Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 34 từ ngày 20 đến 26/8/2018: Nguyễn Văn Hoá và Nguyễn Viết Dũng bị tra tấn, ép cung

DTD logo

 

Người Bảo vệ Nhân quyền| ngày 26/8/2018

 

Hai tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá và Nguyễn Viết Dũng khẳng định trong phiên toà sơ thẩm xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng ngày 16/8 rằng họ bị tra tấn và bức cung để phải khai chống lại nhà hoạt động này.

Trong phiên toà, với vai trò người làm chứng, Hoá và Dũng đã phản bác lời khai với công an trước đó rằng ông Lượng là người lôi kéo Nguyễn Văn Hoá vào tổ chức Việt Tân, một tổ chức đấu tranh dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam có trụ sở ở Hoa Kỳ nhưng bị chính quyền cộng sản ở Hà Nội coi là tổ chức khủng bố.

Phản ứng với lời cáo buộc của Hoá và Dũng, tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (Committee to Protect Journalists- CPJ) đã ra tuyên cáo chỉ trích việc tra tấn phóng viên Hoá và kêu gọi Việt Nam dừng việc đánh đập và sách nhiễu những nhà báo đang bị giam cầm.

Nhiều tù nhân lương tâm tố cáo rằng họ đang bị đàn áp và đối xử hà khắc trong khi thi hành án tù. Nhà hoạt động Trần Thị Nga đã tố cáo việc chị bị đàn áp tinh thần và bị đánh đập bởi tù nhân khác trong trại giam Gia Trung thì Trần Hoàng Phúc đề nghị mẹ của mình cung cấp thuốc giải độc. Do bị quản giáo theo dõi gắt gao nên mẹ của Phúc không thể hỏi rõ lý do cần dùng thuốc giải độc và cụ thể là cần loại thuốc gì. Hiện Phúc đang bị giam giữ tại trại giam An Phước nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp giới bất đồng chính kiến bằng việc đem ra xét xử và kết án tù nhiều người khác. Trong phiên toà ngày 22/8, Toà án Nhân dân thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã kết án 4 người từng tham gia biểu tình ngày 10-11/6 với mức án từ 8 đến 24 tháng, còn trong phiên toà ở thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 21-23/8, toà án thành phố đã kết án 2 công dân Mỹ và 10 người khác với mức án từ 5 năm đến 14 năm với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015.

Sức khoẻ của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang hiện rất xấu do những vết thương mà cô phải chịu gây ra bởi công an thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc vây ráp buổi biểu diễn của ca sỹ Nguyễn Tín. Hiện cô vẫn bị mật vụ theo dõi sát sao.

Liên quan đến vụ việc công an bắt giữ và đánh đập nhiều nhà hoạt động trong buổi biểu diễn của Nguyễn Tín, tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) đã ra thông cáo lên án hành động của công an thành phố HCM, và yêu cầu chính quyền Việt Nam điều tra vụ việc và đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước pháp luật. Trước đó, tổ chức Ân xá Quốc tế cũng kêu gọi Hà Nội tiến hành điều tra vụ đánh đập.

Huỳnh Thuý Hằng, quả phụ của Hứa Hoàng Anh, đã nói với Người Bảo vệ Nhân quyền rằng chồng của cô đã tự cứa cổ mình bằng dao trong khi cảnh sát huyện Châu Thành (Kiên Giag) đang khám xét nhà hôm 02/8.

===== 20/8 =====

Tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc cần thuốc giải độc

Trần Hoàng Phúc, người sáng lập và hiện là chủ tịch của Hội Sinh viên Nhân quyền Việt Nam, người bị kết án 6 năm tù giam với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của BLHS 1999, đã nói với mẹ mình gửi thuốc giải độc trong khi thi hành án tù tại trại giam An Phước (Bình Dương.)

Bà Huỳnh Thị Út cho biết thông tin trên sau buổi thăm gặp con trai tại trại giam An Phước vào ngày 18/8. Tuy nhiên, do sự theo dõi chặt chẽ của nhân viên an ninh nên bà không thể hỏi tại sao con trai mình lại cần thuốc giải độc, và cụ thể là loại thuốc gì.

