Vì sao ông Vũ Quang Anh ‘tự tin’ về hồ sơ nhân quyền trước EU?

Ánh Liên, Việt Nam Thời báo, ngày 13/10/2018 

Nhiều người đả kích ông Vũ Quang Anh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Đại Công quốc Luxembourg, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU vì những sự tự hào liên quan đến nhân quyền. Nhưng những quan điểm này lại có đúng?

Ông cho biết, ‘Việt Nam không nằm trong danh sách các nước bị Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đánh giá là thường xuyên vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng và có hệ thống […] Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) chưa bao giờ đưa ra một nghị quyết về tình hình nhân quyền ở Việt Nam’. Thực sự là đúng như vậy, UNHRC đã lên án nhiều nước, nhưng trong đó không có Việt Nam.

Nhưng tại sao một cơ quan về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc lại có đánh giá như thế đối với Việt Nam, để rồi đây, Việt Nam có thể sử dụng điều đó để bầu chữa cho các giá trị nhân quyền của chính mình.

Nhân quyền không còn đất sống tại LHQ


Trước tiên, cần nhận thức rằng, UNHRC là một tổ chức nằm trong Liên Hiệp Quốc, tổ chức này hoàn khác với Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HRC), Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR). UNHRC chỉ có 47 thành viên và được thành lập vào năm 2006 để thay thế Ủy ban Nhân quyền (UNCHR) – vốn bị chỉ trích là cho phép các quốc gia có hồ sơ nghèo về nhân quyền như Cuba; Trung Quốc; Nga; Ả rập xê –út có tư cách thành viên.

Sự ra đời của UNHRC xuất phát từ quan điểm thay đổi và cải tổ UNCHR của Tổng thư ký LHQ Kofi Annan vào năm 2006, nhằm loại bỏ những nước vi phạm nhân quyền ra khỏi Ủy ban, nhưng giờ đây – dưới hình hài mới, UNHRC không khác gì người tiền nhiệm của nó là mấy.

Các thành viên nhiệm kỳ 3 năm của UNHRC hầu hết dính các tỳ vết về nhân quyền, đơn cử như vào nhiệm kỳ 2014 – 2016 thì thành viên được bầu là Trung Quốc, Maldives, Ả rập xê út, Việt Nam, Nga, Cuba, Algerie, Nam Phi; đến nhiệm kỳ 2017 – 2019 thì có Ai Cập, Tunisia, Nam Phi, Trung Quốc, Irag, Ả Rập Xê Út, Cuba. Thậm chí, chính quyền Eritrea được coi là nơi mà người dân phải bỏ trốn khỏi đất nước để tránh bị đàn áp, tra tấn (bị kiểm soát chặt chẽ về quyền dân sự và quyền ngôn luận) lại là chính quyền được bầu vào cơ quan nhân quyền này, trong một cuộc bỏ phiếu. Và cùng với Bahrain, Bangladesh, Cameroon, Philippines và Somalia (những nhóm nước bị đánh giá là không đủ tiêu chuẩn) giờ đây lại đàng hoàng bỏ phiếu phủ định về các hồ sơ nhân quyền.

Ông Thứ trưởng Bộ Công thương, Trần Quốc Khánh tuyên bố nên tập trung thương mại hơn là nhân quyền.

Các nhóm nhân quyền như UN Watch từng cảnh báo, sự dễ dãi trong nhóm thành viên sẽ làm suy yếu uy tín của UNHRC.

Câu hỏi được đặt ra là: tại sao những nước vi phạm tồi tệ nhất của thế giới lại có mặt tại UNHRC? Tính cải tổ của nó đến đâu và tính chất nhân quyền của nó như thế nào.

Câu trả lời là UNHRC bầu chọn thành viên theo nhóm địa lý, thay vì để cho các quốc gia thực sự sạch sẽ về nhân quyền ngồi trong đó. Chính vì vậy, đã dẫn đến câu chuyện, ‘chính LHQ đã bầu những kẻ vi phạm nhân quyền vào UNHRC’ như cách mà cựu Bộ trưởng Tư pháp Canada ông Irwin Cotler, Giám đốc Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg từng lên tiếng phê phán.

