Du khách TQ: ăn chơi tại Việt nam nhưng tiền chảy vào túi người TQ?

Trong một thông tin liên quan đến du lịch, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, không chỉ Việt nam mà thế giới luôn tập trung vào lượng khách Trung Quốc bởi họ chi tiêu tại các điểm du lịch khá cao, một thống kê được ông Chung đưa ra là có ‘khoảng 120 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài với tổng chi phí trên 200 tỷ đô la’

 

Ánh Liên, Việt Nam Thời báo, ngày 05/8/2018

 

Và thị trường Trung Quốc, theo ông Chung là ‘trọng điểm’ nhờ sức hút tiêu tiền như vậy. 

Quảng Ninh, một tỉnh giáp khẩu Biên giới trong những năm qua ban hành các chính sách đặc biệt để chào đón lượng du khách Trung Quốc, bao gồm cả gói tour 0 đồng.

Tuy nhiên, mới đây, vấn đề đã trở nên phức tạp hơn khi mà một số báo thông tin rằng, lượng khách Trung Quốc tới Quảng Ninh nhưng toàn bộ mua sắm của họ lại không qua hệ thống ngân hàng Việt Nam. Và việc này đã ‘gây thất thu kiểm tra thuế, ngân sách rất lớn’, theo ông Cao Xuân Luật – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh.

Một đoàn khách du lịch Trung Quốc tại Việt nam. Ảnh: intenet

Câu chuyện này trở thành cơ sở để đặt ra vấn đề: nguồn khách du lịch dồi dào thực sự tạo ra nguồn thu?

Lấy cơ sở là giá tour 0 đồng, thực tế cho thấy chi phí trang trải du lịch của người Trung Quốc tại Việt nam gần như là… 0 đồng. Tức giá trị phát sinh trên cơ sở du lịch, bao gồm cả dịch vụ lẫn tài nguyên phục vụ du lịch gần như… miễn phí.

Hiện trạng ‘miễn phí’ này tồn tại ngày càng nhiều trong nguồn khách du lịch Trung Quốc tại Việt nam. Và thực tế đã cho thấy, du lịch Việt nam đang cho thuê tài nguyên, thuê địa điểm hơn là khai thác tiềm năng du lịch, như quan điểm đến từ Facebooker Trần Nam.

Cụ thể sao? Cách đây vài năm, báo chí chính thống thông tin về việc người Trung Quốc nhờ người Việt đứng tên hàng loạt lô đất dọc đường biển Sơn Trà – Điện Ngọc gây ra tranh luận về nguy cơ an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, nếu đặt trong quan điểm ‘thuê tài nguyên, địa điểm’ thì dãy đường biển Sơn Trà – Điện Ngọc là địa điểm đẹp trong phục vụ du lịch, và thực tế nó đã chứng minh điều này khi tại đây mọc hàng loạt nhà hàng, khách sạn, quán ăn. Đặt vấn đề rằng, trong 10 nhà hàng/ khách sạn tại khu vực đường này thuộc chủ sở hữu của người Trung Quốc (dưới lớp bọc người Việt), thì khi người Trung Quốc đến đây du lịch, họ chỉ trả mỗi tiền vé thăm các địa điểm (nguồn tiền sẽ chảy thực tế vào ngân sách Việt nam), còn việc ăn uống, mua sắm (vốn được cho là yếu tố đặc trưng khiến du khách Trung Quốc thành du khách đặc biệt trong mắt quan chức ngành du lịch Việt) lại chảy về chính người Trung Quốc. Nói cách khác, người Trung Quốc đang xây dựng một đế chế du lịch và thu lại nguồn thu du lịch tại chính Việt nam.

Nếu tại Đà Nẵng còn hiện diện còn có phần mờ nhạt, thì tại Nha Trang tình hình đậm nét hơn, khi số lượng khách Trung Quốc đổ về rất đông. Theo số liệu của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, trong 4 tháng đầu năm 2018, khách quốc tế đến Nha Trang – Khánh Hòa đạt gần 1 triệu lượt. Trong đó, khách Trung Quốc đạt kỷ lục hơn 599.000 lượt, tăng hơn 162%.

Tuy nhiên, bao nhiêu phần % của lượng tăng trưởng khách Trung Quốc này thực sự góp phần vào ngân sách của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và Việt nam nói chung, khi mà hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ ở đây mọc kín những bảng ngữ tiếng Trung? Và mặc dù chưa có rà soát – thống kê con số chính xác về những người Trung Quốc đứng sau các tiện ích phục vụ du lịch tại tỉnh này, tuy nhiên lời nguyền về ‘thuê tài nguyên, địa điểm’ có vẻ nghiệm đúng khi mà, tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận tình trạng người Trung Quốc mua đất dưới lớp bọc người Việt; tham gia cổ phần các công ty hay thậm chí là ở xã Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Trung (Khánh Hòa) còn có tình trạng người Trung Quốc mua đất, xây cất nhà để đón tiếp các đoàn khách Trung Quốc, theo Trí thức trẻ.

Dĩ nhiên, cách thức người Trung Quốc kinh doanh du lịch nêu trên không chỉ xảy ra ở Đà Nẵng, Nha Trang mà còn hiện diện tại nhiều tỉnh thành du lịch khác. Điều này cho thấy, giá trị mà du khách Trung Quốc mang lại chỉ là số lượng đông đảo, nhưng nguồn thu du lịch không tương xứng, trong khi môi trường phục vụ du lịch bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, theo PGS. TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, trong một nghiên cứu của ông cách đây vài năm cho thấy, mức chi tiêu của khách Trung Quốc khi đi du lịch ở Việt Nam, so với các thị trường khác, dòng khách này có mức chi tiêu thấp hơn từ 30-40%”.

Ngoài ra, theo ông Lê Văn Sơn, Giám đốc khách sạn Liberty, Chi hội trưởng Chi hội Khách sạn thuộc Hiệp hội Du lịch Nha Trang cho báo chí chính thống hay, lượng khách Trung Quốc tăng đột biến và môi trường du lịch tỉnh Khánh Hòa bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các điểm vui chơi, bãi biển đến khu vực lưu trú trở nên… nhếch nhác.

Rõ ràng, người Việt nam sẽ luôn chào đón và hoan nghênh các du khách Trung Quốc đến Việt nam: ăn món ăn Việt nam, thăm địa danh Việt nam, trả bằng tiền Việt nam cho chính người Việt nam. Và để làm được điều đó, các ban ngành trong hệ thống du lịch Việt nam cần tính toán lại để giải quyết bài toán khách Trung Quốc sao cho phù hợp nhất, nhằm bảo đảm nguồn thu ngân sách quốc gia, lợi ích người dân việc, giữ gìn lợi ích của nguồn tài nguyên – thiên nhiên. Không phải vì sự hám lợi của một số cá nhân, tổ chức mà khiến cho quyền lợi cộng đồng du lịch Việt nam bị bán rẻ. Và một trong những giải pháp đề ra là nghiêm cấm triệt để triển khai tour 0 đồng; bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng Việt nam và chuyển đổi ngoại tệ tại cửa khẩu; rà soát lại toàn bộ các nhà hàng, khách sạn,… về việc thực tế chủ nó là ai và có những biện pháp tích cực trong xử lý người Trung Quốc đứng tên với lớp bọc người Việt.