Bản tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 27 từ ngày 02 đến 08/7/2018: Nhà báo độc lập Lê Anh Hùng bị bắt giữ với cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”

DTD logo

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 08/7/2018

 

Ngày 05/7, công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ nhà báo độc lập Lê Anh Hùng với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015 vì những bài viết và lá đơn anh tố cáo nhiều lãnh đạo đảng, như Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Bí thư thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải có nhiều hành động bán nước, cấu kết với Trung cộng để gây hại cho Việt Nam.

Nhà báo Lê Anh Hùng, người có nhiều bài viết ở VOA, RFA và trên blog cá nhân, sẽ bị tạm giam ít nhất trong 3 tháng tới tại Trại Tạm giam số 2 của Công an Hà Nội để công an điều tra. Anh có thể phải đối mặt với án tù cao nhất 7 năm nếu bị kết án.

Anh là nhà hoạt động thứ 6 bị bắt giam từ đầu năm tới nay. Những người bị bắt trước đó là nhà báo độc lập Đỗ Công Đương, Facebooker Nguyễn Duy Sơn và Nguyễn Văn Quang, nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Trung Lĩnh, và cựu tù nhân lương tâm Vũ Văn Hùng, một thành viên của Hội Anh em Dân chủ.

Chỉ vài giờ sau vụ bắt giữ, Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã ra thông cáo chỉ trích chính quyền Việt Nam và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Lê Anh Hùng, người cũng là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger nổi tiếng dưới bút danh Mẹ Nấm, dường như đã bắt đầu tuyệt thực từ ngày 06/7 để phản đối việc cô bị đàn áp tinh thần trong thời gian thi hành án tù tại Trạm giam số 5 ở Yên Định, Thanh Hoá. Cô bị người giam cùng phòng liên tục chửi bới, và nhiều khi lại bị biệt giam. Đây là lần tuyệt thực thứ 2 của cô trong vòng hai tháng. Trong tháng 5, cô tuyệt thực để phản đối việc nhà tù không cho cô trao đổi thư từ với gia đình.

Trước khi tuyệt thực, Mẹ Nấm chỉ ăn đồ ăn do gia đình gửi, vì cô hay bị ngộ độc thực phẩm khi ăn thức ăn do nhà tù cung cấp.

Nhà chức trách ở Lâm Đồng tiếp tục sai an ninh mặc thường phục tấn công Đỗ Thị Minh Hạnh và cha của cô bằng cách ném gạch đá, bom tự chế, dầu thải và cả chất độc vào nhà riêng của họ ở thị trấn Di Linh, huyện Di Linh. Cuộc tấn công bắt đầu từ ngày 24/6 khi hai mật vụ tấn công Minh Hạnh khi cô đi ra ngoài, và nhiều đêm sau đó, rất nhiều mật vụ tập trung gần nhà cô để ném vào nhà, gây vỡ cửa kính và nhiều vật dụng trong nhà. Sau khi cô đi khỏi nhà, mật vụ vẫn còn lảng vảng ở gần nhà cha của Minh Hạnh, cựu tù nhân lương tâm và hiện là chủ tịch của Phong trào Lao động V.

Chính quyền Việt Nam đã đưa hai tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình và Trương Minh Đức, hai phó chủ tịch của Phong trào Lao động Việt, đi thi hành án tại những nhà tù rất xa gia đình của họ. Người thứ nhất, bị án tù 14 năm chỉ vì trợ giúp pháp lý cho ngư dân trong việc kiện Formosa, bị chuyển đến trại giam An Điềm thuộc tỉnh Quảng Nam còn người thứ 2 thì bị chuyển đến Trại giam số 6 nằm ở huyện Thanh Chương Nghệ An.

Công an tỉnh Đồng Nai còn giam giữ hai chị em Nguyễn Thị Ngọc Phương và Nguyễn Thi Trúc Anh, hai giáo dân thuộc giáo xứ Phúc Lâm, Hố Nai từ ngày 10/6 khi họ tham gia biểu tình ôn hoà phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế, và An ninh mạng. Công an không thông báo cho gia đình lý do bắt giữ và cáo buộc nếu có.

