Những khẩu hiệu sáo rỗng không phòng ngừa được lạm dụng tình dục trẻ em 

Tình trạng lạm dụng tình dục qua các con số;
Tuổi trung bình của nạn nhân: 9
Tỷ lệ nạn nhân là cháu nam: 1/6, cháu nữ: 1/4
Cứ mỗi 8 giờ là xảy ra một vụ lạm dụng tình dục trẻ em
10.000 là con số trẻ em bị lạm dụng tình dục từ 2011 đến 2015

 

Inquirer, ngày 02/7/2018

(Bản dịch của Người Bảo vệ Nhân quyền)

 

Mấy tháng trước có một làn sóng phẫn nộ của công chúng về quyết định của một tòa án kết án 18 tháng tù treo cho một kẻ 78 tuổi lạm dụng tình dục trẻ em  ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Sự phản đối quyết liệt đã dẫn đến một động thái chưa từng có của Tòa án Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh: bác bỏ bản án trước đó và thay bằng một bản án tù 3 năm cho kẻ phạm tội Nguyễn Khắc Thủy.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm thấy mức án của Thủy chưa xứng  với nỗi đau mà tên này đã gây ra cho nạn nhân và gia đình.

Mối quan tâm của công chúng về vấn đề xâm hại trẻ em đã gia tăng rõ rệt trong thời gian gần đây.

“Thật tốt khi công chúng đã góp phần khám phá nhiều trường hợp lạm dụng tình dục. Công nghệ và các phương tiện truyền thông đang giúp mọi người chụp cảnh và cung cấp bằng chứng cho các cơ quan chức năng để sử dụng,” theo bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH), cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm bảo vệ trẻ em, cho thấy trong năm tháng đầu năm nay, 570 trong số 700 trường hợp lạm dụng trẻ em được báo cáo có tính chất xâm hại tình dục.

Hoàng Tú Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), cho biết so với hơn 1.000 trường hợp quấy rối tình dục trẻ em được Bộ LĐTBXH đưa ra hàng năm (và số thực tế có thể cao hơn), số trường hợp được đưa ra toà án vẫn còn thấp ở mức đáng lo ngại.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thú nhận rằng một số trường hợp liên quan đến bạo lực và quấy rối trẻ em chưa được giải quyết đúng cách.

Nhiều bản án nhẹ được đưa ra gây sự phẫn nộ của công chúng.

Ví dụ, một tài xế xe đạp Grab ở Hà Nội chỉ bị phạt 200.000 đồng vì tội lạm dụng tình dục bằng lời nói một cháu gái chín tuổi.

Trong một câu chuyện bi thảm khác, một tên tội phạm hiếp dâm trẻ em ở tỉnh Tây Ninh không có dấu hiệu sợ hãi sau khi bị nêu tên, và còn đe dọa sẽ đệ đơn kiện gia đình nạn nhân sau khi bị gia đình hàng xóm này tố cáo các hành vi dâm dục với đứa con gái sáu tuổi của họ. Trong nỗi tuyệt vọng, cha của đứa trẻ đã uống thuốc trừ sâu để tự tử.

Hiện tại có 17 cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm bảo vệ trẻ em, nhưng phần nhiều “gia đình nạn nhân bị cô lập,” Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhượng nói với Bộ trưởng Dung trong một phiên chất vấn.

HoàngTú Anh cho rằng, trong nhiều trường hợp, phải mất nhiều thời gian để kết thúc một vụ án xâm hại trẻ em, và đôi khi cho các bản án được thực hiện, và nhiều trường hợp khác bản án không được thực thi.

Điều này đặt ra câu hỏi về năng lực và vị thế đạo đức của các cơ quan tư pháp và công quyền, bà nói.

“Chúng tôi cần xem xét lại quá trình điều tra. Chỉ khi pháp luật công bằng và rõ ràng thì chúng ta sẽ có được niềm tin của công chúng và giúp các nạn nhân tự tin lên tiếng,” Hoàng Tú Anh nói.

