm của người viết trước giờ thì vẫn ủng hộ “tư hữu tài sản”, bởi vì chỉ có chế độ tư hữu mới bảo đảm khai thác tài sản ở mức hiệu quả cao nhất. Còn mặt trái của chủ nghĩa tư bản thì phải dùng các chính sách của nhà nước để khắc phục. Chứ cứ lửng lửng lơ lơ như hiện tại thì tài sản của quốc gia vẫn cứ mất dần dần (thông qua các quyết định cấp đất, thu hồi đất sai trái, không minh bạch của các quan chức được giao quản lý) mà người dân thì cũng chẳng an tâm sản xuất, hoạt động kinh doanh trên mảnh đất của mình.

Hơn nữa đất đai không còn là tư liệu sản xuất chủ yếu và quan trọng nhất trong nền sản xuất hiện đại phụ thuộc nhiều vào tri thức như ngày nay nữa. Cách mạng 4.0 như kỳ vọng qua nhiều phát biểu về chuyện này của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một ví dụ.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhóm tác giả về quyền tư hữu đất đai tại Việt Nam – Quan điểm được bảo hộ bởi Điều 19 – Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.