Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 21, từ ngày 21 đến 27/5/2018: Nhiều nhà hoạt động bị giam lỏng sau lời kêu gọi biểu tình chống Trung Cộng

DTD logo

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 27/5/2018

 

Lực lượng an ninh ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đã giam lỏng hàng chục nhà hoạt động từ tối thứ Sáu (26/5) và sáng sớm ngày Chủ nhật (27/5) để nhằm ngăn cản họ tham gia biểu tình ôn hoà chống Trung Cộng vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở biển Đông.

Theo nhiều nhà hoạt động, an ninh mặc thường phục và dân phòng đã được điều động đến canh gác gần nhà riêng của họ. Một số nhà hoạt động được đi ra ngoài nhưng dưới sự theo dõi chặt chẽ của nhân viên an ninh.

Toà án Nhân dân Tối cao đã định ngày xử phúc thẩm 4 nhà hoạt động Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức của Hội Anh em Dân chủ, những người đã bị Toà án Nhân dân Hà Nội kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999 với mức án từ 7 đến 12 năm tù giam trong phiên sơ thẩm ngày 24/4. Phiên phúc thẩm sẽ do Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tiến hành tại trụ sở của Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội.

Trong khi đó, sức khoẻ tâm thần của Lê Thu Hà có vấn đề, theo mẹ cô nói sau chuyến thăm tại Trại tạm giam B14 hôm 25/5. Cô có biểu hiện khác thường, và có kế hoạch tuyệt thực cho dù cô không kháng án bản án tù 9 năm trong cùng vụ án với luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và bốn nhà hoạt động của HAEDC.

Công an thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định gia hạn điều tra bổ sung đối với nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh thêm hai tháng từ 13/5 đến 13/7. Với động thái mới này, ông Vịnh, người bị cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” vì có liên quan đến Liên minh Dân tộc Việt Nam tự quyết, sẽ tiếp tục bị giam ít nhất 21 tháng kể từ ngày bị bắt vào đầu tháng 11 năm 2016. Mới đây, Nhóm Công tác về Bắt giữ Độc đoán của LHQ đã coi việc bắt giữ và giam giữ ông là độc đoán, và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông.

Cựu tù chính trị Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết an ninh Việt Nam đã hai lần tìm cách bẫy ông trong tuần. Đầu tiên, an ninh phái một thanh niên tới nhà ông với ba cuốn sách Chính trị Bình dân của Phạm Đoan Trang, và người này nói rằng muốn tặng ông hai cuốn và hỏi ông một số khái niệm trong cuốn sách. Sau đó công an xông vào nhà ông định cáo buộc ông tàng trữ và buôn bán sách cấm. Lần thứ hai, an ninh cử một ông già đến đề nghị ông Nghĩa photo chứng minh thư của vợ ông ta, nhưng đề nghị sửa lại năm sinh. Một số công an đã đứng sẵn ở ngoài đường để sẵn sàng bắt giữ nhà văn nếu ông chịu làm theo yêu cầu của người khách đáng ngờ này.

Ngày 24/5, Toà án Nhân dân tỉnh An Giang đã y án mà Toà án Nhân dân huyện An Phú đã tuyên đối với sáu nhà hoạt động tôn giáo thuộc Hoà Hảo Thuần tuý. Ông Bùi Văn Trung, con trai ông là Bùi Văn Thâm sẽ phải cùng thụ án tù 6 năm còn con rể ông là Nguyễn Hoàng Nam và hai người khác là Bùi Thị Bích Tuyền và Lê Hồng Hạnh sẽ phải ngồi tù vì đã phản đối chính quyền địa phương không cho họ được tự do thực hành tôn giáo.

Chính quyền Việt Nam vẫn chưa cho phép tù nhân lương tâm Trần Thị Nga gặp gia đình và hai con nhỏ kể từ khi bắt giữ chị vào tháng Hai năm 2017. Chị không được gặp người thân, không được liên lạc với gia đình chỉ vì chị không thừa nhận có tội cho dù bị kết án 9 năm tù giam và 4 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn ở Đà Nẵng cho biết rạng sáng ngày 25/5 anh vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn thì bị an ninh bắt và bị hỏi cung bởi nhiều sỹ quan thuộc Cục Chống Phản động và Khủng bố (A67) của Bộ Công an. Trong 15 giờ câu lưu, anh bị ép phải xoá các bài viết tố cáo VinGroup liên kết với quan chức để mua rẻ nhiều miếng đất công. Công an còn thu giữ tất cả giấy tờ tuỳ thân trước khi trả tự do cho anh.

