Vỡ đập thủy điện tại Lào: họ nhận biết, sao dân làng không được cảnh báo?

“Mấy anh xe ôm vẫn thường nói rằng Trung quốc có cái gì thì Việt Nam có cái ấy. Việt Nam có cái gì thì Lào có cái ấy. Lào là một phiên bản tồi của Việt Nam. Đến lượt mình, Việt Nam lại là một phiên bản tồi của Trung quốc. Vụ vỡ đập ở Lào gợi nhớ việc “xả lũ đúng quy trình chết người” ở miền Trung Việt Nam đôi ba năm trước. Hậu quả nhỡn tiền vẫn còn đó. Không ai mong, nhưng biết đâu! Trông Lào lại nghĩ đến ta. Anh em độc đảng biết là có nên?” (lời người dịch).

Mike Ives – The New York Times Interrnational Edition, July, 28 – 29, 2018.

(Mai Hưng dịch, Việt Nam Thời báo)

 

Các nhà thầu xây dựng đập thủy điện ở Lào đã nhận biết được rủi ro đang đến gần, vấn đề tại sao một số dân làng đã không được cảnh báo?

Những ngày trước khi xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện thảm khốc tại Lào (lúc 20 h, ngày 23 tháng Bảy, 2018), các công ty xây dựng con đập này đã biết rằng tình hình đang xấu đi một cách nghiêm trọng, và một trong số các công ty ấy đã nhận thấy một số dấu hiệu nguy cơ tiềm tàng từ ba ngày trước đó. Tuy nhiên, nhiều người dân sống ở vùng hạ lưu đã không hề được cảnh báo về một trận lụt chết người sắp cuốn sạch làng mạc, hoa màu, gia súc và con người.

Dân làng di tản đến những nơi an toàn hơn ở Attapeu, Lào. Ảnh: CreditJes Aznar/Getty Images

Các công ty này cho biết là họ đã cảnh báo các quan chức Lào về nguy cơ này, và một số thôn làng đã được sơ tán, nhưng vụ vỡ đập thủy điện này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất là 27 người – nhiều người khác vẫn còn mất tích – và khiến ít nhất 6 600 người khác ở Lào phải di dời. Hôm thứ Năm, truyền thông nhà nước Cambodia cho biết rằng có tới 25.000 người ở quốc gia này đã được sơ tán khỏi tỉnh Stung Treng thuộc biên giới phía bắc, khi lũ lụt từ phía nam Lào đang tràn xuống phía bắc Cambodia.

Giờ đây, trong khi các nhân viên cứu hộ đang vật lộn để tìm kiếm những dân làng bị mất tích và chăm sóc những người khác trong các cơ sở tạm trú, câu hỏi lớn được đặt ra là, hệ quả là do tốc độ phản ứng của nhà nước độc đảng Lào; là chất lượng xây dựng của các công ty liên quan? Và liệu họ đã có thể làm gì nhiều hơn để ngăn chặn hoặc giảm thiểu sự cố?.

Công ty điện lực Sepian Xe-Namnoy, một liên doanh gồm hai công ty Hàn Quốc, một công ty Thái Lan và một công ty quốc doanh của Lào, đang xây dựng dự án thủy điện này, bao gồm một số những con đập.

Cơ quan thông tấn nhà nước Lào bước đầu cho biết rằng 5 tỷ mét khối nước đã tràn qua đập, nhưng sau đó lại lặng lẽ sửa lại con số đó xuống còn nửa tỷ mét khối (tương đương 17,7 tỷ feet khối nước).

Thậm chí ngay cả một lượng nước ít hơn con số này (17,7 tỷ feet khối nước) cũng đủ để phủ trắng một khu vực có diện tích bằng thành phố Manhattan (Mỹ), với mực nước sâu tới 28 feet.

Con số tổn thất do hai công ty Hàn Quốc đưa ra có khác biệt trong một số chi tiết, và không trả lời được vấn đề quan trọng: Khi nào họ biết, hoặc họ đã phải biết, rằng con đập đó đang có nguy cơ vỡ sập?

