Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 29 từ ngày 16 đến 22/7/2018: Nhà hoạt động Lê Đình Lượng ra toà ngày 30/7

DTD logo

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 22/7/2018

 

Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức phiên sơ thẩm xét xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999 vào ngày 30/7.

Ông Lê Đình Lượng đã bị bắt ngày 24/7/2017, và bị biệt giam từ đó đến nay.

Trong tuần, hai luật sư của ông, Hà Huy Sơn và Đặng Đình Mạnh, được cấp giấy giới thiệu đến trại tạm giam Nghi Kim để gặp ông và chuẩn bị bào chữa.

Mức án mà ông Lượng sẽ phải gánh chịu sẽ nặng nề vì chính quyền Việt Nam đã đưa ra mức án rất khắc nghiệt đối với nhiều nhà hoạt động bị xét xử cùng một tội danh trong thời gian gần đây.

Ngày 21/7, nhà chức trách thành phố Huế đã trục xuất nhà hoạt động xã hội Lê Mỹ Hạnh, người đã thuê một căn hộ ở đây với dự định mở cửa hàng buôn bán. Công an đã ép cô lên một chiếc xe khách đường dài và buộc cô phải đi vào phía nam. May mắn, cô đã thoát khỏi những kẻ theo sát, và đến một nơi an toàn.

Ngày 20/7, Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên bố trục xuất William Anh Nguyễn, một công dân Mỹ gốc Việt, người đã bị bắt trong khi tham gia biểu tình ôn hoà tại thành phố vào ngày 10/6.

Hai ngày trước phiên toà, Human Rights Watch đã ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam trả tự do cho William Anh Nguyên và những người bị bắt chỉ vì đã tham gia biểu tình ôn hoà trong tháng 6.

Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tiếp tục tuyệt thực trong tù, và cuộc tuyệt thực đã sang đến ngày 14 kể từ 07/7 đến 20/7 để phản đối tình trạng đối xử vô nhân đạo của trại giam.

===== 18/7 =====

Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam trả tự do cho người biểu tình ôn hoà

Ngày 18/7, Human Rights Watch đã ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho những người biểu tình ôn hoà trong tháng 6 vừa qua, kể cả William Anh Nguyễn, một công dân Hoa Kỳ có bố mẹ là người đến từ Việt Nam.

Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại New York đưa ra lời kêu gọi hai ngày trước ngày anh Will Nguyễn bị đưa ra tòa  ở thành phố Hồ Chí Minhđể xét xử về cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” và đối diện với án tù có thể lên tới 7 năm.

Will Nguyễn và những người khác đối diện với những vụ xử bất công và những bản án tù dài hạn trước những tòa án do đảng cộng sản kiểm soát, vì họ thực thi các quyền tự do tập họp và diễn đạt của mình, theo ông Phil Robertson, Giám đốc Châu Á của Human Rights Watch.

Ông Robertson cho biết, Human Rights Watch cũng rất lo ngại về việc anh Will Nguyễn bị nhà cầm quyền cộng sản đưa lên truyền hình để “nhận tội” và “xin lỗi”. Tổ chức nhân quyền này nhận định rằng, anh Will Nguyễn có thể đã bị ép buộc phải lên truyền hình đưa ra một tuyên bố trước công chúng, và điều này đã vi phạm quyền được hưởng tiến trình tố tụng cần thiết của anh. Những màn “nhận tội” trên truyền hình kiểu này là một “chiến thuật xấu xa được những chính quyền áp bức sử dụng để hù dọa các tiếng nói chỉ trích khiến họ phải im tiếng, và để phô trương thái độ bất chấp các quyền căn bản”.

Theo Human Rights Watch, Việt Nam không có một đạo luật cụ thể về quyền biểu tình ở nơi công cộng, do đó nhà cầm quyền thường sử dụng những luật lệ khác để truy tố những người biểu tình ôn hòa. Hiện tượng những người đàn ông mặc thường phục hành hung người biểu tình đã trở thành thông lệ ở Việt Nam. Nhiều nạn nhân cho biết những vụ đánh đập diễn ra ngay trước mặt lực lượng cảnh sát mặc sắc phục mà những người này không hề can thiệp.