Sau khi Phúc bị Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội bác đơn kháng cáo trong phiên phúc thẩm vào ngày 10/7, Phúc bị chuyển vào An Phước vào ngày 09/8.

Phúc chỉ được nhận thức ăn và một số lượng sách hạn chế.

Trại giam An Phước là một trong những nhà tù khét tiếng về độ hà khắc đối với tù chính trị. Nhà giáo Đinh Đăng Định, một giáo viên hoá, đã bị mắc bệnh ung thư dạ dày mà rất có thể là do phải ăn thức ăn nhiễm độc. Ông chết vài tháng sau khi được trả tự do.

Huỳnh Anh Trí, người bị kết án tù 14 năm trong vụ án liên quan đến tổ chức của Nguyễn Hữu Chánh, cũng thụ án tù trong trại An Phước. Tại đây, anh bị giam chung với tù hình sự và nhiều trong số họ bị nhiễm HIV. Do bị buộc dùng chung dao cạo râu với người bị bệnh HIV, anh đã nhiễm phải căn bệnh chết người này, và anh chết chỉ vài tháng sau khi được trả tự do.

Trần Hoàng Giang, một cựu tù chính trị trong trại giam An Phước, cho biết quản giáo sử dụng chung dao cạo cho hàng trăm tù nhân.

===== 21/8 =====

Nguyễn Văn Hoá, Nguyễn Viết Dũng bị tra tấn để lấy lời khai

Hai tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá và Nguyễn Viết Dũng khẳng định trong phiên toà sơ thẩm xét xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng hôm 16/8 rằng họ đã bị cảnh sát tra tấn và bị buộc phải khai bất lợi cho ông Lượng.

Hai nhà hoạt động nói rằng dưới đòn thù của công an, hai người đã buộc phải nói rằng ông Lượng là người lôi kéo Nguyễn Văn Hoá làm thành viên của Việt Tân, một đảng của người Mỹ gốc Việt mà bị chính quyền Hà Nội gắn mác khủng bố.

Sau khi khai với toà, ngay lập tức họ bị đưa ra khỏi phòng xử án. Khi luật sư Hà Huy Sơn và Đặng Định Mạnh, hai người bào chữa cho ông Lượng tại phiên toà, yêu cầu cho đối chất thì phía công an từ chối, nói hai người không đủ sức khoẻ.

Trong phiên toà sơ thẩm trên, Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã kết án ông Lượng về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” với mức án cao kỷ lục 20 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Ngày 20/8, gia đình Nguyễn Viết Dũng đến trại tạm giam Nghi Kim để thăm gặp nhưng đã bị phía công an từ chối, nói rằng Dũng đã không hợp tác trong vụ án ông Lượng và do vậy không được gặp thân nhân.

Cũng trong ngày 20/8, Uy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) ra thông cáo lên án việc tra tấn phóng viên tự do Nguyễn Văn Hóa và kêu gọi chính quyền Việt Nam dừng đánh đập và sách nhiễu các nhà báo bị bỏ tù.

Đọc thêm: Tù nhân phản cung bị trả thù

===== 22/8 =====

Bốn người ở Ninh Thuận bị kết án tù vì tham gia biểu tình hôm 10-11/6

Ngày 22/8, Tòa án Nhân dân thành phố Phan Rang –  Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã tổ chức phiên toà xét xử 6 người tham gia biểu tình hôm 10-11/6 tại địa phương với cáo buộc gây rối trật tự công cộng.

Toà đã kết án tù giam 4 người: anh Nguyễn Văn Nghĩa 29 tuổi, chịu mức án cao nhất là 2 năm tù giam, bà Nguyễn Thị Lừng (40 tuổi) 1 năm tù, bà Nguyễn Thị Như Hòa (43 tuổi) 9 tháng tù giam, anh Nguyễn Hữu Thành (27 tuổi) 8 tháng tù giam. Nguyễn Đoàn Phước Mỹ và Trương Anh Kiệt chưa đủ 18 tuổi nên đều bị 6 tháng tù treo.