Vào ngày 20 tháng Bảy, các kỹ sư đã nhận thấy có sự sụt lún sâu khoảng 4 inch ở giữa đập, Điện lực miền Tây, một trong những công ty này, cho biết như vậy trong một báo cáo gửi Quốc hội Hàn Quốc.

Vào hôm thứ Năm, một quan chức của Cty này nói với các nhà lập pháp rằng tình hình ngập lụt như vậy là điều bình thường với lượng mưa lớn mà khu vực này đã từng trải qua, vì vậy các kỹ sư đã quyết định theo dõi nó thay vì phải hành động.

Các binh sĩ đã được triển khai để giúp đỡ sơ tán, với ít nhất 1.494 người được cho là tìm đến các nơi trú ẩn khẩn cấp. Ảnh: Ben C. Solomon / The New York Times

Vào ngày Chủ nhật, các kỹ sư đã phát hiện thấy có tới 10 điểm bị sụt lún trên đỉnh đập và đã có kế hoạch để tiến hành sửa chữa, nhưng họ không thể có được các thiết bị sửa chữa tại hiện trường cho đến tận chiều ngày thứ Hai, nhưng lúc đó đã quá muộn, báo cáo của công ty này cho biết.

Cty kỹ thuật & xây dựng của Hàn Quốc, nhà thầu xây dựng chính của dự án này, vào hôm thứ Ba cho biết rằng, vào lúc 9 giờ tối ngày Chủ nhật họ đã phát hiện rằng một phần của đỉnh đập đã bị cuốn trôi.

Trong một tuyên bố có liên quan, công ty này cho biết rằng họ đã “ngay lập tức” báo cáo cho chính quyền địa phương về sự hư hại này và việc sơ tán các thôn làng gần nhất đã bắt đầu. Tuy nhiên, cho đến trưa ngày hôm sau, họ vẫn không báo cáo cho chính quyền tỉnh này biết rằng tình hình con đập có thể sẽ nghiêm trọng hơn.

Vào lúc 11 giờ trưa ngày hôm thứ Hai, Điện lực miền Tây cho biết, có thêm một vết sụt lún nữa sâu hơn 3 feet ở trên đỉnh đập.

Vào hôm thứ Hai, liên doanh này đã gửi cho các quan chức tỉnh một thông báo bằng văn bản, văn bản này bản báo (tức là tờ New York Times) đã được tận mắt nhìn thấy, trong đó cảnh báo rằng con đập Saddle D (nguyên văn: Saddle Dam D) đang ở trong “tình hình rất nguy hiểm do mưa lớn” và rằng những người dân ở hạ nguồn phải được thông báo “để sơ tán đến những vị trí cao hơn để tránh những tai họa không may do dòng nước lũ”.

Vào trưa ngày thứ Hai hoặc vào khoảng đầu giờ chiều ngày hôm đó, con đập đổ sập và dòng nước tràn qua. Phía Hàn Quốc nói rằng họ đã nhận được báo cáo đầu tiên của một ngôi làng bị ngập lụt vào lúc 1 giờ 30 sáng ngày thứ Ba.

Cả hai công ty Hàn Quốc, trong các báo cáo mô tả của họ về thảm họa này, đều đề cập đến những trận mưa lớn.

Nhưng Lan Baird, một giáo sư địa lý tại Đại học Wisconsin – Madison, người đã từng nghiên cứu về dự án thủy điện này, cho biết ông tin rằng vấn đề là ở chỗ kỹ thuật xây dựng bị mắc lỗi hoặc quyết định tích trữ quá nhiều nước trong hồ chứa của con đập vào thời điểm những trận mưa lớn theo như dự báo sẽ phải diễn ra.

“Có bao giờ mà vào cuối tháng 7 chúng ta lại không thấy những trận mưa ở khu vực này của thế giới?” ông đặt câu hỏi (mà như trả lời).

Các công ty đang “cố gắng làm ra vẻ rằng điều này là một thảm họa thiên nhiên chứ không phải là lỗi của họ”, ông nói, “Tôi không may tin vào điều đó”.