Toàn văn thông cáo: Việt Nam: Công dân Hoa Kỳ “thú tội” trên truyền hình

===== 19/7 =====

RSF, CPJ lên án Việt Nam trong vụ kỷ luật báo Tuổi trẻ

Ngày 19/7, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) ra thông cáo lên án Việt Nam về biện pháp kỷ luật đình bản 3 tháng mạng báo Tuổi Trẻ với cáo buộc thông tin không đúng sự thật là hành động vi phạm nghiêm trọng tự do báo chí.

RSF nêu quan ngại rằng sau khi đàn áp truyền thông độc lập, Việt Nam lại quay sang nhắm đến những kênh thường luôn theo đường lối của đảng.

Trước đó, hôm 17 tháng 7, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cũng đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam gỡ bỏ lệnh cấm ngay lập tức và vô điều kiện đối với trang báo mạng Tuổi Trẻ.

Theo ông Shawn Crispin, đại diện của CPJ tại khu vực Đông Nam Á thì  biện pháp đó là sự vi phạm nghiêm trọng tự do báo chí. Ông lên án điều này và yêu cầu chính quyền Việt Nam gỡ bỏ lệnh cấm cũng như ngừng kiểm soát các phương tiện truyền thông một cách tùy tiện.

Hai tổ chức lên tiếng sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định xử phạt báo Tuổi Trẻ 220 triệu đồng và đình bản báo Tuổi Trẻ Online trong thời gian ba tháng, buộc phải xin lỗi và cải chính thông tin bị cho là sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu.

Theo Bộ này, Tuổi trẻ Online đã có hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết có tựa ‘Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình’ trên báo vào ngày 19/6/2018, và thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài viết ‘Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?’ hôm 26/5/2017.

Việt Nam hiện có khoảng hơn 900 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động, theo thống kê trong năm nay của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tất cả các phương tiện truyền thông Việt Nam lâu nay luôn bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính quyền Việt Nam.

Theo danh sách xếp hạng chỉ số tự do báo chí của RSF thì hiện nay Việt Nam đang ở vị trí gần cuối, đứng thứ 175 trên 180 quốc gia trong năm 2018.

=====  21/7 =====

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng ra toà ngày 30/7

Ông Lê Đình Lượng, 53, sẽ bị Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An đem ra xét xử ngày 30/7 với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999.

Ông Lượng, một người hoạt động nhân quyền và cổ suý dân chủ đa nguyên, bị bắt ngày 24/7/2017, và bị biệt giam từ đó tới nay.

Trong tuần, hai luật sư của ông, Hà Huy Sơn và Đinh Đăng Mạnh, được cấp giấy giới thiệu vào Trại giam Nghi Kim để gặp ông và chuẩn bị bào chữa.

Luật sư Sơn nói ông sẽ vào trại giam vào ngày 24/7 trong khi ông Đinh Đăng Mạnh chưa chắc chắn có thể tham gia vào phiên toà ngày 30/7 do lịch làm việc trùng với vụ khác.

Mức án mà ông Lượng đang đối mặt sẽ rất nặng nề. Trong mấy năm gần đây, hàng chục nhà hoạt động bị án tới 16 năm tù giam với cùng cáo buộc.

Từ khi bị bắt tới nay, ông Lượng chưa được gặp luật sư và người thân. Người thân của ông hai lần bị đánh đập bởi công an Nghệ An khi họ đến đồn cảnh sát yêu cầu được thăm gặp ông và được cung cấp thông tin về ông.

Ông Lượng là một cựu chiến binh chống Tàu ở Biên giới phía Bắc. Trong giai đoạn trước khi bị bắt, ông tham gia biểu tình chống ô nhiễm môi trường, chống Formosa, tham gia đấu tranh chống tiêu cực tại địa phương, chống lạm thu thuế, lạm thu học đường và trực tiếp đòi quyền được học tập cho các em học sinh.