Ngày 26/5, một nhóm những người hoạt động ở Sài Gòn đã cùng nhau đi cắm trại ở khu du lịch Lan Hương ở thành phố Bến Tre nhưng chuyến dã ngoại của họ đã bị sách nhiễu. Hai trong số họ, cựu tù nhân lương tâm Trần Vũ Anh Bình và Vũ Phong đã bị câu lưu nhiều giờ. Người thứ nhất bị cho là vi phạm án quản chế, còn người thứ hai là do mặc áo có khẩu hiệu phản đối tăng giá xăng.

===== 21/5 =====

Công an Thành phố HCM kéo dài thời hạn điều tra trong vụ án Lưu Văn Vịnh

Công an thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định kéo dài thời hạn điều tra vụ án Lưu Văn Vịnh thêm hai tháng cho tới 13/7, nhà hoạt động đã nói với vợ là cô Lê Thị Thập trong lần gặp gỡ gần đây.

Với lệnh kéo dài từ 13/5 đến 13/7, nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ Lưu Văn Vịnh sẽ bị giam ít nhất 21 tháng kể từ khi ông bị bắt từ ngày 06/11/2016.

Cô Thập cho biết vào tháng 3, công an thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ vụ án lên Toà án Nhân dân thành phố và đề nghị truy tố ông Vịnh theo cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999. Tuy nhiên, toà án không đồng ý và trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.

Toà án đã trả lại hồ sơ cho Viện Kiểm sát thành phố nhưng cơ quan này ngâm hồ sơ trong hai tháng trước khi chuyển cho phía công an, cô Thập cho biết.

Gần đây, Nhóm Công tác về Bắt giữ Độc đoán của LHQ đã ra văn bản khẳng định việc bắt giữ và giam giữ Lưu Văn Vịnh là độc đoán vì ông chỉ thực hiện quyền cơ bản quy định trong Hiến pháp 2013 của Việt Nam và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị. Tổ chức này cũng kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông.

===== 22/5 =====

Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga vẫn chưa được gặp gia đình sau 15 tháng bị giam cầm

Chính quyền Việt Nam vẫn chưa cho phép tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, người đang thụ án tù 9 năm, được gặp gia đình và hai con nhỏ, kể từ khi bị bắt đầu năm 2017.

Lý do của việc trừng phạt vô nhân đạo này là nhà hoạt động Trần Thị Nga không thừa nhận mình có tội.

Cô không được viết thư hay gọi điện về nhà, trong khi theo tiêu chuẩn thì mỗi người tù được gọi điện 5 phút về gia đình mỗi tháng.

Sau khi bị kết án tù 9 năm và 4 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điểu 88 của Bộ luật Hình sự 1999, cô Nga bị chuyển vào trại giam Đắc Trung thuộc tỉnh Gia Lai, cách nhà cô khoảng 1.200 km. Phía công an không báo cho gia đình về việc chuyển trại.

Hiện gia đình chỉ được gửi thực phẩm và tiền để tiếp tế cho cô. Tuy nhiên, cũng không rõ cô có nhận được không.

===== 23/5 =====

Cựu tù chính trị Nguyễn Xuân Nghĩa bị bắt đi làm việc

Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết vào trưa ngày 23/5,một thanh niên vào nhà ông ở Hải Phòng đưa cho ông 3 cuốn ‘Chính Trị Bình Dân’ của tác giả Phạm Đoan Trang, nói tặng và xin được được học hỏi thêm về tập sách này. Liền sau đó vài phút, rất nhiềuan ninh ập vào nhà buộc ông đi làm việccho tới tận 17h30.

An ninh, bao gồm cả sỹ quan an ninh từ Bộ Công an, đã ép ông phải nhận việc buôn bán và tàng trữ sách cấm, vì người thanh niên kia khăng khăng khai là đến mua sách từ ông với giá 250,000 đồng/cuốn.

