Facebook đánh đu với Việt Nam ra sao?

“Nếu đúng là Facebook đã thỏa hiệp với Cộng sản thì đó là điều rất đáng tiếc cho chính Facebook.”

 

Thường Sơn, Việt Nam Thời báo, ngày 17/9/2018

 

Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (phải) tiếp ông Simon Milner, Phó chủ tịch về Chính sách công tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Facebook. Ảnh: Trọng Đạt

Ngay sau cuộc gặp ngày 14/9/2018 giữa Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng với một quan chức cấp cao của Facebook – ông Simon Milner, Phó chủ tịch về Chính sách công tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, những tờ báo đảng lập tức hào hứng rút tít ‘Lãnh đạo Facebook cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam’, mà cụ thể là “Phó chủ tịch Facebook cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, hình thành nhóm làm việc chung giữa Facebook với cơ quan quản lý Việt Nam”.

Thậm chí Simon Milner còn muốn được làm ‘nàng dâu trưởng’: tiếp theo lời chia sẻ ‘rất thích’ hình ảnh nàng dâu về nhà chồng mà Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông lấy làm minh họa, Simon Milner cho biết Facebook hiện đang làm dâu ở rất nhiều quốc gia và “Ở một số nước chúng tôi chỉ là một trong các nàng dâu, nhưng ở đây chúng tôi là nàng dâu trưởng”.

Nguyễn Mạnh Hùng đã thắng một điểm quan trọng trước Facebook, cũng là để gỡ gạc phần nào đó sĩ diện của một nhà nước Việt Nam chỉ còn biết đi vay để đảo nợ nước ngoài nhưng vẫn chẳng thu được đồng nào trong tổng số hàng chục ngàn tỷ đồng mưu tính truy thu từ hoạt động kinh doanh chưa đóng thuế của Facebook tại Việt Nam trong nhiều năm qua.

Vào tháng Tư năm 2017, khi người đứng đầu Quản Trị Chính Sách Toàn Cầu của Facebook là bà Monika Bickert đã có cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn và báo đảng đăng tin: “Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao tinh thần thiện chí hợp tác của Facebook…”, rất nhiều người bất đồng chính kiến và người hoạt động mạng xã hội ở Việt Nam đã không muốn tin vào lối tuyên truyền bị xem là ‘nhét chữ vào miệng’ và thường là đậm tính dối trá ấy.

Nhưng từ cuối năm 2017 đến nay, hiện tượng facebook của nhiều người đấu tranh dân chủ và nhân quyền bị gỡ nội dung và bị khóa đã trở thành số nhiều và liên tục. Tình trạng bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, cũng như vấn đề khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung đã gia tăng nghiêm trọng mà không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Facebook ngoài lý do mơ hồ là “vi phạm tiêu chuẩn”.

Giám đốc Facebook tại Việt Nam là bà Lê Diệp Kiều Trang – con gái của một cựu quan chức cộng sản – đã nhiều lần thẳng tay cắt bỏ nhiều nội dung phản biện xã hội và tố cáo giới quan chức của những facebooker.

Cùng thời gian trên, giới tuyên giáo Việt Nam phổ biến thông tin cho biết vào năm 2017, Việt Nam đã yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clip bị cho là “nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước” trên YouTube, để đến thời điểm diễn ra cuộc gặp Monika Bickert – Trương Minh Tuấn đã có hơn 1000 clip bị xóa.

Nhiều dư luận đã đặt câu hỏi: Vì sao Facebook – một tổ chức mạng có uy tín quốc tế và được tiếng là độc lập với các chính phủ, lại dễ dàng thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam trong việc “xóa tin xấu độc’ – mà thực chất là xóa và gỡ nhiều tin tức, bình luận về dân chủ nhân quyền và bất công xã hội?

Phải chăng mối quan hệ ‘dâu về nhà chồng’ và ‘thành khẩn hợp tác’ trên là để đánh đổi lấy việc chính quyền Việt Nam, vào tháng Tư năm 2018, đã gỡ quy định bắt các tổ chức mạng quốc tế phải đặt máy chủ ở Việt Nam khỏi dự thảo Luật An ninh mạng? Và đánh đổi lấy việc chính quyền Việt Nam sẽ nương tay trong đánh thuế Facebook?

Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy – Phó chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cho rằng dường như có sự thỏa hiệp giữa Facebook và chính quyền Việt Nam trong việc ngăn chặn và kiểm duyệt thông tin trên Facebook: “Họ thỏa hiệp với nhà cầm quyền Việt Nam để ngăn chặn Facebook. Việc này làm mất uy tín đối với người sử dụng. Tôi không hiểu tại sao họ lại bị sức ép như thế. Họ đã ngăn chặn và xóa bài hết sức tùy tiện. Rất nhiều bạn bè của tôi đã kêu ca và bản thân tôi cũng bị như thế. Điều này thật khó hiểu.”

Còn theo nhà hoạt động Đinh Quang Tuyến: “Bất luận là từ phía nào, việc ngăn chặn thông tin là xem như đã vi phạm nhân quyền, quyền biểu đạt, tự do thông tin và tư tưởng. Việc Việt Nam vi phạm nhân quyền là thấy rõ rồi. Còn Facebook có thật sự đã thỏa hiệp đến mức độ nào thì tôi chưa rõ nhưng các hoạt động có biểu hiện bị ngăn chặn. Rõ ràng là Facebook đã mất thiện cảm với người dùng. Nếu đúng là Facebook đã thỏa hiệp với Cộng sản thì đó là điều rất đáng tiếc cho chính Facebook.”