Bàn về ba quyền lực mà TQ dùng để trói chặt Việt Nam

Trung Quốc đã và đang dùng tổng hợp ba quyền lực đối với thế giới, đặc biệt với Việt Nam. Đó là các quyền lực nóng, cứng vàmềm để xâm chiếm từng bước Việt Nam.
Phùng Hoài Ngọc, Việt Nam Thời báo, ngày 05/6/2018

1. Quyền lực nóng là chiến thuật truyền thống của bao đời phong kiến Trung Hoa từ nhà Ân trước công nguyên đến nhà Mao hiện đại

Đó là chiến thuật xua quân xâm chiếm lãnh thổ bằng bạo lực với kỹ thuật đơn giản nhất: vũ khí nóng và biển người nóng máu ăn cướp.

Đến thời hiện đại, quyền lực nóng buộc phải sử dụng hạn chế. Mở đầu là cuộc chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa 1974 chớp nhoáng, bất ngờ. Kế đó là cuộc chiến tranh Biên giới 1979 kéo dài gần 1 tháng, rồi lai rai giằng co mấy điểm cao biên giới cho tới 1989 trong đó cuộc cướp 1 nhóm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Chưa kể âm mưu dẫn dụ Khmer đỏ gây cuộc chiến biên giới Tây nam.

Học viện Khổng Tử tại Hà Nội.

Chiến thuật quyền lực nóng tấn công thường bị quốc tế phản đối, vả lại, bản thân họ cũng chịu thiệt hại khó lường, họ chuyển chiến thuật khác.

Chuyển qua thủ thuật quyền lực nóng kiểu đe doạ: họ ngăn cản khai thác dầu khí biển Đông như cắt cáp tàu thăm dò của đối phương và ngăn cản ngư dân ta đánh cá ngày càng gia tăng. Trung quốc còn đơn phương ra lệnh cấm đánh cá theo mùa vụ do họ ấn định trên vùng biển Việt Nam, xua đuổi tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam trong hải phận chủ quyền nước ta.

Thủ thuật quấy rối, chọc tức, khiêu khích cũng thuộc phạm vi quyền lực nóng.

Vài năm nay một số đoàn du khách TQ sử dụng hướng dẫn viên lậu người Hán trà trộn thay thế HDV người Việt để trâng tráo phản tuyên truyền chủ quyền biển đảo và lãnh thổ ngay trên đất nước ta. Du khách Trung Quốc cố tình mặc áo in hình “lưỡi bò” nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Cam Ranh hôm 13 Tháng Năm, 2018. Mang tên lửa và tàu bay quân sự ra đảo Trường Sa. Đối đầu với giàn tên lửa Việt Nam.

2. Quyền lực cứng: hành động xâm lấn dễ nhận thấy bằng mắt thường

Thể hiện rõ nhất trên Mặt trận kinh tế: đó là việc tận dụng đường biên giới dài và khó kiểm soát tuồn hàng buôn lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả vào nội địa nước ta.

Thả cho thương lái TQ mua vét những thứ sản vật không có giá trị hàng hoá nhằm phá hoại và kìm hãm phát triển kinh tế đời sống của Việt Nam (Thương lái lỗ nhưng nhà nước hẳn đã bao cấp cho họ thực hiện ý đồ phá hoại).

Mua những thứ sản vật có vẻ tầm thường nhưng trả giá cao nhằm phá hoại sản xuất, huỷ hoại môi trường như móng trâu, móng bò, đuôi trâu, đỉa, ốc bươu vàng, lá điều, rễ hồ tiêu…

Bán thực phẩm bẩn và rẻ, thượng vàng hạ cám, từ đồ chơi có hoá chất độc gây tác hại lâu dài đến thị trường điện tử giá rẻ. Chỉ mua những thứ quí hiếm như gỗ sưa…

Móc nối, thương lượng với quan chức Việt để chiếm được các Dự án rải khắp Việt Nam. Nhân đó họ xuất khẩu công nghệ lạc hậu, tiêu biểu như đường sắt Cát Linh- Hà Đông và các nhà máy thép, điện khắp ba miền.

Ba “đặc khu kinh tế” cho thuê đất 99 năm, đang chờ quốc hội bấm nút nhưng đã có lệnh ngầm từ Bộ chính trị (ngày xưa cách đây hơn 100 năm, Từ Hi thái hậu, hoàng đế Đạo Quang và đế quốc Mãn Thanh thua trận trong chiến tranh Nha phiến, đế quốc Anh phải đổ máu mới giành được quyền nhượng địa, thực chất cũng là thuê đất 99 năm). Ngày nay “hai đồng chí láng giềng hữu hảo” chỉ cần gặp mặt ngầm, Việt Nam đã sắp sửa hai tay dâng đất ở ba điểm bắc- trung- nam cho ngoại bang 99 năm.

3. Quyền lực mềm: đây là thủ đoạn đa dạng và tinh vi nhất bao gồm 

Nhóm quyền lực mềm giáo dục.