Theo cáo trạng, sáu người đã tham gia biểu tình và gây rối trật tự với những hành động như chặn xe khách và cầm chai xăng và bật lửa dọa đốt. Họ còn bị kết tội ném đá vào trụ sở công an phường khi công an tới giải tán đám đông.

Thông tin bổ sung: Ninh Thuận xét xử thêm 6 người biểu tình

===== 23/8 =====

12 người bị kết án tù với tội danh ” hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”

Ngày 23/8, Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã kết án 12 người, trong đó có hai công dân Hoa Kỳ, với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của BLHS 2015, vì tham gia tổ chức “‘Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” có trụ sở tại California của ông Đào Minh Quân.

Cụ thể, Nguyễn James Han và bà Phan Angel đều bị án tù 14 năm còn 10 công dân Việt Nam bị án tù từ 5 đến 11 năm tù giam: Trương Nguyễn Minh Trí- 11 năm tù; Đỗ Tài Nhân, Nguyễn Hùng Anh, Trần Tuấn Tài mỗi người 10 năm tù, Võ Hoàng Ngọc và Đỗ Quốc Bảo- 9 năm tù; Trần Văn Vinh- 8 năm tù, Trần Quang Vinh- 7 năm tù; Nguyễn Văn Chánh và Đỗ Thị Thùy Dung đều bị 5 năm tù. Họ còn bị án quản chế từ 2 đến 4 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, những người bị đưa ra xét xử thuộc tổ chức của ông Đào Minh Quân tại Hoa Kỳ, một tổ chức lôi kéo một số người bất mãn chế độ Việt Nam hiện nay. Tổ chức này cũng bị cáo buộc đưa người từ nước ngoài về thực hiện hoạt động chống phá nhằm lật đổ chính quyền, và bị Hà Nội coi là khủng bố.

Việt Nam cáo buộc nhóm 12 người vừa bị tuyên án đã in 4 ngàn truyền đơn, có kế hoạch chiếm đài phát thanh và kêu gọi biểu tình vào ngày 30 tháng 4 năm ngoái.

AFP cho biết kế hoạch vừa nêu bất thành trùng với một vụ tấn công vào Sân bay Tân Sơn Nhất mà 15 người cũng bị cáo buộc thuộc tổ chức của ông Đào Minh Quân phải ra tòa rồi chịu án nặng.

Đọc thêm: 28 năm tù cho hai Việt kiều Mỹ tham gia “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”

===== 24/8 =====

TBT Luật Khoa tạp chí: Nhà báo Đoan Trang cần được tiếp cận y tế!

RFA: Ông Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập tờ báo mạng Luật Khoa nơi nhà báo Đoan Trang là biên tập viên nói với Đài Á Châu Tự do chiều 23/8 rằng, sau các vụ hành hung, cô Phạm Đoan Trang cần được tiếp cận với các dịch vụ y tế để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

“Tôi nghĩ rằng sức ép của quốc tế và đồng bào trong nước rất là quan trọng để công an ngừng các biện pháp truy lùng, sách nhiễu, khủng bố một cách vô pháp luật đối với Đoan Trang và cô ấy cần tiếp xúc với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe và thuốc men một cách đầy đủ nhất có thể”, ông Long cho hay.

Tội ác không bị trừng phạt

Sáng 23/8, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) ra một thông cáo yêu cầu chính phủ VN tiến hành điều tra vụ hành hung những người trong đêm nhạc của ca sĩ Nguyễn Tín hôm 15/8.

Dẫn lại chi tiết vụ hành hung ca sĩ Nguyễn Tín, người tổ chức biểu diễn Nguyễn Đại và nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, HRW cho rằng có những chỉ dấu cho thấy chính quyền VN muốn gửi một tín hiệu rằng “tấn công những người bất đồng chính kiến sẽ không bị trừng phạt.”