Về hệ thống pháp luật của đất nước, Vijaya Ratnam-Raman, cố vấn pháp lý vềquyền trẻ em của Văn phòng UNICEF tạiViệt Nam, cho rằng Việt Nam đã có luật vững chắc nhưng những luật đó cần được thực hiện hiệu quả.

” Theo luật pháp Việt Nam, trẻ em được định nghĩa là dưới 16 tuổi. Điều này có nghĩa là Luật Trẻ em không áp dụng để bảo vệ cho những người từ 16 tới dưới 18 tuổi. Do đó, số trẻ em bị lạm dụng tình dục nhiều hơn báo cáo,” ôngnói.

Bà Ninh Thị Hồng nói rằng vấn đề nằm trong sự thiếu hợp tác giữa các cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

Khi một vụ kiện quấy rối tình dục bị phát hiện, phía công an bắt đầu điều tra, trong khi các cơ quan khác có nhiệm vụ giúp đỡ các nạn nhân. Mỗi cơ quan có một nhiệm vụ riêng nhưng họ thiếu sự cộng tác.

“Không ai trong số những cơ quan này có thể giải quyết vấn đề một cách riêng lẻ, nó đòi hỏi một phản ứng đa ngành,” Raman nói.

Đặng Hoa Nam, Trưởng phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em thuộc Bộ LĐTBXH, tuyên bố rằng Bộ luôn cố gắng bảo vệ quyền riêng tư của nạn nhân và đó là ưu tiên hàng đầu.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ quyền riêng tư của nạn nhân, Chính phủ đã giao Bộ LĐTBXH làm việc với các cơ quan tư pháp để thu thập bằng chứng về điều tra, ông nói thêm.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm bảo vệ trẻ em giữa các cơ quan Nhà nước, ông Nam cho biết, theo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã và cấp tỉnh nơi các cuộc tấn công tình dục diễn ra phải chịu trách nhiệm.

Trong trường hợp các ủy ban không thể xử lý vụ việc, cần báo cáo cho các cấp cao hơn hoặc cần được giúp đỡ từ các địa phương khác hoặc các cơ quan chính phủ. Nếu các địa phương hoặc các cơ quan chính phủ không hỗ trợ, họ phải chịu trách nhiệm, ông nói.

Trong khi luật pháp quy định chính quyền xã nên bảo vệ quyền lợi của nạn nhân và gia đình họ, nhiều cộng đồng không có nhân viên xã hội chuyên nghiệp, theo Raman.

“Trong khi vai trò của nhân viên chuyên ngành làm việc về phúc lợi xã hội là rất quan trọng để bảo vệ trẻ em một cách đầy đủ, trình độ chuyên môn vẫn còn thấp rất nhiều so với yêu cầu,” ông nói.

Hợp tác công-tư

Trong khi các cơ quan công quyền thất bại trong việc thực hiện các chính sách hoặc đưa ra các giải pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ em, một số cá nhân và tổ chức xã hội đã bước vào.

Nhấn mạnh sự cần thiết của một cách tiếp cận dựa vào cộng đồng để ngăn chặn quấy rối tình dục, Phạm Minh Anh, một giảng viên tại Lớn lên an toàn (Grow Up Safely), một sáng kiến ​​xã hội, nói rằng sự cộng tác chặt chẽ giữa các trường học, gia đình và cộng đồng là rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Tổ chức Lớn lên an toàn được thiết lập bằng nguồn hỗ trợ 10.000USD từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Sáng kiến ​​này đã giúp nâng cao nhận thức về lạm dụng tình dục trong số gần 1.200 học sinh tiểu học ở vùng cao nguyên phía Bắc, bao gồm tỉnh Hà Giang và Lào Cai, trong hai năm qua.

Thông qua các trò chơi hấp dẫn và tương tác, các giảng viên của dự án, chủ yếu là sinh viên đại học, nhẹ nhàng truyền đạt những bài học sâu sắc về tự yêu cơ thể mình, tôn trọng quyền riêng tư và phòng ngừa quấy rối tình dục cho trẻ em.