Liên hợp quốc cho biết, 8 ngôi làng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Nhưng các chuyên gia lại nhấn mạnh, con số có thể là 11 hoặc nhiều hơn. Ảnh: Ben C. Solomon / The New York Times

Từ hôm thứ Ba, đã không thể liên lạc bằng điện thoại với Điện lực Se-Pian Xe-Namoy.

Liên hợp quốc nói rằng có 8 ngôi làng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Các chuyên gia và những người dân buộc phải di dời, con số các ngôi làng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt có thể là 11 hoặc nhiều hơn. Một số trong số các ngôi làng này có thể bị cô lập trong mùa mưa, thậm chí ngay cả trong thời gian không có một trận lụt lớn, Giáo sư Baird nói.

Giáo sư Baird: “Tôi đảm bảo rằng vẫn còn rất nhiều người dân đang còn bị cô lập”. Một số người có thể đã vật lộn đến được các vùng đất cao hơn.

Một ngày sau khi xảy ra thảm họa, Liên Hợp Quốc cho biết rằng tại Lào đã có 14 cây cầu bị hư hại và ít nhất 1.494 người đã được sơ tán đến nơi tạm trú khẩn cấp. Họ cũng cho biết rằng máy bay trực thăng và tàu thuyền là những phương tiện vận tải duy nhất trong các khu vực bị ảnh hưởng của tỉnh Attapeu, nơi có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất trong quốc gia Lào.

Vào hôm thứ Năm, một phóng viên – người đã đã đi vào khu vực bị ảnh hưởng – đã nhìn thấy các binh sỹ và những người tình nguyện từ nhiều nước chạy xuồng vất vả ngang dọc khắp khu vực bị ngập nước để tìm kiếm thi thể những người xấu số.

Một số người dân đã bắt đầu quay trở lại những ngôi làng đã bị ngập nước từ hồi đầu tuần, và trước mắt họ – hoa màu, tài sản đã bị con nước xóa sổ.

Octavian Bivol, đại diện Unicef tại Lào, vào hôm thứ Ba cho biết rằng cơ quan này đang cung cấp cho chính quyền Lào xà phòng, các loại thùng, can (đựng nước) và các vật tư khác để hỗ trợ cho 1.500 hộ gia đình. Dù vậy, thách thức chính hiện nay là nhiều nạn nhân lũ lụt đang bị cô lập.

Silam, một phụ nữ 25 tuổi, chạy lũ từ miền nam Lào với hai đứa con, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng cô đã thoát khỏi trận lũ lụt vào tối hôm thứ Hai sau khi nhận được một cú điện thoại không phải từ chính quyền, mà là từ một trong những người thân của cô.

Người bà con ấy nói với cô ấy rằng phải ra khỏi nhà và di chuyển đến vùng đất cao hơn “vì lũ đang tràn về”, cô ấy nhớ lại và đã nói như vậy tại một nơi tạm trú ở Paksong – một thị trấn thuộc nam Lào vào tối hôm thứ Năm.

“Tôi sợ gần chết”.

Bruce Shoemaker, một chuyên gia độc lập về thủy điện ở Lào, nói rằng thậm chí ngay cả trước khi xảy ra vụ vỡ đập vào hôm thứ Hai, con đập thực sự đã là “một thảm họa nhân đạo và sinh thái tiềm tàng”, một phần là bởi vì toàn bộ việc chuyển hướng các dòng nước (để làm thủy điện) đã là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các ngư dân chài lưới ở hạ nguồn, vì đó là nguồn sinh kế chính cho người dân địa phương.

“Vấn đề lớn lao là môi trường pháp lý ở Lào rất lỏng lẻo”, ông Shoemaker, một đồng biên tập của cuốn sách “Chết trong nước: Bài học toàn cầu từ Dự án Thủy điện Mô hình Ngân hàng Thế giới tại Lào” bày tỏ.

“Các công ty tư nhân đã có được sự nhân nhượng này, và có rất ít sự giám sát về cách thức họ thực hiện các quy định pháp lý đó như thế nào”, ông nói thêm, “dĩ nhiên, đó là tình hình phổ biến trong toàn bộ ngành thủy điện”.

By Mike Ives – The New York Times Interrnational Edition // July, 28 – 29, 2018.