Ngày 10/7, Toà án Cấp cao tại Hà Nội sẽ tổ chức phiên phúc thẩm đối với 3 thành viên của Phong trào Chấn hưng Nước Việt là Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc. Trong phiên sơ thẩm ngày 31/1, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội đã kết án họ tổng cộng 20.5 năm tù giam và 13 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999. Trong phiên xử đó, gia đình và người thân của 3 bị cáo không được tham dự phiên toà, và bà Huỳnh Thị Út, mẹ của Trần Hoàng Phúc, đã có đơn gửi Toà án Nhân dân Tối cao để yêu cầu được tham dự phiên phúc thẩm.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A đã bị an ninh câu lưu hơn 5 h khi ông trở về Hà Nội từ Thái Lan. Ông bị an ninh dẫn đi trước khi nhập cảnh, và bị đưa vào đồn Công an Nội Bài để tra khảo về những hoạt động của ông ở nước ngoài.

===== 02/7 =====

Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình bị chuyển trại

Ngày 02/7, gia đình của Hoàng Đức Bình đến thăm anh tại Trại tạm giam Nghi Kim nhưng được trại giam thông báo rằng anh đã bị chuyển đi Trại giam An Điềm ở tỉnh Quảng Nam, cách gia đình anh khoảng 550 km.

Như vậy là chính quyền Việt Nam đã chuyển anh đi An Điềm để thi hành án tù 14 năm, mà không thông báo cho gia đình.

HoàngĐức Bình, phó chủ tịch Phong trào Lao động Việt, đã bị kết án 14 năm tù giam chỉ vì những hoạt động nhằm trợ giúp bà con ngư dân, những người bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ Formosa.

Đọc thêm: Tù nhân lương tâm Hoàng Bình bị chuyển trại

===== 03/7 =====

Nhà hoạt động Minh Hạnh bị tấn công bằng gạch đá, dầu nhớt và hoá chất độc

Mật vụ tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tấn công cựu tù nhân lương tâm và đương kim chủ tịch của Phong trào Lao động Việt Đỗ Thị Minh Hạnh và cha cô bằng gạch đá, dầu nhớt thải và hoá chất độc hại trong đêm 03/7.

Hậu quả của cuộc tấn công là tất cả cửa kính của ngôi nhà của ba cô ở thị trấn Di Linh, huyện Di Linh bị đập nát. Những kẻ tấn công còn ném dầu thải và hoá chất gây khó thở vào nhà qua cửa sổ.

Đây là một trong nhiều vụ tấn công nhằm vào nhà của cha cô trong những ngày gần đây, khi Minh Hạnh trở về để chăm sóc người cha 76 tuổi.

Nhiều tổ chức quốc tế như Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam phải đảm bảo an ninh cho Minh Hạnh và gia đình, và đưa những kẻ tấn công ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đọc thêm: Thành viên Phong trào Lao động Việt bị tấn công

===== 04/7 =====

Tù chính trị Trương Minh Đức bị chuyển đến Trại 6

Tù nhân chính trị Trương Minh Đức, một thành viên của Hội Anh em Dân chủ và là phó chủ tịch của Phong trào Lao động Việt, bị chuyển đến Trại giam số 6 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Trại giam này cách thành phố Hồ Chí Minh, nơi gia đình ông sinh sống, khoảng 1,200 km.

Ký giả Trương Minh Đức bị bắt ngày 30/7/2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999. Ông bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 12 năm tù giam và 3 năm quản chế trong phiên sơ thẩm ngày 05/4 và Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên mức án trong phiên phúc thẩm ngày 04/6.

Chi tiết: Tù chính trị Trương Minh Đức bị chuyển đến Trại Thanh Chương, Nghệ An

===== 05/7 =====

Nhà báo độc lập Lê Anh Hùng bị bắt, cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”

Lê Anh Hùng, nhà báo độc lập, thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, bị công an thành phố Hà Nội bắt giam sáng ngày 05/7 và bị khởi tố với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015.

Công an cũng khám xét nhà của mẹ ông ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thu giữ một số băng rôn, khẩu hiệu và một ít tiền USD.

Ông đang bị tạm giam tại Trại tạm giam số 2, công an thành phố Hà Nội. Ông sẽ bị tạm giam ít nhất 3 tháng để phục vụ công tác điều tra, theo giấy báo của công an cho gia đình.