Bên cạnh những bài học thực tế, họ cũng có một trang Facebook chính thức để cha mẹ có thể dạy con cái của họ ở nhà.

“Đối với trẻ em ở vùng cao nguyên phía Bắc, chúng tôi bắt đầu bằng cách dạy chúng về các bộ phận cơ thể, và cách chăm sóc và yêu thương bản thân. Phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em nên luôn luôn được đề cập cuối cùng,” Minh Anh nói.

“Ví dụ, chúng tôi đưa ra một danh sách kiểm tra cho cha mẹ trước khi họ đăng ảnh của con cái của họ trên Internet, và đây là việc quan trọng để bảo vệ trẻ em khỏi bị quấy rối tình dục, mặc dù nó thường bị bỏ quên,” cô nói thêm.

Các cơ quan nhà nước cũng tỏ ra quan tâm đến dự án.

Theo Minh Anh, nhóm nghiên cứu đã làm việc với Ủy ban Nhân dân phường Trung Liệt của Hà Nội để thực hiện một chương trình tương tự cho trẻ em trong khu vực.

Những nỗ lực hợp tác đã củng cố niềm tin của họ rằng tác động của quan hệ cộng tác công-tư có thể ngăn chặn tình trạng trẻ em bị lạm dụng.

“Chính phủ có một số cơ chế để bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn là cách sử dụng những cơ chế này một cách hiệu quả. Chúng tôi cần tăng cường hợp tác giữa các trường học, gia đình và cộng đồng để tránh bất kỳ tác hại nào xảy ra với trẻ em của chúng ta,” Minh Anh nói.

Đầu tư thực dụng hơn

Chia sẻ cùng một sự thất vọng, Tú Anh đã lấy đường dây nóng bảo vệ trẻ em quốc gia 111 làm ví dụ, nói rằng do quá tải, một trong những người quen của cô đã phải vật lộn để kết nối với một nhà điều hành.

Cô đề nghị đường dây nóng nên được công bố bởi các phương tiện truyền thông trong giờ cao điểm.

Trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ trẻ em thuộc chính phủ cũng nên được công khai để công chúng có thể giám sát hoạt động và hiệu quả của họ, cô nói.

Để cải thiện các nỗ lực bảo vệ trẻ em, các quỹ nên được gây quỹ từ thiện và các tháng hành động nên được đầu tư cụ thể vào trẻ em và những người làm việc trực tiếp về bảo vệ trẻ em.

Raman của UNICEF đã đề xuất Việt Nam nên rót nhiều ngân sách và xây dựng năng lực để ứng phó với tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em.

“Thêm nữa, các chuyên gia bao gồm cả nhân viên xã hội, giáo viên, bác sĩ và y tá cần phải được đào tạo kỹ năng trong giao tiếp với trẻ em và ngân sách nhà nước cần phải được phân bổ để làm cho các biện pháp hiệu quả,” ông nói.

“Im lặng cho phép bạo lực tiếp tục. Do đó, những nỗ lực cần được thực hiện để khuyến khích các cộng đồng, gia đình và trẻ em lên tiếng chống lại tất cả bạo lực đối với trẻ em,” ông nói thêm.

“Trên toàn thế giới, những gì các quốc gia nhận ra là một khi một đứa trẻ bị lạm dụng tình dục, thiệt hại đã xảy ra. Do đó, nếu bạn đầu tư vào phòng chống bạo lực trẻ em, hãy ngăn chặn nó trước khi nó xảy ra, nó sẽ là việc sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và cũng có lợi cho trẻ em, gia đình và cộng đồng,” ông kết luận.

Tháng Sáu, tháng hành động bảo vệ trẻ em quốc gia, hiện đã kết thúc, nhưng tất cả những gì chúng ta thấy là nhiều người cưỡi xe đạp vẫy biểu ngữ về bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, nó đã được chứng minh rằng những nỗ lực này chỉ đơn giản là không nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề này.