Tuy nhiên, ông Nghĩa không thừa nhận và sau đó thực hiện quyền im lặng.

Sau nhiều giờ, phía an ninh phải trả tự do cho ông.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa là người lên tiếng đòi đa nguyên đa đảng tại Việt Nam, ông cũng tham gia hoạt động biểu tình chống Trung Quốc gây hấn, xâm lấn Việt Nam. Ông bị bắt năm2008 và bị kết án 6 năm tù với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theoĐiều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.

Sau khi ra tùnăm 2013, ông tiếp tục hoạt động đấu tranh cho một đất nước dân chủ, tự do hơn.

Ông có thời gian ngắn gia nhập Hội Anh em Dân chủ, và chính vì thế mà đã từng bị tra hỏi khoảng 10 ngày trong tháng 11 năm 2017.

===== 24/5 =====

Sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy bị y án

Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang vừa bác bỏ kháng cáo của sáu tín đồ Hoà Hảo Thuần tuý, và y án tổng cộng 22 năm tù giam và hai năm án treo với cáo buộc gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ.

Trước đó, ngày 09/2/2018, Toà án Nhân dân huyện An Phú đã kết án ông Bùi Văn Trung và con trai ông là anh Bùi Văn Thâm cùng bị 6 năm tù về hai cáo buộc, con rể ông là anh Nguyễn Hoàng Nam 4 năm tù, chị Lê Thị Hồng Hạnh và chị Bùi Thị Bích Tuyền đều án 3 năm tù giam với cáo buộc gây rối trật tự công cộng.

Bà Lê Thị Hên vẫn bị án treo 2 năm tù do bị bệnh.

Theo chị Bùi Thị Thắm, con gái ông Trung và là vợ của anh Nam, nói chính quyền đã lập nhiều chốt cách phòng xử án 500 m để ngăn cản tín đồ Hoà Hảo đến chứng kiến phiên toà.

“Viện Kiểm sát ở phiên tòa phúc thẩm thì cũng tranh luận, chứ không từ chối tranh luận như phiên sơ thẩm. Nhưng mà khi mà ông chánh án hỏi thì những người làm chứng buộc tội họ trả lời rất nhiều, nhưng đến khi luật sư (bào chữa) hỏi họ thì họ từ chối, nói không trả lời câu hỏi của luật sư.”

Trước đó, trong phiên sơ, trước khi nghị án, Hội đồng Xét xử cho nói lời bào chữa cuối cùng cho bản thân, ông Trung đã nói rằng đây là vụ đàn áp tôn giáo chứ không phải gấy rối trật tự, ông yêu cầu xử đúng người, đúng tội, đúng theo pháp luật. Những người khác cũng có ý kiến tương tự.

===== 25/5 =====

An ninh Việt Nam ép nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn xoá bài về VinGroup

Rạng sáng ngày 25/5, an ninh đã bắt giữ nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn và tra hỏi anh trong nhiều giờ.

Vừa mới đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Nguyễn Anh Tuấn bị an ninh bắt giữ và thẩm vấn bởi nhiều sỹ quan của Cục Chống Phản động và Khủng bố (A67) của Bộ Công an.

Trong suốt 15 giờ đồng hồ sau đó, anh đã bị thẩm vấn liên tục bởi nhiều cán bộ an ninh khác nhau.Nội dung thẩm vấn là việc anh đi đâu, gặp ai.

Sau khi làm cho người bị thẩm vấn mệt mỏi, một cán bộ tên Vũ, có vẻ là người đứng đầu văn phòng của A67 ở phía Nam, đã trực tiếp gặp. Người này đe doạ nếu anh Tuấn không dừng hoạt động nhân quyền thì cuộc sống của anh sẽ bị huỷ hoại.

Điềukỳ lạ nhất là cuối buổi làm việc, Vũ ép buộc anh phải xóa các bài viết trên FB cá nhân mà Vũ cho là “gây hại cho an ninh quốc gia,”và những bài được nhắc đến là các bài gần đây của anh về cách mà VinGroup cùng các quan chức đã biến hóa đất công thành đất tư với giá rẻ mạt, gây thất thoát cho ngân sách quốc gia ra sao.

