Vận động ký EVFTA ở châu Âu: Thủ tướng Phúc sẽ bị hố lần nữa?

“Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chờ thêm 6 tháng nữa để Việt Nam thực hiện lời hứa. Nhưng không chỉ là lời hứa mà là sự đảm bảo, ngay cả trước khi Nghị Viện Liên Âu phê chuẩn hiệp định này” – bà Maria Arena thuộc đảng Xã Hội của Vương quốc Bỉ, là thành viên của Nghị Viện Liên Âu.

 

Minh Quân, Việt Nam Thời báo, ngày 18/10/2018

 

Về phần mình, thông tin đến báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chuyến thăm Vương quốc Bỉ lần này của Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt vì diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tại hội đàm hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục-đào tạo, văn hóa, giao thông vận tải; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU sắp được ký kết” – Thông tấn xã Việt Nam đưa tin về chuyến đi hai nước Áo và Bỉ của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu) là lợi ích kinh tế quá thiết thân đối với sụ tồn tại của ngân sách và cũng là của chế độ độc đảng ở Việt Nam. Trên danh nghĩa là dự Hội nghi cấp cao ASEM lần thứ 12 và Hội nghị P4G, nhưng rất có thể Nguyễn Xuân Phúc nhắm đến mục tiêu lớn nhất trong chuyến đi châu Âu lần này là thuyết phục bằng được – nếu không phải là Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu thì cũng là một số nước trong EU – để ‘sớm ký kết và triển khai EVFTA’.

Thế nhưng trái với lối tuyên truyền một chiều và ‘nhét chữ vào miệng người khác’ của hệ thống tuyên giáo đảng Việt Nam, cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu hay dấu hiệu nào cho thấy EVFTA sẽ được ký vào tháng Mười năm 2018, sau cuộc điều trần về chủ đề EVFTA – nhân quyền do Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu tổ chức vào ngày 10 tháng Mười vừa qua tại Brussels, Bỉ.

Trong toàn bộ nội dung gặp gỡ giữa Thủ tướng Phúc với hai thủ tướng của Áo và Bỉ, đã không có bất kỳ phát ngôn nào của hai thủ tướng này về việc họ cam kết sẽ có tác động vào Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu hay Cộng đồng châu Âu, hoặc Nghị viện châu Âu để sớm ký kết và phê chuẩn EVFTA. Những hứa hẹn từ phía ‘nước bạn’ chỉ là chung chung. Thậm chí trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Phúc, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz còn nói thẳng: “Trong cuộc hội đàm 2 bên cũng đã đối thoại với nhau về đề tài nhà nước pháp quyền, dân chủ, nhân quyền và quyền của người dân. Tôi nghĩ rằng việc tiếp đón các quốc gia thân hữu một cách thân thiện, đó là một việc đúng đắn và có ý nghĩa, nhưng không có nghĩa là phải im lặng về ‚những đề tài nào đó‘ mà hai bên có những ý kiến khác biệt với nhau”.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và Thủ tướng Phúc trong cuộc họp báo.

Trong khi đó, những tin tức được tiết lộ sau cuộc họp ngày 10/10/2018 tại Bỉ của Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu về số phận run rủi của EVFTA đã phác ra khả năng hiệp định này có thể chưa được ký kết vào tháng Mười năm nay.

Trong cuộc họp đó, Việt Nam vẫn đánh bài lờ nhân quyền. Đại diện chính thức của Việt Nam là Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cùng đoàn đàm phán EVFTA của Việt Nam đã không thể trưng ra bất kỳ minh chứng nào về việc chính thể độc đảng ở Việt Nam chấp nhận ký 3 công ước quốc tế của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức. nói tóm lại, phái đàon Việt Nam đến Bỉ để điều trần nhưng đã không mang theo bất kỳ ‘món quà’ nào về cải thiện nhân quyền.