Bác sĩ yêu cầu phải theo dõi rất sát, vì trường hợp của Đoan Trang hiện nay là chưa biết khi nào có thể phục hồi được, thứ hai nữa là những biểu hiện đó cho thấy có những biến chứng phải theo dõi sát để khi biến chứng xảy ra có thể phản ứng ngay lập tức. – Trịnh Hữu Long

Một tuần lễ sau đêm nhạc bị bố ráp, những người thân cận với cô cho rằng quá trình hồi phục của nhà báo Phạm Đoan Trang là khá chậm chạp.

“Bác sĩ yêu cầu phải theo dõi rất sát, vì trường hợp của Đoan Trang hiện nay là chưa biết khi nào có thể phục hồi được, thứ hai nữa là những biểu hiện đó cho thấy có những biến chứng phải theo dõi sát để khi biến chứng xảy ra có thể phản ứng ngay lập tức.

Đoan Trang hiện nay có bác sĩ theo dõi tình hình, nhưng hiện nay cô ấy phải di chuyển liên tục để tránh sự theo dõi của công an.

Điều này rất là bất lợi bởi vì cô ấy khi đến một nơi nào đó để ở thì đều có công an theo dõi, dò hỏi ở khu vực đó, gây sức ép với những người xung quanh và những người đến thăm.

Nó tạo ra khó khăn về mặt di chuyển và tạo khó khăn để Đoan Trang tiếp cận với những dịch vụ y tế cần thiết đặc biệt là những khi cô ấy cần dịch vụ khẩn cấp về y tế”, ông Long đang công tác ở Đài Loan cho hay qua điện thoại.

Cơ chế Liên Hiệp Quốc điều tra các vụ hành hung blogger

Theo ông Trịnh Hữu Long, các cơ chế quốc tế hiện nay để điều tra những vụ vi phạm nhân quyền là có nhưng thường phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu và việc can thiệp của quốc tế chỉ có thể được tiến hành trong các trường hợp hạn hữu và thỏa mãn những trường hợp nhất định.

“Hiện nay là Liên Hợp quốc mà Việt Nam là thành viên có một số cơ chế để tiến hành các cuộc điều tra, đó là cơ chế Báo cáo viên đặc biệt của LHQ.

Khi chúng ta gửi những thông tin báo cáo vi phạm nhân quyền cho những Báo cáo viên đặc biệt, hoặc các Nhóm làm việc đặc biệt của LHQ có thể tiến hành điều tra riêng, thu thập thông tin từ nhiều bên khác nhau trong đó có cả nạn nhân, nhân chứng, giới hoạt động và cả chính phủ.

Sau quá trình thu thập thông tin như vậy họ sẽ cho ra một báo cáo rằng hành vi đó là đúng hay sai với các chuẩn mực pháp luật quốc tế.”

Tôi nghĩ rằng một số nước lớn có ý nghĩa với Việt Nam về mặt kinh tế như Đức, Anh, liên minh Châu Âu, Canada hay các nhà tài trợ lớn như Thụy Điển, Newzeland thì họ sẽ có những tiếng nói có trọng lượng hơn với chính phủ VN. – Trịnh Hữu Long

Tuy nhiên các kết luận này chỉ có giá trị tham khảo và mang tính tuyên bố chứ không có giá trị ép buộc Việt Nam phải mở 1 cuộc điều tra hay phải trừng phạt thủ phạm đã gây ra các vụ vi phạm nhân quyền.

“Tôi nghĩ rằng một số nước lớn có ý nghĩa với Việt Nam về mặt kinh tế như Đức, Anh, liên minh Châu Âu, Canada hay các nhà tài trợ lớn như Thụy Điển, Newzeland thì họ sẽ có những tiếng nói có trọng lượng hơn với chính phủ Việt Nam.

Họ có thể đề nghị VN ngưng một số hoạt động đàn áp hoặc đưa ra một số tuyên bố nhất định về các hoạt động như vậy”, ông Trịnh Hữu Long cho biết thêm.

Việt Nam không bình luận gì về vụ việc

Sau vụ bố ráp đêm nhạc ở quán Cafe Casanova – Phường 7, Quận 3, phóng viên có liên hệ với Công an phường sở tại nhưng họ từ chối cung cấp thông tin. Chúng tôi cũng gọi cho công an Quận 3 nhưng không thể kết nối.