Khi anh đề nghị được đưa ra căn cứ pháp lý, cũng như lý giải những bài viết của anh gây tổn hại an ninh quốc gia như thế nào, nhất là khi chúng toàn dựa trên thông tin từ báo chí nhà nước, Vũ không trả lời, chỉ gọn lỏn rằng đấy là cách duy nhất anh cho cơ quan an ninh thấy thiện chí của mình, trước khi họ sử dụng biện pháp mạnh đối với anh.

Sau đó, anninh giữ giấy tờ tùy thân của anh, bởi vì bằng cách đó, theo như họ nói, anh mới có thể chấp nhận tiếp tục gặp cánbộ củaA67 ở Hà Nội.

===== 26/5 =====

An ninh lại định gài bẫy cựu tù chính trị Nguyễn Xuân Nghĩa

An ninh Việt Nam lại định gài bẫy cựu tù chính trị Nguyễn Xuân Nghĩa vào ngày 26/5 sau thất bại vào ngày 23/5.

Sáng thứ Bảy, ông Nghĩa, người có cửa hàng photocopy, thấy một người đàn ông nhiều tuổi đến đề nghị photo một giấy Chứng minh thư mà ông ta nói là của vợ ông ta. Tuy nhiên, ông này đề nghị ông nhà văn sửa lại năm sinh trên giấy CMT, để nộp cho nơi tuyển dụng, theo như ông ta nói.

Tuy nhiên, ông Nghĩa từ chối, nói rằng việc làm đó là vi phạm pháp luật.

Ông Nghĩa cũng nhận thấy có một số mật vụ lảng vảng quanh nhà ông, và ông nghĩ rằng chúng có thể xông vào nhà nếu ông làm theo yêu cầu của vị khách đáng ngờ kia.

———————

Buổi dã ngoại của anh em hoạt động bị quấy rối.

Sáng ngày 26/05, khoảng hơn 20 anh chị em hoạt động xã hội ở Sài Gòn trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang, chị Trần Thu Nguyệt, cựu tù nhân lương tâm Trần Vũ Anh Bình, Vũ Phong, và Dương Lâm đã tổ chức buổi dã ngoại tại khu du lịch Lan Vương thuộc thành phố Bến Tre.

Tuy nhiên, khi anh chị em vừa chuẩn bị ăn trưa thì hàng chục người đủ mọi thành phần, già trẻ, trai, gái, thấp, cao, hung dữ, xấu xí… ập đến. Chúng đã lôi nhạc sỹ Trần Vũ Anh Bình và Vũ Phong lên đồn công an xã Phú Nhuận gần đó.

Người thứ nhất bị công an cho là vi phạm án quản chế, còn người thứ hai bị bắt vì mặc áo phông có khẩu hiệu phản đối tăng giá xăng.

Việc ăn uống bị ngưng lại và tất cả anh em cùng nhau kéo đến đồn công an để “đòi người” khi anh Trần Bình và anh Vũ Phong bị đưa về đây.

Sau khi cướp chiếc áo phản đối tăng giá xăng của anh Phong và lập biên bản “vi phạm lệnh quản chế” với anh Bình, chúng phải để 2 anh ra về.

===== 27/5 =====

Nhiều nhà hoạt động bị giam lỏng trong ngày Chủ nhật

Chính quyền của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác đã đưa công an và dân phòng đến canh gác gần nhà của nhiều người hoạt động từ tối thứ Bảy hoặc sáng sớm Chủ Nhật nhằm không cho họ đi ra ngoài.

Một số người vẫn đi được ra ngoài để đi chợ hay họp hành nhưng dưới sự theo dõi chặt chẽ của nhân viên an ninh.

Việc giam lỏng người hoạt động được thực hiện bởi lực lượng chức năng ở nhiều địa phương sau khi nhà hoạt động Nguyễn Trung Lĩnh ở Hà Nội ra lời kêu gọi biểu tình ôn hoà ở trung tâm các địa phương phản đối việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền quốc gia ở Biển Đông.

Trong lời kêu gọi của mình đăng ở Facebook cá nhân, ông Lĩnh cũng tố cáo chế độ hiện hành đã không thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo vệ đất nước.

=======================================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản tin Anh ngữ tại đây