Tồn vong của chế độ phụ thuộc vào Luật An ninh mạng?

Có học vị phó tiến sĩ ngành khoa học lịch sử, tuy nhiên cách hiểu học thuật về luật của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, dường như có gì đó còn rất ư ‘bình dân học vụ’.

Ảnh minh họa.

Việt Nam Thời báo, ngày 19/6/2018

 

Báo chí đưa tin sáng 17-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân và Hà Đông sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV. Tại đây, ông Nguyễn Phú Trọng có phát biểu được báo chí trích đăng như sau: “Thời kỳ 4.0, công nghệ phát triển có nhiều lợi ích nhưng mặt khác quản lý rất khó. Có những thành phần sử dụng Internet kích động biểu tình, gây rối, lật đổ chính quyền. Chúng ta cần luật này bảo vệ chế độ này,không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi. (…) Chúng ta phải khai thác tối đa ưu thế của cách mạng công nghệ, lợi rất lợi, nhưng rất nguy hiểm nếu không cảnh giác. Phải có Luật bảo vệ an ninh mạng, an ninh quốc gia và quyền công dân”.

Tổng bí thư cũng nhận định việc Quốc hội thông qua Luật an ninh mạng với tỷ lệ tán thành 86,86% là rất sáng suốt. [http://bit.ly/2MxAEah]

Với tư cách cử tri, mong được trao đổi cùng vị đại biểu Quốc hội đang là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, về câu khẳng định mà ông đã nói và được báo chí trích dẫn như trên.

Cần Luật An ninh mạng để bảo vệ chế độ?

Cá nhân người viết tin rằng câu nói “Chúng ta cần luật này bảo vệ chế độ này, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi”, không nằm trong phần soạn thảo diễn văn mà đội ngũ thư ký đã chấp bút cho ông Nguyễn Phú Trọng. Đây có thể là câu nói trong phút ngẫu hứng của người đứng đầu Bộ Chính trị.

Bởi những sinh viên nhập môn trường luật đều được dạy rằng luật pháp dưới góc độ luật học. được hiểu như là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, và cưỡng chế.

Luật pháp thông thường được thực thi thông qua một hệ thống các cơ quan thực thi, bao gồm các cơ quan như Công an (cảnh sát), Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án… Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, chỉ những hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả xấu cho xã hội và đến một mức độ cần thiết mới có thể bị đưa ra Toà án.

Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều có hai “nhánh” là thực thi luật pháp theo con đường hành chính và thực thi theo con đường hình sự. Hành chính và hình sự là hai cấp độ khác nhau, và không thể đồng thời áp dụng lên một hành vi vi phạm.

Như vậy, Luật An ninh mạng theo cách hiểu của ông Tổng Bí thư, đó là một cứu cánh mang tính hình sự. Do đó, bất kỳ công dân nào sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do chính trị được Hiến pháp bảo hộ, đều có thể bị bắt bỏ tù bởi Luật An ninh mạng, khi mà ngành công an cho rằng những quyền này đang đe dọa sự tồn vong của chế độ, của đảng cầm quyền.

Thế nhưng ngay cả cách hiểu đó cũng cho thấy người đứng đầu Bộ Chính trị đã quên mất rằng trong Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự đã có đầy đủ nội dung để chế tài tất cả cả các hành vi “không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi”, mà ông Nguyễn Phú Trọng đã cho rằng phải chờ tới Luật An ninh mạng mới xử lý được.

Chắc chắn tổ thư ký soạn diễn văn cho ông Tổng Bí thư hiểu rất rõ rằng “Bộ luật là một hình thức văn bản quy phạm pháp luật có mức độ hệ thống hóa cao nhất, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trên một hoặc nhiều lĩnh vực khác nhau”.

Lâu nay người dân vẫn than rằng có quá nhiều chính sách đánh thuế chồng lên thuế, nhằm để cứu nguy cho ngân sách luôn thâm thủng. Rồi sắp tới đây, phải chăng cũng sẽ có chuyện luật chồng lên luật, để nhằm “bảo vệ chế độ này” như lời của vị đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng?

Nhà nước kiểu nào thì pháp luật kiểu đó

Ông Nguyễn Phú Trọng nghĩ rằng Luật An ninh mạng sẽ giúp ‘bảo vệ chế độ’ cũng không sai đối với thể chế chính trị Việt Nam. Bài học vỡ lòng của sinh viên trường luật là “bản chất của luật pháp phản ánh bản chất của Nhà nước đặt ra nó”.

Nhà nước kiểu nào thì pháp luật kiểu đó. Chính vì vậy, luật pháp có tính chất giai cấp. Thế nhưng luật pháp còn có tính xã hội, vì nó chứa đựng những chuẩn mực chung được số đông trong xã hội ủng hộ. Nếu không luật pháp sẽ bị chống đối. Luật pháp có tính dân tộc, nghĩa là phù hợp với truyền thống, tập quán, giá trị đạo đức của các dân tộc trong đất nước. Bản chất này cho phép luật pháp gần gũi với dân chúng, được dân chúng ủng hộ, do đó mà có hiệu quả điều chỉnh lên các quan hệ xã hội. Luật pháp có tính thời đại, nghĩa là phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của đất nước, có khả năng hội nhập với luật pháp quốc tế.

Những cách hiểu nói trên dường như đã không mấy hiện diện trong bài phát biểu sáng Chủ nhật 17/06 của đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng với cử tri Hà Nội.

Trong phần lý lịch công khai của ông Nguyễn Phú Trọng, thấy ghi như sau: Năm 1963, ông học Khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông tốt nghiệp bằng Cử nhân Văn chương. Năm 1973, ông được cử đi học lớp nghiên cứu sinh về kinh tế chính trị tại Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Năm 1981, ông được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh, học tập và bảo vệ luận án phó tiến sĩ ngành khoa học lịch sử tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (Акаде́мия обще́ственных нау́к при ЦК КПСС) cho đến tháng 8 năm 1983. Luận văn của ông viết về chủ đề xây dựng Đảng, có nhan đề là “Các hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm làm mạnh mối quan hệ với quần chúng trong giai đoạn hiện nay: dựa trên kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Liên Xô”. [Nguồn: https://search.rsl.ru/ru/record/01008801621]

Như vậy hoàn toàn có thể chia sẻ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nỗi lo sợ sự tồn vong của Nhà nước cộng sản Việt Nam, vì Đảng Cộng sản Liên Xô đã bị sụp đổ sau cuộc đảo chánh diễn ra từ ngày 19 đến 21/08/1991 diễn ra chủ yếu tại Moskva, và Leningrad.