Hà Nội cấm bán thịt chó: từ cẩu quyền đến nhân quyền

Ánh Liên, Việt Nam Thời báo, ngày 15/9/2018 

Hà Nội dự kiến cấm bán thịt chó ở các quận từ 2021, theo ông Chi cục trưởng Thú y thủ đô là vì nhiều nước và tổ chức quốc tế phản đối ăn thịt chó, mà trong thực tế ăn thịt chó có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm; hơn nữa, thịt chó quá nhiều chất đạm không tốt cho sức khoẻ…Nhìn chung tất cả đều là lý do tốt, thêm việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm ăn thịt chó mèo lại là một động lực để Hà Nội tăng tốc lệnh cấm này. Nhưng dù có cấu thành nhiều yếu tố như thế, thì cấm bán thịt chó vẫn sẽ là chuyện trong mơ, không phải vì người viết phản ứng với ‘cẩu quyền’, mà bởi Hà Nội xô bồ, tấp nập, và tắc nghẽn trong các luật lệ được ban hành. 

Một thời phong trào dọn dẹp vỉa hè nổi lên tại Hà Nội, quan chức ra quân rầm rộ và có phần khoa trương nhằm trả lại lối đi cho người đi bộ, nhưng đến giờ, những biển cấm với dòng chữ rõ to ‘Tuyến phố văn minh đô thị’ trên các con đường tại Hà nội bị vô hiệu hóa bởi xe, người bán hàng rong, quán nhậu, trà đá… Tức dù những kế hoạch đẹp như mơ được đề ra, triển khai thì Hà Nội vẫn kiên trì giữ ‘lề xưa, nếp cũ’, bởi Hà Nội không vội được đâu!. Hoặc vì Hà Nội đã đánh mất sự ‘văn minh’ từ rất lâu rồi.

Tại Việt Nam, cẩu quyền cao hơn nhân quyền?

Ở một khía cạnh khác, giả như năm 2021, lệnh cấm được áp dụng trên toàn thành phố một cách thành công, thì ở góc cạnh nào đó, một nhóm người yếu thế trong xã hội phải ngậm ngùi cay đắng: Hà Nội ứng xử con người không bằng một con chó. Bởi con chó còn có tiến trình được bảo vệ, nhưng con người tiến trình bảo vệ lại phụ thuộc vào yếu tố ‘vui hay buồn’ của chính quyền, nhất là đối với những người hoạt động trong nhân quyền.

Họ bị đối xử thua cả chó, dọa nạt – đấm đá – giam lỏng – hạch sách – cầm tù. Phận người hoạt động hay cổ vũ nhân quyền ở Việt Nam vì thế mà nó bạc bẽo, đôi lúc có cảm tưởng, Hà Nội ứng xử với con người giống như con chó thế lại hay. Nhưng chó có biết hoạt động chính trị đâu, chó có biết quyền dân sự là gì đâu? Chó vẫn là loài vật, nó có thể có chút cảm xúc, nhưng nó không được tư duy, và phải chăng vì thế nên nhà nước mới quan tâm sâu sắc đến ‘cẩu quyền’. Những con chó biết vẫy đuôi mừng chủ và chạy về một góc khi bị chủ quát nạt.

Và lúc này, chó cũng có nhiều loại, phận như con chó và sống như chó.

Phận như chó thì nhiều, nên thỉnh thoảng mấy anh an ninh lại quen miệng bảo: bọn chó này cứng đầu. Ấy là chỉ những ai không chịu làm kiếp chó, không chịu nghe lời chủ. Mà chủ là ai? Chủ chính là ‘chính quyền nhân dân, quang vinh, muôn năm’ chứ là ai!. Đôi lúc ông chủ giận lắm, lại đá chó, giam chó để ‘tụi nó chừa’ vì dám phản ứng lại với chủ, và những lúc như vậy – đời sống con người lại không khác đời sống con chó cho lắm.

Nếu như thập niên 30 (thế kỷ XX), nhà văn Nguyễn Công Hoan oằn mình trong truyện ‘Ngựa người và người ngựa’, thì nay, nếu có một nhà văn hiện thực xã hội phê phán nào đủ tầm để dựng thẳng cây bút, thì hẳn, trong không khí rôm rã của lệnh ‘cấm bán thịt chó’, sẽ có một tác phẩm không kém cạnh cụ Hoan, có thể đó là ‘phận người thua cả con chó’.

Loại còn lại là, sống như con chó. Trong một bài viết trên báo Petrotimes, ông Nguyễn Như Phong nhắc lại câu nói của ông chủ bút tờ Bangkok Post: Nghề phóng viên là phải như con chó ấy. Ông nhấn mạnh, một con chó sẽ chẳng có giá trị gì nếu như chỉ biết ăn rồi làm cảnh cho chủ. Nếu hiểu theo ý của ông Phong, thì chó ở Việt Nam cũng nhiều lắm đấy, đối tượng gây ra những màn đánh đập, ép cung, hay một cái đạp như trời giáng vào mặt từ một viên an ninh (lúc đó đang là Đội phó đội an ninh quận Hoàn Kiếm TP-HN) vào năm 2011; hay nhà tù ám mùi người đến mức ngột ngạt và những trò bẩn thỉu ứng xử tù nhân (có dính líu đến chính trị). Một bộ phận khác sống lầm lũi trước sự quát nạt, thỉnh thoảng gầm gừ lên tiếng lấy oai, sau đó phải cúi gằm mặt vào mặt đất khi bị chủ quát.

Hà Nội, ‘ăn’ có thể như chó, nhưng ứng xử với con người lại thua cả con chó, thành ra ở Việt Nam, ‘người không ra người, chó không ra chó’.

Và chó quyền có lẽ là một mệnh đề hợp thời với Hà Nội hơn là nhân quyền. Nơi mà ‘sống như chó’ còn sướng hơn ‘sống như một con người’.