Các tờ báo nhà nước cũng không đưa tin tức về vụ việc này mặc dù các nhân chứng cho hay có lực lượng liên ngành gồm công an phường, Sở Văn hóa Thông tin, thanh tra chính phủ và an ninh đến làm việc đêm đó và đề nghị lập biên bản người tổ chức biểu diễn.

Nhận định về mức độ leo thang của các vụ hành hung, nhà báo, luật gia Trịnh Hữu Long cho rằng tính chính danh của nhà nước đang bị bào mòn.

“Tần suất các nhà hoạt động bị đánh đập ngày càng dày đặc lên, những vụ hành hung với những người biểu tình trong tháng 6 vừa rồi lẫn việc hành hung những nhà bất đồng chính kiến trong thời gian gần đây cho thấy được là chính quyền, cụ thể là lực lượng công an đang ngày càng sử dụng những biện pháp bạo lực nhất có thể.

Họ đưa ra một chỉ dấu rằng họ sẽ không từ các biện pháp nào để dập tắt các tiếng nói đối lập.

Tôi cho rằng điều đó là một chỉ dấu đáng lo ngại, tuy nhiên điều đó cũng cho thấy chính quyền ngày càng ít các công cụ pháp lý và biện pháp chính đáng hơn để có thể dập tắt các tiếng nói đối lập và họ càng ít tính chính danh hơn trong việc họ nắm quyền.

Tiến hành đặt công dân mình vào tình huống nguy hiểm thì tính chính danh của chính quyền ngày càng bào mòn.”

===== 25/8 =====

Vì sao Hứa Hoàng Anh chết?! Liệu trường hợp “Nguyễn Hữu Tấn” tái diễn?

Ngày 02/8/2018, chủ trại ấp vịt Hứa Hoàng Anh thuộc ấp Bình Lợi, xã Minh Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đã chết trong khi làm việc với công an và cái chết của anh có nhiều lời đồn đoán. Liệu có một vụ “Nguyễn Hữu Tấn” thứ hai không?

Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD) có đưa tin về vụ việc ngay trong ngày Hứa Hoàng Anh bị chết. Tuy nhiên, phải đến trưa 25/8, hơn ba tuần sau cái chết của Hứa Hoàng Anh, DTD mới có thể liên lạc trực tiếp với cô Huỳnh Thuý Hằng, là người vợ thứ hai của người quá cố, và được goá phụ này cung cấp thông tin khá đầy đủ về vụ việc.

Hứa Hoàng Anh, một người chuyên cung cấp vịt giống cho nhiều trang trại vịt trong vùng, đã từng tham gia nhiều cuộc biểu tình ôn hoà ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2014, và lần gần đây nhất là cuộc biểu tình chống hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ngày 10/6, ngày mà anh bị bắt và bị đưa lên xe cùng anh Huỳnh Tấn Tuyên nhưng đã đạp cửa xe cảnh sát để tự giải thoát mình và mấy người nữa.

Chị Hằng kể rằng khoảng 21.30 tối 01/8, công an huyện Châu Thành đã đến nhà của hai vợ chồng chị ở ấp Bình Lợi và bắt chồng chị. Công an đã đập cửa và lôi người chồng ra xe và đưa lên trụ sở công an huyện để tra khảo về một vụ nổ ở gần nhà của hai vợ chồng trước đó hơn một tháng. Tuy nhiên, công an không công bố lệnh bắt nào cả, chị vợ cho biết.

Chị Hằng cũng lấy xe máy chạy theo xe công an và đến ngồi gần phòng xét hỏi. Chị cho biết quá trình làm việc cũng không quá căng thẳng, thái độ của hai bên đều giữ ở mức ôn hoà.

Khoảng 4g sáng ngày 02/8, chị được phía công an nói về nhà để lấy chiếc điện thoại của chồng đem đến cho công an. Khoảng 7g sáng, công an gọi điện cho chị và chị đem chiếc điện thoại này giao nộp cho họ.