Một số  việc làm của ông đã có kết quả. Chính quyền địa phương thừa nhận sai phạm và đã sửa chữa.

——————–

Nhà hoạt động xã hội Lê Mỹ Hạnh bị công an Huế đuổi

Nhà hoạt động xã hội Lê Mỹ Hạnh, người đã sống ở thành phố Huế mấy tháng gần đây với dự định kinh doanh ở đây, đã bị lực lượng công an tại thành phố này buộc phải rời khỏi thành phố.

Cô Hạnh cho biết trong mấy ngày gần đây công an thành phố Huế đã liên tục gây sức ép lên chủ nhà để buộc chủ nhà không cho cô thuê nhà.

Sáng 21/7, đôi nam nữ mật vụ đã đến nhà cô và gây chuyện. Ngay sau đó công an xuất hiện đòi khám xét nhà cô, và sau đó buộc cô phải lên đồn công an để làm việc.

Tại đồn công an, một sỹ quan công an nói cô không được chào đón ở thành phố này. Sau đó, họ đưa cô ra bến xe và buộc cô phải lên một chiếc xe đường dài hướng về phía nam cho dù cô không mang theo tiền và giấy tờ tuỳ thân.

Công an Huế yêu cầu lái xe không cho cô xuống dọc đường, và đích cuối cùng có thể là thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cô đã trốn thoát khi xe dừng lại nghỉ dọc đường.

Hạnh cho biết khi cô trở về nhà trọ vào giữa đêm 22/7, cô không thể mở khoá để vào vì khoá đã bị nhét kim loại.

Lê Mỹ Hạnh đã từng bị dư luận viên đánh đập hai lần trong vòng 1 tháng của năm 2017.

===== 22/7 =====

Nghị sỹ Đức vận động trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển

Nữ Dân biểu Gyde Jensen, chủ tịch Ủy nan Nhân quyền Quốc hội Liên bang Đức, đang nỗ lực vận động để nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển.

Vào ngày 5 tháng 7, Dân biểu Jensen đã đến gặp và nói chuyện với Đại sứ Đoàn Xuân Hưng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin. Đây là một trong những nỗ lực vận động của Dân biểu Jensen nhằm đòi tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển.

Tại buổi gặp, bà Jensen kêu gọi chính phủ Việt Nam nhận thức ra rằng, đàn áp công dân của mình sẽ không giúp chính phủ thành công hay đưa quốc gia trở thành tốt đẹp. Bà Jensen đánh giá tòa đại sứ Việt Nam có thái độ cố chấp với quan điểm chính thức là “người nào không tuân thủ pháp luật thì sẽ phải gánh chịu hậu quả.” Bà Jensen cho biết, bà đã phản bác rằng quyền tự do báo chí và ngôn luận không thuộc phạm vi này.

Về cuộc vận động hiện nay, bà xác định mục tiêu cuối cùng của bà là giúp ông Nguyễn Bắc Truyển được tự do. Từ nay tới lúc đạt được mục tiêu đó, bà Jensen cho biết sẽ không để số phận của ông Nguyễn Bắc Truyển bị trôi vào lãng quên. Nữ dân biểu Đức dự tính trễ nhất trong năm tới bà sẽ đi Việt Nam. Bà sẽ nỗ lực để được vào thăm ông Truyển trong nhà tù và gặp gỡ luật sư cũng như gia đình của ông Truyển.

Ông Truyển, người được biết tiếng với các hoạt động đấu tranh cho dân chủ, quyền đất đai và tự do tôn giáo, bị y án cùng với ba nhà hoạt động khác của Hội Anh em Dân chủ trong một phiên tòa phúc thẩm ở Hà Nội hôm 4 tháng 6 vừa qua, với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự. Ông Truyển bị y án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế.

=====================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản tin tiếng Anh tại đây