Nếu bị kết tội, ông có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là 7 năm.

Ông Lê Anh Hùng là một blogger và cây viết chính trị cho VOA, RFA và BBC. Ông là người công khai lên tiếng cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam từ nhiều năm nay.

Ngày 2/7 vừa qua, ông cũng công bố một bức thư ngỏ trên facebook của mình, chỉ trích các lãnh đạo của Đảng và chính phủ về dự luật Đặc khu Kinh tế gây tranh cãi và luật An ninh mạng.

Ngay sau khi có tin blogger Lê Anh Hùng bị bắt, Ân xá Quốc tế ra thông cáo lên án việc bắt giữ và cho rằng chính quyền Việt Nam đã dùng các điều luật hà khắc để bịt miệng những tiếng nói chỉ trích ôn hòa.

Ông Hùng cũng từng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc và từng có đơn tố cáo các lãnh đạo cao cấp nhiều lần trong buôn bán ma tuý, bán đất và làm tay sai cho Trung cộng.

Vào năm 2013, ông từng bị công an đưa vào bệnh viện tâm thần Hà Nội và giữ tại đó 12 ngày.

Đọc thêm: Blogger Lê Anh Hùng bị bắt và khởi tố

——————–

Thêm 4 người bị xét xử vì cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”

Thêm 4 người sẽ bị Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” vào ngày 16-19/7.

Bốn người này là Trương Nguyễn Minh Trí, Đỗ Tài Nhân, Võ Hoàng Ngọc và Trần Văn Vinh. Một số nguồn tin nói rằng họ là thành viên của của nhóm “Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời” do ông Đào Minh Quân ở Hoa Kỳ lãnh đạo.

Tin cũng cho biết ban đầu 8 người trong nhóm này bị bắt kể từ tháng 4 năm ngoái. Sau đó một số người được thả, còn 4 người vừa nêu bị khởi tố.

Đầu năm ngoái, Bộ Công an ra thông báo cho rằng tổ chức ‘Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời’ tại Hoa Kỳ là tổ chức khủng bố. Theo cơ quan này thì tổ chức này đã lập kế hoạch cho người ném bom xăng đốt cháy 320 chiếc xe tại kho giữ xe của công an thành phố Biên Hòa vào ngày 8/4/2017, ném bom xăng tại sân bay Tân Sơn Nhất, và âm mưu đặt bom một số nơi khác. Tổ chức này do 7 người Việt ở hải ngoại lập ra, đứng đầu là ông Đào Minh Quân với vai trò thủ tướng.

Một nhóm gồm 16 người bị bắt và bị đưa ra xử sơ thẩm vào tháng 12 năm ngoái liên quan đến những hoạt động vừa nêu. Những người này bị kết tội ‘khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 84 Bộ luật hình sự năm 1999. Người bị coi là đứng đầu nhóm là Đặng Hoàng Thiện bị án tù 16 năm và 5 năm quản chế. Những người còn lại chịu mức án từ 1 năm 6 tháng tù treo đến 12 năm tù giam. Vào đầu tháng 6 vừa qua, tòa phúc thẩm y án đối với 14 người kháng án trong vụ này.

Đọc thêm: Thêm 4 người bị xét xử theo điều 79

——————–

Haigiáo dân Hố Nai còn bị giam giữ từ 10/6

Công an tình Đồng Nai hiện còn giam giữ hai chị em là Nguyễn Thị Ngọc Phượng, sinh năm 1988 và Nguyễn Thị Trúc Anh, sinh năm 1994, là hai giáo dân thuộc giáo xứ Phúc Lâm, Hố Naitừ ngày 10/6 khi họ tham gia biểu tình ôn hoà phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng.

Hai chị em hiện đang bị giam giữ tại trại tạm giam của công an thành phố Biên Hoà. Tuy nhiên, cho tới nay, gia đình của hai cô không nhận được thông báo của công an về tình trạng của hai chị em.

Ttheo Nhật ký Biểu tình, trong ngày 10/6, rất nhiều người dân sống ở Đồng Nai đã kéo về Biên Hòa biểu tình. Số người bị bắt trong ngày hôm đó ước tính gần 100 người, phần nhiều là công nhân. Số người này đến nay cũng chưa rõ bao nhiêu người còn bị giam giữ. Có khả năng nhiều người trong số họ có thể bị đưa đi cưỡng bức lao động tại các Trung tâm bảo trợ xã hội, vốn là nơi “tù không án” của những người vô gia cư.