Sau đó chị mua một suất cơm gửi cho chồng vì chị nghĩ chồng mình đã đói vì bị tra khảo suốt đêm. Sau này chị biết công an không đưa cơm cho chồng chị.

Khoảng 10.30 sáng ngày 02/8, gần 20 công an đưa Hứa Hoàng Anh lên xe và quay về nhà anh để khám xét, và có công bố lệnh khám xét nhà. Chị Hằng có ngạc nhiên, hỏi chồng “Tại sao đã làm việc suốt đêm rồi lại khám nhà?’ thì chị được chồng cho biết là vụ nổ cách đó hơn một tháng là do anh ta gây ra và giờ công an đến khám nhà. Người chồng có kể với người vợ là anh ta có được một người bạn từ Rạch Giá đưa cho một trái mìn hẹn giờ, anh ta đem trái mìn đó đặt ở một khoảng trống cách nhà không xa, và về nhà bấm nút điều khiển. Vụ nổ khá to nhưng không gây thiệt hại gì, chị Hằng nói.

Sau khi gây nổ, Hứa Hoàng Anh vất điều khiển vào bồn cầu phía sau nhà, và đó là lý do công an cho người cưa bồn cầu để tìm cách lấy điều khiển từ xa vào trưa hôm 02/8.

Có hơn một chục công an vào nhà của hai vợ chồng để lục soát. Còn có một đội khác bao vây ở ngoài nhà, Hằng cho biết. Khoảng hơn 12h, Hứa Hoàng Anh kêu đói và chị Hằng định đi nấu cơm cho chồng nhưng anh ta bảo chắc không kịp và có thể ăn cơm nguội còn lại từ tối qua. Hằng dọn cơm nguội với một ít thức ăn cho chồng. Khi chị quay ra chiếc tủ lạnh cách đó 3-4 m để lấy đá cho vào cốc nước uống thì Hứa Hoàng Anh bất ngờ cầm một con dao ở trong bếp để tự cắt cổ, Hằng cho biết. Khi đó anh ta mới và được vài đũa cơm, người vợ cho biết.

Chị Hằng cho biết trong suốt đêm trước và sáng hôm sau, Hứa Hoàng Anh không bị còng và do vậy, khi kêu đói, thì được phía công an đồng ý cho đi xuống nhà dưới để lấy cơm ăn. Có một công an đi theo, nhưng ngồi quan sát ở khá xa.

Chị Hằng nói rằng cả chị và những người công an đang ở trong nhà rất bất ngờ. Chị lao vào chống để ngăn cản nhưng không được. Sau khi Hứa Hoàng Anh đổ gục xuống, công an đã đưa anh ta ra xe để đưa đi cấp cứu. Hằng cũng đi theo nhưng ngồi trên một xe khác đến bệnh viện huyện cách nhà chừng 15 phút.

 

Con dao mà Hứa Hoàng Anh dùng để tự cứa cổ mình là do anh ta mua từ Nhật trong một chuyến đi du lịch, Hằng cho biết. Công an Châu Thành đã thu giữ con dao này, chị ta nói.

Xe đến bệnh viện và Hứa Hoàng Anh được đưa vào phòng cấp cứu, nhưng chị Hằng không được vào phòng đó, mà chỉ được đứng ở bên ngoài. Một lát sau thì bác sỹ đi ra, nói Hứa Hoàng Anh đã chết vì mất nhiều máu trên đường đi cấp cứu.

Lúc đó vào khoảng 13.30h, chị Hằng nói, và công an nói đưa xác chồng chị về nhà. Hằng muốn được ngồi cùng xe chở xác chồng nhưng chị lại bị buộc ngồi xe khác. Tuy nhiên, đoàn xe không quay về nhà chị mà đến nhà tang lễ của tỉnh, và tại đây công an mổ tử thi để khám nghiệm mà không có sự chứng kiến của bất cứ một người thân nào của người đã chết, kể cả vợ, người bị buộc phải ngồi ở bên ngoài phòng khám nghiệm. Hằng có gọi điện cho anh chị em của chồng đến, và họ cũng phải đứng ngoài.