Quan sát cuộc họp trên qua livestream, trang Vietnamthoibao.org của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam mô tả: Các ý kiến bày tỏ sự lo ngại khi tình hình nhân quyền của Việt Nam đã trở nên ngày càng xấu đi trong ba năm qua khi có nhiều nhà hoạt động nhân quyền và môi trường bị bắt giam và lãnh án tù nặng chiếu theo những điều luật 79 và 78 của bộ luật hình sự. Mẹ Nấm là trường hợp được nêu đích danh trong số các tù nhân lương tâm/ môi trường/ chính trị cần được trả tự do ngay lập tức.

Các nghị sỹ yêu cầu Việt Nam sớm thông qua 3 công ước còn lại của Công ước Quốc tế về Quyền lao động nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt Nam một khi có công đoàn độc lập.

Điều mà những người tham gia đặt câu hỏi muốn biết là Việt Nam sẽ làm gì để cải thiện nhân quyền; kế hoạch cụ thể để cải thiện nhân quyền là gì; Việt Nam cần thể hiện bằng hành động để chứng minh sẽ và có thể thực hiện các cam kết. Ngoài ra cũng yêu cầu rằng 3 công ước còn lại của ILO cần phải được Việt Nam ký chính thức trước khi EU bỏ phiếu chấp thuận EVFTA.

Bà Granwander Hainz đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện, cũng như các cam kết về nhân quyền chỉ toàn có tiêu đề mà không có nội dung cụ thể.

Còn bà Maria Arena thuộc đảng Xã Hội của Vương quốc Bỉ, là thành viên của Nghị Viện Liên Âu cho biết không thấy nhiều tiến triển về phía Việt Nam: “Năm nay là năm 2018, từ năm 2012-2018 chúng tôi nhận thấy các tiêu chí về quyền Nghiệp đoàn và nhân Quyền của Việt Nam vẫn chưa tiến bộ một cách đầy đủ. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chờ thêm 6 tháng nữa để Việt Nam thực hiện lời hứa. Nhưng không chỉ là lời hứa mà là sự đảm bảo, ngay cả trước khi Nghị Viện Liên Âu phê chuẩn hiệp định này. Nghị viện Liên Âu cần Việt Nam có những chỉ dấu tích cực chứ không chỉ là lời hứa. Chúng tôi có thể cho thêm thời gian, nhưng thời gian đó phải được Việt Nam sử dụng để có những hành động cho thấy được sự nổ lực của họ”.

Nếu căn cứ vào chính cuộc họp trên mà không phải là những yếu tố chính trị khác, xác suất EVFTA và Việt Nam bị loại có thể lên đến 70% hoặc hơn. Để rất có thể Thủ tướng Phúc lại một lần nữa bị hố trước một bàn ăn thương mại tưởng như đã bày sẵn món ăn hiệp định thương mại.

Bởi không phải cứ bày ra là vục đầu ăn được…

Vào tháng Năm năm 2017, Nguyễn Xuân Phúc đã bị hố lần đầu tiên kể từ khi ông ta trở thành thủ tướng. Đó là chuyến công du Hoa Kỳ và gặp Tổng thống Trump. Trước đó, trang thông tin chính phủ Việt Nam đã lần đầu tiên tạo ra hiện tượng đánh tiếng ‘Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn đi Mỹ’, đồng thời có tin trong giới chuyên gia nhà nước Việt Nam là một bản hiệp định (Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ?) đã được chuyên viên hai bên chuẩn bị sẵn, đặt trên bàn (của Trump?) và chỉ còn chờ ký.

Nhưng sau chưa đầy một giờ đồng hồ tiếp xã giao Phúc, Trump không những không đề cập gì đến Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ là cái mà giới chóp bu Việt Nam cực kỳ thèm muốn, mà còn đòi Thủ tướng Phúc phải san bằng cán cân xuất nhập khẩu quá mất cân bằng giữa Mỹ và Việt Nam, tức phải giảm mạnh giá trị xuất siêu của hàng Việt Nam vào thị trường Mỹ. Cho đến nay, nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’ đó của Trump đang được triển khai nhanh chóng và đe dọa một cuộc chiến thương mại với Việt Nam.