Hội nghị tự do tôn giáo hay niềm tin vùng Đông Nam Á lần IV

Hội nghị Tự do Tôn giáo hay Niềm tin lần thứ 4 tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 17 tháng 8 đã kết thúc ngày 19 Tháng 8.

 

Quang Nguyên, Việt Nam Thời báo, ngày 24/8/2018

 

Hội nghị này tổ chức mỗi năm một lần tại một trong các quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á, mục đích  thúc đẩy  sự tự do tôn giáo trong vùng và mưu tìm sự bình đẳng và tự do tôn giáo hay niềm tin cho mỗi người.

Hội nghị này lần đầu tiên được tổ chức tại Băng Cốc tháng 10/2015,  và kết quả là họ đã cho ra đời được bản Tuyên Ngôn về quyền Tự do Tôn giáo hay Niềm tin trong vùng Đông Nam Á. Hội nghị lần thứ hai được tổ chức tại Dili, Đông Timor vào tháng 8 năm 2016 và các tham dự viên cam kết phát triển lâu dài kế hoạch hành động để thúc đẩy Tự do Tôn giáo hay Niềm Tin. Sau hội nghị tại Philippines năm 2017,hội nghị lần thứ 4 được tổ chức tại Bangkok.

Khoảng 150 giới chức thuộc Liên hiệp Quốc, Liên hiệp Âu Châu, hội Luật gia quốc tế,  các tổ chức xã hội dân sự đã đến dự để nghe nhiều đoàn đại biểu các tôn giáo thuộc các quốc gia vùng Đông Nam Á trình bày về tình trạng tôn giáo họ bị kỳ thị, bách hại bởi chính quyền và bàn thảo tìm kiếm những phương pháp để thúc đẩy quyền tự do tôn giáo hay niềm tin trong vùng Đông Nam Á. Họ gồm có những vị như Tiến sĩ Ahmed Shaheed, báo cáo viên đặc biệt của LHQ. Ông Jan Figal Đặc phái viên của Liên hiệp Âu Châu, nhiều quý vị nghị sĩ cựu nghị sĩ của các quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á các nhà hoạt động  nhân quyền và quyền tự do tôn giáo, quyền Phụ nữ và trẻ em của nhiều tổ chức trên thế giới. Bà bí thư thứ  hai của   Đại sứ quán Hoa Kỳ, Jessica Farmer,  tại Hà Nội cũng có mặt.

Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm của những người tham dự những thách thức,suy nghĩ về các hành vi vi phạm liên quan đến nhà nước, hoặc vì tình trạng thiểu số, sắc tộc, giới tính, nguồn gốc.

Quanh cảnh Hội nghị. Ảnh: Quang Nguyên

Việc chính trị hóa tôn giáo xâm phạm đến sự tự do tôn giáo hay tín ngưỡng làm thiệt hại đến các dân tộc thiểu số mà ngay cả của các tín đồ thuộc các tôn giáo lớn. Đức tin tôn giáo bị biến thành một công cụ cho chính quyền lợi dụng.

Hội nghị lưu ý đến các trở ngại, về phía chính quyền, ngăn cản thực hiện quyền tự do tôn giáo hay niềm tin bằng cách bắt buộc  các tôn giáo phải đăng ký hoạt động.

Những người tham gia hội nghị cam kết tăng cường sự hợp tác toàn cầu và khu vực để bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo hay niềm tin của mọi người.

Trong phần trình bày  những nét chính và cập nhật tính hình về Tự do Tôn giáo hay Niềm Tin của một số quốc gia, không thấy có đại diện chính quyền VN, cũng không thấy các đoàn Lào và Campuchia.

Trong hội nghị này đại diện các cộng đồng tôn giáo bị áp bức tại Việt Nam đều có mặt.

Tổng số người của các đoàn đại biểu các tôn giáo bị đối xử bắt công của Việt Nam khoảng 40. Nhiều đoàn, hoặc nhiều người khác trong số họ, bị chặn lại từ Việt Nam với những lý do khác nhau.

Các đoàn của các quốc gia khác không bị chính quyền làm khó dễ khi rời khỏi nước họ.

