Vì sao ‘Luật bán nước’ bị đình chỉ vô thời hạn?

Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ quốc hội diễn ra vào gần giữa trung tuần tháng Chín năm 2018 đã một lần nữa xác nhận tin tức một tháng trước đó về việc ‘Luật bán nước’ (một tục danh mà nhân dân đặt cho dự luật Đặc khu) ‘tạm thời chưa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (khai mạc ngày 22/10/2018), để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện’.

 

Thường Sơn, Việt Nam Thời báo, ngày 15/9/2018

 

Nói cách khác, Luật Đặc khu bị xét lùi không có thời hạn.

Theo ‘truyền thống’ xét làm luật và thông qua luật của Quốc hội Việt Nam, trường hợp Luật Đặc khu có thể được xem là hiếm hoi khi dự luật mà chỉ mới vào tháng Năm năm 2018 đã được chính người đàn bà nổi tiếng diêm dúa – Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – ngang nhiên áp đặt ‘Bộ Chính trị đã kết luận rồi…’ – như một tiểu xảo chính trị như một cách nói để không cho ai nói khác với đảng, thì nay lại được chính Ủy ban Thường vụ quốc hội bàn lùi vô thời hạn.

Một cách ngẫu nhiên, số phận của Luật Đặc khu giờ đây lại giống hệt số phận của Luật Biểu tình và Luật về Hội – hai dự luật thiết thân quyền dân nhưng đã bị ‘đảng và nhà nước ta’ quay lưng biệt tích kể từ Hiến pháp năm 1992 đến nay.

Trong thực tế, hầu như không có bằng chứng nào cho thấy Quốc hội và Chính phủ đã quan tâm hoặc hỏi ý kiến cử tri về Luật Đặc khu trong khoảng thời gian từ năm 2014 khi Bí thư Quảng Ninh Phạm Minh Chính tiếp cố vấn Đào Nhất Đào của Tập Cận Bình về kinh tế và bàn rất chi tiết về tương lai của đặc khu Vân Đồn nằm sát biên giới Trung Quốc, thậm chí ông Chính còn chủ động đưa vào dự thảo luật Đặc khu quy định cho nước ngoài thuê đất đến 120 năm!

Cũng trong khoảng thời gian trên, đã không có bất kỳ chủ trương nào về ‘sẽ lấy ý kiến cử tri và nhân dân về luật Đặc khu’ như cách nói của Thủ tướng Phúc – chỉ lộ ra sau khi dự luật này bị người dân gọi đích danh là ‘luật bán nước’ và phát sinh biểu tình khổng lồ từ Bắc chí Nam.

Người Sài Gòn biểu tình khổng lồ chống Luật Đặc khu vào ngày Mười tháng Sáu năm 2018.

Nếu ngay sau cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018, Quốc hội đã phải bàn lùi luật Đặc khu nhưng có thời hạn lùi đến kỳ họp tháng Mười cùng năm, thì giờ đây, vụ Ủy ban Thường vụ quốc hội – cơ quan đã từng được Tổng bí thư Trọng quán triệt ‘cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp’ vào năm 2013 – phải bàn lùi luật Đặc khu mà chưa thể ‘chốt’ thời hạn đưa ra bàn hay thông qua là năm 2019 hay năm nào sau đó, đã cho thấy ít nhất một kết luận: bất chấp phong trào người dân, trí thức và cả nội bộ trong đảng phản ứng dữ dội về nhiều điều khoản rất bất lợi trong dự thảo luật này, cho tới nay dự thảo luật Đặc khu có thể vẫn chưa được chỉnh sửa một cách cầu thị thật sự, mà thậm chí chỉ được gia cố hết sức sơ sài và mang tính đối phó mà vẫn giữ nguyên quan điểm và quy định chi tiết về ‘cho thuê đất đến 99 năm’ hoặc gần như thế; ‘kiến tạo’ những điều kiện cực kỳ dễ dãi để người Trung Quốc có thể ồ ạt di cư vào các đặc khu, đặc biệt là đặc khu kinh tế Vân Đồn ở Quảng Ninh, một khi luật Đặc khu đực chính thức thông qua; vẫn giữ nguyên quyền tài phán nếu có tranh chấp và xử lý người di cư hoặc doanh nghiệp của Trung Quốc không thuộc về Việt Nam mà thuộc về ‘quốc tế’; vẫn không có những điều kiện chặt chẽ để loại trừ tương lai các đặc khu, nhất là đặc khu Vân Đồn, sẽ trở thành bãi thải công nghiệp khổng lồ của rác từ Trung Quốc đổ vào; và vẫn không có quy định chặt chẽ để lại trừ tương lai một số doanh nghiệp cá mập Việt Nam (chẳng hạn như Tập đoàn FLC của Trịnh Văn Quyết – nhân vật không biết là tỷ phú đô la thực hay giả) trở thành con nợ khổng lồ khi sẵn sàng đi vay của các ngân hàng Trung Quốc để đầu tư vào đặc khu nhưng lại không thể bảo đảm năng lực thanh toán, để cũng như nhiều phi vụ vay ODA nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đẩy toàn bộ hậu quả mất khả năng thanh toán cho chính phủ…

Từ trước khi dự luật Đặc khu được đưa ra trung ương nghị bàn, một số cựu thần và một bộ phận trong giới cách mạng lão thành đã có những phản ứng nhất định. Còn sau khi nổ ra cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu của dân chúng và khi người ta chứng kiến một Nguyễn Phú Trọng cũng nói nước đôi chứ không thể ủng hộ tuyệt đối ‘luật bán nước’ theo cách mà những Phạm Minh Chính, Nguyễn Thị Kim Ngân có lẽ rất mong muốn, đã có những cựu thần công khai lên tiếng phản đối dự luật Đặc khu trước ông Trọng và trong các cơ quan đảng. Hẳn sự phản ứng này, được tích tụ từ trước tháng Sáu và phát ra mạnh hơn sau tháng Sáu, đã tạo nên một sức ép đủ lớn khiến bộ phận quan thức yêu mến ‘luật bán nước’ phải chùn tay mà chưa dám đặt dự luật này lên bàn nghị luận như một hành vi khiêu khích toàn dân.