===== July 6 =====

Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lại tuyệt thực

Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay blogger Mẹ Nấm, người đang thụ án tù 10 năm tại Trại giam số 5 của Bộ Công an ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, dường như đã bắt đầu tuyệt thực từ ngày 06/7.

Sáng sớm ngày thứ 6, Quỳnh gọi điện về cho mẹ cô là bà Nguyễn Thị Tuyết Lan để thông báo về việc cô sẽ dừng ăn để phản đối việc bị đàn áp trong tù.

Trước đó, trong cuộc gặp với mẹ mình hôm 25/6, Quỳnh cho biết cô bị giam chung với hai phụ nữ và một trong hai người này liên tục chửi bới và doạ đánh cô.

Quỳnh đề nghị ban giám thị trại giam chuyển phòng nhưng không được giải quyết.

Trước đó, Quỳnh có bị giam riêng và khoá phòng giam hay bị nhét cát và xà phòng.

Trong thời gian gần đây, Quỳnh không ăn thức ăn của trại giam vì cô hay bị đau bụng sau khi năn, và chỉ ăn đồ do gia đình cung cấp.

Trước đó, trong tháng 5, Quỳnh đã tuyệt thực để phản đối việc trại giam không cho cô liên lạc với gia đình bằng thư.

Đọc thêm: Việt Nam lên tiếng về bộ phim về Mẹ Nấm

===== July 7 =====

Mẹ nhà hoạt động Trần Hoàng Phúc đệ đơn yêu cầu được tham dự phiên toà phúc thẩm

Bà Huỳnh Thị Út, mẹ của nhà hoạt động trẻ Trần Hoàng Phúc, đã gửi đơn lên Toà án Nhân dân Tối cao để yêu cầu được vào phòng xử án để tham dự phiên toà phúc thẩm của con trai mình trong ngày 10/7.

Cho tới nay, bà chưa nhận được hồi âm của cơ quan chức năng.

Trần Hoàng Phúc bị bắt đầu tháng 6 năm 2017 và bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999, trong cùng vụ án với hai thành viên của Phong trào Chấn hưng Nước Việt Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển.

Trong phiên toà sơ thẩm ngày 31//1/2018, Phúc bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án 6 năm tù giam và 4 năm quản chế vì đã “giúp hai ông Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển đưa 3 video clip lên mạng xã hội. Bản thân ông Thuận bị 8 năm tù giam và 5 năm quản chế còn ông Điển bị 6 năm 6 tháng tù giam và 4 năm quản chế.

Trong phiên sơ thẩm, không một ai trong ba gia đình của ba bị can được vào phòng xử án.

Ngay sau phiên sơ thẩm, nhiều chính phủ nước ngoài và tổ chức nhân quyền quốc tế đã chỉ trích Việt Nam và yêu cầu trả tự do cho ba nhà hoạt động ôn hoà.

===== July 8 =====

Tiến sỹ Nguyễn Quang A bị câu lưu ở sân bay Nội Bài

Tiến sỹ Nguyễn Quang A bị an ninh câu lưu ở sân bay Nội Bài khi ông vừa trở về nước từ Thái Lan trong ngày 08/7.

Ngay sau khi máy bay hạ cánh lúc 9.30 sáng, ông bị an ninh sân bay ép đi theo một đường riêng và chúng đưa ông về đồn công an cửa khẩu Nội Bài.

Tại đây, an ninh lấy hộ chiếu của ông để lấy dấu nhập cảnh, và trả lại cho ông.

Kể từ đó tới 15h chiều, ông bị tra hỏi về những hoạt động của ông ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông đã từ chối trả lời.

Một trong số sỹ quan an ninh đã dùng lời lẽ xúc phạm ông, tiến sỹ A cho biết.

Dường như ông sang Thái Lan và Philippine để tham gia giảng dạy cho một số khoá học về dân sự, do VOICE tổ chức.

Ông A là người đứng đầu của tổ chức Xã hội Dân sự Việt Nam.

Xem chi tiết tại Facebook của ông.

=======================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản tin Anh ngữ tại đây