Nói cách khác, với cơ chế thành viên như vậy, giờ đây Hội đồng đã trở thành tổ chức bảo kê cho chính các quốc gia vi phạm nhân quyền.

Chính vì lý do như vậy mà vào ngày 19.06.2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley thông báo rằng, bằng cách nhắm mắt cho những nước vi phạm nhân quyền dễ dàng tham gia và phá hoại UNHRC, các nền dân chủ hàng đầu đang cho thấy sự suy giảm đạo đức của cả thế giới. Thậm chí, trong lời chỉ trích còn nhắm đến cả châu Âu, khi mà trưởng ban Chính sách đối ngoại của EU, ông Federica Mogherini đã dẫn đầu các nước thành viên im lặng trước vấn đề này.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc – hai quốc gia độc tài đang tiến hành cuộc vận động cắt giảm kinh phí giám sát nhân quyền trong UNHRC, một nỗ lực nhằm làm suy yếu nỗ lực bảo vệ nhân quyền của LHQ.

Tất cả những gì diễn biến tại UNHRC, và cả lời tuyên bố có phần kiêu căng của ông Đại sứ thực ra là sự phản ánh của việc, nhân quyền đang mất đất sống tại Liên Hiệp Quốc.

EVFTA sẽ ký và nhân quyền nhạt nhòa

Trở lại với Việt Nam, có ký EVFTA hay không? Điều này có thể, khi mà nhân quyền suy yếu trong tổ chức này, thay vào đó là thương mại lên ngôi. Thực ra, EVFTA có thể được nhìn qua lăng kính của câu chuyện Hy Lạp, một thành viên của EU, nước đã từng ngăn chặn tuyên bố lên án nhân quyền của EU đối với Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Tuyên bố này chỉ trích việc đàn áp các nhà hoạt động xã hội, những người bất đồng chính kiến dưới thời kỳ Tập Cận Bình. Tuy nhiên, quan chức ngoại giao Hy Lạp tuyên bố: chúng tôi hành động theo nguyên tắc, có một đối thoại sắp diễn ra giữa EU và Trung Quốc, và chúng tôi nghĩ rằng điều đó hiệu quả, mang lại tính xây dựng và đem lại kết quả tốt hơn’.

Câu chuyện có thể diễn ra tương tự với Việt Nam, Hà Nội sẽ không gặp quá nhiều áp lực khi EVFTA đang được hưởng ứng bởi doanh nghiệp EU và không ít các vị nghị sĩ EU tại phiên điều trần. Quan hệ giữa Việt – Đức (Đức là đầu tàu EU) đang ấm dần lại, và đối tác chiến lược đang được thúc đẩy trở lại, với sự nhún nhường đáng kể từ Chính phủ Đức thông qua việc mời đại diện Hà Nội qua Berlin.

Và cũng vì lý do đó, mà ông Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khi trả lời bà Judith Kirton-Darling (thành viên nghị viện EU) đã thẳng thừng rằng: Chúng tôi chưa bao (tôi không nhớ) đã ký bất kỳ cam kết nào về nhân quyền, vì WTO không tập trung vào vấn đề nhân quyền.

EVFTA sẽ thông qua, và hồ sơ nhân quyền Việt Nam đủ để gọi là ‘tồi tệ’ trong những năm tiếp theo. Blogger Phạm Đoan Trang có lý khi nhận định trên Facebook cá nhân rằng, EU ‘với tư duy sến súa của một bộ phận quan chức, vẫn nghĩ đến chuyện dùng luật pháp quốc tế và sự hội nhập để động viên, khuyến khích nhà nước Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền’. Tuy nhiên, cái bà Trang không nhận ra là, xu hướng ‘sến súa’ đó nó không chỉ ở một bộ phận EU, mà ngay trong cả Liên Hiệp Quốc, đặc trưng tại UNHRC như đề cập ở trên.

Với Việt Nam, hay người hoạt động nhân quyền Việt Nam, câu chuyện tự lực cánh sinh đặt ra cần thiết hơn bao giờ hết!