Biểu tình bạo lực: người dân có lỗi và chính quyền vô can?

Giống như nhà báo Mạc Việt Hồng, khi nhìn thấy đoàn biểu tình tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, tôi xúc động đến ứa nước mắt.

 

Ánh Liên, Việt Nam Thời báo, ngày 12/6/2018

Tôi cũng đồng ý rằng, đây là bằng chứng cho thấy, ‘nghị gật hoàn toàn ko đại diện cho dân và lòng dân khác với ý đảng.’

Tôi cũng đồng tình với quan điểm, nếu động vào tinh thần dân tộc, chống ngoại xâm, thì ngay cả chính thể mạnh bạo nhất cũng có thể bị tác động một cách tiêu cực nhất. Và hệ chính quyền hiện nay, có lẽ phải thấm nhuần câu nói của ông Hồ Chí Minh: ‘Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước’.

Biểu tình 10.06 Phan Rí – Vĩnh Tân

Nhưng người viết cũng đồng thời tán thành quan điểm của Bí thư tỉnh Bình Thuận rằng, người dân có thể bày tỏ chính kiến của mình, nhưng lại có hành vi vi phạm pháp luật là không thể chấp nhận được.

Hành vi vi phạm pháp luật đó bao gồm việc người dân quá khích đốt xe, tràn vào UBND tỉnh, tấn công lực lượng CSCĐ.

Đó không phải là hành vi được phép khuyến khích (thiếu sự ôn hòa), và càng không là hành vi được tán dương, tung hô như một số nhóm, cá nhân tung hô trên mạng và coi đó như 1 hình thức ‘chiến thắng chính quyền’ của lòng dân. Bởi đó là hành vi bạo lực, cực đoan và làm biến dạng không gian xã hội dân sự đang phát triển (dù với tốc độ chập chạp) tại Việt nam.

Hành vi này gián tiếp đẩy nhanh sự thông qua Luật an ninh mạng, và gia cố thêm luận điểm, siết chặt an ninh mạng để chặn đứng các hoạt động cực đoan, tổn hại an ninh quốc gia từ phía chính quyền.

Những diễn biến về ‘chỉ thị’ có phần chậm chạp trong xử lý người biểu tình lần này khác hẳn trong đợt 2014 (HD-981) phải chăng nhằm vào ý đồ đó?

Chính quyền vô can?

Sự kiện biểu tình ngày 10.06 cho đến ngày 11.06 đã gần như cho thấy quan điểm và thái độ của người dân về vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Nhưng đó là giọt nước mắt tiếp theo liên quan đến sự nhẫn nhịn của người dân đối với các hành xử có phần thua thiệt từ chính quyền. Từ vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, HD981, đến Repsol; từ dự án EPC của Trung Quốc đến thâm hụt thương mại; từ vấn đề BOT đến việc treo luật biểu tình; từ phát ngôn dính dáng đến Trung Quốc của một số ĐBQH cấp cao đến sự gạt bỏ vai trò giám sát tối cao của Quốc Hội từ chính bà Chủ tịch Quốc Hội.

Tất cả những sự kiện này dồn nén lại và tạo thành một quả bom phẫn uất trong lòng dân chúng, dẫn đến việc bản thân sự kiện đặc khu với thời gian cho thuê quá dài (99 năm) kích nổ khiến biểu tình nổ ra. Một người dân ở Đà Nẵng cũng phải thốt lên: chúng nó bán hết đất rồi còn đâu.

Thiếu minh bạch trong ban hành chủ trương, chính sách liên quan đến quốc gia; sự thiếu tôn trọng ý kiến, quan điểm, thái độ người dân (qua việc treo luật trưng cầu dân ý) cũng là một trong những điều kiện khiến tình hình căm phẫn trong người dân dâng cao.

Cũng theo đó, việc treo luật biểu tình tiếp tục khiến cho hành lang pháp lý cho một biểu tình ôn hòa và có kiểm soát mất đi. Chính vì vậy mà gián tiếp khiến yếu tố kích động, bạo lực len lỏi vào trong cuộc biểu tình ngày hôm qua, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, cùng với sự kích động và đưa tin thất thiệt của lực lượng ‘chống phản động’ trên mạng, bao gồm đưa tin 2 chiến sĩ công an bị chết, kích động người dân biểu tình là ‘nhận tiền phản động lưu vong, nước ngoài’ cũng đổ dầu vào lửa, khiến cho cuộc biểu tình trở nên mang sắc thái phẫn uất hơn.

Câu chuyện biểu tình cực đoan của người dân Phan Rí (Bình Thuận) cũng liên đới đến việc xử lý thờ ơ các bức xúc của người dân. Bởi cách đây 3 năm về trước, vào một ngày tháng 4 – nhiều người dân Vĩnh Tân đã từng chặn quốc lộ 1, xô xát với cảnh sát cơ động, ném bom xăng vào lực lượng chức năng và sau đó bị khởi tố.

Tuy nhiên, sau khi khởi tố người dân, thì bức xúc của người dân tiếp tục được hiện diện: những chuyến xe chở tro xỉ từ nhà máy vẫn chạy; nước giếng bà con dùng bị ô nhiễm bởi xỉ than (có mùi hắc và lợ); giếng muối bị đông cứng; hệ rong rêu bị chết; độ mặn của đất vượt ngưỡng an toàn; ô nhiễm không khí bị tác động tiêu cực bởi xỉ than; và chính quyền hỗ trợ người dân bằng cách trợ cấp 3 tháng tiền gạo, 10 tháng tiền nước từ… thiên tai. Người dân tại Bình Thuận – vùng đất khắc nghiệt bởi thiên tai, nay tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nhân tai; chính quyền Trung ương với 6 Bộ được Thủ tướng giao xử lý tro xỉ đã thực hiện bằng cách… hạ chuẩn môi trường để tiện san lấp. [1]

Vậy là sự sống của người dân tiếp tục bị hút và rút để nuôi sống sự tham nhũng, thói quan liêu, thờ ơ của bộ phận quan chức từ Trung ương đến địa phương.

Và biểu tình nổ ra, trở thành một ngòi nổ để người dân giải tỏa bức xúc đó.

Truy tố thì dễ, trấn áp thì dễ, nhưng làm cho dân phục thì ngàn lần khó khăn. Và chính quyền Việt nam có vẻ như chưa bao giờ để tâm đến điều đó, thay vào đó họ sử dụng chiêu bài áp đặt chủ trương – chính sách, sử dụng lực lượng vũ trang để bảo vệ chế độ, treo các quyền dân sự như biểu tình để ngăn ngừa sự phản ứng người dân.

Nhưng kết cuộc thì sao: đá, lửa, máu vẫn đổ. Về cả hai phía!