Trong 2 ngày rưỡi,  hội nghị  làm việc vô cùng tích cực, với hàng chục bài tham luận, hội thảo và tiếp xúc ngay cả trong giờ nghỉ, ăn trưa, và buổi tối.

Các đại biểu các cộng đồng tôn giáo Việt Nam bị chính quyền đối xử bất công tích cực tiếp xúc với những giới chức Liên hiệp Quốc, Liên hiệp Âu Châu, các nhà hoạt động cho nhân quyền, trong đó có cả đại diện của Tòa Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Họ trao cho những giới chức này những bản báo cáo, chứng cứ vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo, họ cũng nêu ra đích danh người,hay các tổ chức, điển hình như Hội Cờ Đỏ, của chính quyền đã có hành vi vi phạm.  Các đại biểu yêu cầu các giới chức này thúc đẩy chính phủ Việt Nam giải quyết các vấn nạn của tôn giáo mình  tại  địa phương hay toàn quốc.

Nhân dịp này, một đại diện Hội Phụ nữ Nhân Quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ đã đọc bản báo cáo về tình trạng  của bà Trần Thị Nga, một blogger, nhà hoạt động nhân quyền, đã bị chính quyền Việt Nam kết án nặng nề để lại 2 con nhỏ, đang bị đối xử tồi tệ trong nhà giam. Bà đại diện Hội Nhân quyền cho Phụ nữ Việt Nam yêu cầu Tiến sĩ Ahmed Shaheed báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp Quốc, ông Jan Figal Đặc sứ của Liên hiệp Âu Châu, EU. bà đại diện đại sứ Mỹ tại Hà Nội và các vị khác nữa  vận động chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay cho bà Trần Thị Nga hay ít nhất phải chấm dứt các hành động đối xử tàn nhẫn với bà Trần Thị Nga, đang diễn ra trong nhà tù,  trong lúc bản báo cáo được đưa đến tay các giới chức vừa kể.  Các đại biểu nhận được tình cảm nồng hậu và sự thông cảm sâu sắc của người tiếp họ và những lời hứa tích cực hành động với chính quyền Việt Nam.

Tin mới nhất chúng tôi nhận được, một số người từ Việt Nam đi dự hội nghị, về bằng máy bay,  đã không bị phiền phức khi đến phi trường Tân Sơn Nhất.

Đoàn đại biểu Hội thánh Cao Đài cũng không bị khó dễ khi về đến cửa khẩu Tây Ninh.

Tuy nhiên 3 người trong số họ đã bị nhà cầm quyền Việt Nam không cho xuất cảnh đó là bà Lương Thị Nở, bà Nguyễn Xuân Mai và ông Trần Quốc sách. Bà Nguyễn Xuân Mai đã đi dự hội nghị Tự do Tôn giáo hay Niềm tin tại Manila  năm 2017 và khi về đã bị chính quyền làm triệu tập nhiều lần.

Đoàn các anh em Tin Lành người Mông tại miền Bắc Việt Nam và miền Trung Việt Nam cũng hoàn toàn không bị làm khó dễ.

Đây cũng có thể là một sự tiến bộ của chính quyền Việt Nam khi không làm khó dễ những người đi về . Tuy vậy, chính quyền  cũng đã chận nhưng không bắt những người đi ra ngoài.

Không biết trong thời gian tới họ sẽ đối xử như thế nào đối với những người đi dự hội nghị này về.

Được biết  sự an toàn của những người đi dự hội nghị khi về lại Việt Nam là điều đặc biệt quan tâm của ban tổ chức hội nghị, của đại diện nhân quyền Liên Hiệp Quốc , Liên Hiệp Âu châu,  đại diện Tòa Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, và cả những người có mặt trong hội nghị.

Chúng tôi sẽ lần lượt đưa tin về hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam có mặt tại hội nghị.

Bài phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho độc giả VNTB rõ chi tiết về Hội nghị này.

Bài phỏng vấn của phóng viên VNTB có mặt tại hội nghị với Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tổ chức BPSOS