Việt Nam có nhiều du học sinh đại học và trên đại học ở khắp các trường đại học TQ từ Quảng Tây giáp biên tới Nội Mông xa xôi.

Bên cạnh nhu cầu nghiên cứu Trung văn tự nhiên của một bộ phận tuy không lớn như nhu cầu tiếng Anh, họ biết đa phần học sinh, sinh viên và cả công chức, nhất là giáo viên khả năng kinh tế thấp. Đi du học là cơ hội lấy được cả bằng cấp và cải thiện kinh tế gia đình, làm vốn đáng kể.

Phần lớn sinh viên, công chức với tiếng Anh không đủ khả năng thi đầu vào du học phương Tây và Mỹ theo diện học bổng. Bên cạnh đó một nhóm người có khả năng du học tự túc đại học Âu Mỹ chiếm tỷ lệ khá lớn.

Trung Quốc cạnh tranh với thế giới tiếng Anh bằng cách tung học bổng thu hút du học như một quyền lực mềm (không kể Đài Loan cũng cạnh tranh vụ này với TQ nhưng chỉ với mục tiêu kinh tế).

Mỗi năm hiện diện ở Trung Quốc với số lượng 15 000 SV và NCS Việt Nam (đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở TQ và Đài Loan đều gọi chung là Nghiên cứu sinh như vậy là chính xác về thuật ngữ), số mới tuyển liên tục thay thế bù vào số tốt nghiệp về nước. Trung Quốc móc nối kết hợp với Bộ Giáo dục Việt Nam tuyển sinh và xét duyệt. Một số em NCS phàn nàn rằng Bộ ngầm đòi chia sẻ học bổng cho Bộ với luật bất thành văn.

TQ tranh đua với Đài Loan giành giựt SV, NCS chủ yếu đi học các ngành khoa học xã hội nhân văn và ngôn ngữ, nhưng cơ bản là truyền bá tiếng Trung. Tốt nghiệp về nước không được trọng dụng chuyên môn, du học sinh khoa học cơ bản trở thành phiên dịch và làm các dịch vụ tiếng Trung. Khoa học tự nhiên kỹ thuật công nghệ của Trung Quốc thì rõ ràng thua kém phương Tây và Mỹ nên số du học sinh VN đi học TQ theo nguyện vọng tự nhiên rất ít. Một số không nhỏ chọn TQ mục đích chỉ là đi kiếm học bổng đạt thu nhập cao hơn trong nước, lại khỏi đóng học phí.

Thí sinh dự tuyển đi học TQ đầu vào mù chữ Hán cũng được chấp nhận, họ sẽ dành cho 1 năm đầu rèn ngoại ngữ.

Nhóm quyền lực mềm quảng bá nghệ thuật giải trí.

Hầu hết các kênh Đài truyền hình VTV, VTC và các đài địa phương tỉnh thành đều chiếu phim Tàu quanh năm suốt tháng. Thực là một sự kỳ lạ !

Trung Quốc  biết rõ cái gu văn nghệ cổ trang của người Việt gắn bó mật thiết với văn hoá Tàu đã cả nghìn năm…nay thực khó dứt bỏ. Các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương vẫn lẳng lặng chiếu phim Tàu, phải chăng chỉ vì họ ham bản quyền bán rẻ hoặc tặng biếu, giao hảo, đổi quảng cáo, dịch vụ mà mất cảnh giác ? Hay là có sự chỉ đạo từ trung ương ?

Giới cầm quyền Trung Quốc vừa tự hào về lịch sử dân tộc họ, nhưng cũng không khỏi mắc cỡ về những ấn tượng đen tối tàn bạo của lịch sử. Họ muốn tác phẩm văn nghệ phải “sửa chữa”, tân trang, tô điểm lịch sử cho đỡ đen đúa. Họ chi tiền và cầm cân nảy mực khi kiểm duyệt đối với các nhà sản xuất tác phẩm nghệ thuật nhất là phim ảnh.

TQ một đất nước có bề dày lịch sử và cũng có khoa sử học lâu đời. Khoa Sử ở các trường đại học được chăm chút, từ cái cổng Khoa cũng được kiến trúc trang nghiêm cổ kính khác hẳn những khoa khác trong trường. Ít nhất là về hình thức, sử học được coi trọng, còn thực chất thì chưa hẳn là vậy. Với một thể chế cộng sản, thực và ảo dường như mơ hồ khó phân định.

Ở Trung Quốc dường như có một chỉ đạo xuyên suốt khi xây dựng tác phẩm văn nghệ kinh điển để xuất ra ngoài bờ cõi. Những tác phẩm ấy phải được ý thức là “quyền lực mềm”, khiến cho người xem nước ngoài phải thấy lịch sử TQ đáng trọng đáng yêu đáng quí sau sự hấp dẫn giải trí (!).

Sửa chữa lịch sử qua tác phẩm văn nghệ Trung Quốc là một khuynh hướng quá rõ ràng. Trong các phim cổ trang lịch sử, những hoàng đế hào hoa phong nhã, những ông vua vì hoàn cảnh mà phải tàn bạo, phải bất nhân. Những ông vua bà chúa cố gắng chăm lo cho đoàn kết dân tộc, sắc tộc.v.v…

Văn nghệ sĩ có bản lĩnh thì viết theo kiểu “trung dung” khôn ngoan của Khổng phu tử (thành bại ai quyết được/ thịnh suy đâu phải vu vơ). Đồng thời dùng thủ thuật giep rắc chủ nghĩa hư vô lịch sử. Đó cũng là một thứ “hiện sinh chủ nghĩa mới”. Từ đây dẫn đến một triết lý hiện sinh: hãy vui sống với bây giờ, trước mắt, đừng bận tâm quá khứ và tương lai ra sao.

Chúng ta thử đánh giá quyền lực mềm chỉ với một bộ phim Tam quốc diễn nghĩa. Qua hai ca khúc lồng trong bộ phim là “Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông” và “Bầu trời lịch sử”, khán giả sẽ nhận thấy ý đồ ngoài nghệ thuật của họ.

Ca khúc “Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông” lặp đi lặp lại đầu mỗi tập phim. Chuyển ngữ:

“Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông

Bọt sóng rửa trôi hết anh hùng.

Phải- trái, thành- bại cũng như không.

Non xanh vẫn cứ thế,

Ngày tháng qua bao nhiêu ?

Ngư ông, tiều phu tóc bạc trên bãi sông

Đã quen ngắm trăng thu gió xuân

Một vò rượu đục vui gặp bạn

Bao nhiêu việc xưa nay

đều bỏ vào trong câu chuyện mà cười”.

Nhạc sĩ triết lý đầy ẩn ý: “Bọt sóng rửa trôi hết anh hùng/ Phải- trái, thành- bại cũng như không” và sau đó hạ câu kết để xí xoá tất cả phải trái: “Bao nhiêu việc xưa nay, đều bỏ vào trong câu chuyện mà cười”.

Kết thúc bộ phim sử thi Tam quốc diễn nghĩa là ca khúc “Bầu trời lịch sử” (nguyên văn “Lịch sử đích thiên không”) gọi “phiến vĩ khúc”. Một bài hát cho giọng nữ, khúc hát của nàng chinh phụ, cũng là suy ngẫm của một nhà triết học lịch sử bất lực và ngập ngừng. “Bầu trời lịch sử” là giọng hát buồn bã nao lòng của nữ nhi, ngược chiều với giọng điệu bi hùng cảm khái của ca khúc chủ đề mở đầu phim.

Chuyển ngữ:

“Mờ mịt rồi ánh đao bóng kiếm,

Đã xa rồi kèn trống đua vang

Trước mắt vẫn hiển hiện từng khuôn mặt hiên ngang tươi tắn.

Đã chôn vùi những đường xưa cát bụi,

Đã hoang sơ những thành quách biên cương

Mặt trời mặt trăng vẫn mang theo những cái tên người quen thuộc.

Thành bại ai quyết được ?

Thịnh suy đâu phải vu vơ !

Một trang sử gió mây vung vãi

Vũ trụ biến đổi, có cũng như không.

Hợp tan đều bởi duyên

Ly tán thảy do tình.

Gánh vác việc đời trước

Mặc kệ đời sau bàn luận.

Trường Giang đau lòng tuôn dòng lệ

Trường Giang chứa tình phát lời ca

Bầu trời lịch sử sao nhấp nháy

Trong nhân gian khí thế bao anh hùng

vó ngựa vẫn dọc ngang”.

(chuyển ngữ 2 ca khúc: Phùng Hoài Ngọc)

Khó mà kể hết các chiến thuật Trung Quốc  sử dụng ba quyền lực, cũng có thể kể thêm chiến thuật “hội nghị quốc tế”.

Tham gia Hội nghị “đối thoại Sangri-La” hàng năm, nơi đây các thuyết khách Trung Quốc gian ngoan trổ tài hùng biện, câu giờ.

Kết

Viện hàn lâm KHXH-NV nước ta có nhiều chuyên gia nghiên cứu khoa “Trung quốc học” nhưng thiếu phòng nghiên cứu“ Âm mưu Trung Quốc học”. Bởi vì họ đã được/bị chỉ đạo bởi tư tưởng “16 vàng 4 tốt” – cái khoá chân tay nhà nghiên cứu.

Nhà cầm quyền Việt Nam mặc cho mạng xã hội với người dân yêu nước tự nguyện chống ngoại xâm với những video-clip tự chế cảnh báo ba quyền lực Trung Quốc và kêu gọi đồng bào cảnh giác phòng chống.

Quan điểm đối ngoại chính thống và công chúng tự do ở Việt Nam đi theo hai hướng trái chiều, đất nước rơi vào bi kịch vì thiếu sức cố kết. Thất bại là điều khó tránh khỏi.