Mãi đến hơn 19 h thì việc khám nghiệm mới xong và công an đưa xác Hứa Hoàng Anh về để gia đình tổ chức an táng. Chị Hằng cho biết công an đã quấn băng gần như kín từ cổ lên đầu, chị muốn xem mặt chồng lần cuối mà không thể xé lớp băng. Chị có mở xuống phía dưới và thấy một vết mổ dài từ ngực tới rốn, và được khâu lại.

Hằng cho biết gia đình có đi lên chùa để xem giờ và được một vị sư nói nên niệm vào lúc 21 h cùng ngày và an táng vào lúc 16 h ngày hôm sau.

Chị Hằng cho biết mọi kế hoạch viếng và an táng đều do gia đình quyết định. Tuy nhiên, công an bao vây khu vực gần nhà, và không cho người đến viếng quay video hay chụp hình. Một người quay video và phát trực tiếp (live stream) được một thời gian ngắn thì bị công an bắt giữ và đưa lên đồn để tra khảo, chị Hằng nói rằng chị biết việc này khi người khác kể lại. Gia đình có thuê người thợ chụp hình ở địa phương đến ghi lại đám tang thì bị công an khống chế lúc gần hạ huyệt và bị buộc phải xoá toàn bộ hình đã chụp. Mấy hôm sau, Hằng mới được người thợ này kể lại khi cô định ra lấy hình về và thanh toán tiền ghi hình.

Gia đình đã quyết định mua mộ phần ở trong chùa cho Hứa Hoàng Anh và anh được đặt nằm cạnh mộ của ông ngoại mình. Chi phí cho việc chôn cất và đám tang cũng khá tốn kém trong khi hai người vẫn còn một số nợ, chị Hằng cho biết.

Điều chị Hằng bức xúc nhất là công an đã lừa dối chị, nói rằng sẽ đưa xác anh từ bệnh viện huyện Châu Thành về nhà chị, nhưng thực ra lại chở đến nhà xác tỉnh để khám nghiệm mà không cho gia đình chứng kiến.

Chị Hằng nói rằng chị rất bất ngờ về việc chồng mình tự cắt cổ, và chị không thể giải thích được hành động của chồng mình, một người hoàn toàn bình thường trước khi bị bắt lên đồn công an vào tối hôm trước. Nếu không chứng kiến trực tiếp vụ việc, có lẽ chị không bao giờ hình dung được cái chết của chồng mình. Có lẽ việc tra khảo của công an ảnh hưởng đến tinh thần của chồng mình, chị nói.

Hằng và Anh đều từng có gia đình riêng trước khi đến với nhau vào 4 năm trước. Hằng có đứa con năm nay lên 12 tuổi nhưng ở với ông bà ngoại còn Anh có đứa con học lớp 4 và ở với mẹ. Hai người vẫn chưa có con chung.

Chị cho biết công an theo dõi chị và gia đình sát sao kể từ ngày chồng bị chết. Công an đưa người canh gác, theo dõi người trong gia đình và những người đến viếng trong nhiều ngày. Hiện ngôi nhà của họ vẫn có công an để mắt tới cho dù người vợ về nhà bố mẹ để sống.

Sau đám tang, công an đã hai lần đến nhà và một lần mời chị Hằng đến đồn công an để lấy lời khai về sự việc trưa hôm 02/8. Tất cả các cuộc làm việc đều được ghi hình và lập biên bản, chị cho biết.

Cũng xin nhắc lại là vào ngày 10/6, hai vợ chồng Hứa Hoàng Anh-Huỳnh Thuý Hằng có lên Sài Gòn để tham gia biểu tình. Hứa Hoàng Anh bị bắt cùng với anh Huỳnh Tấn Tuyên, người bị mật vụ đánh gẫy 3 răng cửa. Chính Hứa Hoàng Anh đã đạp cửa xe oto của cảnh sát để giải thoát cho hai người và một số người khác.

Do tham gia nhiều cuộc biểu tình ôn hoà từ năm 2014, Hứa Hoàng Anh từng nhiều lần bị công an Châu Thành triệu tập.

=======================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây